Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


TỶ LỆ SINH THẤP VÀ NỖ LỰC ĐỐI PHÓ CỦA HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Hàn Quốc hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp kỷ lục trên thế giới. So với nhiều nước phát triển khác, sự thay đổi tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc có những nét rất đặc thù. Từ chỗ mỗi cặp vợ chồng thường có từ 4 đến 6 con trong những năm 1960, đến nay tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc đã giảm xống mức thấp nhất chưa từng có trong lịch sử. Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Hàn Quốc đã trở thành rủi ro hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế và hệ thống phúc lợi xã hội. Bài viết này trên cơ sở đi sâu tìm hiểu thực trạng tỷ lệ sinh thấp hiện nay ở Hàn Quốc, các nguy cơ phải đối diện và nỗ lực của chính phủ để đối phó với tình trạng trên.

 

Tình hình tỷ lệ sinh thấp ở Hàn Quốc

Vào đầu những năm 1990, tỷ lệ sinh ở hầu hết các nước tiên tiến đã giảm đến mức thấp nhất và duy trì ổn định ở mức này. Tuy nhiên ở Hàn Quốc tỷ lệ sinh bắt đầu giảm kể cuối những năm 1960 và giảm mạnh trong những năm 1970 và 1980. Từ giữa những năm 1980, tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc đã giảm xuống mức tương đương với mức của các nước phát triển và liên tục giảm nhanh trong thời gian ngắn sau đó (1). Bảng dưới đây cho thấy sự biến động của tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc qua một số năm kể từ sau chiến tranh Triều Tiên đến nay.

Bảng: Sự biến động tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc (1960 đến nay)

1960

1970

1980

1990

2000

2005

2010

2015

2020

2023

5,99

4,53

2,08

1,8

1,47

1,09

1,23

1,24

0,84

0,72

Nguồn: https://koreajoongangdaily.joins.com

Lee Sam Sik, Korea’s Policy Direction on Fertility, Korea Policy Review, 11/2005

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, năm 2021, tổng tỷ suất sinh của cả nước (tổng số trẻ em trên một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) là 0,81. (Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 1,16; Nhật Bản 1,3; Đức 1,58; Tây Ban Nha 1,19). Quan trọng hơn, Hàn Quốc có tỷ lệ sinh dưới 1,3 đã hai thập kỷ. Tỷ lệ sinh năm 2022 ở nước này là 0,78 (đáng chú ý tại thủ đô Seoul, tỷ lệ này chỉ ở mức 0,59). Tuy nhiên đến năm 2023 đã giảm xuống mức kỷ lục là 0,72. Trong giai đoạn quý III năm 2023, có 56.794 trẻ em được sinh ra, giảm 11,5% so với cùng kỳ 2022 và là mức thấp nhất kể khi thống kê vào năm 1981. Con số này thấp hơn nhiều so với tỉ lệ sinh 2,1 trẻ em cần thiết để duy trì dân số hiện tại là 51 triệu người. Như vậy, Hàn Quốc đã năm thứ ba liên tiếp có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Theo dự đoán, tỷ lệ sinh của nước này có khả năng giảm xuống 0,68 vào năm 2024.

Kể từ năm 2018, Hàn Quốc là quốc gia thành viên duy nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tỷ lệ sinh dưới 1, bất chấp chính phủ nước này đã dành hàng tỷ USD để đảo ngược xu hướng suy giảm dân số. Hàn Quốc cũng là quốc gia có khoảng cách lớn nhất trong chi trả lương dựa theo giới tính trong khối OECD khi phụ nữ Hàn Quốc chỉ được nhận số tiền bằng 2/3 thu nhập của nam giới.

Hiệp hội Dân số, y tế và phúc lợi Hàn Quốc ngày 26/3/2024 công bố kết quả khảo sát về tình hình dân số quốc gia lần thứ nhất, nhằm nắm bắt về vấn đề tỷ lệ sinh thấp trong xã hội Hàn Quốc. Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 23/10-13/11 năm 2023 với 2.000 nam nữ từ 20-44 tuổi cư trú trên toàn quốc (nam nữ đã kết hôn và chưa kết hôn, mỗi nhóm 500 người), theo hình thức phỏng vấn qua điện thoại. Bình quân số con cái mong muốn ở nam giới đã kết hôn là 1,79 trẻ, ở nữ giới đã kết hôn là 1,71 trẻ, nam giới chưa kết hôn là 1,63 trẻ và nữ giới chưa kết hôn là 1,43 trẻ. Trong đó, 21,3% nữ giới chưa kết hôn trả lời không mong muốn có con. Tỷ lệ này ở nam giới chưa kết hôn là 13,7%, nữ giới đã kết hôn là 6,5%, nam giới đã kết hôn là 5,1%.

Hiệp hội phân tích cứ 5 phụ nữ chưa kết hôn thì có một người không muốn sinh con. So với nam giới đã kết hôn, người đang độc thân cũng mong muốn có ít con hơn. Với giá trị quan như trên của những người chưa kết hôn, Hiệp hội dự báo hiện tượng tỷ lệ sinh siêu thấp sẽ còn tiếp tục kéo dài. Có nhiều ý kiến lo lắng về chi phí nuôi con và môi trường phát triển của trẻ nhỏ: 96% cho rằng tốn kém nhiều chi phí trong thời kỳ phát triển của trẻ; 88,8% trả lời cảm thấy lo lắng về tương lai phía trước của con; 77,6% số người tham gia trả lời việc có con làm hạn chế kinh nghiệm làm việc của người phụ nữ;72,8% đồng tình rằng con cái hạn chế tự do của cha mẹ (2).

Những nguy cơ phải đối diện

Giảm sinh con từng góp phần vào phép màu kinh tế Hàn Quốc nhưng việc người dân đang ngại sinh nở hiện nay lại thành thách thức cho tăng trưởng. Tỷ lệ sinh giảm ảnh hưởng đến hầu hết các nước phát triển ở Đông Á và châu Âu, dẫn đến dân số già đi nhanh chóng. Tuy nhiên, không đâu nghiêm trọng như Hàn Quốc, nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới nhiều năm qua. Quý III/2023, số lượng cuộc hôn nhân tại Hàn Quốc cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục là 41.706, giảm 8,2% so với cùng kỳ 2022 (3). Với tỷ lệ sinh cực kỳ thấp, Hàn Quốc đang giảm dân số mỗi năm và quốc gia sôi động một thời này đang trở thành nơi có nhiều người già và ít công nhân hơn. Nếu xu hướng này tiếp tục và không chào đón hàng triệu người nhập cư, dân số 51 triệu hiện tại sẽ giảm xuống dưới 38 triệu trong bốn hoặc năm thập kỷ tới.

Trước hết, việc thiếu trẻ em tạo ra những rủi ro lâu dài cho nền kinh tế, do làm giảm quy mô lực lượng lao động, cũng đồng thời là người tiêu dùng. Nghiên cứu của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) năm 2023 dự báo, nếu tỷ lệ sinh giữ nguyên quỹ đạo hiện tại, đất nước có thể chứng kiến tăng trưởng âm từ năm 2050. Tính toán này dựa trên xu hướng tăng trưởng, loại trừ những biến động kinh tế ngắn hạn. Một số chuyên gia dự đoán rằng Indonesia, Nigeria, nhờ vào dân số đông, sẽ vượt qua Hàn Quốc về quy mô kinh tế vào năm 2050 - đẩy quốc gia Đông Á này ra khỏi 15 nền kinh tế lớn nhất. Một quan điểm bi quan khác dự báo, Hàn Quốc có thể biến mất vào năm 2750 nếu tỷ lệ sinh tiếp tục giảm với tốc độ như hiện tại. Tóm lại, quy mô nền kinh tế Hàn Quốc chắc chắn sẽ bị thu hẹp nếu dân số giảm.

Thứ hai, mức sinh thấp còn đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số. Khi mức sinh thấp gây già hóa dân số nhanh sẽ kéo theo gia tăng quỹ phúc lợi xã hội và các dịch vụ bảo trợ xã hội cho người cao tuổi, giảm tiền tiết kiệm do xã hội ngày càng già đi và sụt giảm trong đầu tư do giảm bớt các nguồn lực. Chi tiêu phúc lợi cho dân số già là gánh nặng ngân sách, mà lẽ ra có thể được sử dụng để thúc đẩy kinh doanh, nghiên cứu và phát triển. Theo ước tính chi phí chăm sóc sức khỏe người già cao gấp 7-8 lần so với chăm sóc sức khỏe trẻ em. Nhu cầu cán bộ điều dưỡng chăm sóc người già sẽ tăng đột biến trong bối cảnh lực lượng lao động giảm và phụ nữ ngày một tham gia tích cực hơn trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Gánh nặng chi tiêu trong mỗi gia đình cũng tăng lên do số người có khả năng nuôi dưỡng người cao tuổi giảm xuống. Khi lão hóa dân số trở nên trầm trọng, cán cân giữa thế hệ lao động tạo ra của cải gánh vác xã hội và thế hệ già cả sẽ bị phá vỡ, gánh nặng đối với thế hệ lao động sẽ ngày một nặng nề, tác động tiêu cực tới năng lực của nền kinh tế (4).

Thứ ba, tỷ lệ sinh thấp dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động cũng tác động đến các chính sách di cư làm tăng các dòng di cư, thu hút lao động nhập cư. Khi gia tăng số lao động nhập cư mà thiếu những chế tài để kiểm soát thì dễ tạo ra những vấn đề xã hội khác trong cộng đồng dân cư. Cùng với đó, việc gia tăng các dòng di cư cũng kéo theo các dịch vụ đi kèm để cung cấp cho người nhập cư như nhà ở, trường học, bệnh viện. Điều này gây nguy cơ xung đột do những khác biệt về sắc tộc, tôn giáo, văn hoá, kỹ năng làm việc, cạnh tranh việc làm do quá trình di cư – nhập cư… Mức sinh thấp cũng cùng các hệ lụy nêu trên sẽ kéo theo hậu quả nghiêm trọng là tác động đến sự ổn định xã hội và phát triển đất nước, làm phát sinh hàng loạt các vấn đề về an sinh xã hội, trật tự an ninh, quốc phòng, nhà ở, giao thông, môi trường… Theo báo cáo nghiên cứu đăng trên Diễn đàn chính sách nuôi dạy trẻ em của Viện nghiên cứu chính sách nuôi dạy trẻ em Hàn Quốc, số nhà trẻ trên toàn Hàn Quốc đã giảm từ con số hơn 39.171 trong năm 2018 xuống hơn 30.923 vào năm 2022, giảm 21%. Trong cùng khoảng thời gian này, số trường mẫu giáo giảm từ 9.021 xuống 8.562 , giảm 5,1%.

Nhóm nghiên cứu dự báo tốc độ giảm nhà trẻ, trường mẫu giáo sẽ ngày càng nhanh hơn do tỷ lệ sinh thấp nghiêm trọng. Nhóm nghiên cứu lấy ước tính dân số tương lai của Cục Thống kê quốc gia, giả định nếu giữ nguyên tỷ lệ nhập học và chỉ tiêu tuyển sinh trên mỗi trường như hiện nay thì tổng số lượng nhà trẻ và trường mẫu giáo sẽ giảm từ 39.053 trong năm 2022 xuống còn 26.637 vào năm 2028. Có nghĩa là trong vòng 4 năm tới, sẽ có 31,8% nhà trẻ và trường mẫu giáo (12.416 nơi) sẽ phải đóng cửa vì không có học sinh. Trong đó, tỷ lệ giảm cao hơn hẳn tại các đô thị lớn như thành phố Busan (39,4%), Seoul (37,3%), Daegu (37,3%), Incheon (34%). Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng vẫn còn nhiều trường đang duy trì hoạt động dù không đủ học sinh, nên việc đóng cửa những trường này trong thời gian tới sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa.

Những nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc

Trong vòng hơn 6 thập kỷ vừa qua, chính phủ Hàn Quốc đã có những chính sách thay đổi phù hợp với sự biến động của tình hình dân số quốc gia. Nếu như từ những năm 1960 đến 1980, chính phủ đã đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch để hạn chế sinh đẻ bằng nhiều biện pháp như tuyên truyền, tăng cường trợ cấp xã hội. Nhờ đó, tỷ lệ sinh đẻ ở Hàn Quốc đã giảm xuống dưới mức lý tưởng để duy trì một quy mô dân số ổn định là 2,1 kể từ giữa những năm 1980.

Bước sang những năm 1990, chính phủ ban hành chính sách dân số mới nhấn mạnh vào chất lượng và phúc lợi cho cộng đồng dân cư. Và kể từ năm 2000 đến nay, trước tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ sinh ngày càng giảm đến mức báo động, chính sách dân số đã chuyển từ hạn chế sinh đẻ trước đây sang khuyến khích sinh đẻ. Trong đó tiêu biểu là các chính sách như tăng các khoản trợ cấp bảo hiểm sức khỏe và giảm gánh nặng chi phí cho phụ nữ mang thai và sinh con (5). Năm 2004, chính phủ đã ban hành chính sách giảm thuế thu nhập cho các trường hợp sinh con, miễn thuế thu nhập đối với các khoản trợ cấp sinh con và nuôi con, giảm thuế thu nhập đối với gia đình có con dưới 6 tuổi và tăng giới hạn trên của mức thuế được giảm. Đầu năm 2005, Hàn Quốc dấy lên phong trào vận động phụ nữ sinh con và có ít nhất 2 con với tên gọi “1-2-3”:  sinh con ngay trong năm đầu sau khi kết hôn và sinh con thứ hai trước khi bước sang tuổi 30. Tuy nhiên phong trào này không đạt được hiệu quả như mong đợi bởi đa phần thanh niên Hàn Quốc không muốn kết hôn sớm do đó việc vận động họ có con thứ hai trước 30 tuổi là không khả thi.  Chính phủ đã và đang nỗ lực nghiên cứu các biện pháp hữu hiệu hơn để khuyến khích sinh đẻ. Tổng thống Yoon Suk -yeol đã thành lập nhóm phụ trách chính sách nhằm tăng tỷ lệ sinh. Năm 2006, chương trình hành động “Saeromaji Plan 2010” ra đời bao gồm nhiều biện pháp như mở các lớp trông giữ trẻ sau giờ học chính quy hay chương trình giáo dục qua Internet. Năm 2008, Tổng thống Lee Myung -bak lên cầm quyền đã công bố một tầm nhìn mới rộng lớn cho chương trình “Saeromaji”(6). Nhiều biện pháp như khuyến khích hôn nhân, chương trình sau giờ học, giảm trừ thuế, hỗ trợ cha mẹ đơn thân được xây dựng. Kể từ năm 2006, Hàn Quốc đã chi hơn 200 tỷ USD vào các chương trình nhằm tăng tỷ lệ sinh nhưng hầu như không hiệu quả.

Một trong những biện pháp có thể giúp Hàn Quốc xoay chuyển tình thế này là dựa vào nhập cư. Người di cư thường trẻ, năng suất và sinh nhiều con hơn người bản xứ. Nhưng Hàn Quốc có chính sách nhập cư rất hạn chế, để trở thành công dân hoặc thường trú nhân, người nhập cư phải kết hôn với người Hàn Quốc. Năm 1990, Hàn Quốc có khoảng 49.000 lao động nước ngoài cư trú dài hạn. Đến năm 2019, lượng người nước ngoài, bao gồm những người cư trú dưới 90 ngày, đã tăng hơn 2,5 triệu, chiếm 4,9% tổng dân số (khoảng 51 triệu người) (7). Hàn Quốc cũng triển khai nhiều cách khác nhau để giúp người lao động nhập cư trở thành thường trú nhân. Người lao động nhập cư có thể được cư trú hợp pháp tại Hàn hoặc trở thành thường trú nhân thông qua kết hôn với người bản địa. Số lượng các cuộc hôn nhân giữa công dân nước ngoài và người Hàn Quốc đã tăng mạnh kể từ năm 2000. Hiện cứ 10 cuộc hôn nhân ở nước này có một cuộc cô dâu hoặc chú rể là người ngoại quốc, chủ yếu là người Trung Quốc hoặc Việt Nam. Sau khi được nhập tịch nhờ kết hôn, người nước ngoài này có thể tái hôn (sau ly hôn hoặc vợ/chồng qua đời) - và người phối ngẫu mới sẽ tự động trở thành công dân Hàn Quốc. Kể từ những năm 2000, Hàn Quốc đã phát triển nhiều chương trình khác nhau để hỗ trợ người nhập cư, chẳng hạn như dịch vụ tư vấn và giáo dục ngôn ngữ. Các trung tâm hỗ trợ, được thành lập trên khắp đất nước, cung cấp các bài học tiếng Hàn qua sách giáo khoa do Chính phủ biên soạn.

Như vậy, có thể thấy chi phí sinh hoạt cao, việc làm không ổn định và chi phí nuôi con, giá bất động sản tăng vọt góp phần gây ra lo lắng, khiến thanh niên Hàn Quốc không muốn kết hôn hoặc các cặp vợ chồng không thể có con. Một trong những giải pháp được đưa ra là giảm bớt tập trung dân số ở khu vực Seoul - nơi đang làm trầm trọng thêm áp lực cạnh tranh - đồng thời thực hiện hành động để ổn định giá nhà đất và nợ hộ gia đình cũng như cải thiện cấu trúc thị trường lao động. Ngoài ra, chính phủ cần tăng chi ngân sách để chia sẻ gánh nặng chăm sóc trẻ. Các chính sách xã hội nhằm tăng tỷ lệ sinh sẽ không có hiệu lực nếu như không thu hút được sự quan tâm và chung tay của các cá nhân, hộ gia đình và toàn xã hội. Chính quyền thành phố Seoul quyết định xóa bỏ điều kiện "cư trú trên 6 tháng" đối với khoản trợ cấp 1 triệu won (752 USD) cho sản phụ. Theo đó, bất cứ sản phụ nào sinh con trên địa bàn thành phố đều được hưởng khoản hỗ trợ dịch vụ chăm sóc sau sinh là 1 triệu won. Dự án hỗ trợ voucher 1 triệu won dịch vụ chăm sóc sau sinh cho các sản phụ được chính quyền thành phố triển khai từ tháng 9 năm 2023. Trước đó, chỉ có các sản phụ có thời gian cư trú trên 6 tháng tại Seoul mới được hưởng khoản trợ cấp này. Tuy nhiên, chính quyền thành phố đã quyết định xóa bỏ điều kiện trên, giảm nhẹ hàng rào hỗ trợ, nhằm nâng cao hiệu quả chính sách.

Sự điều chỉnh này được áp dụng với tất cả các sản phụ cư trú trên địa bàn thành phố sinh con từ sau ngày 1/1/2024. Tuy nhiên, thành phố vẫn giữ nguyên điều kiện về việc khai sinh tại Seoul, nhằm để phòng tránh trường hợp hưởng trợ cấp nhiều lần ở các tỉnh, thành khác.
Voucher có thể được sử dụng cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sản phụ tại nhà, hay để mua thuốc men, thực phẩm chức năng, dịch vụ bài tập vận động cho sản phụ sau khi sinh. Sản phụ có thể đăng ký nhận voucher trực tuyến qua trang web (www.seoulmomcare.com) trong vòng 60 ngày sau khi sinh, hoặc có thể đăng ký tại trung tâm hỗ trợ hành chính cấp phường nơi cư trú.

 

Ths. Dương Thị Hồng Nhung

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á


Tài liệu tham khảo

  1. Trần Quang Minh (2006), “Tỷ lệ sinh giảm – một trong những vấn đề xã hội nghiêm trọng ở Hàn Quốc hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 4.
  2. “Hơn 21% phụ nữ người Hàn chưa kết hôn không mong muốn có con nếu lập gia đình”, https://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=62013
  3. “Korea’s total fertility rate falls below 1”, https://koreajoongangdaily.joins.com.
  4. Ngô Xuân Bình (2007), “Vấn đề già hóa dân số ở Hàn Quốc”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 5.
  5. Trần Thị Nhung (2012), “Biến đổi cơ cấu dân số ở các nước Đông Bắc Á”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 10.
  6. Nguyễn Hoài Sơn (2017), “Giảm mức sinh ở khu vực Đông Bắc Á, những yếu tố tác động và chính sách ứng phó”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 9.
  7. “Hàn Quốc mở cửa cho lao động nước ngoài để giải quyết khủng hoảng dân số”, https://laodong.vn/the-gioi/.

 

 


Scroll To Top