Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


Nghiên cứu Hàn Quốc

Cán bộ trung tâm

Đất nước, con người

Cơ cấu tổ chức

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc: Quá trình hình thành và phát triển

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc được thành lập năm 1998 theo Quyết định của Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam). Kể từ tháng 1 năm 2004 đến nay, với việc thành lập Viện nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Viện nghiên cứu Đông Bắc Á.

Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc có chức năng nghiên cứu một cách cơ bản và toàn diện về Hàn Quốc trên các lĩnh vực như lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, và quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc nhằm cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách của Đảng và Chính phủ và phổ biến những kiến thức về đất nước và con người Hàn Quốc cho nhân dân Việt Nam góp phần tăng cường sự hiểu biết của người Việt Nam về Hàn Quốc. *

Kể từ ngày thành lập đến nay, bằng những công trình nghiên cứu, những hội nghị, hội thảo, và các ấn phẩm được công bố rộng rãi (sách, tạp chí, website), Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam, tăng cường sự hiểu biết của các tầng lớp nhân dân Việt Nam về Hàn Quốc góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước, Việt Nam và Hàn Quốc. Ngoài ra, những đóng góp của Trung tâm về phương diện đào tạo, tư vấn chính sách cũng rất đáng kể.

Trong hơn 10 năm qua, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc đã thực hiện khá nhiều đề tài nghiên cứu Hàn Quốc ở mọi cấp độ, từ cấp cơ sở đến cấp Bộ và cấp Nhà nước; thực hiện hàng chục hội thảo về Hàn Quốc học, xuất bản hàng chục đầu sách và hàng trăm bài tạp chí. Một số công trình nghiên cứu tiêu biểu mà Trung tâm đã thực hiện kể từ ngày thành lập đến nay có thể kể đến như (1) Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc (Đề tài Nghị định thư (cấp nhà nước)); (2) Những vấn đề cơ bản trên con đường phát triển hiện đại của nông nghiệp Hàn Quốc (đề tài cấp bộ); (3) Một số vấn đề chính trị, kinh tế nổi bật của Hàn Quốc giai đoạn 2011-2020 (đề tài cấp bộ); (4) Tìm hiểu thể chế tam quyền phân lập ở Hàn Quốc (đề tài cấp bộ); (5) Tôn giáo Hàn Quốc (đề tài cấp bộ); (6) Cải cách tài chính ở Hàn Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á (1997-1998)… Hầu hết các công trình nghiên cứu này đều đã được xuất bản thành sách và phát hành rộng rãi trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã tổ chức nhiều hội thảo quốc tế quan trọng như (1) Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc: Thành tựu và triển vọng; (2) Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trong bối cảnh hội nhập kinh tế Đông Á; (3) Chiến lược Tăng trưởng Xanh của Hàn Quốc: Những kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam…

Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu, các cán bộ của Trung tâm còn tham gia giảng dạy đại học, sau đại học, hướng dẫn làm luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ tại một số trường đại học và Học viện Khoa học xã hội. Nhiều cán bộ trẻ của Trung tâm vừa nghiên cứu vừa theo học cao học, nghiên cứu sinh tại Học viện Khoa học xã hội và một số trường đại học. Nhiều người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ về chuyên ngành Hàn Quốc học.

Việc phổ biến kiến thức về Hàn Quốc cho các tầng lớp nhân dân Việt Nam cũng đã được Trung tâm rất chú trọng. Bên cạnh việc xuất bản sách, tạp chí, Trung tâm còn có một website về nghiên cứu Hàn Quốc nhằm cung cấp kịp thời những thông tin cập nhật về tình hình Hàn Quốc phục vụ đông đảo bạn đọc qua mạng, đặc biệt hữu ích đối với các nhà nghiên cứu và sinh viên chuyên ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam. Việc phổ biến kiến thức về Hàn Quốc còn được thực hiện một cách hiệu quả qua các Chương trình tìm hiểu Hàn Quốc dành cho giáo viên THPT và THCS tại Việt Nam. Mục đích của chương trình là cung cấp các kiến thức cơ bản về đất nước và con người Hàn Quốc cho các nhà giáo để đến lượt họ sẽ truyền thụ lại cho các lớp học sinh của mình. Việc làm này đã và đang góp phần làm tăng một cách nhanh chóng (theo cấp số nhân) sự hiểu biết của người Việt Nam về Hàn Quốc, đặc biệt là lớp trẻ. Tính đến nay chương trình này đã được tổ chức 8 lần tại các tỉnh thành trên khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam với hơn 400 lượt các nhà giáo của gần 400 trường THPT và THCS tham dự. Chương trình lần thứ 9 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 18-20/8/2012.

Kể từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc luôn nhận được sự giúp đỡ quý báu của Quỹ giao lưu văn hóa Hàn Quốc (Korea Foundation), Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, và nhiều trường đại học cũng như viện nghiên cứu của Hàn Quốc. Có thể nói, bên cạnh nguồn ngân sách do Chính phủ Việt Nam cấp hàng năm, các khoản tài trợ của phía các cơ quan hữu quan của Hàn Quốc là rất đáng kể, góp phần quan trọng vào sự phát triển của Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc nói riêng và ngành Hàn Quốc học ở Việt Nam nói chung.

Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đã bước sang một giai đoạn phát triển mới của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Theo đó, công tác nghiên cứu về Hàn Quốc cũng ngày càng đòi hỏi sâu hơn và chất lượng cao hơn. Được sự quan tâm của cả hai Chính phủ, Việt Nam và Hàn Quốc, với những thành tựu đã đạt được và kinh nghiệm đã tích lũy được trong 14 năm qua, với một đội ngũ cán bộ nghiên cứu khá đông đảo được đào tạo một cách cơ bản cả qua trường lớp lẫn thực tiễn làm công tác nghiên cứu và hiện vẫn đang tiếp tục được bổ sung, chúng ta có thể tin tưởng vững chắc rằng Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc sẽ ngày càng phát triển và tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam nói riêng và sự phát triển ngày càng sâu rộng của quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc nói chung./.

Scroll To Top