QUY TRÌNH QUẢN LÝ RỦI RO THIÊN TAI Ở HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Năm 2004, Hàn Quốc ban hành Luật khung quản lý Thảm họa và An toàn (Framework Act on the Management of Disasters and Safety), xây dựng nền tảng mới trong quản lý thảm họa nói chung. Trong Điều 3 của Luật này, thảm họa là bất kỳ điều gì thực sự gây ra hoặc có khả năng gây tổn hại về tính mạng, thân thể, tài sản của người dân và quốc gia, bao gồm thảm họa tự nhiên và thảm họa xã hội. Quản lý rủi ro thảm họa thiên nhiên hay thảm họa xã hội có sự liên quan, là trụ cột trong hoạt động quản lý rủi ro thảm họa nói chung và đều tuân theo một quá trình. Theo Luật khung quản lý Thảm họa và An toàn, quản lý rủi ro thảm họa thiên nhiên ở Hàn Quốc gồm bốn thành tố: Phòng ngừa (Prevention); Chuẩn bị (Preparedness); Ứng phó (Response) và Khắc phục hậu quả (Restoration). Mỗi thành tố được quy định cụ thể và tương ứng với một giai đoạn trong quy trình quản lý rủi ro thảm họa. Trên thực tế, Hàn Quốc đã triển khai các biện pháp, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ trong từng giai đoạn quản lý rủi ro thảm họa thiên nhiên để đạt được mục tiêu tương ứng. Trước tiên, ở giai đoạn phòng ngừa thảm họa, Hàn Quốc đã thiết lập hệ thống cảnh báo sớm với các trang thiết bị công nghệ hiện đại để phòng chống thảm họa, dựa trên ICT. Ví dụ điển hình là hệ thống cảnh báo sớm về sạt lở đất dựa trên ICT (ICT-based landslide Early Warning System) do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Hàn Quốc (Korea Institute of Geoscience and Mineral Resources - KIGAM) nghiên cứu và phát triển. Theo đó, ba hệ thống đã được phát triển nhằm đánh giá rủi ro sạt lở đất trong ương lai, gồm (a) Hệ thống giám sát thực địa (Field Monitoring Systems - FMS), (b) Hệ thống phân tích thông tin lượng mưa (Rainfall Inforamtion Analysis System - RIAS) và (c) Hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất (Landslide Early Waring System - LEWS). Hệ thống giám sát trượt đất KIGAM được vận hành tại 11 địa điểm khác nhau trong các khu vực công viên quốc gia tại Hàn Quốc. Mỗi địa điểm giám sát đều có một hệ thống phát hiện sạt lở đất giống hệt nhau và chúng hoạt động bằng cách thu thập thông tin lượng mưa tại địa phương và các giá trị đo lường địa kỹ thuật và thủy văn tại chỗ (ví dụ: hàm lượng nước theo thể tích, ứng suất hút, nhiệt độ, độ pH và độ dịch chuyển). Sạt lở đất là hiện tượng cực kỳ nguy hiểm, có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái Hàn Quốc. Hệ thống cảnh báo sớm lở đất đã phát triển sẽ được áp dụng ở các khu vực đô thị, chẳng hạn như các thành phố lớn[1]. Bên cạnh đó, Hàn Quốc triển khai dịch vụ bản đồ an toàn công cộng (Public Safety Map Service) về 8 lĩnh vực: an ninh, giao thông, thảm họa, thông tin tùy chỉnh, cơ sở hạ tầng, công nghiệp, y tế công cộng và tai nạn. Hệ thống tích hợp thông tin và hiện thị trên bản đồ kỹ thuật số 2D/3D thông qua Internet hoặc ứng dụng di động. Ngoài ra, bản đồ cho phép người dùng tìm vị trí, số điện thoại liên lạc của cơ sở an toàn chính (đồn cảnh sát, sở cứu hóa, nơi trú ẩn, bệnh viện…). Hệ thống cũng hiển thị thông tin rủi ro tiềm ẩn dựa trên báo cáo của người dân thông qua website hoặc ứng dụng “SafePeople” và “Nhóm tình nguyện viên giám sát an toàn (Safety Monitoring Volunteers Grop)”[2]. Song song với đó, Hàn Quốc tiến hành “Kiểm tra an toàn quốc gia” (National Safety Inspection, hay còn được gọi là National Safety Diagnosis) nhằm ngăn ngừa các thảm họa tiềm ẩn thông qua kiểm tra nghiêm ngặt các cơ sở hạ tầng quan trọng. Chương trình trên được chính thức triển khai từ năm 2015 sau khi thảm họa chìm phà Seowol năm 2014 xảy ra, yêu cầu về một xã hội an toàn hơn từ công chúng. Được thực hiện bởi chính quyền trung ương và địa phương, các cơ quan công quyền và có sự tham gia từ người dân trong một thời gian nhất định trong năm, những nơi có nguy cơ cao sẽ được kiểm tra cẩn thận.Bộ An toàn Hành chính sẽ giám sát các kế hoạch chung của chương trình, các cơ quan ngang bộ chuẩn bị kế hoạch hành động chi tiết trong các lĩnh vực tương ứng, các chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra an toàn trong phạm vi quyền hạn. Chương trình trên đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực tế và giúp Hàn Quốc tránh được thảm họa tự nhiên và xã hội. Cụ thể, thông qua kiểm tra trong năm 2016, một số dây cáp hỗ trợ một số cây cầu bắc qua suối Jeongneung, một phần của đường cao tốc ở Seoul, đã bị đứt. Vì vậy, các cơ quan quản lý của Hàn Quốc đã kịp thời đóng cửa đường cao tốc một phần, tiến hành thi công đường trong một tháng, tránh được rủi ro sập cầu có thể xảy ra bất cứ lúc nào hay trong trường hợp mưa lũ. Cùng năm 2016, một khu nhà phức hợp 33 năm tuổi tại Gwangmyeong, là nơi trú ngụ của 59 hộ gia đình, được phát hiện có nguy cơ sụp đổ do băng tan theo mùa[3]. Sau khi lập Kế hoạch di dời cư dân, lệnh hành chính được ban hành và công trình nguy hiểm trên đã bị phá dỡ, phòng ngừa thiệt hại về người và tài sản, ngăn chặn thảm họa tự nhiên và xã hội xảy ra.Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả kiểm tra và trách nhiệm của thanh tra viên, một hệ thống kiểm tra tên thật được đưa vào sử dụng[4]. Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu về kết quả kiểm tra nhằm đảm bảo quản lý rủi ro có tính hệ thống hơn. Tiếp theo, ở giai đoạn chuẩn bị, Hàn Quốc chú trọng xây dựng và lan tỏa văn hóa an toàn trong toàn xã hội. Trước hết, Chiến dịch An toàn (Safety Campaigns) do Bộ phận quản lý thảm họa và an toàn (Disaster and Safety Management Department – DSMD) trực thuộc Bộ An toàn Hành chính Hàn Quốc (Ministry of the Interior and Safety – MOIS) tiến hành cùng với khu vực tư nhân nhằm khuyến khích người dân tuân thủ các quy định an toàn và cải thiện an toàn công cộng. Ủy ban trung ương phục vụ cho Chiến dịch văn hóa an toàn (Safety Culture Campaign) đã được thành lập năm 2013. Đến năm 2020, hoạt động “Neighborhood Safety Parol” và chiến dịch “Cùng nhau an toàn nhé Hàn Quốc” (Let’s be safe Korea) được triển khai. Tiếp theo đó, Hàn Quốc ra mắt báo cáo điện tử về an toàn (Safety e-Report), một hệ thống cho phép người dân thông báo về các rủi ro an toàn hàng ngày thông qua ứng dụng điện thoại từ năm 2014[5]. Theo đó, người dân dễ dàng báo cáo các nguy cơ mất an toàn bao gồm tai nạn tại nhà, nơi làm việc, trên đường phố… hoặc vết nứt kết cấu trong toàn nhà, nguy cơ sạt lở đất, núi, nguy hiểm tại bãi biển…khi gửi hình ảnh kèm minh chứng, đánh dấu địa điểm trên bản đồ trong ứng dụng. Người dùng không chỉ nộp đơn đăng ký của bản thân mà còn có thể quan sát các báo cáo của các cá nhân khác, đã giải quyết cũng như thông tin đầy đủ về các báo cáo. Từ cuối năm 2017, dịch vụ hỗ trợ tiếng Anh được vận hành để người nước ngoài sinh sống ở Hàn Quốc có thể dễ dàng báo cáo. Trên website trực tuyến, báo cáo điện tử về an toàn cũng hỗ trợ tiếng Nhật và tiếng Trung. Tính tới năm 2017, trên hệ thống website nhận được 210.000 báo cáo, tăng 40% so với năm 2016[6]. Tổng số báo cáo liên quan tới an toàn trong năm 2020 đạt 1.889.200 và lũy kế đã đạt 3.599.217 sau sáu năm triển khai[7]. Đồng thời, từ năm 2017, Hàn Quốc tăng cường giáo dục an toàn cho người dân thông qua mở rộng Trung tâm trải nghiệm an toàn quốc gia (National Safety Experience Centers – NSEC). Các trung tâm này có khu vực trang bị thiết bị, kỹ thuật công nghệ mô phỏng các hiện tượng tự nhiên bất thường như động đất, gió mạnh… không chỉ cung cấp cho người dân cơ hội trải nghiệm thảm họa thiên nhiên mà còn giáo dục văn hóa an toàn, kỹ năng cần thiết khi ứng phó với một số thảm họa tự nhiên. Giai đoạn 2017-2021, Hàn Quốc đã xây dựng mới tám trung tâm trên cả nước. Khi thảm họa thiên nhiên xảy ra, công tác ứng phó giữa các cơ quan, tổ chức cần được triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Để đáp ứng nhu cầu về một mạng lưới liên lạc an toàn, tích hợp giữa các tổ chức quản lý thảm họa khác nhau, Hàn Quốc vận hành mạng lưới liên lạc tích hợp về thảm họa với tên PS-LTE. Hệ thống này không chỉ có thể gửi giọng nói mà còn có thể truyền tải hình ảnh, video chân thực tới các cơ quan liên quan[8]. Hệ thống được triển khai theo ba giai đoạn, từ 2018 đến 2021, trong đó có 333 tổ chức ứng phó thảm họa ở 8 lĩnh vực (cứu hỏa, cảnh sát, cảnh sát biển, quân đội, chính quyền địa phương, an toàn điện, an toàn khí đốt, dịch vụ y tế) có thể truy cập[9]. Mạng truyền thông dựa trên PS-LTE này sẽ được sử dụng cho mục đích quản lý an toàn trong đời sống thường nhật, chẳng hạn như kiểm tra và phòng chống thảm họa. Trong trường hợp khẩn cấp, mạng sẽ được sử dụng để chia sẻ tình huống và phối hợp ứng phó nhằm giảm đáng kể thời gian ứng phó, cải thiện việc ra quyết định của các tổ chức quản lý thảm họa. Ngoài mạng lưới liên lạc tích hợp PS-LTE giữa các cơ quan, Hàn Quốc triển khai dịch vụ cảnh báo khẩn cấp có tên Cell Broadcast Service (CBS) thông qua điện thoại di động để gửi thông tin về tình trạng khẩn cấp khi thảm họa thiên nhiên xảy ra tới mọi người dân[10]. Trong giai đoạn cuối cùng, Hàn Quốc có thể đồng thời triển khai ba hoạt động chính. Trước tiên, Hàn Quốc công bố khu vực chịu thảm họa xã hội và tự nhiên theo từng năm. Kể từ năm 1995 đến nay, số lượng các khu vực chịu thảm họa tự nhiên luôn cao hơn so với khu vực chịu thảm họa xã hội. Tính riêng năm 2020, có 6 khu vực chịu thảm họa đặc biệt, 5 khu vực chịu thảm họa thiên nhiên và 01 khu vực chịu thảm họa xã hội. Lũy kế đến năm 2020, ở Hàn Quốc đã có tổng số 47 khu vực được công nhận là khu vực thảm họa đặc biệt, 38 khu vực chịu ảnh hưởng của thảm họa thiên nhiên và 9 khu vực chịu ảnh hưởng của thảm họa xã hội[11]. Tiếp theo, chi phí thiệt hại được thống kê, các mức hỗ trợ được công bố. Thông qua Bộ phận quản lý an toàn và thảm họa, thuộc Bộ An toàn Hành chính, khoản hỗ trợ tài chính sẽ được cấp cho chính quyền địa phương bị ảnh hưởng bởi thảm họa (sinh kế, cứu trợ tài chính, dịch vụ sức khỏe tinh thần…) Các mức hỗ trợ lần lượt như sau: 20 triệu won (tử vong, mất tích), 5-10 triệu won (bị thương), 16 triệu won (nhà bị phá hủy toàn bộ), 2 triệu won (bị phá hủy do ngập lụt)… Nếu thiệt hại do thảm họa tự nhiên gây ra vượt quá tầm kiểm soát của chính quyền địa phương, MOIS sẽ cung cấp cứu trợ khẩn cấp cùng với hỗ trợ tài chính (bao gồm hàng hóa cứu trợ, nhà ở tạm thời..), y tế (dịch vụ tư vấn tinh thần…), …nhằm giúp người dân khu vực thảm họa trở lại cuộc sống bình thường. Theo số liệu tính tới năm 2019, thiệt hại do thảm họa là 201.100 triệu won và tổng số tiền chi cho phục hồi là 1.097.837 triệu won, đến từ chính quyền trung ương, địa phương và các tổ chức địa phương. …Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu tổn thất do bão, lũ gây ra, từ năm 2008, bảo hiểm bão, lũ lụt được triển khai rộng rãi với sự hỗ trợ một phần chi phí bảo hiểm từ chính quyền địa phương và trung ương. Cụ thể, tính tới năm 2019, 355.027 hộ gia đình và 2.268 ha nhà kính đã đăng ký bảo hiểm bão, lũ. Năm 2017, MOIS triển khai bảo hiểm tài sản bắt buộc với cơ sở có rủi ro cao về cháy nổ, sập đổ đối với 19 cơ sở hạ tầng (nhà hàng, trạm xăng, thư viện, nơi lưu trú…). Tính đến cuối năm 2019, có 178.091 cơ sở (chiếm tỷ lệ 97,8%) đã đăng ký bảo hiểm tài sản bắt buộc[12]. Xác định rõ bốn giai đoạn trong quản lý rủi ro thiên tai ở Hàn Quốc, cụ thể hóa thành luật, các cơ quan quản lý Hàn Quốc đã triển khai các giai đoạn trong thực tế. Nhờ vậy, thiệt hại về người do thiên tai ở Hàn Quốc trong năm 2006 là 63 người, đã giảm mạnh còn 3 và 11 trong hai năm 2014, 2015[13]. Tổn thất về kinh tế do thảm họa thiên nhiên năm 2015 ước tính 2.650 ngàn USD, giảm mạnh so với 161.917 ngàn USD năm 2006[14]. Có thể thấy, Hàn Quốc đang dần đạt được hiệu quả trong công tác quản lý rủi ro thiên tai. Tống Thùy Linh Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên – Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á Tài liệu tham khảo 1. Dynamic Busan Staff (2021), “How to report Safety Issues Online in Korea”, https://www.hapskorea.com/report-safety-issues-online-korea/ 2. KIGAM, R&D Activities, https://www.kigam.re.kr/gallery.es?mid=a20204000000&bid=0034&list_no=2804&act=view 3. Korea Safe Map, https://www.dgovkorea.go.kr/service1/g2c_03/safe_map#scrolltop 4. MOIS (2017), “Safety e-Report”, https://www.mois.go.kr/eng/sub/a03/bestPractices2/screen.do 5. MOIS (2018), “Disaster and Safety Communication Network (Korea Safe-net)”, https://www.mois.go.kr/eng/sub/a03/bestPractices7/screen.do 6. MOIS (2021), “Excelent Disaster and Safety Management Policies in Korea”, https://www.mois.go.kr/eng/bbs/type002/commonselectBoardArticle.do?bbsId=BBSMSTR_000000000022&nttId=84978 7. MOIS (2021) “Disaster & Safety Management in Korea”, https://www.mois.go.kr/eng/bbs/type002/commonselectBoardArticle.do?bbsId=BBSMSTR_000000000022&nttId=83751. 8. PreventionWeb (2022), “Prevention-centric disaster and safety management systems of the Republic of Korea”, https://www.preventionweb.net/news/prevention-centric-disaster-and-safety-management-systems-republic-korea 9. UNDRR (2019), “Offical Statement – Republic of Korea Global Platform for Disaster Risk Reduction – Geneva 2019”, https://www.unisdr.org/conference/2019/globalplatform/programme/assets/pdf/Official%20Statement_Republic%20of%20Korea%5B1%5D.pdf. 10. Young Seok Song, Moo Jong Park, Jung Ho Lee, Byung Sik Kim, Yang Ho Song (2020), "Improvement Measure of Integrated Disaster Management System Considering Disaster Damage Characteristics: Focusing on the Republic of Korea", https://www.mdpi.com/2071-1050/12/1/340. [1] KIGAM, R&D Activities, https://www.kigam.re.kr/gallery.es?mid=a20204000000&bid=0034&list_no=2804&act=view [2] Korea Safe Map, https://www.dgovkorea.go.kr/service1/g2c_03/safe_map#scrolltop [3] PreventionWeb (2022), “Prevention-centric disaster and safety management systems of the Republic of Korea”, https://www.preventionweb.net/news/prevention-centric-disaster-and-safety-management-systems-republic-korea [4] UNDRR (2019), “Offical Statement – Republic of Korea Global Platform for Disaster Risk Reduction – Geneva 2019”, https://www.unisdr.org/conference/2019/globalplatform/programme/assets/pdf/Official%20Statement_Republic%20of%20Korea%5B1%5D.pdf [5] MOIS (2017), “Safety e-Report”, https://www.mois.go.kr/eng/sub/a03/bestPractices2/screen.do [6] Dynamic Busan Staff (2021), “How to report Safety Issues Online in Korea”, https://www.hapskorea.com/report-safety-issues-online-korea/ [7] MOIS (2021) “Disaster & Safety Management in Korea”, p.31. [8] MOIS (2018), “Disaster and Safety Communication Network (Korea Safe-net)”, https://www.mois.go.kr/eng/sub/a03/bestPractices7/screen.do [9]MOIS (2021) “Disaster & Safety Management in Korea”, p.75. [10] MOIS (2021), “Excelent Disaster and Safety Management Policies in Korea”, https://www.mois.go.kr/eng/bbs/type002/commonselectBoardArticle.do?bbsId=BBSMSTR_000000000022&nttId=84978 [11]MOIS (2021) “Disaster & Safety Management in Korea”, p.47. [12] MOIS (2021) “Disaster & Safety Management in Korea”, p.49. [13] Young Seok Song, Moo Jong Park, Jung Ho Lee, Byung Sik Kim, Yang Ho Song (2020), "Improvement Measure of Integrated Disaster Management System Considering Disaster Damage Characteristics: Focusing on the Republic of Korea", p.9. [14] Young Seok Song, Moo Jong Park, Jung Ho Lee, Byung Sik Kim, Yang Ho Song (2020), "Improvement Measure of Integrated Disaster Management System Considering Disaster Damage Characteristics: Focusing on the Republic of Korea", p.10.