Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


CHÍNH SÁCH CHỈ ĐỊNH DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ VÀ CÔNG NHẬN CHỦ SỞ HỮU DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CỦA HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Di sản văn hóa phi vật thể là nét đẹp văn hóa truyền thống, được kết tinh từ trí tuệ, bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Những tinh hoa ấy được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nhờ vào quá trình kế thừa, lưu giữ và bảo tồn. Công việc quan trọng trong công tác kế thừa, bảo tồn di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng là công nhận, chỉ định di sản văn hóa của nhà nước, chính quyền địa phương đối với các loại hình di sản thuộc cấp quản lý. Bởi vì mục đích của việc công nhận, chỉ định di sản văn hóa phi vật thể là nhằm kế thừa, lưu giữ, bảo tồn được các giá trị cốt lõi vốn có của di sản văn hóa truyền thống đã được trải nghiệm liên tục trong đời sống của tổ tiên các dân tộc cho đến ngày nay và bảo vệ di sản cho hiện tại và tương lai trước các nguy cơ bị biến mất, thất truyền và bảo vệ để chúng có thể được truyền lại bằng cách chỉ định những người sở hữu chúng là chủ sở hữu.

Tại Hàn Quốc, kể từ khi Luật di sản văn hóa ra đời năm 1962 đến nay, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm mục đích bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể quan trọng của quốc gia. Một trong những chính sách cơ bản và quan trọng nhất là việc áp dụng chế độ chỉ định di sản văn hóa phi vật thể, công nhận chủ sở hữu di sản văn hóa phi vật thể, trên cơ sở đó xúc tiến các chính sách hỗ trợ đối với công tác truyền dạy nhằm mục đích gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Từ khi Luật di sản văn hóa phi vật thể chuyên biệt được ban hành và có hiệu lực năm 2016, chế độ chỉ định, hủy bỏ, bãi bỏ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thuộc đối tượng cần phải bảo vệ khẩn cấp được quy định từ điều 12 đến điều 16 chương 3 của luật hiện hành. Theo đó, để được chính phủ chỉ định là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với di sản văn hóa phi vật thể thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương thì người đứng đầu chính quyền địa phương đó phải đăng ký hạng mục cần được chỉ định và bảo tồn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vấn đề cần lưu ý ở chỗ, khi đăng ký công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thì chính hạng mục di sản đó phải bao gồm cả chủ sở hữu di sản (nghệ nhân), họ là người có kỹ năng, nghệ năng (tài năng nghệ thuật) tương ứng với hạng mục liên quan. Về phía chính phủ, cơ quan có nhiệm vụ và thẩm quyền đối với việc chỉ định di sản văn hóa phi vật thể và công nhận chủ sở hữu di sản đó là Ủy ban Di sản văn hóa phi vật thể. Cơ quan này thẩm tra hồ sơ do chính quyền địa phương đệ trình và thành lập đoàn chuyên gia khảo sát, thẩm định di sản. Sau khi kết thúc điều tra, thẩm định thực địa, Ủy ban Di sản văn hóa phi vật thể lập báo cáo kết quả thẩm định, Cục trưởng Cục di sản căn cứ vào báo cáo, chỉ định di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Bên cạnh đó, căn cứ vào kết quả điều tra, thẩm định của Ủy ban Di sản văn hóa phi vật thể, Cục trưởng Cục Di sản có thể chỉ định di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cần được bảo vệ khẩn cấp do di sản đó đang có nguy cơ bị biến mất.

Chế độ công nhận chủ sở hữu di sản văn hóa phi vật thể được quy định từ điều 17 đến điều 21, chương 4 Luật di sản văn hóa phi vật thể. Chế độ công nhận chủ sở hữu là một hệ thống truyền dạy có tính ổn định, cố kết cao giữa chủ sở hữu di sản (nghệ nhân, nghệ nhân danh dự), người thừa kế nghệ nhân (trợ giảng), người hoàn thành khóa đào tạo về di sản (thực tập sinh), thợ được đào tạo có năng lực được nhận học bổng nhằm đảm bảo việc truyền dạy an toàn, liên tục và hoạt động truyền dạy có tính hệ thống. Trong hệ thống truyền dạy đó, chủ sở hữu di sản là người truyền dạy cao nhất. Chủ sở hữu di sản ở đây có thể là cá nhân hoặc tổ chức nắm giữ các kỹ năng, nghệ năng của di sản văn hóa phi vật thể, được chính phủ công nhận và được quy định tại khoản 1 điều 17 của Luật di sản văn hóa phi vật thể. Các vấn đề cần thiết như tiêu chuẩn, thủ tục công nhận chủ sở hữu,… được quy định trong Pháp lệnh số 34492 của Tổng thống[2]. Tổ chức sở hữu di sản có nghĩa vụ cơ cấu thành một doanh nghiệp phi lợi nhuận với sự cho phép của Cục Di sản theo điều 32 Luật dân sự. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát và đưa ra các biện pháp điều chỉnh của Cục Di sản văn hóa đối với hoạt động truyền dạy của tổ chức sở hữu di sản và để đảm bảo tính minh bạch, dân chủ trong hoạt động của tổ chức truyền dạy. Người kế nghiệp nghệ nhân (trợ giảng, trợ lý đào tạo) là người hỗ trợ việc đào tạo truyền thụ của chủ sở hữu hoặc tổ chức sở hữu di sản cho những người được đào tạo. Họ là những người được lựa chọn trong số các học viên đã hoàn thành khóa học về si sản văn hóa phi vật thể, có kỹ năng vượt trội, có đủ tư chất trở thành người đảm nhiệm công tác truyền thụ. Những người này trở thành trợ giảng sau khi được chủ sở hữu di sản đề cử và được các chuyên gia đánh giá. Trách nhiệm và nghĩa vụ của các trợ giảng không chỉ tiếp nhận các kỹ năng, nghệ năng từ các chủ sở hữu di sản mà còn hỗ trợ các chủ sở hữu trong việc đào tạo truyền thụ.

Theo thống kê đến năm 2020, số lượng trợ giảng là 251 người, hoạt động trong 116 hạng mục trên tổng số 148 hạng mục di sản văn hóa phi vật thể [1]. Đối với những chủ sở hữu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia do các yếu tố như tuổi cao gây ảnh hưởng tới sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, không thể tiến hành hoạt động đào tạo và hoạt động truyền dạy về kỹ năng, nghệ năng thường xuyên được thì Ủy ban di sản văn hóa phi vật thể sẽ tiến hành thẩm định và công nhận họ là chủ sở hữu di sản danh dự, điều này đồng nghĩa với việc danh xưng chủ sở hữu di sản đã được công nhận trước đó sẽ bị hủy bỏ theo khoản 1 điều 18 Luật di sản văn hóa phi vật thể. Việc chỉ định các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và công nhận danh xưng đối với các nghệ nhân hoặc hủy bỏ, bãi bỏ đều do Cục Di sản văn hóa chịu trách nhiệm và thủ tục tiến hành theo các bước quy định trong Luật hiện hành. Trách nhiệm và nghĩa vụ của người truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể đã được chính phủ công nhận cũng được quy định rõ tại điều 5 chương 2 Luật di sản văn hóa phi vật thể: “Người truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể phải nỗ lực để kế thừa và phát triển di sản văn hóa phi vật thể bằng cách tiến hành hoạt động truyền dạy một cách trung thực”. Bởi vì, đặc tính của di sản văn hóa phi vật thể là không có hình thể, được lưu truyền, tồn tại cùng với lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc thông qua các hình thức chủ yếu là truyền miệng, truyền nghề, các giá trị của nó được biểu hiện qua người truyền dạy hoặc tổ chức truyền dạy- những nghệ nhân dân gian, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể. Những người truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể ở đây gồm chủ sở hữu di sản, tổ chức sở hữu di sản, trợ giảng, thực tập sinh có vai trò quan trọng, sống còn đối với di sản văn hóa phi vật thể, họ là yếu tố quyết định việc bảo tồn di sản văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể nào cần được bảo tồn, bảo tồn như thế nào, sử dụng và khai thác di sản đó ra sao để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cá nhân và cộng đồng. Điều đó càng chứng tỏ, di sản văn hóa phi vật thể tồn tại phụ thuộc vào hành vi, nhận thức của các chủ thể sáng tạo văn hóa, của người truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể.

Công khai di sản văn hóa phi vật thể cũng là một nghĩa vụ mà chủ sở hữu di sản phải thực hiện song song với hoạt động truyền dạy. Điều 28 Luật bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Hàn Quốc quy định các chủ sở hữu di sản và tổ chức sở hữu di sản có trách nhiệm và nghĩa vụ công khai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ít nhất mỗi năm một lần, tức là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải được biểu diễn hoặc trình diễn trước công chúng ít nhất mỗi năm một lần tại nơi công cộng. Việc này được triển khai rộng từ trung ương đến địa phương đối với tất cả các di sản văn hóa cấp quốc gia lẫn cấp địa phương. Nguồn kinh phí cho hoạt động biểu diễn công khai các kỹ năng, nghệ năng, bí quyết nghề của các chủ sở hữu di sản sẽ do nhà nước hoặc chính quyền địa phương hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ, phụ thuộc vào nguồn ngân sách thực tế.

Do vậy, thông qua các quy định của luật pháp cũng như chính sách về di sản văn hoá Hàn Quốc, chúng ta có thể thấy rằng, nhiệm vụ trọng tâm của việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể phải hướng tới “con người”, những chủ thể sáng tạo và thụ hưởng di sản văn hóa phi vật thể chứ không phải là các hạng mục di sản văn hóa phi vật thể [3]. Và vì vậy, để đảm bảo việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể được an toàn, liên tục, không bị gián đoạn thì việc hỗ trợ của chính quyền trung ương, chính quyền địa phương và các bên liên quan là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Phan Thị Oanh – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc


Tài liệu tham khảo:

  1. Luật bảo tồn và sử dụng di sản văn hóa (Luật di sản văn hóa), (bản tiếng Hàn), Vụ pháp chế Hàn Quốc, Trung tâm thông tin pháp luật quốc gia, https://www.law.go.kr/LSW/lsInfoP.do?lsId=001607&ancYnChk=0#0000
  2. 2. Luật bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể (Luật di sản văn hóa vô hình) (bản tiếng Hàn), Vụ pháp chế Hàn Quốc, Trung tâm thông tin pháp luật quốc gia, https://www.law.go.kr/ /LSW//lsInfoP.do?lsId=012265&ancYnChk=0#0000

  3. 3. Nghị định thi hành Luật Di sản văn hóa phi vật thể số 34492 ngày 17/5/2024, Cục Pháp chế, Trung tâm thông tin pháp luật, https://www.law.go.kr/ LSW/lsLinkCommonInfo.do?lspttninfSeq=73638&chrClsCd=010202

  4. Nhà báo Lim Dong-geun, Thay đổi danh xưng “trợ giảng truyền thụ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” thành “trợ giảng truyền dạy” (국가무형문화재 전수교육조교 명칭, '전승교육사'로 변경), Yonhap news: https://www.yna.co.kr/ /view/AKR20201103067000005

  5. 5. 김영구, 오승규 (2015), 무형문화재진흥법의 쟁점과 개선 방안, 法과 政策硏究 第15輯 第2號, DOI : 10.17926/kaolp.2015.15.2.591 (Kim Young-goo, Oh Seung-gyu, Các vấn đề và phương án cải tiến Luật chấn hưng di sản văn hóa phi vật thể, Nghiên cứu chính sách pháp luật số 2 Tập 15 năm 2015)

  6. 김용구 (2023), 2000년대 이후 한국무형문화재정책의 전개과정, 무형유산학회, 무형유산학 제8권 1호, DOI : 10.23207/ihs.2023.8.1.001 (Kim Yong-gyu (2023), Quá trình triển khai chính sách di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc từ sau những năm 2000, Hội Di sản văn hóa phi vật thể, Tạp chí Di sản văn hóa phi vật thể số 1 quyển 8).


Scroll To Top