VÀI NÉT VỀ LỐI SỐNG, GIA ĐÌNH VÀ TÊN GỌI CỦA NGƯỜI HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Hoạt động gieo trồng lúa bắt đầu từ kỷ nguyên đồ đồng, các nhà nghiên cứu cho rằng thời kì này kéo dài đến năm 400 tr.CN. Con người vẫn sống trong các hang hốc, ngoài ra, các mộ đá và các hầm đựng thánh vật đá cũng được sử dụng chủ yếu cho tập tục chôn cất người chết trong suốt thời kỳ này.
Vì nông nghiệp trở thành hoạt động chính, các làng đã được hình thành và vai trò dẫn dắt của người đứng đầu xuất hiện cùng với các quyền hành tối cao. Luật pháp trở nên cần thiết để cai trị cộng đồng. Vào thời kỳ Gojoseon (năm 2333 tr. CN - 108 tr.CN), một bộ luật gồm tám điều đã được đưa vào thực thi, nhưng chỉ có ba điều luật còn được biết đến cho tới ngày nay. Đó là các luật sau: Thứ nhất, bất kì ai phạm tội mưu sát sẽ lập tức bị tử hình; Thứ hai, những ai phạm tội sát thương người khác sẽ phải bồi thường tương tự; Thứ ba, những người phạm tội trộm cắp tài sản của người khác sẽ trở thành nô lệ cho chính nạn nhân của mình.
Nhà ở truyền thống của người Hàn Quốc vẫn gần như không thay đổi từ thời kỳ ba Vương quốc cho đến cuối thời đại Joseon (1392 - 1910).
Ondol, hệ thống lò sưởi nằm dưới sàn nhà rất độc đáo của người Hàn Quốc đã được sử dụng đầu tiên ở phương Bắc. Khói và hơi nóng được dẫn qua các ống xây dưới sàn nhà. Phương Nam ấm áp hơn, ondol được dùng kết hợp với sàn nhà bằng gỗ. Vật liệu chủ đạo dựng nên những căn nhà truyền thống này là đất sét và gỗ. Giwa, có nghĩa là nhà có lợp mái ngói màu đen được làm từ đất, thường bằng đất sét đỏ. Ngày nay, toà nhà làm việc của Tổng thống gọi là Cheong Wa Dae hay Blue House, vì ngói được lợp lên mái có màu xanh.
Nhà truyền thống thường được xây mà không cần sử dụng một chiếc đinh vít nào vì được ghép chặt với nhau bằng các cột gỗ. Nhà dành cho tầng lớp thượng lưu bao gồm một số cấu trúc tách biệt, một phòng dành cho phụ nữ và trẻ nhỏ, một phòng dành cho những người đàn ông trong gia đình và các vị khách của họ, và một phòng khác cho những người giúp việc, tất cả các phòng đều có tường bao quanh khép kín. Điện thờ tổ tiên của gia đình được xây ở phía sau ngôi nhà. Thỉnh thoảng chúng ta có thể gặp một ao sen được tạo ở trước ngôi nhà phía ngoài bức tường.
Hình dáng ngôi nhà cũng có thể rất khác biệt, giữa miền Bắc lạnh lẽo và miền Nam ấm áp. Những ngôi nhà đơn giản thường có hình chữ nhật và có một bếp, một phòng ở bên cạnh tạo cho dáng toàn bộ khu nhà có hình chữ L như thường gặp ở phía Nam và khu nhà hình chữ U hoặc hình vuông với sân chơi nhỏ như thường gặp ở phía Bắc.
Từ cuối những năm 60, cấu trúc và khuôn mẫu nhà truyền thống Hàn Quốc bắt đầu thay đổi nhanh chóng, được đánh dấu bởi sự xuất hiện của những toà nhà chung cư theo kiểu phương Tây. Những khu nhà chung cư cao tầng mọc lên như nấm trên khắp đất nước Hàn Quốc từ sau thập kỷ 70 của thế kỉ 20.
Người Hàn Quốc bắt đầu dệt vải bằng cây gai và cây dong, và nuôi tằm để dệt lụa. Trong thời kỳ ba Vương quốc, đàn ông mặc jeogori (áo khoác ngoài), baji (quần dài) và durumagi (áo choàng) cùng với mũ, dây lưng, giày. Phụ nữ mặc jeogori (áo khoác ngắn), với hai dải vải dài được buộc chặt vào nhau để tạo thành otgoreum - nơ, dài kín chân, mặc với chima - váy thắt eo cao, durumagi với beoson - tất trắng và những đôi giày hình chiếc thuyền. Những trang phục này, được biết đến với tên gọi hanbok, đã được lưu truyền từ nhiều năm nay với kiểu dáng hầu như không thay đổi, ngoại trừ chiều dài của jeogori và chima.
Trang phục châu Âu thâm nhập vào Hàn Quốc từ thời kỳ Korea War (1950 - 1953). Trong thời kỳ công nghiệp hoá mạnh mẽ đất nước, giai đoạn 1960 - 1970, người ta coi hanbok như trang phụ không phù hợp với cách ăn mặc thoải mái, nên không thông dụng như trước. Tuy nhiên gần đây, những người yêu quý và muốn gìn giữ trang phục hanbok đã thực hiện nhiều chiến dịch vận động đưa hanbok quay trở lại, cũng như cải tiến kiểu cách của hanbok để trang phục truyền thống có thêm vẻ đẹp hiện đại và thuận tiện hơn khi mặc.
Trang phục truyền thống hanbok thường được mặc vào những ngày lễ đặc biệt như Tết Nguyên Đán, ngày lễ Chuseok (Trung thu), và các ngày lễ của gia đình như hwangap, lễ thọ 60 tuổi.
Trong ba yếu tố cơ bản của cuộc sống- nhà ở, quần áo và thực phẩm - thì những thay đổi trong thói quen ăn uống đã tác động đến người Hàn Quốc rất nhiều. Gạo vẫn là lương thực chính của hầu hết người dân Hàn Quốc, nhưng trong thế hệ trẻ ngày nay, nhiều người lại thích ăn đồ ăn phương Tây.
Cơm thường được ăn với nhiều thức ăn khác, chủ yếu là các loại rau xanh đã nêm gia vị, súp (canh), món ăn hầm trong nồi đất và thịt.
Bữa cơm truyền thống của người Hàn Quốc không thể thiếu được món kim chi, đây là món ăn được làm từ nhiều loại rau như cải thảo, củ cải, hành xanh và dưa chuột. Các loại kim chi thường gặp có vị cay của ớt bột đỏ, còn một số loại khác không được trộn với ớt bột mà được ngâm trong những dung dịch tạo vị khác. Tuy nhiên tỏi luôn được cho vào kim chi để tăng mùi vị cho món này.
Vào cuối tháng Mười Một hoặc đầu tháng Mười Hai, gia đình người Hàn Quốc thường tập trung vào làm gimjang, có nghĩa là chuẩn bị làm kim chi phục vụ cho cả mùa đông dài. Vài thập kỉ trước, người ta thường chuẩn bị kim chi cho mùa đông và bảo quản trong những vại to chôn dưới đất để giữ nguyên mùi vị. Do sự phát triển của các kiểu nhà chung cư hiện nay các nhà sản xuất đồ điện đã sản xuất những chiếc tủ lạnh đặc dụng cho việc bảo quản kim chi. Ngoài ra, ngày càng có nhiều nhà máy chế biến kim chi vì các gia đình bắt đầu mua kim chi làm sẵn thay vì tự làm.
Ngoài kim chi, doenjang (món tương đỗ) với khả năng chống ung thư cũng thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà dinh dưỡng hiện đại. Người Hàn Quốc thường làm deonjang ngay tại nhà, bằng cách luộc chín hạt đậu vàng rồi phơi chúng trong bóng râm, ngâm trong nước muối, và để lên men dưới ánh nắng mặt trời. Mặc dù vậy, ngày nay rất ít gia đình thực hiện đầy đủ quy trình này tại nhà, phần lớn các gia đình đều mua deonjang do nhà máy sản xuất chế biến.
Trong số các món thịt, món bulgogi (thường làm bằng thịt bò) và galbi (sườn bò hoặc sườn lợn) tẩm gia vị được người Hàn Quốc và các khách nước ngoài ưa thích nhất.
Đời sống gia đình
Trong xã hội truyền thống Hàn Quốc, một gia đình điển hình thường bao gồm các thành viên thuộc ba, bốn thế hệ sống dưới một mái nhà. Ở thời đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao và một gia đình lớn, đông thành viên thường được xem như có nhiều phúc lộc, nên mọi nhà thường mong có nhiều con cháu. Nhưng tốc độ công nghiệp hoá và đô thị hoá nhanh chóng trong những năm 1960 - 1970 ở Hàn Quốc đã kéo theo xu hướng khống chế tỉ lệ sinh, và số con trung bình của mỗi gia đình giảm mạnh, và chỉ còn từ một đến hai con trong những năm 1980.
Do chịu ảnh hưởng của đạo Khổng, người con trai cả đảm nhận trách nhiệm trụ cột trong gia đình, tâm lý trọng nam cũng là tâm lý phổ biến ở Hàn Quốc. Để giải quyết những vấn đề liên quan đến tâm lý trọng nam khinh nữ, Chính phủ Hàn Quốc đã sửa đổi hầu hết các văn bản luật liên quan đến hệ gia đình nhằm đảm bảo sự công bằng giữa con trai và con gái về quyền thừa kế.
Quá trình công nghiệp hoá đất nước cũng đã khiến cho đời sống gia đình của người Hàn Quốc trở nên sôi nổi hơn và phức tạp hơn. Những đôi vợ chồng trẻ mới thành hôn tách khỏi đại gia đình và bắt đầu cuộc sống riêng. Ngày nay, hầu hết các gia đình đều là những gia đình hạt nhân với trung tâm là hai vợ chồng.
Tên gọi của người Hàn Quốc
Tên của nhiều Hàn Quốc thường gồm ba chữ Hán được phát âm thành ba âm tiết tiếng Hàn. Chữ đầu tiên là họ, hai chữ còn lại là tên.
Tuy nhiên, truyền thống này không còn giữ nguyên. Đa số mọi người vẫn theo truyền thống, nhưng ngày càng có nhiều người đặt tên cho con cái của họ chỉ bằng chữ Hàn, không thể viết sang chữ Hán.
Riêng họ của mỗi người thì vẫn không thay đổi. Các thay đổi chủ yếu là với tên gọi.
Có khoảng 300 họ khác nhau ở Hàn Quốc, nhưng có một số ít họ phổ biến chiếm đa số trong dân số Hàn Quốc. Những họ phổ biến nhất phải kể đến Kim, Lee, Park hay Pak, An, Jang, Jo hay Cho, Choe hay Choi, Jong hay Cheong, Han, Gang hay Kang, Yu hay Yoo và Yun hay Yoon.
Người phụ nữ Hàn Quốc không đổi theo họ chồng sau khi thành hôn, khác với việc khi người Mỹ gọi "Bà Smith" (Mrs. Smith) thì có nghĩa là bà ấy là vợ của một người đàn ông họ Smith. Ở Hàn Quốc, khi một người phụ nữ tự giới thiệu mình là "cô Kim" (Mrs. Kim) thì có nghĩa Kim là họ khai sinh của cô ấy.
Một số phụ nữ tự nhận họ của mình theo họ của người chồng, nhưng điều này rất ít khi xảy ra. Người Hàn Quốc không thích gọi người khác theo tên chỉ trừ trường hợp là bạn bè thân thiết. Ngay cả anh chị em ruột đối với nhau, người ít tuổi hơn cũng không nên gọi người lớn tuổi hơn bằng tên, mà nên gọi là eonni hoặc nuna, có nghĩa là "chị" hoặc oppa hay hyeong, có nghĩa là "anh".
Thực hiện: Minh Thanh Biên tập: Nhóm website
Nguồn: Hàn Quốc trước thềm thế kỷ 21, Hàn Quốc ngày nay, TVTTNCHQ