Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


SỰ THAY ĐỔI TRONG VĂN HÓA VẬT CHẤT CỦA NGƯỜI HÀN QUỐC TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY (PHẦN 2)

Đăng ngày:

Sự thay đổi trong văn hóa uống rượu

“Sunari” 14 độ là loại rượu đang được ưa chuộng tại Hàn Quốc bởi vị ngọt của nó. Hồi học đại học, tôi đã uống rượu soju 28 độ và đến giờ nồng độ rượu đã giảm xuống một nửa. Có câu: “Rượu là món quà quý nhất mà ác quỷ tặng cho con người”. Rượu là thứ uống vào là bị say nhưng sao con người ta lại thích uống? Tôi thật sự khó hiểu! Từ thời Shilla, người ta đã chơi trò Khúc thủy lưu xương[1] tại Poseokjang (Bảo thạch đình). Cảnh tiệc rượu bồng lai được miêu tả một cách tuyệt diệu, hòa trộn giữa phong cảnh và phong tục trong bức họa Mãn nguyệt đài khế hội đồ của danh họa Kim Hong Do thời vua Yeongjo (Anh Tổ) nhà Joseon (Triều Tiên). Tùy vào từng thời kỳ mà cách thưởng thức rượu cũng khác nhau.

Sau ngày giải phóng, tôi thường xuyên được bố sai đi mua rượu. Hồi đó, hễ có đứa trẻ nào xách ấm ra quán mua rượu cũng đều nghe các chú bán hàng dặn với: “Nhớ mang về nhà, cấm được uống!Chú theo dõi đấy!”. Tôi phải làm mấy ngụm makgeolli mới dám bước chân vào ngõ để về nhà. Một đứa trẻ lên 10 như tôi làm sao biết được rượu ngon hay không nên đã uống ngon lành một lượng kha khá Makgeolli. Bố tôi biết rượu có vơi đi nhưng tôi cũng không nhớ bố có quở trách gì không.

Rượu truyền thống của Hàn Quốc gồm 3 loại: Takju, Cheongju và Soju. Takju là loại rượu người ta lọc ngay tại chỗ rồi uống luôn nên còn có tên gọi khác là Makgeolli. Cheongju là loại rượu cao cấp hơn Takju nên còn được gọi là dược tửu. Soju là loại rượu truyền thống, thuộc loại rượu độc nhất và được phổ biến từ sau thời Koryo. Đến cuối những năm 60, Makgeolli vẫn là loại rượu tiêu biểu trong việc thể hiện niềm vui hay nỗi buồn của thường dân và bây giờ cũng vậy. Chính vì vậy, hiệu trưởng trường Makgeolli Heo Shi Myeong không ngớt lời tán thưởng: “Makgeolli là vật gắn kết con người với nhau”.

Thực tế, không chỉ có makgeolli, soju, maekju, cheongju, yangju, goryangju, insamju, kwashilju, yakju...mà còn nhiều loại rượu nữa. Nếu đến thăm Bảo tàng văn hóa rượu thế giới Liquilium ở ChungJu, có thể thấy có hàng trăm loại rượu của các nước trên thế giới trưng bày ở đây, trong đó, có không ít loại rượu đã từng hỉ nộ ái ố cùng chúng ta.

Những năm 1970-1980, sinh viên đại học thường uống rượu suông. Đôi khi, họ rủ nhau vào nhà hàng Trung Quốc gọi món mì trộn hải sản, uống cùng rượu kaoliangju (rượu cao lương) và trong số đó, có không ít sinh viên bất mãn với thời cuộc. Thế hệ sinh viên của thời kỳ đó ai ai cũng oán thán thời đại đen tối, họ lấy vấn đề chính trị làm đồ nhắm với rượu cao lương. Lúc đó, trẻ con cũng tập uống rượu và nếu hỏi uống rượu với đồ nhắm gì thì sẽ nhận được câu trả lời rằng nó uống rượu với một gói bim bim tôm ở phòng trọ với bạn. “Ăn nhiều đồ nhắm vào!”, đó là lời khuyên nhủ đầu tiên mà tôi muốn dành cho bọn trẻ.

Từ sau những năm 90, nồng độ rượu bắt đầu giảm dần. Số người uống bia tăng lên nhanh chóng, các quán bia hơi cũng bắt đầu ăn nên làm ra, số lượng người cho rằng uống bia đầm hơn uống rượu cũng tăng nhanh.

Văn hóa liên hoan ở công sở cũng thay đổi. Văn hóa liên hoan công sở tôi đề cập ở đây là nói đến văn hóa trong các buổi liên hoan của nhân viên nơi công sở, không đề cập tới việc uống rượu. Thông thường, tăng 1, tăng 2 họ uống rượu truyền thống hoặc bia nhưng tăng 3 nhất định là rượu tây. Các nhóm nhân viên trong công ty đi xem biểu diễn rồi ăn tối sơ sơ cùng nhau hoặc chơi thể thao cùng nhau. Cách liên hoan mà các nhân viên công ty lựa chọn nhiều hiện nay là họ rủ nhau đến một nhà hàng có đồ ăn ngon, uống với nhau vài vại bia. Mọi người có nghe nói đến Phong trào 119 không? Đó là phong trào vận động kết thúc tăng 1 bữa liên hoan của nhân viên công sở trước 9 giờ đêm chỉ bằng một loại rượu. Việc đó quả là rất tốt nhưng cái sự “làm phiền nhau” dần bị mai một và mọi người cảm thấy có gì đó tiếc nuối.

Từ ngày giải phóng đến nay, sự thay đổi lớn nhất trong văn hóa thưởng thức rượu của người Hàn Quốc là sự tham gia mạnh mẽ của giới nữ. Các bạn tôi đang làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều tán thành với nhận định đó. Ngày nay, trong các buổi tiệc rượu với các nhân viên mới thì nhân viên nữ uống nhiều hơn nhân viên nam. Tuy nhiên, không phải ở mọi công ty đều như vậy, song rõ ràng là số lượng nữ giới uống được rượu ngày càng tăng. Sau ngày giải phóng, có lẽ họ đã muốn được uống nhưng vì hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ nên không thể. Bên cạnh đó, số lần thưởng thức rượu của thanh niên cũng gia tăng. Điều này hoàn toàn khác với việc tôi uống ừng ực mấy ngụm rượu makgeolli của bố tôi ngày trước.

Liên quan đến quảng cáo về rượu cũng có nhiều chuyện để nói. Trên truyền hình, chỉ sau 10 giờ đêm mới được quảng cáo rượu. Rượu là thứ cần trong cuộc sống nhưng những ảnh hưởng không tốt của nó tới giới trẻ lại không hề nhỏ, vì vậy, nó cần phải có quy chế quản lý. Quốc hội Hàn Quốc vừa thông qua bản sửa đổi Luật tăng cường sức khỏe quốc gia, trong đó, cấm người mẫu dưới 24 tuổi đóng quảng cáo rượu. Gần đây, việc tham gia quảng cáo rượu của ca sĩ thần tượng chưa tròn 24 tuổi IU đã trở thành vấn đề bàn tán tại Hàn Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cấm người mẫu dưới 24 tuổi quảng cáo rượu có khiến cho thanh niên không uống rượu? Mặc dù vậy, việc ban hành quy chế quảng cáo rượu cũng có lý do riêng. Hơn nữa, sự thay đổi trong văn hóa uống rượu cũng dần dần thay đổi theo từng thời kỳ.

Đúng là sống mà không thể không uống rượu. Biết uống rượu thì hay biết mấy? Tôi xin giới thiệu tới các bạn một bài hát của ca sĩ nổi tiếng Kim Soo Yeon với tựa đề Tứ tiết ca. Bài hát có nội dung như sau: “Dù cuộc sống có kéo dài 100 năm, thì bỏ đi những ngày bệnh tật, những ngày ngủ, những lo âu, chúng ta cũng không thể sống quá 40 năm. Chết thì cũng trở thành một nắm đất ở vùng sông núi hoang sơ mà thôi! Chết rồi mâm cao cỗ đầy cũng không bằng môt chén rượu khi còn sống. Xin hãy bắt đi trước lần lượt những kẻ căn cắp lương thực quốc gia, kẻ bất hiếu với cha mẹ, kẻ bất hòa với anh em, những người đồng liêu còn lại quây quần vừa uống vừa vui chơi thỏa thích...”

Một bữa tiệc thịnh soạn sau khi chết cũng không thể bù đắp nổi một chén rượu lúc sinh thời, vì vậy, chúng ta hãy thoải mái một lần đi! Lúc này rượu nặng sẽ hợp hơn rượu nhẹ. Trong cuốn Lời răn đối với những người nghiện rượu của Heo Shi Myeong: “ Đừng biến rượu thành cái xấu xa, hãy làm cho nó trở thành đạo!”.

 

Người dịch: Phan Thị Oanh – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Nguồn: http://www.korea.kr/policy/cultureView.do?newsId=148793480

 



[1] Đây là một thú vui của quan lại và quý tộc trong ngày hội được tổ chức vào ngày thứ ba của tháng 3 âm lịch. Người ta tung chiếc chén lên cao, cho đến khi chiếc chén rơi xuống trước mặt mình phải ngâm xong một bài thơ.


Scroll To Top