Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HÀN LƯU VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM (Phần 2)

Đăng ngày:

Trào lưu yêu thích các sản phẩm văn hóa Hàn lưu của giới trẻ là không thể phủ nhận. Thế nhưng, tại sao giới trẻ lại thích K –pop, thích điện ảnh, thích món ăn và hàng hóa made in Korea mà không thích sản phẩm của nền văn hóa khác? Âm nhạc Việt Nam đương đại chính thống dường như bị dòng nhạc thị trường trong nước lấn át. Những sản phẩm của dòng nhạc thị trường là sản phẩm của sự đạo nhạc, của những sáng tác na ná theo kiểu nhạc Hồng Kông, Đài Loan. Nhạc K –pop cũng là dòng nhạc đại chúng nhưng chất lượng cao hơn, do đó dễ thu hút hơn. Bên cạnh đó, họ lại đầu tư trang phục biểu diễn, vũ đạo một cách bài bản, không bát nháo, lộn xộn như nhạc thị trường Việt Nam nên chúng được đông đảo giới trẻ lựa chọn. Khi còn bé, các cô bé, cậu bé học âm nhạc ở trường nhưng chỉ dừng lại ở học hát, học nốt nhạc, không được học cảm thụ âm nhạc. Vì vậy, khi lớn lên, các bạn trẻ không biết thưởng thức âm nhạc, không biết tự tạo gu thẩm mỹ âm nhạc cho mình. Do đó, việc nghe nhạc chạy theo số đông là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, âm nhạc đương đại Việt Nam không cho ra đời nhiều tác phẩm có chất lượng và chưa tự tạo chỗ đứng cho riêng mình. Âm nhạc dân gian truyền thống không có sự thích ứng với sự phát triển xã hội. Thanh niên đang ở lứa tuổi thích sự sôi nổi, họ không đủ kinh nghiệm sống, hiểu biết âm nhạc và chưa có sự sâu lắng trong độ tuổi để nghe âm nhạc dân gian truyền thống. Vậy, thanh niên Việt lựa chọn âm nhạc nào để nghe? Rõ ràng là những thứ mới lạ, hiện đại, đẹp đẽ và được số đông yêu thích sẽ là lựa chọn của các bạn trẻ. Điện ảnh Việt Nam cũng rơi vào tình cảnh giống âm nhạc Việt Nam. Ẩm thực Việt Nam cũng đang bị các đồ ăn nhanh, đồ chế biến sẵn theo phong cách nước ngoài xâm lấn. Những món ngon, những tinh hoa ẩm thực Việt đã mai một dần. Gia đình không còn là nơi có không gian đầm ấm và sum họp. Không còn cảnh những người mẹ, người chị ở nhà thường xuyên chế biến những món ăn truyền thống. Có chăng chỉ là một vài món quen thuộc như các món bún nem, bún chả, bún riêu cua,… những món thường có mặt trên quán xá vỉa hè. Nhiều người Việt ăn món ăn truyền thống theo thói quen ăn mà không hề có sự cảm nhận món ăn ấy như một nét văn hóa. Vậy đâu còn tinh hoa ẩm thực Việt, đâu còn không gian văn hóa gia đình Việt để thưởng thức. Tuổi trẻ thích mới lạ, thích khác biệt, vì vậy, thanh niên Việt chuộng ẩm thực Hàn. Đối với họ, ra nhà hàng sẽ có người phục vụ, không phải làm, lại được món ngon, lạ, không gian đông đúc, sôi động, ăn cùng bạn bè. Có ai thích ăn ở nhà với những món đã quá quen thuộc, bữa ăn vắng vẻ, không khí lạnh lẽo, câu chuyện bên bàn ăn là công việc và kiếm tiến? Vậy thì tất nhiên, giới trẻ thích BBQ, thích ẩm thực Hàn, ẩm thực Nhật Bản.

Ở châu Á, truyền thông Việt Nam được đánh giá là truyền thông chịu ảnh hưởng nhiều nhất của văn hóa Hàn lưu. Những bộ phim được trình chiếu trên truyền hình, những bài báo viết về các bộ phim Hàn, về các tài tử và ca sĩ ở K-showbiz, về những bộ phim bom tấn của Hàn Quốc sắp ra đời, kế hoạch trình chiếu ở Việt Nam. Những bài anti K-pop, những bài ủng hộ K-pop, những diễn đàn tranh luận về văn hóa Hàn lưu được đăng liên tục, mở liên tục. Tựu trung, trên truyền thông, tất cả những gì liên quan đến văn hóa Hàn lưu đều xuất hiện. Thanh niên xem chúng hàng ngày thông qua internet, qua truyền hình, người già đọc chúng hàng ngày thông qua báo giấy, qua truyền hình và điều đó cho thấy truyền thông ủng hộ Hàn lưu.

Đối với giới trẻ, việc thích một thứ mới lạ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, âm nhạc trong nước đã không cho giới trẻ có sự lựa chọn, điện ảnh không đưa đến cho giới trẻ những khuôn hình lãng mạn, kịch bản cuốn hút, diễn viên diễn xuất tốt lại đẹp, ẩm thực Việt Nam đã không còn cuốn hút giới trẻ, sản phẩm trong nước không tốt bằng sản phẩm made in Korea, truyền thông cổ súy cho Hàn lưu. Vậy giới trẻ sẽ lựa chọn cái gì để thỏa mãn tâm lý? Tất nhiên, đó phải là sản phẩm đến từ Hàn Quốc.

Oanh Phan – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Bá Thành (1996), Tương đồng văn  hóa Hàn Quốc và Việt Nam, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội
  2. Lê Như Hoa (2003), Bản sắc dân tộc trong lối sống hiện đại, NXB Văn hóa-Thông tin, Hà Nội
  3. Mai Quỳnh Nam (2000), Văn hóa đại chúng và văn hóa gia đình, Tạp chí Xã hội học
  4. Nguyễn Ngọc Thơ, Giá trị Hàn lưu trong nền văn hóa đương đại Việt Nam
  5. Nguyễn Tiến Mạnh, Ảnh hưởng văn hóa âm nhạc Hàn Quốc đến Showbiz Việt
  6. 김상배 (2007), 한류의 매력과 동아시아 문화네트워크, 세계정치 7 제28집 1호, 2007 년 봄.여름
  7. 서동훈, 양근경 (2006), 한류가 베트남 청소년의 문화의식에 미치는 영향, 한국청소년정책연구원

Scroll To Top