Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NHO GIÁO KORYO (918-1392)- GIAI ĐOẠN SƠ KỲ

Đăng ngày:

Koryo, đọc theo âm Hán Việt là Cao Ly và tiếng Anh là Korea là tên một triều đại phong kiến trong lịch sử trung đại Hàn Quốc. Có thể nói rằng thời kỳ lịch sử này có nhiều biến động dữ dội nhất, để lại rất nhiều dấu ấn và là một thời kỳ vừa bi ai vừa hào hùng của dân tộc Hàn gắn liền với 6 cuộc chiến tranh giữ nước chống quân xâm lược Nguyên Mông.

Đồng thời, thời kỳ này cũng đánh dấu những bước chuyển biến của chế độ phong kiến Koryo với những đợt cải cách hành chính quốc gia, thiết lập các đơn vị hành chính tỉnh, quận, huyện, làng xã một cách quy củ, ban hành chính sách ruộng đất, phát triển nông nghiệp, trao đổi thương mại bằng tiền, công nghệ in ấn ra đời...

Trước những sự biến động của xã hội, tư tưởng cai trị cũng có những xung đột, đấu tranh, hoà hoãn và hoán đổi vị trí. Tư tưởng Phật giáo và tư tưởng Nho giáolà hệ tư tưởng chính thống ở thời kỳ này, trong từng giai đoạn khác nhau, hai tư tưởng này đều có vai trò nhất định nhưng vị thế khác nhau. Vào thời sơ kỳ, Phật giáo giữ vai trò độc tôn thì đến thời hậu kỳ, vị thế đó đã mất đi và vai trò chủ đạo thuộc về Nho giáo. Điều đó cũng nói lên rằng cuộc đấu tranh tiến tới giữ vai trò chủ đạo của Nho giáo là một quá trình, đồng thời nó cũng phù hợp với ý thức hệ của dân tộc này.

I. Giai đoạn sơ kỳ

Khi vua Thái Tổ là Wang-kon (Vương Kiến: 918-943) lên ngôi đã đổi tên nước là Koryo, dời đô về Kaesong, một nhà nước phong kiến mới trên bán đảo Hàn được thành lập. Tuy rằng đất nước đã quy về một mối nhưng cả nước vẫn trong tình trạng hỗn loạn, các lãnh chúa ở nông thôn vẫn có quyền lực rất lớn và chính quyền trung ương chưa thể kiểm soát được. Để thiết lập lại trật tự xã hội, ổn định đất nước, vua Thái Tổ đã đưa ra hai biện pháp, một mặt tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của các võ quan và lãnh chúa địa phương đã giúp ông chiếm được quyền lực cao nhất, củng cố quân đội vững mạnh. Mặt khác, Thái Tổ thiết lập mối quan hệ hôn nhân, quan hệ thân thuộc và hữu hảo với các lãnh chúa địa phương. Ông đã cưới 20 quý phi của 20 gia đình quý tộc địa phương, tạo nên mối quan hệ gần gũi, thân thiện với họ. Trong một số trường hợp, ông vua này còn lập mối quan hệ thân thiết bằng cách ban cho được mang họ của hoàng tộc, qua lại hữu hảo với những lễ vật quý giá. Tình hình trong nước tạm thời ổn định, dân chúng yên ổn cày cấy làm ăn sinh sống và chính quyền trung ương ngày một củng cố mạnh lên. Tuy vậy, cuối thời Thái Tổ , ông vẫn lo ngại về sự ổn định của quốc gia và đã dồn tâm huyết của mình viết một số bài về kinh nghiệm cai trị đất nước để lại cho đời sau. Những bài viết ngày nay còn được biết đến là "Những phòng ngừa về chính trị", "Quy chế về quan chức" và "Mười điều huấn thị". Qua nội dung những tác phẩm này, các nhà nghiên cứu tư tưởng Hàn Quốc nhất trí cho rằng tư tưởng cai trị mang nặng tư tưởng Phật giáo, tuy nhiên, tư tưởng Nho giáo cũng được trọng thị. Trong ''Mười điều huấn thị'', Thái Tổ cho rằng sự nghiệp vĩ đại thống nhất đất nước là do Đức Phật phù hộ, giúp đỡ. Vì thế, các địa phương phải xây dựng đền chùa, tuần tiết cúng lễ, tích đức cho đời sau, cho dù có xảy ra tranh chấp, xung đột lẫn nhau cũng không được phá dỡ đền chùa. Đền chùa là nơi tôn nghiêm, khi xây dựng phải đặc biệt chú ý đến thế đất, đến phong thuỷ, đó chính là cơ sở, là sự phát tích của nền hưng thịnh quốc gia, nếu làm sai thì sẽ "phạm Thiền", trời Phật trừng phạt, lòng dân rối loạn, dẫn đến bại vong....

Hai tác phẩm kia có nội dung khác, nói về cách trị nước, giải quyết xung đột, mâu thuẫn và những quy định đối với quan lại thì nghiêng hẳn theo tư tưởng Nho giáo. Thái Tổ bàn nhiều tới vấn đề nêu cao đại nghĩa, về chính danh, về nghĩa quân thần, về đạo gọi là "thượng kính hạ thuận", đặt ra quy chế cụ thể bắt buộc các quan lại thi hành... Ngoài ra, nhà vua cũng cho phép các địa phương mở trường dạy chữ Hán, ở Tây kinh cũng được lập một trường với qui mô lớn để đào tạo tú tài, cử nhân, tiến sĩ. Việc xây dựng một trường học lớn ở Tây kinh này diễn ra vào năm thứ 13 đời vua Thái Tổ, tức năm 930, nội dung chương trình giảng dạy và học tập chủ yếu dựa theo các sách kinh điển của Nho giáo, ngoài ra, nhà vua còn cho mở thêm hai khoa về y học và chiêm tinh, bói toán.

Tư tưởng dùng Nho giáo để cai trị đất nước thời vua Thái Tổ bắt đầu mới được manh nha, tư tưởng này được các triều vua Kuang-jong (Quang Tông: 949 - 975) và Sơng-jong (Thành Tông: 981-997) kế thừa và phát triển. Kuang-jong là đời vua thứ tư, là một vị vua có công lao to lớn ổn định lại tình hình đất nước sau một thời gian hỗn loạn giữa các lãnh chúa địa phương tranh giành quyền lực. Nhằm duy trì trật tự xã hội, ông học theo cách cai trị của Trung Quốc từ chức quan, kiểu cách, màu sắc y phục cũng như chế độ đãi ngộ đối với quan lại đến các lễ nghi, quy chế luật pháp đều rập khuôn theo triều đình Hoa Hạ. Quan hệ giữa Trung Hoa và Koryo rất hữu hảo, sứ thần hai bên thường xuyên qua lại viếng thăm. Sứ thần Koryo mỗi lần sang Trung Quốc đều mang theo về khá nhiều sách chữ Hán để học tập. Ngược lại, Trung Quốc cũng cử các đoàn sứ giả sang thăm Koryo để truyền bá Nho giáo. Khi đó, một đoàn sứ giả sang thăm Koryo, có một sứ thần tên là Song Dực vì bị bệnh nên không về nước ngay được, phải ở lại Koryo điều trị. Vua Kuang-jong rất yêu mến tài năng của sứ thần này, thường lui tới thăm hỏi và bàn luận kinh sách, nhận thấy Song Dực là một nhân tài tinh thông kinh sử, vua Kuang-jong phong làm Hàn lâm học sĩ của Koryo, mong được chỉ giáo cách trị nước yên dân cũng như đào tạo nhân tài, Song Dực bàn về chế độ khoa cử của Trung Quốc, đào tạo một cách có hệ thống các quan lại địa phương theo con đường học hành thi cử. Vua Kuang-jong nghe ra bèn ra chỉ dụ cho các địa phương mở mang trường học, lập các kì thi chọn ra tú tài, cử nhân đi thi tiến sĩ. Sách vở được dùng trong nhà trường lúc đó đều là các sách chữ Hán của Trung Quốc là Chu dịch, Mao thi, Thượng thư, Xuân thu, ngoài ra còn một số sách về y học, bói toán... Chế độ khoa cử của Koryo được lập ra từ đó, sự kiện này được bắt đầu vào năm thứ 9 đời vua Kuang-jong, tức năm 958, đây có thể coi là sự mở đầu cho sự phát triển mới của giáo dục và Nho giáo Koryo.

Điều mong muốn của vua Kuang-jong là toàn thể dân chúng không phân biệt dòng dõi sang hèn, kể cả người Trung Quốc sang định cư đều có cơ hội được đi học, được tham dự các kỳ thi. Nếu học hành chăm chỉ, thi cử đỗ đạt thì tuỳ theo từng cấp phân bổ đi làm quan, dần dần từng bước xây dựng chính quyền từ trung ương đến địa phương là một chính quyền dân sự, do các quan văn điều hành. Nhờ có chế độ khoa cử không hạn chế đẳng cấp, trường học ở các địa phương mở rộng nên Nho giáo ngày càng được truyền bá rộng rãi. Học tập-thi cử-làm quan, con đường đó đầy chông gai và gian khổ nhưng có mục tiêu rõ ràng và sán lạn, khi đã thi đỗ thì "mũ áo xênh xang về làng", "một người làm quan, cả họ được nhờ", vì thế, học tập, mà ở đây là học sách kinh điển Nho giáo đã trở thành động cơ lớn thúc đẩy mọi người dân Koryo.

Đến thời vua Sơng-jong (Thành Tông 981-997), một ông vua coi trọng việc học hành, sùng bái Nho giáo nhất ở triều đại Koryo đã thiết lập ra quy chế cụ thể, trường lớp quy củ, kế thừa được sự nghệp Nho học của tiền nhân. Dưới thời ông trị vì, nền chính trị quốc gia đều theo quy phạm Nho giáo, từ lễ nghi trong triều đình đến đạo đức xã hội, từ lễ nhạc đến đạo quân thần đều học theo Trung Hoa.

Mỗi năm vào mùa xuân và mùa đông, vua Sơng-jong đều cho lập đàn tế lễ trời đất theo lễ nghi Nho giáo. Cách tế lễ trời đất này lần đầu tiên xuất hiện ở Koryo, do Nhà nước tổ chức với lễ nghi long trọng khác hẳn với nghi lễ dân gian truyền thống của đạo Saman. Với ý nguyện xây dựng "quốc thái dân an", nâng cao đời sống cho dân, coi trọng sức dân, vua Sơng-jong đã ra lệnh bãi miễn lao dịch hàng năm, giảm thuế khoá, xây dựng trường học, chọn những học sinh ưu tú ở các địa phương đưa về kinh đô, tập trung ở trường Quốc học, hay còn gọi là Quốc tử giám. Quốc tử giám là trường Thái học, là cái nôi đào tạo nhân tài của Koryo, là nơi truyền bá tư tưởng Nho giáo một cách có hệ thống và nghiêm ngặt. Các sinh đồ ngày đêm chỉ dùi mài học tập các sách kinh điển để tham dự các kỳ thi. Quy chế trường ốc và thi cử rất chặt chẽ, vì thế các sinh đồ được đào tạo ở đây có chất lượng cao. Sau khi thi đỗ, nhà vua thể theo nguyện vọng của từng người, nếu muốn làm quan hoặc giảng dạy ở quê hương hay lưu lại kinh đô đều được phê chuẩn, đặc biệt những ai thi đỗ xuất sắc sẽ được thưởng lớn và giữ lại làm giáo thụ ở trường Thái học hoặc tham gia viết sách sử ở Đồ thư quán hay còn gọi là Thư viện. Đối với vấn đề học tập ở địa phương, Vua Sơng-jong chia lãnh thổ thành 12 châu mục, dưới các châu là quận huyện làng xã, ngoài việc lập các trường học ở các quận huyện ra, nhà vua còn ra chỉ dụ thực hiện "phổ cập giáo hoá xã hội", mở các trường làng dạy cho mọi người, nội dung giảng dạy chủ yếu nhấn mạnh đến giáo dục đạo đức, tất cả các nghi lễ, cách ứng xử, qui chế làng xã phải được soạn thảo, ban bố trên cơ sở của chữ Hiếu. Những người con hiếu thảo, phụ nữ đức hạnh, những tấm gương cứu giúp những người già lão cô đơn, nghèo khó đều được biểu dương. Đối với tầng lớp trên cũng vậy, từ vua cho đến các quan, tầng lớp trí thức đều phải coi ''hiếu thuật'' là gốc, là điểm xuất phát để xem xét, giải quyết mọi mâu thuẫn, mọi vấn đề cũng như đánh giá con người, nếu làm tốt sẽ được thăng quan tiến chức, được ban thưởng, biểu dương, nếu làm sai sẽ bị truất quyền, bị phạt nặng tuỳ theo mức độ khác nhau.

Nhờ có chính sách khuyến học và giáo hoá đạo đức xã hội nên xã hội Koryo thời vua Sơng-jong trị vì rất ổn định và phát triển. Sử sách Koryo cũng như các triều đại phong kiến sau này đều ca ngợi ông vua này là ''anh minh'', là ông vua có công lớn xây dựng nền tảng đạo đức Nho giáo của dân tộc Hàn.

Các đời vua kế tiếp vẫn duy trì lễ giáo thời vua Sơng -jong và gắng sức hơn về mặt giáo dục, vua Hyeon -jong (Hiển Tông:1009 - 1031) là đời vua thứ 8 đã ra chỉ dụ xây dựng Văn miếu và theo tuần tiết tế lễ Khổng Tử. Ông vua này còn ra lệnh cho một số quan văn tài giỏi biên soạn bộ Quốc sử, ghi chép lại những sự kiện quan trọng từ đời vua Thái Tổ đến đời vua thứ 7 Koryo. Bộ quốc sử này ra đời không những để lại tư liệu nghiên cứu cho đời sau mà nó còn đánh dấu một sự phát triển mới của Nho học thời kỳ này. Ông vua thứ 10 là Cheong-jong (Tịnh Tông 1034-1046) cũng là một ông vua phát huy được thành quả của cha ông. Ông ra chỉ dụ cho các quan văn san định lại hai bộ sách lớn của Trung Quốc là Lưỡng Hán thư và Đường thư, sau đó, ông còn tiếp tục ra lệnh san định lại bộ Lễ ký chính nghĩa, Mao thi chính nghĩa và dùng những sách này để giảng dạy trong trường quốc học.

Tóm lại, Nho giáo thời sơ kỳ mới bắt đầu có sự chuyển động nhưng đã để lại dấu ấn khá đậm nét với việc mở ra chế độ khoa cử, thi hành chính sách giáo hoá dân chúng theo đạo Hiếu và biên soạn quốc sử... tuy nhiên, sự khởi đầu này là sự bắt chước sao chép nguyên si theo chế độ khoa cử cũng như tư tưởng Nho giáo của Trung Quốc.



Thực hiện: Lý Xuân Chung -Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Biên tập và chỉnh sửa: Nhóm web; tựa đề bài viết do chúng tôi chỉnh

Nguồn: TCNCĐBA


Scroll To Top