TÍN HIỆU TÍCH CỰC TRONG HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỦA TRIỀU TIÊN
Đăng ngày:
Trong những năm qua do tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19, Triều Tiên đã áp đặt các biện pháp ngăn chặn đại dịch nghiêm ngặt nhất thế giới, trong đó gần như cấm hoàn toàn việc đi lại và xây tường biên giới quy mô lớn. Điều này dẫn đến nhiều đại sứ quán ở Triều Tiên đóng cửa vì không thể luân chuyển nhân viên hoặc vận chuyển vật tư. Tuy nhiên gần đây, Triều Tiên bắt đầu nới lỏng các hạn chế quốc tế, mở cửa lại biên giới sau đại dịch. Và đây chính là tín hiệu tích cực để các nước có mối quan hệ hữu nghị với Bình Nhưỡng tăng cường hoạt động ngoại giao đã bị đình trệ trong những năm qua. Trung Quốc: Ngày 27/3/2023, Tân Đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên Vương Á Quân đã tới Bình Nhưỡng để nhận nhiệm vụ. Ông Vương được bổ nhiệm làm Đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên vào tháng 12/2020 nhưng chưa thể đến nhận nhiệm vụ vì các biện pháp kiểm soát dịch của Triều Tiên. Ông Vương Á Quân là nhà ngoại giao nước ngoài đầu tiên tới Bình Nhưỡng trong 3 năm, kể từ khi Triều Tiên cho đóng cửa biên giới [1]. Nga: Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng đã tăng cường nhân sự trở lại vào ngày 7/ 9/2023. Đây là lần đầu tiên sau gần 4 năm, các nhân viên mới - gồm 20 nhà ngoại giao và nhân viên kỹ thuật đến làm việc tại đại sứ quán trên cơ sở luân chuyển nhân sự. Nga là đại sứ quán thứ hai có nhân viên mới tới làm việc, sau Trung Quốc [2]. Mông Cổ: Ngày 29/1/2024, Tân Đại sứ Mông Cổ Luvsantseren Erdenedava đã trao Quốc thư cho Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Choe Ryong-hae. Ông Erdenedava đã được bổ nhiệm giữ chức Đại sứ tại Bình Nhưỡng vào tháng 10/ 2021, song do tình hình đại dịch COVID-19 kéo dài nên đến cuối năm 2023 ông mới đến Bình Nhưỡng [3]. Cuba: Ngày 1/2/2024 Triều Tiên cho biết, Tân Đại sứ Cuba Eduardo Luis Garcia Correa tại Triều Tiên cũng đã đến Bình Nhưỡng bắt đầu nhiệm vụ. Đại sứ Cuba đã trao Thư ủy nhiệm của Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel cho Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Tối cao Triều Tiên Choe Ryong-hae vào ngày 1/2. Ngoài ra, Nicaragua cũng đang có kế hoạch sớm mở đại sứ quán ở Triều Tiên [4]. Như vậy, kể từ khi Bình Nhưỡng mở cửa lại một phần biên giới, Cuba trở thành quốc gia thứ ba cử Đại sứ đến Triều Tiên, sau Trung Quốc và Mông Cổ. Châu Âu: Một số quốc gia Châu Âu cũng cho biết cân nhắc việc mở lại đại sứ quán ở Triều Tiên. Đức: Ngày 28/2/2024, phái đoàn Đức đã đến thăm thủ đô Bình Nhưỡng, đây là lần thăm đầu tiên kể từ khi đại sứ quán Đức bị đóng cửa trong giai đoạn đại dịch bùng phát vào tháng 3/2020. Mặc dù vẫn chưa có quyết định chính thức về việc mở lại đại sứ quán, song phái đoàn Đức đã tiến hành kiểm tra địa điểm của đại sứ quán tại Triều Tiên. Anh: Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Anh cũng bày tỏ sự vui mừng khi một số nhà ngoại giao quay trở lại Bình Nhưỡng và hoan nghênh các động thái của Triều Tiên nhằm mở lại biên giới; đồng thời cho biết, Anh cũng đang tìm cách cử một phái đoàn đến Triều Tiên sau khi đóng cửa đại sứ quán và rút toàn bộ nhân viên ngoại giao khỏi Triều Tiên vào tháng 5/2020. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Anh cũng kêu gọi Triều Tiên cho phép cộng đồng quốc tế, gồm tất cả các nhà ngoại giao, các cơ quan của Liên Hợp Quốc và tổ chức nhân đạo phi chính phủ vào Bình Nhưỡng. Thụy Điển: Đặc phái viên của Thụy Điển về vấn đề Bán đảo Triều Tiên Peter Semneby cũng cho biết về một số tiến bộ trong việc đưa các nhà ngoại giao Thụy Điển trở lại Bình Nhưỡng, nhưng ông Peter cũng từ chối nêu chi tiết vì tính nhạy cảm của các cuộc thảo luận. Ông Peter cũng bày tỏ hy vọng về việc có thể sớm tái thiết lập đại sứ quán tại Triều Tiên [5]. Liên Hợp Quốc: Ngày 1/3/2024, Tổng thư ký Antonio Guterres đã bổ nhiệm ông Joe Columbano làm tân Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Triều Tiên. Điều phối viên Columbano sẽ hỗ trợ cho nỗ lực của Bình Nhưỡng liên quan đến chương trình nghị sự “Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030” và dẫn dắt đội ngũ của Liên hợp quốc trong lĩnh vực lương thực và an ninh, dịch vụ phát triển xã hội của Triều Tiên. Tân Điều phối viên Columbano bắt đầu công việc mới từ xa tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Bangkok (Thái Lan) trước khi nhập cảnh vào Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên một nhân viên của Liên hợp quốc đến Triều Tiên kể từ năm 2021. Việc Liên hợp quốc bổ nhiệm Điều phối viên thường trực tại Bình Nhưỡng lần này mở ra khả năng về việc Triều Tiên sẽ mở cửa trở lại với các tổ chức quốc tế khác như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) [6]. Triều Tiên là quốc gia đã áp đặt một số biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất trên thế giới trong thời kỳ dịch COVID-19 lây lan. Triều Tiên bắt đầu mở cửa với bên ngoài vào tháng 8/2023, NK Pro, trang web chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên có trụ sở tại Seoul cho biết, tính đến tháng 1/2023, 9 quốc gia có đại sứ quán hoạt động ở Bình Nhưỡng, nhưng chỉ có Trung Quốc, Nga, Mông Cổ và Cuba được phép luân chuyển nhân viên tại đại sứ quán của họ kể từ năm 2023 [6]. Trần Thị Mỹ Hoa TTNC Hàn Quốc, Triều Tiên Tài liệu tham khảo [1] Kyodo (2023), New Chinese envoy arrives in North Korea after 15-month COVID hiatus, https://english.kyodonews.net/news/2023/03/801b97c9f9e1-new-chinese-envoy-arrives-in-n-korea-after-15-month-covid-hiatus.html. [2] Cynthia Kim (2023), Russian embassy in North Korea allowed new staff for first time since pandemic, https://www.reuters.com/world/russian-embassy-north-korea-allowed-new-staff-first-time-since-pandemic-2023-09-07/ [3] KBS World (2024), Tân Đại sứ Mông Cổ trình Quốc thư lên Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên, http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&id=IK&Seq_Code=6149 [4] Kim Soo-yeon (2024), (2nd LD) Cuba's new envoy to N.K. assumes post amid Pyongyang's move to resume diplomacy, https://en.yna.co.kr/view/AEN20240201001652315 [5]; [7], Josh Smith and Alexander Ratz (2024), European countries eye reopening embassies in North Korea after pandemic closures, [6] KBS World (2024), Liên hợp quốc bổ nhiệm tân Điều phối viên thường trú tại Bình Nhưỡng, https://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=61812