Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


TÌM HIỂU NHO GIÁO KORYO (918-1392) - THỜI KỲ VĂN TRỊ TRONG GIAI ĐOẠN TRUNG KỲ

Đăng ngày:

Thời kỳ võ trị là giai đoạn Nho giáo suy vi, xã hội hỗn loạn và giới quân sự lên ngôi, quân đội khống chế triều đình Koryo và võ quan chiếm ưu thế tuyệt đối. Sau đây chung ta sẽ tìm hiểu thời kỳ văn trị trong giai đoạn này.

Các nhà nghiên cứu lịch sử Nho giáo Hàn Quốc đều nhất trí cho rằng thời kỳ này là từ thời vua Mun-jong (Văn Tông 1046-1088) đến thời vua Ui-jong (Nghệ Tông 1146-1170). Vua Mun-jong là người coi trọng hiền sĩ, một mặt tôn sùng Phật giáo cho xây dựng nhiều chùa chiền, mặt khác cũng trọng Nho, tổ chức cho sinh đỗ học ở Quốc tử giám, xây Văn miếu thờ đức Khổng Tử, tổ chức các kì thi tuyển chọn nhân tài cử đi làm quan. Do chế độ khoa cử rất khoáng đạt, bất kể sinh đồ nào dù học ở đâu, không phân biệt đẳng cấp, tuổi tác đều có thể được dự thi, nếu thi đỗ các kì thi sẽ được cấp "Hồng bài" (thẻ đỏ) và được làm quan. Chính vì vậy, phong trào học tập lên cao và trở thành nhu cầu lớn của xã hội, trong khi đó, nhà nước chỉ có một trường lớn nhất là Quốc tử giám và mỗi địa phương một trường nhỏ là phân hiệu của trường lớn đã không đáp ứng được nhu cầu học tập của dân chúng. Cho nên, các trường tư thục mọc lên như nấm sau mưa, ngay trong kinh đô có tới 12 trường rất lớn, rất nổi tiếng. Tên của các trường này thường lấy theo họ tên hoặc chức danh của người sáng lập, một số tên lấy theo địa danh là do người đời sau đặt lại. Thầy dạy học ở đây thường là những quan văn tài cao học rộng đã về trí sĩ và một số ít vẫn còn đương chức. Nổi tiếng nhất trong số 12 trường là trường Thị trung Thôi Công. Thôi Công tức là Thôi Xung tên chữ là Hạo Nhiên người Hê Chu, nổi tiếng thần đồng từ nhỏ, sinh năm thứ 3 đời vua Sơng-jong mất năm thứ 22 đời vua Mun-jong đỗ đạt vào thời vua Mun-jong, làm quan trải 4 triều vua, làm tới chức thị trung (tức thừa tướng, chức đứng đầu hàng quan văn). Vị quan nguyên lão tứ triều này khi đương chức được quan dân kính phục. Ông có công rất lớn đối với nền văn trị Koryo, vạch ra chính sách đúng đắn phát triển kinh tế, làm cho dân cường nước thịnh, định ra pháp chế, lễ nghi và chỉ đạo việc biên soạn quốc sử. Đặc biệt đối với giáo dục, tổ chức đều đặn các kì thi tuyển chọn nhân tài, truyền bá Nho giáo, được các triều vua ban tặng chữ vàng ca ngợi công đức như "Luỹ đại Nho tông" (bậc thầy Nho học trải các triều đại) và "Tam Hàn kí đức" (người có đức lớn của Tam Hàn). Sau khi về trí sĩ, ông mở trường dạy học, đào tạo các môn sinh để tham dự các kì thi. Học trò của ông hầu như ở khắp đất nước, nhiều người đỗ đạt cao noi theo gương thầy làm nhiều điều có ích cho đất nước. Sách học ở trường này chủ yếu là Ngũ kinh Tam sử, tuy nhiên cũng có sách học về Huấn hỗ, Kí tụng, Từ chương. Ngoài đào tạo chính khoá ra, hàng năm vào mùa hè, ông cho mở lớp học chuyên sâu về kinh sử cho những học trò xuất sắc hoặc những người đã thi đỗ nhưng chưa được cử đi làm quan. Tài năng đức độ và công lao của ông đối với đất nước, nhất là trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo môn sinh theo tư tưởng Nho giáo được người đời truyền tụng, gọi là "Đông hải Khổng Tử" (Khổng Tử của Koryo)

Ngoài trường học lớn nhất của ông ra, còn lại 11 trường kia phần lớn là do các học trò xuất sắc của ông lập ra, vì thế từ tài liệu giảng dạy đến chương trình đào tạo đều mô phỏng theo trường của thầy.

Dưới thời vua Mun-jong, có thể nói rằng tinh thần hiếu học của nhân dân phát triển theo hướng tự phát được đẩy lên rất cao, nhiều nhân tài xuất hiện, tiêu biểu nhất là Phác Dần Lượng, ông vốn là quan văn, làm tới chức Hữu bộc xạ tham tri chính sự, văn chương nổi tiếng tao nhã. Vua Koryo yêu quý tài văn chương của ông, thường những công việc về ngoại giao đều do ông đảm nhiệm. Trong một chuyến được cử đi sứ sang Tống, ông cùng một vị phó sứ sáng tác một tập thơ đề vịnh trình lên vua quan nhà Tống xem. Vua quan nhà Tống hết lời khen ngợi và cho xuất bản ở nước Tống gọi là Tiểu Hoa tập. Sau khi ông mất, vua Koryo đặt tên thụy cho ông là Văn Liệt, những tác phẩm nổi tiếng của ông còn lưu lại đến ngày nay gồm Cổ kim lục (10 quyển) và Kỳ dị truyện.

Vua Yê-jong lên ngôi (Duệ Tông 1105-1122) vâng theo di chúc của cha ông, mở rộng trường Quốc học, lập ra 7 thư trai dạy từng môn riêng biệt và cũng đặt tên riêng cho nó. Cụ thể như Thư trai chuyên học Chu dịch gọi là Lệ trạch, học thượng thư gọi là Đới sính, học Mao thi gọi là Kinh đức, học Chu lễ gọi là Cầu nhân, học Đới lễ gọi là Phục ưng, học Xuân thu gọi là Dưỡng chính, học võ học gọi là Giảng nghệ. Như vậy, trong 7 thư trai trên chỉ có một thư trai dạy về võ nghệ, còn lại 6 thư trai học kinh sử, số sinh đồ học ở 6 thư trai là 70 người, còn số võ sinh học ở thư trai dạy võ chỉ có 8 người.

Năm thứ 10 đời vua Yê-jong, vua ra chỉ hàng năm tế lễ Khổng Tử, tu sửa trường Quốc học và chấn hưng Nho giáo, tuyển chọn 700 sinh đồ ưu tú ngày đêm dùi mài kinh sử. Nhà vua còn lệnh cho nhà Nho nổi tiếng đương thời là Hàn lâm học sĩ Phác Thăng Trung phụ trách và tham gia giảng bài. Không những số sinh đồ này thường xuyên học tập mà bách quan trong triều cũng định kỳ đến học, nâng cao ý thức hệ Nho giáo. Vào năm thứ 14, nhà vua còn ra chỉ dụ cho lập Dưỡng hiền khố, (tức là Kho nuôi hiền sĩ hay là Quỹ phát triển nhân tài) hàng năm chu cấp lương thực tiền bạc cho những học sinh xuất sắc và những học trò nghèo chăm chỉ học tập. Ngoài ra, nhà vua còn cho dựng Thanh Yên Các và Bảo Văn Các ở kinh đô làm trường thi, định kỳ thi tuyển các văn nhân tài tử, bổ xung cho Viện Hàn lâm nghiên cứu Chu dịch, Kinh thi, Kinh thư, Kinh lễ ... Đối với các địa phương, mỗi nơi đều có trường, gọi là trường làng, có nội quy, quy chế cụ thể về tuyển sinh, phần lớn tuyển học trò học văn, chỉ một số ít võ sinh theo học võ. Vua Duệ Tông vốn là người ngưỡng mộ lịch sử, văn hoá Trung Hoa, hàng năm đều cử những sinh đồ xuất sắc sang Tống học tập, tiếp thu những nét văn hoá văn minh Trung Hoa và những nét đặc sắc của Nho học đời Tống về phục vụ cho đất nước. Nhờ có sự quan tâm của nhà vua, sự nghiệp giáo dục Nho học có thể nói rằng phát triển khá mạnh mẽ, nhiều bậc lão Nho xuất hiện, lưu danh sử sách Koryo và có nhiều tác phẩm nổi tiếng lưu truyền đến ngày nay. Đó là Kim Nhân Tồn, Phác Thăng Trung, Trịnh Khắc Cung, Hàn An Nhân, Hồng Quán, Lý Vĩnh, Kim Phú Tăng, Kim Phú Thức, Doãn Sản Hy, Trịnh Tri Thường, Trịnh Hàng, Lý Nhân Thực, Quyền Thích... trong đó Kim Nhân Tồn và Phác Thăng Trung là hai nhân vật rất nổi tiếng. Đương thời, hai ông giúp vua soạn thảo các chính sách quan trọng, được coi là hai trụ cột của triều đình. Các chính sách về phát triển nông nghiệp, phát triển giáo dục, thực hiện chính sách ngoại giao hoà hảo hơn với nhà Tống.... đều được nhà vua chấp thuận và đã có tác dụng làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội thanh bình, văn hoá phát triển rực rỡ. Đồng thời, Kim Nhân Tồn cũng là tác giả của bộ sử Thanh Yên Các ký, ghi lại chuyện khoa cử thời bấy giờ. Ngoài ra, Kim Phú Thức là người biên soạn cuốn Tam quốc sử ký, viết về thời kỳ Ba vương quốc; Lý Nhân Thực biên soạn cuốn Xuân thu giải nghĩa, giải nghĩa Kinh Xuân thu làm sách giảng dạy cho sinh đồ. Đặc biệt có Quyền Thích, từ nhỏ nổi tiếng thông minh, có trí nhớ rất tốt, mới ít tuổi đã làu thông kinh sử, được nhà vua quý mến và cử sang Tống học tập. Trong thời gian 7 năm bên Tống, Quyền Thích đều đỗ đầu các kỳ thi, trong kỳ thi đình, vua Tống Huy Tông trực tiếp chấm bài của Quyền Thích, khen ngợi hết lời và ban cho ông được đỗ giáp khoa đệ nhất. Khi Quyền Thích về nước, vua Duệ Tông mừng lắm bèn mở tiệc lớn khoản đãi, phong ngay làm Tiến sĩ, lệnh cho soạn thảo quy chế, lễ nghi trường Quốc học và ban cho chức Hàn lâm học sỹ, Tế Tửu Quốc tử giám kiêm học sĩ Bảo Văn Các.

Dưới thời vua In-jong trị vì (Nhân Tông 1122 - 1146), chế độ học tập và khoa cử được hoàn thiện hơn, nhà vua ra lệnh cho các quan định ra chế độ, quy chế của các trường học từ trung ương đến địa phương. Ở trung ương, nhà vua cho mở mang Quốc tử giám, phân ra 6 cấp học và có quy định cụ thể về tư cách người được nhập học, về số lượng học sinh, về thầy dạy và môn học bắt buộc.

Điều lưu ý là số học trò được nhập học chủ yếu là con cháu các quan lại và phân theo cấp bậc nhất định, chương trình học cũng như môn học đều theo Nho học, các môn học mang tính thực tiễn như luật học và toán học xếp hạng thứ yếu, không được coi trọng. Cụ thể các môn học đều theo các sách kinh điển Nho giáo của Trung Quốc như Kinh dịch, Kinh thi, Kinh thư, Kinh lễ, Kinh Xuân thu và Luận ngữ, Hiếu kinh....

Đối với các trường làng, nhà vua cũng ra chỉ dụ khuyến khích học tập, không giới hạn tuổi tác, thân phận, tạo điều kiện cho dân chúng được học tập, nhưng về quy mô trường học cũng như trang thiết bị, sách vở, thư viện, thày dạy... bị hạn chế rất nhiều so với trường Quốc học. Vì vậy, trường tư vẫn có đất phát triển, tuy quy mô trường tư rất nhỏ nhưng thày dạy đều là những quan văn nổi tiếng đã về trí sĩ, có kinh nghiệm giảng dạy vào đào tạo khoa cử nên nhiều học trò theo học.

Về chế độ khoa cử, so với thời vua Kuang-jong (Quang Tông) ông vua đầu tiên lập ra chế độ khoa cử thì hoàn thiện hơn nhiều, ở một số điểm sau:

-Về thời gian: tuy chưa định kỳ vào những năm cụ thể như thời Cho Son sau này tổ chức vào những năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu nhưng cũng tổ chức 3 năm một lần hoặc có thể kéo dài hơn do điều kiện khách quan bắt buộc như bão lụt, đại tang ...

- Về số thí sinh dự thi: không giới hạn về số lượng cũng như độ tuổi, thân phận sang hèn, học trường công hay trường tư.

- Về các kỳ thi bắt buộc: các sĩ tử trước hết phải trải qua kỳ thi ở địa phương, thi đỗ ở trường làng được gọi là Hương cống, thi đỗ trường ở kinh đô được gọi là Sĩ cống. Số Hương cống và Sĩ cống này sẽ đuợc thi lần thứ hai ở Quốc Tử giám, thi đỗ ở trường này được gọi là Giám thí, được tập trung lại học trong 3 năm ở trường Quốc học. Lần thứ ba, đích thân nhà vua ra đề thi, thí sinh phải làm 3 bài về thơ, phú, luận. Nếu ai thi đỗ được nhà vua ban thưởng Hồng bài, cử đi làm quan.

- Về các môn thi: hai môn thi chính là Chế thuật và Minh kinh; Môn Chế thuật bao gồm Kinh nghĩa và thơ phú, môn Minh kinh bao gồm Chu dịch, Thượng thư, Mao thi, Xuân thu, Lễ ký. Ngoài ra còn một số môn thi khác là luật học, toán học, nghệ thuật thư pháp, y học, bói toán, địa lý...

Đối với môn học võ, môn này chính thức được bắt đầu từ thời vua Yê-jong (Duệ Tông) như trên đã nêu, ban đầu chỉ lấy số ít võ sinh, sau đó tổ chức một số kỳ thi võ để tuyển võ sĩ nên số võ sinh theo học ngày một đông. Số võ quan trong triều dần dần hình thành một thế lực riêng và đã xảy ra xung đột đối với quan văn do địa vị cũng như quyền lợi của họ thấp kém hơn nhiều. Đến thời vua In-jong (Nhân Tông), vì lo sợ mâu thuẫn hai bên căng thẳng và trước áp lực của phái văn trị, năm thứ 11, vua In-jong (Nhân Tông) bãi bỏ chế độ thi tuyển võ quan và xoá bỏ các trường dạy võ.

Như vậy, có thể nói rằng từ khi Koryo dựng nước, thời kỳ này Nho học phát triển mạnh nhất. Nó được phản ánh bởi nền tảng chính trị xây dựng chủ yếu dựa trên quyền lực tối cao của các quan văn, đứng đầu là nhà vua và chế độ học hành, khoa cử được tổ chức chặt chẽ, được khuyến khích, được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Nhưng sự ngược đãi đối với giới quân sự, cấm mở trường dạy võ, cấm không được thi võ và nhiều nguyên nhân khác đã dẫn đến cuộc nổi loạn sau này và Nho giáo Koryo trượt dốc không sao cứu vãn nổi.

Thực hiện: Lý Xuân Chung -Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Biên tập và chỉnh sửa: Nhóm web; tựa đề do chúng tôi chỉnh sửa

Nguồn: TCNCĐBA

Scroll To Top