Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


PARK IN-NOH (1561-1642), DANH GIA KASA (CA TỪ) THỜI TRUNG KỲ CHOSUN

Đăng ngày:

Park In - noh (Phác Nhân Lão) có hiệu là Lư Khê, còn có hiệu là Vô hà ông, sinh ngày 21 tháng 6 năm 1561, tức năm thứ 16 đời vua Meong jong (Minh Tông) triều Lý Chosun. Ông sinh ra trong một gia đình quan lại, cha từng nhận chức Thừa nghị Phó úy ( hàm chính bát phẩm). Từ thưở đi học, ông đã nổi trội với sức khỏe hơn người, trí tuệ “thần đồng”, vừa học thơ văn vừa học võ nghệ.

Khi xảy ra cuộc chiến tranh năm Nhâm Thìn (1592)[1], năm ông 31 tuổi, ông tạm dừng chuyện văn chương khoa cử và tham gia chiến trận, lập nhiều công lớn. Năm ông 37 tuổi, Giang tả Tiết độ sứ Seong Yun - mun (Thành Doãn Văn) biết được tài năng của ông liền mời ông đến bàn việc quân và từ đó, ông là người định mưu lược dưới trướng của viên quan này.

Sau chiến tranh, ông thi đỗ trường võ, nhận chức quan chỉ huy thủy quân.  Sau này, ông được cử đi Napo nhận chức cao hơn, quản lý cả vạn hộ dân.

Vào thời trung kỳ Chosun, nhất là sau chiến tranh Nhâm Thìn, bán đảo Hàn bị tàn phá nghiêm trọng, trăm họ khốn khổ, đất nước tiêu điều. Thế nhưng, triều đình nhà Lý không tập trung vào việc khôi phục đất nước, chăm lo mùa màng, yên định lòng dân mà lại xảy ra lục đục nội bộ, tranh công luận thưởng, gây bè cánh đòi quyền lợi. Hơn nữa, triều đình còn bắt dân đi lao dịch nhiều hơn, xây dựng lại cung điện đền đài bị phá hủy. Thời kỳ này là thời kỳ lịch sử có nhiều biến động và hỗn loạn nhất trong lịch sử vương triều Chosun. Những cuộc đấu tranh phe phái phi đạo đức cùng với sự khủng hoảng tinh thần của con người do chiến tranh để lại đã làm thay đổi mạnh mẽ thế giới quan và nhân sinh quan của mọi tầng lớp xã hội. Thế lực văn quan lấn át hoàn toàn võ quan và võ quan bị khinh rẻ. Bởi thế, rất nhiều võ quan từng có công trong cuộc chiến tranh giữ nước trước đó đã từ bỏ chính trường, treo ấn từ quan, về quê ẩn dật, Phác Nhân Lão cũng là một trong số đó.

Sau khi lui về thôn quê chung sống với những người nông dân chịu thương chịu khó, ông tập trung vào sáng tác thơ văn bày tỏ tấm lòng yêu nước thương dân. Đây chính là tư tưởng lớn nhất xuyên suốt toàn bộ tác phẩm thi ca của ông.

Phác Nhân Lão sáng tác nhiều thơ văn, đáng tiếc là tản mát không ít, hiện chỉ còn lưu giữ được Lư Khê tập, gồm 2 tập, tập I có tên gọi là Càn, tập II là Khôn. Bộ sách trên được lưu hành ở đời lần đầu tiên vào năm 1800,  tức năm thứ 24 đời vua Jeongjo (Chính Tổ), trong đó có 8 bài Kasa, 60 bài Sijo và thơ văn chữ Hán.

Thành tựu nổi bật trong thơ văn của Phác Nhân Lão là 8 bài Kasa (Ca từ), 8 bài đó là Thái bình từ, Sa đê khúc, Thuyền thượng thán, Lậu hạng từ, Độc lạc đường, Lĩnh Nam ngâm, Lư Khê ca, Đào sơn ca. Những bài được đánh giá cao về tinh thần yêu nước, thương dân là Thái bình từ, Thuyền thượng thán và Sa đê khúc, Lậu hạng từ.

Mùa đông năm 1598, khi là quan dưới trướng của Giang tả Tiết độ sứ Thành Doãn Văn, ông cùng binh sĩ tham gia cuộc tấn công cuối cùng ở Bu san đánh đuổi quân Nhật Bản, buộc chúng phải rút chạy về nước. Ông ở lại Bu san hơn 10 ngày rồi mới về bản doanh và sáng tác bài Thái bình từ để úy lạo tướng sĩ. Bài này đã thể hiện một cách đầy đủ tư tưởng yêu nước, yêu hòa bình; tinh thần dũng cảm chống ngoại xâm gìn giữ đất nước của nhân dân Chosun. Đây được coi là bản khải hoàn ca của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược thời bấy giờ.

Thuyền thượng thán có nghĩa là Lời than trên thuyền, là bài ca tự sự mang đậm chất trữ tình. Tác giả đã viết một cách chân thực những mâu thuẫn về mặt tâm lý, day dứt về tình cảm trước những biến động của thời cuộc và quan hệ giữa con người với con người. Đây là một bài ca được đánh giá rất cao về mặt tư tưởng và thẩm mỹ, một bài ca cảm động tình người đối với quê hương đất nước và nhân dân.

Lậu hạng từ có nghĩa là Bài ca từ viết về xóm nghèo, được ông sáng tác khi đã lui về ở ẩn. Một người bạn văn chương rất quan tâm đến cuộc sống của ông viết thư hỏi thăm, ông liền viết bài ca này phúc đáp. Bài ca đã miêu tả một cách chân thực cuộc sống nghèo khó, thanh bạch của ông và khẳng định một điều rằng : “Một tấm lòng son không thể lay!”…

Phác Nhân Lão là con người vì nước vì dân, một anh hùng trong chiến tranh chống ngoại xâm, đồng thời là danh gia ca từ mang đậm tư tưởng yêu nước thương dân. Lối viết giản dị, mạch lạc dễ hiểu với nội dung đậm chất tự sự trữ tình trong ca từ của ông đã đi sâu vào lòng người và được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Ông được coi là người làm ca từ danh tiếng, nối tiếp được đại gia ca từ Jeong Cheol (Trịnh Triệt)[2] trước đó.

Lý Xuân Chung

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Tài liệu tham khảo:

1. Komisook – Jungmin – Jungbyungsul; Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX; Jeon Hye Kyung – Lý Xuân Chung dịch; Nxb ĐH Quốc gia Hà nội 2006.

2. Jo Yun je, Văn học sử Hàn Quốc; bản dịch Trung văn của Trương Liên Khối; Nxb Văn hiến KHXH, Trung Quốc 1992.

3. Vi Húc Thăng; Triều Tiên văn học sử; Nxb Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc 1986.

4. Kim Dong Ook; Quốc văn học sử; Nxb Nhật tân, Seoul Hàn Quốc 1997.

5. http://blog.naver.com/wolf3322?Redirect=Log&logNo=150043791438



[1] Năm Nhâm Thìn (1592), Nhật Bản xâm chiếm bán đảo Hàn và cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc Hàn kéo dài 7 năm mới kết thúc. Lịch sử Hàn Quốc gọi cuộc chiến tranh này là Nhâm Thìn Oa loạn.

[2] Jeong CHeol (1536-1593), tự là Quý Hàm, hiệu Tùng Giang, từng thi đỗ Trạng Nguyên và làm quan cao trong triều Chosun, là một đại gia sáng tác ca từ, có nhiều bài nổi tiếng.


Scroll To Top