Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


VÂN ANH TRUYỆN” TRONG DÒNG CHẢY TIỂU THUYẾT HÀN QUỐC VỚI ĐỀ TÀI TÌNH YÊU LÃNG MẠN

Đăng ngày:

Tiểu thuyết với đề tài tình yêu là một trong số các thể tài tiểu thuyết cổ điển của Hàn Quốc. Trong các tác phẩm viết bằng chữ Hán thì đề tài tình yêu lãng mạn được thể hiện như một dòng chính trong lịch sử văn học Hàn Quốc.

Vào cuối thời Silla (668 – 891), tác phẩm truyền kì Điều Tín xuất hiện, nội dung là câu chuyện tình đau khổ trong mộng của một nhà sư: Điều Tín yêu say đắm con gái của quan Thái thú Kim Tích, nhưng gia đình lại gả nàng cho người khác. Chàng vô cùng đau khổ, đến trước tượng Phật than thân trách phận, rồi mệt quá ngủ thiếp đi. Trong mộng, Điều Tín gặp được con gái của Kim Tích, nàng vẫy chàng đến tỏ tình, sau đó hai người cùng trở về quê hương xây dựng hạnh phúc gia đình. Họ sinh được năm con cả gái và trai, nhưng cuộc sống không sao thoát khỏi cảnh nghèo nàn, bệnh tật. Đứa con trai lớn bị chết đói, đứa con gái đi ăn xin thì bị chó cắn bị thương phải nằm liệt ở nhà. Cuối cùng, người vợ nói với chồng rằng, hai người phải chia tay nhau. Trước khi họ xa nhau thì Điều Tín tỉnh mộng. Ông bắt đầu cảm thấy hoài nghi về đời người, cuộc sống đau khổ cùng người yêu chẳng qua cũng chỉ là giấc mộng, bèn xây dựng chùa Phật và từ đó quy y Phật.

Một tác phẩm có diện mạo truyền kì hoàn chỉnh nhất xuất hiện vào thời sơ kì Koryo (918 – 1392) là Thôi Chí Viễn. Câu chuyện lấy nhân vật chính là Thôi Chí Viễn, một văn nhân nổi tiếng thời mạt kì Silla. Năm 12 tuổi, Thôi Chí Viễn sang du học nhà Đường; năm 18 tuổi thì đăng khoa Tiến sĩ, nhận giữ chức Huyện úy ở Phiêu Thuỷ. Thôi Chí Viễn thường đến chơi ở quán Chiêu Hiền. Được biết ở sườn núi trước mặt có phần mộ gọi là “Song nữ phần”, chàng bèn đề thơ lên trên mộ rồi trở về quán Chiêu Hiền. Một đêm vào lúc gió mát trăng thanh, có người con gái tay cầm túi lụa hồng vẫy Thôi Chí Viễn đến nói rằng mình là thị nữ của hai cô gái chôn ở trong ngôi mộ, được sai đem thơ của hai cô làm đến tặng chàng. Thị nữ vừa đi khỏi thì có hai cô gái sắc đẹp lộng lẫy mặt hoa da phấn, mỗi bước đi tỏa hương thơm ngào ngạt, vẫy Thôi Chí Viễn đến kể cho nghe về cuộc đời buồn thảm của mình. Họ cùng nhau ngâm thơ phú, giãi tỏ tâm tình, rồi đặt xuống 3 chiếc gối và một chiếc khăn bông sạch sẽ tinh khiết. Ba người cùng nhau đi ngủ, đến khi gà gáy sáng hai cô tỉnh dậy, tạm biệt Thôi Chí Viễn và biến mất.

Tiếp thu truyền thống văn học truyền kì, đồng thời, chịu ảnh hưởng của tác phẩm Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu, Kim Thời Tập (1435 – 1493) đã sáng tác Kim Ngao tân thoại. Đây được coi là tiểu thuyết chữ Hán đầu tiên tạo ra bước chuyển mình của văn học tự sự Hàn Quốc sang một giai đoạn mới. Trong số 5 truyện còn sót lại thì có 3 truyện viết về đề tài tình yêu:

Truyện Vạn Phúc tự hu bồ kí là mối tình giữa chàng trai nghèo Lương Sinh kết duyên cùng một cô gái đẹp mà chàng gặp ở chùa Vạn Phúc. Nhưng cô gái đó không phải là người thật mà là hồn ma bị chết trong chiến tranh do giặc Oa (Nhật Bản) xâm lược. Được 3 năm thì người vợ phải tiễn biệt chồng bay trở về trời.

Phần đầu của Lí sinh khuy tường truyện miêu tả mối tình của Lí Sinh và Thôi Nương, hai người yêu nhau mặc dù không được gia đình đồng ý. Phần hai của câu chuyện kể về cuộc sống của Lí Sinh với hồn ma của Thôi Nương đã bị chết trong chiến tranh loạn lạc, được mấy năm thì người vợ phải chia tay với chồng rồi biến mất.

Truyện Tuý du Phù Bích đình kí miêu tả mối tình của Hồng Sinh với tiên nữ. Hồng Sinh đến chơi đình Phù Bích ở Bình Nhưỡng. Bỗng có một thị nữ dẫn chủ nhân đến nói với Hồng Sinh rằng, nàng là hậu duệ của Cơ Tử. Nhưng sau khi Vệ Mãn thoán vị, nàng đã lấy cái chết để bảo toàn tiết nghĩa. May được một vị tiên trên trời cho biến thành tiên nữ ở cung Ngọc Kinh. Hồng Sinh và tiên nữ làm thơ phú tặng nhau, được một lát thì tiên nữ biến mất. Hồng sinh vì quá thương nhớ tiên nữ mà ốm tương tư. Một hôm, Hồng Sinh nằm mộng thấy thị nữ đến nói rằng tiên nữ đã xin Ngọc Hoàng Thượng Đế cho phép chàng đến cung tiên Ngọc Kinh. Hồng Sinh tỉnh mộng, bèn tắm gội trai giới thoát khỏi trần thế.

Trong tiểu thuyết Bì sinh mộng du lục ở thế kỉ 17, xuyên thấm vào mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ dân tộc Hàn Quốc đương thời, vấn đề thân phận con người, trật tự đẳng cấp xã hội được đặt ra một cách hiện thực và rõ nét. Lấy bối cảnh là việc thu nhặt xương cốt người thân sau chiến tranh Nhâm Thìn, một trong những nội dung mà truyện đề cập đến là sự phân chia đẳng cấp giữa sĩ tộc và thường dân không thể đem đến cho con người hạnh phúc lứa đôi: Tiền kiếp của ngự sử Kim Tiệm Tôn đã chết trong thời kì Nhâm Thìn Oa loạn là đầy tờ Kim Y của Tùng Đô Thị lang Liêm Hưng Bang; kiếp trước của vợ Lí Tiễn là nữ tì Mộc Hoan của Liêm Hưng Bang. Hai người yêu nhau, Mộc Hoan có thai rồi sinh ra một đứa con trai. Liêm Hưng Bang phát hiện được và hai nguời đã phải chết dưới đòn roi. Dưới âm phủ, hai người được minh oan là vô tội, rồi được đầu thai trở lại. Mộc Hoan sinh làm con gái của Duyên thị, Kim Y sinh làm con trai của Kim Ca, nhưng hai người ở kiếp sau vẫn không thể gặp được nhau do trật tự đẳng cấp trói buộc.

Vân Anh truyện cùng với Thôi Trắc truyện và Chu Sinh truyện là tiểu thuyết Hán văn đoản thiên với đề tài tình yêu ở nửa trước thế kỷ 17. Những tác phẩm này có dung lượng dài hơn những tác phẩm thế kỷ 15-16, đồng thời, được coi là cầu nối với tiểu thuyết trường thiên hình thành vào nửa sau thế kỉ 17. Vân Anh truyện là một tác phẩm nổi tiếng đề cập một cách toàn diện về tình yêu nam nữ. Truyện kể về một mối tình bị cấm đoán giữa một thị nữ xinh đẹp trong thâm cung tên là Vân Anh với chàng Kim Tiến sĩ trẻ tuổi có nguồn gốc cao quí. Cuộc tình bi kịch của hai người thuộc hai tầng lớp khác nhau không thể đi đến hôn nhân hạnh phúc. Câu chuyện xảy ra trong giấc mộng, lấy bối cảnh là thời kỳ Nhâm Thìn Oa loạn. Nhân vật chính là Liễu Vịnh khi đi thăm cố cung đã được chứng kiến mối tình táo bạo của đôi trai gái tài sắc vốn như là biểu tượng của những truyền thuyết tình yêu, nàng thì xinh đẹp lại giỏi thi phú đàn ca, chàng thì dung mạo tuyệt vời lại có tài văn chương xuất chúng. Họ bất chấp mọi ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến, của trật tự đẳng cấp xã hội, dám sống theo lẽ riêng của nhu cầu tình cảm, bất chấp sự sống hay cái chết, đa cảm nhưng mạnh mẽ để đạt đến khát vọng tình yêu đôi lứa. Cuối cùng, họ cũng được hưởng hạnh phúc trọn vẹn ở trên thiên đường trong giấc mộng - miền đất mộng mơ của những khát vọng, những ước muốn được biến thành hiện thực, miền đất thể hiện về nỗi thất vọng và lên án hiện thực xã hội bạc ác.

Nếu như ở giai đoạn trước, đề tài tình yêu thường được viết bằng thể loại truyền kì với những câu chuyện tình lãng mạn hư hư ảo ảo giữa người và ma, giữa người với tiên, trong đó, tiên và ma thường là nhân vật nữ, còn người thường là nhân vật nam thì ở Vân Anh truyện (đầu thế kỷ 17), nhân vật chính là người, trong giấc mộng gặp hai bóng ma kể cho nghe về câu chuyện tình yêu của họ mà thực chất đó là mối tình của đôi trai gái thuộc hai đẳng cấp khác nhau không thể đi đến hạnh phúc hôn nhân trong xã hội hiện thực. Trong những câu chuyện tình yêu lãng mạn, có những niềm hạnh phúc ái ân thật ngắn ngủi giữa người với ma hay với tiên rồi họ lại phải chia tay nhau, có khi là một giấc mộng, có khi là một đêm hay nhiều nhất cũng là vài năm, rồi đến ngày ma hay tiên (người vợ) biến mất hoặc bay về trời (như các truyện: Điều Tín; Thôi Chí Viễn; Vạn Phúc tự hu bồ kí; Lí Sinh khuy tường truyện). Lại có những mối tình duyên trắc trở đến tận kiếp sau vẫn không gặp được nhau (như truyện Bì sinh mộng du lục). Cũng có những cuộc tình không thể đạt được trong cuộc đời thực mà trở thành hiện thực trong giấc mộng hay trong một thế giới khác ngoài thế giới của loài người (như các truyện: Tuý du Phù bích đình kí; Vân Anh truyện). Nhìn chung, cốt lõi của những câu chuyện đó chính là khát vọng về tình yêu đôi lứa, thật khó đạt được song cũng thật ngắn ngủi được thể hiện trong sự kết hợp các yếu tố tư tưởng Nho - Phật – Lão với tín ngưỡng dân gian và hiện thực đời sống xã hội. Bên cạnh đó còn là số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến của quan niệm nho gia “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Thậm chí ngay trong một gia đình thì người phụ nữ vẫn là phải chịu thiệt thòi hơn cả bởi quan niệm “Tam tòng”, đặc biệt là số phận khổ đau của những người phụ nữ thuộc tầng lớp thấp kém trong xã hội. Phải chăng đây cũng là sự giải thích cho hình tượng người phụ nữ thường là ma quỷ hay thần tiên trong các câu chuyện tình trong các tác phẩm văn học cổ của Hàn Quốc cũng như Việt Nam. Song dù là hình tượng nào đi chăng nữa, thì cái bản chất dường như là vĩnh cửu ở người phụ nữ vẫn luôn là tình yêu và lòng chung thuỷ.

Nguyễn Thị Ngân

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH:

Making of Korean Literature. The Korean Culure and Art Founda-tion 1986.

Hàn Quốc lịch sử và văn hóa. Nxb Chính trị quốc gia – Hà Nội 1995.

Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam. Nxb Thế giới 1997.

Tạp chí Hán Nôm. Số đặc san văn học so sánh. 3/1998

Tạp chí Văn học. Số chuyên san: Văn học Hàn Quốc và giao lưu văn học Hàn Việt – 10/1995.

Nguyễn Huy Tự và truyện Hoa tiên. Kỉ yếu hội thảo. Nxb Khoa học xã hội – Hà Nội 1997.

- Trương Hiếu Huyền. Hàn Quốc Hán văn tiểu thuyết giản lược (Bản Trung văn).

Vân Anh truyện (Bản Hán văn).


Scroll To Top