SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NHO GIÁO KORYO (918-1392) - THỜI KỲ PHỤC HƯNG TRONG GIAI ĐOẠN HẬU KỲ
Đăng ngày:
Vua Uôn-Jong (Nguyên Tông 1259-1274) sau khi kế vị đã rời đô từ đảo Kang-Hoa về kinh đô cũ là Ke-Sơng. Về đối ngoại, trực tiếp là đối với nhà Nguyên, vua Uôn-jong (Nguyên Tông) phải nhẫn nhục thần phục, giữ tình hoà hiếu mật thiết với nhà Nguyên để bảo đảm nền hoà bình ổn định nước nhà. Về đối nội, Ông theo đuổi con đường văn trị, phủ dụ dân chúng, coi trọng sức dân, phát triển nông nghiệp, phục hưng Nho giáo, mở mang trường học... Chẳng bao lâu sau, đất nước yên bình, nhân dân no ấm, Nho học được phục hồi.
Xuất phát từ đường lối trị quốc theo hướng văn trị, vua Uôn-jong (Nguyên Tông) đã cho lập lại các trường làng, dạy chữ cho nhân dân và Nho học dần dần được phục hồi. Bước khởi đầu trở lại của một quá trình giáo dục đó đã báo hiệu một sự khởi sắc mới cho nền Nho học Koryo những thời kỳ sau. Vua Chung -niơn (Trung liệt vương: 1274 - 1308) lên nối ngôi đã nhanh chóng kế thừa, thúc đẩy sự nghiệp Nho học của nước nhà và đạt được những thành công nhất định. Vua Chung -niơn là một ông vua hiếu học từ nhỏ, rất thông minh, thích sáng tạo và tôn trọng giáo dục Nho giáo. Lên ngôi được mấy năm, Ông đã hạ chỉ chiêu hiền nạp sĩ, kêu gọi các nho sĩ có tài còn ở ẩn nơi thôn cùng xóm vắng ra giúp triều đình mở mang giáo dục, mời các nho sĩ uyên thâm kinh sử làm giáo thụ trường Quốc học. Đồng thời, Ông cũng cử 7 vị quan đại thần trong triều là Kim Đê, Phương Dung, Thôi Ung, Liễu Doãn, Tiết Điều, Lý Dụ, Ngô Hán Khanh phụ trách công việc tổ chức học đường, tuyển sinh và giảng dạy kinh sử. Cùng năm đó, tức năm 1280, vua tổ chức kỳ thi thơ phú, đích thân nhà vua ra đề, chấm thi, lấy đỗ 9 người để bổ nhiệm phụ trách thư viện, lục sự... Cũng từ đây, thuật ngữ "điện thí" (kỳ thi được tổ chức ngay trong cung vua, đích thân nhà vua ra đề, hỏi thi, chấm thi) bắt đầu xuất hiện, thí sinh thi đỗ điện thí thời kỳ này gọi là "môn sinh điện thí" và được hưởng sự đãi ngộ đặc biệt của triều đình, được cấp thẻ đỏ, được dự triều chính hoặc bổ đi làm quan, được ban nhiều ruộng đất. Cũng chính do nhà vua không những chú trọng đến kinh sử mà còn đặc biệt lưu ý đến thơ văn nên các trường từ trung ương đến địa phương cũng đã phát triển môn học này. Đường thi, Tống từ và thơ văn Trung Quốc được hoà nhập, được tiếp nhận và phát triển rất nhanh chóng bởi những ý thơ mượt mà uyển chuyển, sâu lắng đã chuyển tải tư tưởng Nho giáo vào Koryo một cách tinh tế hơn, sâu sắc hơn. Những ý tưởng về trung hiếu, lễ nghi, cách đối nhân xử thế và cả tư tưởng lớn về trị quốc yên dân theo tư tưởng Nho giáo đã được chuyển sang thể thơ ca theo thể Đường luật hoặc theo thể thơ dân gian Koryo để dễ phổ cập, dễ giảng dạy và học tập. Cùng với việc chú ý đến phát triển giáo dục, nhà vua còn ra lệnh cho một số quan văn uyên thâm Nho học biên soạn quốc sử. Theo sử sách Koryo cho biết rằng bộ sử "Thế đại biên niên tiết yếu" gồm 7 quyển do Mẫn Thanh và Quyền Bạc biên soạn và "Bản quốc biên niên cương mục" gồm 42 quyển do một mình Mẫn Thanh biên soạn đều xuất hiện trong thời gian này nhưng nay đã thất truyền. Phong trào Nho học ngày một phát triển, các quan văn trong triều cùng dâng tấu sớ xin xây dựng Đại thành điện trong trường Quốc học để thờ Khổng Tử. Năm 1304, nhà vua chuẩn y và Đại thành điện được xây dựng. Do có sự khống chế của nhà Nguyên nên về quy mô và kiến trúc không được to lớn, tinh tế như Đại thành điện của Trung Quốc nhưng về cơ bản là dập theo khuôn mẫu ấy. Sau khi xây dựng xong, nhà vua cùng các đại thần tới đó làm lễ dâng hương, tế lễ Khổng Tử. Nhân chuyện đó, nhà vua cũng lập Quỹ phát triển nhân tài ở trường Quốc học và lệnh cho các quan soạn thảo Quy chế cụ thể của trường Quốc học ban bố cho cả nước biết.
Từ đây, Nho học Koryo càng ngày càng có cơ hội phát triển mạnh và đã có sự chuyển biến sâu sắc về nội dung cũng như tư tưởng với sự xuất hiện của Tân Khổng giáo.
Thực hiện: Lý Xuân Chung -Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc
Biên tập và chỉnh sửa: Nhóm web; tựa đề do chúng tôi chỉnh sửa
Nguồn: TCNCĐBA