Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


NHỮNG THAY ĐỔI TRONG QUAN ĐIỂM CỦA TRIỀU TIÊN ĐỐI VỚI HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc tiếp tục căng thẳng, trong bối cảnh gần đây Triều Tiên có những thay đổi trong quan điểm đối với Hàn Quốc. Triều Tiên đã bỏ mục tiêu thống nhất với Hàn Quốc, tiến hành sửa đổi một số nội dung trong Hiến pháp liên quan tới vấn đề hòa giải với Seoul; xác định Hàn Quốc là “kẻ thù chính”; bên cạnh đó còn phá huỷ tượng đài thống nhất quốc gia, hủy bỏ mọi hợp tác kinh tế với Hàn Quốc; đồng thời đóng cửa một loạt cơ quan phụ trách các vấn đề liên Triều.... Động thái này từ phía Triều Tiên cho thấy cánh cửa đối thoại liên Triều dường như bị khép lại, mở đường cho những quyết định cứng rắn hơn nữa của Triều Tiên đối với Hàn Quốc trong tương lai.

Bỏ mục tiêu thống nhất với Hàn Quốc

Kể từ sau khi đình chiến năm 1953, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn thực hiện chính sách coi nhau như một phần, chứ không phải là một quốc gia riêng rẽ. Vì thế, hai bên đều có cơ quan chuyên xử lý quan hệ liên Triều, thay vì giao cho Bộ Ngoại giao, đồng thời áp dụng chính sách hướng đến sự thống nhất hòa bình trong tương lai, với tầm nhìn về một nhà nước hai chế độ.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu tại Hội nghị trung ương lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 8 đảng Lao động Triều Tiên kết thúc ngày 30/12/2023, ông Kim Jong-un khẳng định Bình Nhưỡng không còn hướng tới mục tiêu thống nhất với Hàn Quốc. Ông Kim nhấn mạnh: Triều Tiên không nên phạm sai lầm một lần nữa khi coi Hàn Quốc là đối tác hòa giải và thống nhất, vì Seoul đã tuyên bố Bình Nhưỡng là kẻ thù chính của Hàn Quốc. Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên không còn là quan hệ của giữa những người cùng một dân tộc, mà mối quan hệ này đã trở thành quan hệ của hai quốc gia thù địch hay giữa các nước đang có chiến tranh với nhau[1].

Theo các nhà phân tích, việc từ bỏ chính sách hướng đến thống nhất đã áp dụng trong mấy thập kỷ qua có thể để hợp lý hóa việc sử dụng vũ khí hạt nhân với Seoul nếu chiến tranh xảy ra trong tương lai. Một số nhà quan sát cho rằng tuyên bố của Triều Tiên phản ánh thực tế của hai quốc gia với sự chia rẽ và khác biệt lớn trong nhiều năm qua. Nhà nghiên cứu Rachel Minyoung Lee, thuộc Stimson Center của Mỹ, cho biết: “Triều Tiên trong những năm qua đã có dấu hiệu sẽ có thay đổi về mặt cơ bản trong các chính sách về Hàn Quốc và đại hội Đảng trong tháng 12 năm 2023 đã không chỉ xác nhận mà còn chính thức hóa điều này”. Quan chức thuộc Bộ Thống nhất của Hàn Quốc cũng cho biết trong báo cáo về kết quả đại hội đảng, Triều Tiên đã khẳng định sẽ không coi Hàn Quốc là đối trọng trong quá trình hòa giải và thống nhất, trên thực tế đây chưa bao giờ là một mục tiêu mà họ theo đuổi [2].

Xác định Hàn Quốc là “kẻ thù chính”

Trong bối cảnh căng thẳng giữa hai miền gia tăng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp tục kêu gọi sửa đổi Hiến pháp nhằm giáo dục người dân Triều Tiên xem Hàn Quốc là “kẻ thù chính và kẻ thù không thay đổi”, xác định Triều Tiên có lãnh thổ tách biệt với Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh Triều Tiên không muốn chiến tranh, nhưng nếu chiến tranh xảy ra, Bình Nhưỡng sẽ không né tránh. Trong bài phát biểu tại kỳ họp thứ 10 của Hội đồng Nhân dân Tối cao (Quốc hội) khóa XIV ngày 15/1/2024, ông Kim kết luận rằng việc thống nhất với Hàn Quốc không còn khả thi. Ông Kim cáo buộc Hàn Quốc đang tìm cách làm sụp đổ chế độ ở Triều Tiên và muốn thống nhất bằng cách sáp nhập[3]. Tại kỳ họp, Triều Tiên cũng quyết định bãi bỏ hoạt động của hàng loạt cơ quan phụ trách các vấn đề liên Triều, bao gồm Ủy ban Tái Thống nhất Hòa bình, Cục Hợp tác Kinh tế Quốc gia và Cục Du lịch Quốc tế Kumgang [4]. Ngoài ra, ông Kim Jong-un cũng kêu gọi thực hiện các biện pháp pháp lý để xác định Hàn Quốc không phải là đối tác của hòa giải và thống nhất. Việc tiếp tục nhấn mạnh việc tìm kiếm hòa giải với Hàn Quốc sẽ trở thành “sai lầm”. Ông Kim Jong-un đồng thời khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không công nhận đường biên giới trên biển thực tế giữa hai nước - Đường giới hạn phía bắc (NLL). Triều Tiên nhấn mạnh rằng biên giới phía nam Triều Tiên đã được vạch rõ, còn “giới tuyến phía Bắc” phi pháp cùng những ranh giới khác không bao giờ được chấp nhận. Nếu Hàn Quốc xâm phạm dù chỉ 0,001 mm lãnh thổ, lãnh hải và không phận của Triều Tiên, đó sẽ được coi là hành động khiêu khích chiến tranh [5].

Phá hủy tượng đài thống nhất quốc gia

Triều Tiên đã phá hủy tượng đài lớn ở thủ đô - tượng trưng cho mục tiêu thống nhất với Hàn Quốc. Hình ảnh vệ tinh chụp Bình Nhưỡng ngày 23/1/2024 cho thấy tượng đài hình vòm tượng trưng cho hy vọng thống nhất hai miền đã không còn ở đó. Tượng đài này được dựng lên sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000.  Trong bài phát biểu tại Quốc hội ngày 15/1/2024, ông Kim nói rằng tượng đài này “chướng mắt”. Theo hồ sơ của Chính phủ Hàn Quốc, tượng đài mái vòm cao 30m, với tên chính thức là Đài tưởng niệm Ba chương thống nhất quốc gia, là biểu tượng cho sự tự lực, hòa bình và hợp tác quốc gia [6].

Hủy bỏ toàn bộ hợp tác kinh tế với Hàn Quốc

Ngày 8/2/2024, Hãng thông tấn KNCA cho biết cơ quan Quốc hội Triều Tiên đã bỏ phiếu hủy bỏ toàn bộ thỏa thuận đã ký với Hàn Quốc về việc thúc đẩy hợp tác kinh tế. Quốc hội Triều Tiên cũng đã bỏ phiếu bãi bỏ luật điều chỉnh quan hệ kinh tế với Seoul, bao gồm cả luật đặc biệt về vận hành dự án du lịch núi Kumgang. Trước đây, các chuyến tham quan đến núi Kumgang là biểu tượng của sự hợp tác kinh tế bắt đầu trong thời kỳ nồng ấm giữa hai miền Triều Tiên vào đầu những năm 2000, thu hút gần 2 triệu du khách Hàn Quốc. Tuy nhiên, dự án bị đình chỉ vào năm 2008 sau khi một du khách Hàn Quốc đi lạc vào khu vực cấm bị lính Triều Tiên bắn chết [7].

Xóa hình ảnh bán đảo Triều Tiên khỏi các trang web chính thống và xóa các biểu tượng có cụm từ “thống nhất”

Ngày 19/2/2024, Triều Tiên đã xóa hình ảnh bán đảo Triều Tiên - tượng trưng cho mục tiêu thống nhất trên các trang web lớn của Bình Nhưỡng. Cụ thể: biểu tượng bản đồ màu đỏ biểu thị bán đảo Triều Tiên đã bị xóa khỏi hình ảnh nền trên trang web Foreign Trade of DPRK. Trang web này vốn được lập ra để thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư của Triều Tiên. Hình ảnh bán đảo Triều Tiên tương tự cũng đã biến mất trên trang nhất của cổng thông tin Publications of the DPRK - trang web đăng tin tức chính thức về Triều Tiên bằng tiếng nước ngoài [8].

Ngày 21/2/2024, Hàn Quốc cũng cho biết bảng hiệu “Lầu gác Thống nhất” (Tongilgak) bên trong làng đình chiến Bàn Môn Điếm đã bị Triều Tiên dỡ bỏ vào cuối tháng 1/2024. Trước đó, tài khoản mạng xã hội của Đại sứ quán Nga tại Triều Tiên cũng cho biết trên bản đồ ga tàu điện ngầm ở thủ đô Bình Nhưỡng, “ga Thống nhất” đã bị xóa chữ “Thống nhất”. Điều này cho thấy nội bộ chính quyền Triều Tiên đang đồng loạt xóa mọi dấu vết của cụm từ “thống nhất”. Nhiều cụm từ khác như “ba nghìn dặm” (samcholli) chỉ toàn bộ bán đảo, hay cụm từ “dân tộc chúng ta” bị cấm nhắc tới [9].

Những thay đổi lớn này của Triều Tiên  nhận được sự quan tâm theo dõi của đông đảo các chuyên gia. Ankit Panda, một chuyên gia của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận định, Triều Tiên đã điều chỉnh lại cách tiếp cận với các vấn đề khu vực kể từ khi hội nghị thượng đỉnh với Mỹ đổ vỡ hồi năm 2019. Nhưng giờ đây, với năng lực hạt nhân và tên lửa tiên tiến cùng sự hỗ trợ của Nga và Trung Quốc, ông Kim Jong -un đã cảm thấy đủ tự tin để thực hiện những thay đổi này. Về phần mình, giáo sư Lim Eul-chul tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam, Hàn Quốc cho rằng: “Triều Tiên đang hướng tới việc phá hủy những gì mà họ cho là ảo tưởng về sự thống nhất”. Đó là điều trái ngược với cách tiếp cận của chính ông Kim vào năm 2018, khi ông bắt đầu con đường ngoại giao với cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, và sau đó sử dụng Seoul làm cầu nối giao tiếp với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, một phần trong nỗ lực đầy tham vọng nhằm tận dụng vũ khí hạt nhân làm đòn bẩy để đạt được những lợi ích kinh tế cần thiết [10].

 

Trần Thị Mỹ Hoa

TTNC Hàn Quốc, Triều Tiên

 

Tài liệu tham khảo

[1] Kim Soo-yeon (2023), (News Focus) N.K. leader says 2 Koreas are 'hostile nations at war' with no chance of unification, https://en.yna.co.kr/view/AEN20231231002300315

[2] Hyonhee Shin and Josh Smith (2024), In threatening shift, North Korea moves to redefine relations with South, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/threatening-shift-north-korea-moves-redefine-relations-with-south-2024-01-04/

[3] Hyunsu Yim (2024), North Korea's Kim calls for South to be seen as "primary foe", warns of war, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/north-koreas-kim-calls-change-status-south-warns-war-2024-01-15/

[4] Kim Soo-yeon (2024), N. Korea abolishes agencies handling inter-Korean affairs at parliamentary meeting, https://en.yna.co.kr/view/AEN20240116000600315.

[5] Kim Soo-yeon (2024), (2nd LD) N.K. leader calls for defining S. Korea as 'No. 1 hostile country' in constitution, https://en.yna.co.kr/view/AEN20240116000652315

[6] Reuters (2024), North Korea tears down monument symbolizing union with South –report, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/north-korea-tears-down-monument-symbolizing-union-with-south-report-2024-01-23/

[7] Jack Kim (2024), North Korea scraps all economic cooperation with South Korea,https://www.reuters.com/world/asia-pacific/north-korea-scraps-all-economic-cooperation-deals-with-south-korea-kcna-2024-02-07/#:~:text=SEOUL%2C%20Feb%208%20(Reuters),Koreas'%20ties%20continue%20to%20deteriorate.

[8] Kim Soo-yeon (2024), N. Korea erases image of Korean Peninsula from major websites, https://en.yna.co.kr/view/AEN20240219005200315

[9] KBS World (2024), Bắc Triều Tiên xóa các biểu tượng có cụm từ "thống nhất", https://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=61712

[10] Kim Tong-Hyung, Jiwon Song (2024), Analysis: North Korea’s rejection of the South is both a shock, and inevitable, https://apnews.com/article/kim-jong-un-north-korea-south-korea-unification-954ae7bf73d120de117eb4f60bfe3b0a

 

 


Scroll To Top