Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


TIẾNG HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Người Hàn Quốc đã từng phát triển một số phương ngữ khác ngoài ngôn ngữ chuẩn được dùng tại Seoul. Tuy nhiên, những phương ngữ này, trừ ngôn ngữ được nói ở tỉnh Jeju-do, đều khá giống với ngôn ngữ chuẩn, vì thế người nói các tiếng địa phương có thể hiểu được nhau không mấy khó khăn.

Các nhà ngôn ngữ học và các nhà dân tộc học đã xếp tiếng Hàn thuộc hệ ngôn ngữ Altaic bao gồm tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Mông Cổ và tiếng Tungus – Mãn Châu.

Bảng chữ cái tiếng Hàn, Hangeul được vua Sejong Đại đế phát minh vào thế kỷ 15. Trước khi bảng chữ cái ra đời, chỉ một phần rất nhỏ dân số biết chữ có thể nắm được ký tự tiếng Hán mà tầng lớp trên sử dụng vì nó quá khó.

Trong những nỗ lực nhằm phát minh ra một hệ thống chữ viết tiếng Hàn, vua Sejong đã nghiên cứu nhiều hệ thống chữ viết khác được biết đến vào thời bấy giờ, trong đó có chữ Hán cổ, chữ Uighur và hệ thống chữ viết của người Mông Cổ.

Tuy nhiên, hệ thống mà các học giả thời Joseon quyết định lựa chọn chủ yếu dựa trên ngữ âm học. Hệ thống này được phát triển theo một nguyên lý bao quát là phân chia âm tiết thành ba phần, bao gồm âm vị đầu, âm vị giữa và âm vị cuối, đối lập với sự phân chia âm tiết thành hai phần trong âm vị học của chữ Hán cổ.

Hangeul bao gồm 10 nguyên âm và 14 phụ âm, có thể kết hợp thành vô vàn các nhóm âm tiết. Bảng chữ cái này hết sức đơn giản. Hangeul rất dễ học và dễ viết, vì thế đã đóng góp một phần to lớn vào tỷ lệ biết chữ cao và một nền công nghiệp in ấn tiên tiến của Hàn Quốc.

Nhiều người cho rằng so với chữ Nôm của người Việt trước đây trong tương quan so sánh với gốc chữ Hán thì chữ Nôm phức tạp hơn nhiều trong khi đó chữ Hangeul lại rất đơn giản và đây cũng là một lý do giải thích rằng chữ Nôm không phát triển được còn chữ Hangeul thì vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Không biết nhận định này có được các nhà nghiên cứu ngôn ngữ chia sẻ hay không nhưng đó là một thực tế.

Thực hiện: Hồng Duyên và nhóm Web

Nguồn: Các tài liệu lưu tại TTNCHQ


Scroll To Top