Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NHO GIÁO KORYO (918-1392) - THỜI KỲ VÕ TRỊ TRONG GIAI ĐOẠN TRUNG KỲ

Đăng ngày:

Vua Ưi-jong (Nghị Tông 1146-1170) lên ngôi, vốn bản tính ham chơi, ham với các thú vui hưởng lạc mà ít ngó ngàng đến công việc triều chính.

Bên cạnh đó, các quan văn cũng a dua với những cuộc vui thú, thưởng ngoạn, chè chén thâu đêm suốt sáng của vua, ra sức bóc lột dân chúng để vinh thân phì gia, bắt dân thường đi làm các hoạt động lao dịch cưỡng bức khiến cho cuộc sống của nhân dân hết sức tồi tệ và sự bất mãn của họ đã lên đến đỉnh điểm, chỉ chờ thời cơ là vùng dậy đấu tranh. Cuộc sống của giới quân sự nói chung và binh lính nói riêng cũng khổ cực không kém. Trong các chuyến đi du ngoạn hành lạc của nhà vua và các quan văn, các tướng lĩnh và quân lính đi theo cùng một thân phận là những người tuỳ tùng, hộ tống bảo vệ cho họ mà thôi. Hơn thế nữa, họ phải chịu nhiều nỗi sỉ nhục. Chẳng hạn, trong một lần tuỳ tùng bảo vệ nhà vua cùng đám quan văn đi du ngoạn, một võ tướng trong quân đội là Chung-bu đã bị con trai của quan văn sỉ mắng và dùng nến đốt râu ông ta... Binh lính cũng chẳng khác gì tôi tớ, họ không những là những người phải làm nghĩa vụ khi có chiến tranh mà còn phải đi làm lao dịch, cuộc sống của họ phụ thuộc vào chế độ ban cấp đất ít ỏi của nhà nước và bị đối xử rất tồi tệ. Đó là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến cuộc nổi loạn của giới quân sự vào năm 1170.

Cuộc đảo chính diễn ra hết sức mau lẹ, sử sách Koryo đều chép rằng, năm 1170, khi vua Ưi-jong (Nghị Tông) cùng đám quan văn trên đường đi đến Viện Phổ Hiền ở ngoại ô kinh đô, các tướng lĩnh tuỳ tùng đi theo, đứng đầu là Chơng-Chung-Bu (Trịnh Trọng Phu) đều có chung mối thù cao độ dồn nén nhiều năm đã phát động một cuộc chính biến, quân lính đi theo nhất tề hưởng ứng, xông lên giết hết đám quan văn trong đoàn và phế truất ngôi vua. Sau đó Chung-Bu và giới quân sự lập em trai vua Nghị Tông là Anh Tông lên thay.

Sau cuộc chính biến đó, giới quân sự ra tay tàn sát đám quan văn, thao túng quyền lực trong triều, lập ra Hội đồng quân sự tối cao do Chung-Bu đứng đầu. Với quyền lực trong tay, các tướng lĩnh đã mở rộng quyền sở hữu đất đai, mở rộng điền trang, chi phối toàn bộ nền kinh tế đất nước và thi hành chính sách thiết quân luật.

Thời kỳ đầu, quyền lực trong triều nằm trong tay ba tướng lĩnh Chơng-Chung-Bu, Yi-Ưi-Sang và Yi-Ko, nhưng mâu thuẫn về chính trị và kinh tế giữa ba nhân vật này ngày một căng thẳng rồi dẫn đến cuộc thanh trừng nội bộ. Chơng-Chung-Bu đã giết hai viên tướng kia và nắm giữ quyền lực tới năm 1179 khi bị một viên tướng trẻ khác sát hại. Việc Chung-Bu bị sát hại đã gây ra một sự hỗn loạn, căng thẳng thù địch giữa các phe phái quân sự dẫn đến các cuộc thanh trừng tàn sát lẫn nhau liên tiếp xảy ra. Tới năm 1196, quyền lực chính trị mới thuộc về dòng họ Thôi (Chuê), hai anh em ruột là Chuê-Chung-Hon và Chuê-Chung-Su lên nắm quyền. Chuê-Chung-Hon thiết lập chế độ độc tài, dùng quyền lực chính trị, quân sự nắm quyền điều hành toàn bộ công việc trong triều. Vua Koryo chỉ còn trên danh nghĩa, việc phế bỏ vua cũ lập vua mới cũng do tay Chuê sắp đặt, trong vòng 16 năm, Chuê-Chung-Hon đã phế lập 4 ngôi vua là Sin-jong (Thần Tông: (1197-1204), Hy-jong (Hy Tông 1204-1211), Kang-jong (Khang Tông 1211-1213) và Kô-jong (Cao Tông:1213 -1259).

Trong 60 năm họ Chuê thao túng chính sự thì công cụ mà họ sử dụng để duy trì trật tự, an ninh xã hội không phải là pháp luật hay tôn giáo, cụ thể là Phật giáo hay Nho giáo mà là quân đội riêng gồm quân chủ lực 3000 người, có lúc lên đến quân số 30. 000 người, đội kỵ binh tinh nhuệ và đội cấm vệ quân tinh nhuệ. Đạo quân riêng này được họ Chuê nuôi dưỡng, huấn luyện và ưu đãi có nhiệm vụ bảo vệ Hoàng gia, giữ gìn trật tự xã hội và đàn áp các cuộc nổi dậy của nông dân...

Năm thứ 6 đời vua Cao Tông, tức năm 1219, Chuê-Chung-Hon chết và con trai Chuê-U lên thay cha chỉ huy giới quân sự, cai quản đất nước. Khác với cha mình, Chuê-U không triệt để dùng quân sự để đàn áp, cai trị mà thành lập một bộ máy hành chính nhà nước theo kiểu dân sự, bổ nhiệm các quan văn điều hành công việc hành chính quốc gia.

Thời kỳ này, Koryo liên tiếp bị quân xâm lược Nguyên Mông xâm lược tàn phá. Cuộc chiến tranh xâm lược của quân Nguyên Mông tấn công Koryo bắt đầu từ năm 1231, tuy triều đình bất lực và bỏ chạy ra đảo Kang-Hoa nhưng nhân dân Koryo vẫn ở lại kháng chiến, nhiều lần đánh bại quân xâm lược. Cuộc chiến hào hùng nhất của quân dân Koryo là chiến thắng Yo-gin năm 1232, với cách đánh "dụ địch" rất tài tình, quân dân Koryo đã nhử được quân địch vào trận địa phục kích của mình để tiêu diệt, tướng giặc là Sartag đã bị giết chết, quân giặc bị thua to và phải rút chạy về nước. Nhưng với dã tâm xâm lược, quân Nguyên Mông cả thảy 6 lần tấn công Koryo, buộc triều đình Kang-Hoa phải thần phục. Sau khi vua tôi Koryo chạy ra đảo Kang-Hoa, quân Nguyên Mông vốn sợ biển nên đã hoàn toàn bất lực trước địa thế của hòn đảo này, chúng quay ra tàn phá, chém giết, cướp bóc những gì có thể được, những nơi chúng đi qua chỉ còn lại sự hoang tàn đổ nát. Ngược lại, ở đảo Kang-Hoa, vua Koryo chỉ còn biết cầu cứu thần linh phù hộ, tin vào quyền lực tối cao của Đức Phật, ngày đêm cúng lễ cầu xin sao cho qua khỏi kiếp nạn. Hơn nữa, để tỏ lòng thành với Đức Phật, cầu xin Đức Phật đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, nhà vua ra lệnh cho khắc lại mấy nghìn bản gỗ kinh Tam Tạng đã bị mất và triệu tập các phật tử cầu xin được phù hộ.

Năm 1259, hoàng tử kế vị ngôi vua Koryo đã ký hoà ước với Mông Cổ, chấp nhận trở thành nước phụ thuộc và chịu sự can thiệp nặng nề của Mông Cổ. Từ đó trở đi, các vua Koryo phải lấy các công chúa của hoàng tộc nhà Nguyên Mông và trở thành con rể nhà Nguyên, hàng năm định kỳ định lệ nộp cống rất nặng nề.

Như vậy, qua vài nét chấm phá về thời kỳ lịch sử từ thời vua Ưi-jong (Nghị Tông) đến thời vua Kô-jong (Cao Tông), ta có thể hình dung ra được trong giai đoạn võ trị này, giới quân sự đã làm cuộc đảo chính và chiếm ưu thế tuyệt đối trong triều đình, thậm chí lấn lướt cả nhà vua. Đối với nhân dân, giới quân sự thi hành chính sách thiết quân luật, dùng vũ lực để trấn áp, cuộc sống của dân chúng vô cùng cực khổ, ruộng đất bị hoang hoá, an ninh trật tự xã hội mất ổn định, cướp bóc nổi lên như ong và đã xuất hiện nhiều cuộc nổi dậy của nông dân nhưng đều bị đàn áp. Đối với văn hoá nói chung và tôn giáo nói riêng, giới quân sự phá bỏ đền chùa, bắt bớ và bỏ tù các sư sãi và tăng ni phật tử. Số phận của các quan văn và các đệ tử của Nho giáo còn thảm hại hơn nữa. Đây là lúc giới quân sự trả thù đám quan văn, rất nhiều quan văn bị giết chết, những quan văn có số phận may mắn hơn chỉ có cách là lui về ở ẩn trên núi cao, trong rừng sâu lấy cảnh vật thiên nhiên và rượu làm thú vui, lấy văn thơ để bày tỏ nỗi niềm uất hận. Vì thế, tính mạng của các văn quan còn khó bảo đảm nói gì đến sự phát triển Nho học. Nho giáo thời kỳ này có thể nói rằng chìm sâu trong đêm tối và là thời kỳ ảm đạm nhất trong quá trình phát triển của Nho giáo Hàn Quốc.

Thực hiện: Lý Xuân Chung -Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Biên tập và chỉnh sửa: Nhóm web; tựa đề do chúng tôi chỉnh sửa

Nguồn: TCNCĐBA

 


Scroll To Top