Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


ÂM NHẠC ĐẠI CHÚNG HÀN QUỐC VỚI NỀN ÂM NHẠC VÀ GIỚI TRẺ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI (Phần 2)

Đăng ngày:

Có thể nói, điện ảnh có vai trò không nhỏ trong việc gây dựng sự yêu thích nhạc Hàn trong giới trẻ Việt. Ban đầu là những bộ phim có những bài hát nền cho phim hay, tiếp theo là những diễn viên đóng phim chuyển sang biểu diễn ca nhạc. Lúc này, nhạc Hàn vẫn dựa vào điện ảnh, chưa thực sự có một vị trí nhất định trong lòng người hâm mộ Hàn lưu. Khi nhạc Hàn đã tìm được vị trí trong lòng những thanh niên Việt Nam, mức độ hâm mộ và lựa chọn ấn phẩm K –Pop tăng chóng mặt, các ca sĩ và nhóm nhạc của K-Pop nhanh chóng trở thành những thần tượng không thể thay thế của giới trẻ Việt hiện nay. Những thần tượng âm nhạc K – Pop đã chi phối từ việc ăn uống, sinh hoạt, tình cảm và con tim của người hâm mộ trẻ tuổi Việt Nam, không biết bao nhiêu bài báo đã viết về hiện tượng các cô bé, cậu bé vừa mới lớn, hâm mộ thần tượng K-pop tới mức lùng mua bằng được album của thần tượng mà họ yêu thích bằng bất kỳ giá nào. Trong một bài viết gần đây đăng trên báo điện tử vietnamnet.vn ngày 30/11/2007 với tựa đề: “Học trò Đặng Thái Sơn thích nhạc phim”, tài năng trẻ pianao Nguyễn Việt Trung chia sẻ: Em thích nghe nhạc phim nên hay xem phim Hàn. Có lúc xem phim mà em khóc…[1].

Hay trong một phỏng vấn sâu được tiến hành với một nam sinh viên ở trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nam sinh viên trả lời như sau:

Em thích nhóm nhạc Super Junior và nói chung là thích các nhóm nhạc Hàn Quốc. Nhìn họ nhảy thật mê, họ thổi bùng mọi thứ trong người mình. Em hay tìm mua đĩa nhạc của họ. Đôi khi không dễ mua lắm và đắt nhưng kệ. Em vẫn cứ bỏ tiền mua. Em không thích nghe nhạc các nước khác vì họ hát cứ chói lói thế nào ấy. Nhạc nó không vào tai em. Chị nhìn đây này, em vừa mới tậu được album hay nhất của Super Junior đấy. Đứa bạn em đang học ở Hàn mua gửi về cho”.[2]

Điều này cho thấy nhạc Hàn phù hợp với tâm lý của giới trẻ Việt Nam hiện nay và đối với không ít các bạn trẻ, K-pop đã trở thành gu âm nhạc của họ.

Một thực tế, thậm chí để có thể có được một lượng fan đông đảo, các ca sĩ dòng nhạc thị trường Việt Nam hay còn gọi là dòng nhạc trẻ cũng bắt chước phong cách biểu diễn và hình ảnh tương tự như các ca sĩ K- Pop. Họ bắt chước từ cách ăn mặc đến phong cách biểu diễn, thậm chí bắt chước cả sáng tác nhạc. Việc bắt chước này nhằm đánh vào sự hâm mộ K –pop của giới trẻ Việt để có thể bán được các sản phẩm âm nhạc của họ. Tất cả đều biết rằng giới trẻ đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ Làn sóng văn hóa Hàn Quốc và sự ảnh hưởng này đã tác động tới tâm lý tiêu dùng của giới trẻ, từ đó văn hóa tiêu dùng của giới trẻ đã có sự điều chỉnh. Trường hợp Album Vol.1 của Trịnh Thăng Bình mới ra là một ví dụ, bộ trang phục mà ca sĩ này mặc giống y hệt như trang phục trên mình những diễn viên trong phim Vườn sao băng (Boys Over Flower) của Hàn Quốc. Ở bìa ngoài Album, từ ánh mắt đến chiếc khăn che ngang mặt, Trịnh Thăng Bình cũng làm giống hệt diễn viên trong phim Tiệm cà phê hoàng tử. Bên cạnh đó còn có hình bìa Album của Trương Quỳnh Anh và Baggio giống hệt poster phim Ngôi nhà hạnh phúc (Full House); Ưng Hoàng Phúc cũng là bản sao của ca sĩ Bi Rain. Khi Bi Rain đeo khăn vào lưng quần trong những buổi biểu diễn, thì ngay lập tức ở Việt Nam đã xuất hiện một Bi Rain thứ hai về hình thức trang phục, đó là Ưng Hoàng Phúc. Chưa hết, khi ca sĩ Bi Rain quàng khăn carô trước ngực thì có ngay ca sĩ Tim[3] của Việt Nam làm theo[4]. Hay Sơn Tùng M-TP là một ca sĩ nhạc pop, thần tượng âm nhạc của các khán giả trẻ Việt được đánh giá là ca sĩ có phong cách thời trang, phong cách biểu diễn đậm chất Hàn Quốc, thậm chí trên trang mạng http://www.allkpop.com/ các fan của ca sĩ thần tượng K-pop G-Dragon – trưởng nhóm nhạc thần tượng BigBang còn đưa ra những bằng chứng về sự “bắt chước” của ca sĩ này[5].

Thay vì mua sắm những đĩa nhạc theo các thể loại đa dạng thì nay phần lớn giới trẻ chỉ đi mua những đĩa nhạc K-pop. Việc bước vào cửa hàng băng đĩa và được giới thiệu các đĩa nhạc K – pop nếu khách hàng là những bạn trẻ trong độ tuổi 15 đến 25 đã phản ánh rõ văn hóa tiêu dùng sản phẩm âm nhạc của giới trẻ[6]. Tại sao họ không thể giới thiệu loại đĩa hát khác? Đơn giản vì người mua, các thanh niên sẽ không lựa chọn hoặc mua những đĩa nhạc không phải K-pop. Trong một bài phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đang gây xôn xao dư luận gần đây, ông nói rằng: “Khán giả cũng bị ảnh hưởng bởi phim ảnh Hàn Quốc nhiều quá, 10 cái clip của Hàn Quốc thì 11 cái có nhảy rồi![7].

Như vậy, không chỉ điện ảnh mà K-pop cũng đã có ảnh hưởng tới thị hiếu âm nhạc của giới trẻ Việt hiện nay. Hơn nữa, K-pop dường như cũng ảnh hưởng tới phong cách nhạc thị trường ở Việt Nam, loại nhạc chỉ nhằm giải trí đơn thuần và vì mục đích kinh tế.

 

Phan Thị Oanh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Tài liệu tham khảo:

1.Đỗ Nam Liên (2005), Văn hóa nghe – nhìn và giới trẻ, NXB Khoa học xã hội

2.Nguyễn Ngọc Thơ, Giá trị Hàn lưu trong nền văn hóa đương đại Việt Nam trên trang web của Trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

3.Nguyễn Tiến Mạnh, Ảnh hưởng văn hóa âm nhạc Hàn Quốc đến Showbiz Việt

4.Phan Thị Thu Hiền, Sự tiếp nhận và ảnh hưởng của Làn sóng văn hóa trong giới trẻ Việt Nam hiện nay (Qua khảo sát ý kiến học sinh, sinh viên), Tạp chí Hàn Quốc số 1 tháng 9 năm 2012.

5.Hà Thanh Vân, Sự tiếp nhận văn hóa Hàn Quốc của các bạn trẻ Việt Nam hiện nay, Chuyên san Khoa học Xã hội & Nhân văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh,12/2012

6.이한우, Lê Thị Hoài Phương(2013), 베트남 한류 를 보는 한국 과 베트남 의 시각, 이매진 출판사

7.김상배 (2007), 한류의 매력과 동아시아 문화네트워크, 세계정치 7 제28집 1호, 2007 년 봄.여름

8.서동훈, 양근경 (2006), 한류가 베트남 청소년의 문화의식에 미치는 영향, 한국청소년정책연구원



[2] ) Phỏng vấn sâu của Phan Thị Oanh trong Luận văn Thạc sỹ “Ảnh hưởng của Làn sóng văn hóa Hàn Quốc tới văn hóa tiêu dùng của giới trẻ Việt Nam”, năm 2013.

[3] ) Ca sĩ  tự do sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, tên thật Trần Nguyên Cát Vũ.

[4] ) Nguyễn Tiến Mạnh, Tạp chí văn hóa nghệ thuật số 328 , tháng 10 năm 2011.

[5] http://www.allkpop.com/meme_view/n7w3gh.

[6] ) Điều tra của Phan Thị Oanh trong Luận văn Thạc sỹ “Ảnh hưởng của Làn sóng văn hóa Hàn Quốc tới văn hóa tiêu dùng của giới trẻ Việt Nam”, năm 2013.

[7] ) http://vtc.vn/nguyen-anh-9-mo-xe-thanh-lam-dam-vinh-hung-ha-ho.13.409573.htm.


Scroll To Top