HÀN QUỐC VÀ TRIỀU TIÊN ĐÌNH CHỈ THOẢ THUẬN QUÂN SỰ TOÀN DIỆN (CMA)
Đăng ngày:
Tháng 9/ 2018 Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA) được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên tại Bình Nhưỡng, đây thỏa thuận đạt được trong giai đoạn ngoại giao nồng ấm ngắn ngủi giữa cựu Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với nội dung kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch giữa hai bên như dừng tất cả các cuộc tập trận quân sự gần biên giới đất liền và biên giới biển của hai quốc gia; hạn chế các cuộc tập trận bắn đạn thật; áp đặt các vùng cấp bay và duy trì đường dây nóng. Mục đích của thỏa thuận nhằm giảm căng thẳng quân sự trên Bán đảo và xây dựng niềm tin lẫn nhau. Thỏa thuận CMA đã góp phần làm giảm căng thẳng quân sự dọc biên giới giữa hai miền và giảm nguy cơ xung đột quân sự. Tuy nhiên, kể từ khi tiến trình đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng sụp đổ năm 2019, mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên xấu đi. Triều Tiên sau đó nối lại hoạt động thử tên lửa khiến quan hệ giữa hai miền Triều Tiên lâm vào tình cảnh nguội lạnh. Những diễn biến trong thời gian gần đây cho thấy, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đang ở trong trạng thái bất ổn nhất trong 5 năm trở lại đây và điều này đã tác động đến việc thực thi CMA, cả hai nước Hàn Quốc- Triều Tiên đã liên tiếp có những màn đáp trả xoay quanh CMA. Về phía Hàn Quốc: Kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol lên cầm quyền, chính quyền của ông đã nhiều lần thông báo sẽ đình chỉ thỏa thuận CMA, đồng thời cho rằng thỏa thuận này chỉ tồn tại trên danh nghĩa vì Hàn Quốc là bên duy nhất tuân thủ nghiêm túc. Hàn Quốc cho biết trong vòng 5 năm qua,Triều Tiên đã tổng cộng 17 lần vi phạm CMA [1]. Tháng 10/2022, Hàn Quốc từng nhấn mạnh rằng việc duy trì hay hủy bỏ thỏa thuận CMA sẽ phụ thuộc vào thái độ của Triều Tiên. Có khả năng chính quyền Seoul hủy bỏ CMA nếu Triều Tiên tiếp tục thực hiện các hành động vi phạm điều khoản thỏa thuận [2]. Trong bối cảnh Bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt, Hàn Quốc cáo buộc các máy bay không người lái của Triều Tiên vượt qua biên giới liên Triều khoảng thời gian tháng 12/2022; Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol khẳng định Seoul sẽ xem xét đình chỉ CMA nếu Bình Nhưỡng xâm phạm không phận một lần nữa vào tháng 1/2023 [3]. Tháng 9/2023, ông Shin Won-sik, người được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, cũng kêu gọi hủy bỏ CMA, đồng thời cho rằng đây là một thỏa thuận “sai lầm” đã làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của quân đội Hàn Quốc [4]. Tháng 10/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-shik tiếp tục cho biết có thể sẽ đình chỉ thỏa CMA, và điều này tùy thuộc vào tình hình an ninh, ngay cả khi Bình Nhưỡng không xâm phạm lãnh thổ Hàn Quốc, nhưng với cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng Hamas nhằm vào Israel 10/2023 làm dấy lên mối lo ngại ở Hàn Quốc về những rủi ro họ có thể gặp phải trong tương lai, Hàn Quốc cần phải giám sát Triều Tiên. Việc 2 nước lập vùng cấm bay ở biên giới liên Triều theo thỏa thuận đã ngăn Hàn Quốc triển khai đầy đủ các vũ khí giám sát trên không vào thời điểm các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên đang gia tăng [5]. Hàn Quốc tiếp tục xem xét đình chỉ một số điều khoản trong thỏa thuận CMA nhằm ngăn chặn những hành động khiêu khích của Triều Tiên vào tháng 11/2023. Một trong những phương án được thảo luận là nối lại các hoạt động giám sát gần biên giới trong trường hợp Bình Nhưỡng phóng vệ tinh do thám quân sự [6]. Và ngay sau khi Triều Tiên tiến hành vụ phóng vệ tinh do thám thành công sau hai lần thất bại vào tháng 5 và tháng 8, vào ngày 22/11/2023 Hàn Quốc đã đình chỉ một phần thỏa thuận CMA. Đề xuất đình chỉ được Tổng thống Yoon Suk Yeol phê duyệt trực tuyến vào cuối ngày 21/11/2023. Trong cuộc họp Nội các bất thường ngày 21/11/2023, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho biết Triều Tiên đang thể hiện rõ ràng rằng họ không có thiện chí tuân thủ Thỏa thuận CMA nhằm giảm căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên và xây dựng lòng tin. Theo quyết định, hiệu lực của Điều 1, Khoản 3 của thỏa thuận sẽ bị đình chỉ, cho phép Seoul khôi phục ngay các hoạt động trinh sát, giám sát nhằm vào Triều Tiên ở khu vực xung quanh Đường phân giới quân sự (MDL) ngăn cách hai miền Triều Tiên, còn được gọi là Khu phi quân sự ( DMZ) [7]. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cho biết việc Hàn Quốc đình chỉ một phần thỏa thuận giảm căng thẳng liên Triều năm 2018 là phản ứng tương xứng và một biện pháp phòng thủ tối thiểu trước việc Triều Tiên phóng vệ tinh do thám.Việc Triều Tiên phóng vệ tinh do thám quân sự rõ ràng là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là một hành động khiêu khích nghiêm trọng đối với cộng đồng quốc tế và là minh chứng cho thấy Triều Tiên không tuân thủ theo thỏa thuận. Vì vậy, việc đình chỉ một phần thỏa thuận là biện pháp thiết yếu để bảo vệ tính mạng và sự an toàn của người dân. Đó là phản ứng tương ứng trước hành động khiêu khích của Triều Tiên và là biện pháp phòng thủ tối thiểu [8]. Về phía Triều Tiên: Vào tháng 6/2020 Phó trưởng ban thứ nhất của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yo-jong lên tiếng cảnh báo sẽ từ bỏ thỏa thuận CMA với Hàn Quốc và ngưng các dự án trao đổi quan trọng giữa hai miền Triều Tiên, nếu như Hàn Quốc không có động thái cản trở người Triều Tiên đào tẩu gửi truyền đơn chống Triều Tiên về nước [9]. Tháng 3/2021, sau khi Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận quân sự chung, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Yo-jong lên án, đồng thời tiếp tục cảnh báo hủy bỏ CMA và giải tán một tổ chức giải quyết các vấn đề biên giới giữa hai bên [10]. Sau vụ phóng vệ tinh do thám thành công 21/11/2023, đáp quyết định của Hàn Quốc cho đình chỉ một phần của CMA, đồng thời cáo buộc các cuộc tập trận chung mà Seoul và Washington tiến hành là hành động khiêu khích vi phạm thỏa thuận quân sự, ngày 23/11/2023 Triều Tiên tuyên bố hủy thỏa thuận CMA, khôi phục mọi biện pháp quân sự đã từng tạm dừng theo thỏa thuận, đồng thời cam kết đưa lực lượng mạnh hơn và vũ khí mới tới biên giới hai miền. Tuyên bố nêu rõ: Kể từ bây giờ, quân đội của Triều Tiên sẽ không bao giờ còn bị ràng buộc bởi Thỏa thuận quân sự Bắc - Nam 19/9. Bình Nhưỡng sẽ rút lại các biện pháp quân sự từng được thực hiện để ngăn chặn căng thẳng quân sự và xung đột trên mọi mặt trận gồm trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời triển khai các lực lượng vũ trang mạnh hơn và khí tài quân sự loại mới trong khu vực dọc Đường giới tuyến quân sự [11]. Ngoài ra, Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc hủy bỏ thỏa thuận CMA. Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho rằng thỏa thuận này từ lâu chỉ còn là một mẩu giấy do những hành động có chủ ý và khiêu khích của Hàn Quốc. Đồng thời, cảnh báo Seoul sẽ phải trả giá cho những hành động khiêu khích chính trị và quân sự vô trách nhiệm và nghiêm trọng đã đẩy tình hình hiện nay vào tình trạng không thể kiểm soát. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố Hàn Quốc sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra cuộc đụng độ giữa hai miền [12]. Triều Tiên cũng cho biết, Hàn Quốc đã tiến hành hơn 600 loại hoạt động quân sự khác nhau trong 4 năm trở lại đây kể từ khi hai bên ký kết “Tuyên bố Bàn Môn Điếm”. Chỉ trong năm 2022, Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành hơn 250 hoạt động tập trận quân sự chống lại Triều Tiên [13]. Sau khi tuyên bố vô hiệu hóa thỏa thuận CMA với Hàn Quốc, Triều Tiên đã khôi phục các trạm gác và triển khai vũ khí hạng nặng dọc biên giới với Hàn Quốc. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, theo các bức ảnh thu thập được công bố ngày 27/11, các binh sĩ Triều Tiên tại trạm gác ở Khu vực an ninh chung (JSA) thuộc DMZ ở biên giới liên Triều đã mang theo súng và đứng gác vào ban đêm bên trong DMZ [14]. Giới chuyên gia lo ngại việc Hàn Triều đình chỉ Thỏa thuận CMA có thể sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu dọc theo biên giới hai miền. Ông Leif-Eric Easley, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha Womans (Hàn Quốc) cho rằng nếu không có thỏa thuận, Triều Tiên có thể ít kiềm chế hơn trong việc triển khai vũ khí và tiến hành các hoạt động gần khu DMZ, và điều này có thể làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm cũng như leo thang xung đột trên Bán đảo Triều Tiên [15]. Đồng quan điểm này, giáo sư Moon Chung-in tại Đại học Yonsei, cố vấn đặc biệt cho cựu Tổng thống Moon Jae-in trong hội đàm với ông Kim Jong-un, cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù Triều Tiên không tuân thủ tất cả yếu tố của thỏa thuận nhưng sự sụp đổ của CMA có thể làm tăng nguy cơ đối đầu ở khu vực biên giới liên Triều [16]. Trần Thị Mỹ Hoa TTNC Hàn Quốc, Triều Tiên Tài liệu tham khảo 1. KBS (2023), Cựu Tổng thống Moon Jae-in: Thỏa thuận quân sự liên Triều 19/9 là chốt an toàn cuối cùng, http://world.kbs.co.kr/service/news_vod_view.htm?lang=v&menu_cate=videonews&id=&Seq_Code=60229 2. Vietnam+ (2022), Hàn Quốc: Tương lai thỏa thuận liên Triều tùy thuộc vào Triều Tiên, https://www.vietnamplus.vn/han-quoc-tuong-lai-thoa-thuan-lien-trieu-tuy-thuoc-vao-trieu-tien/823682.vnp 3. Hyonhee Shin (2023), South Korea's Yoon warns of ending military pact after North drone intrusion, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/south-koreas-yoon-warns-ending-military-pact-if-north-violates-airspace-again-2023-01-04/ 4. Vietnam+ (2023), Chính khách Hàn Quốc kêu gọi hủy hiệp định quân sự liên Triều, https://www.vietnamplus.vn/chinh-khach-han-quoc-keu-goi-huy-hiep-dinh-quan-su-lien-trieu/896460.vnp 5. Kim Soo-yeon (2023), S. Korea hints at suspension of 2018 inter-Korean military accord even without N. Korea's provocations, https://en.yna.co.kr/view/AEN20231012006800315 6. Kim Soo-yeon (2023), (LEAD) S. Korea considering partial suspension of inter-Korean military agreement upon N. Korean satellite launch, https://en.yna.co.kr/view/AEN20231114003251315 7. Kim Han-joo (2023), (2nd LD) S. Korea partially suspends 2018 inter-Korean military accord, https://en.yna.co.kr/view/AEN20231122001352315 8. Kim Eun-jung (2023), (LEAD) Defense chief says partial suspension of 2018 military agreement 'minimal defensive measure', https://en.yna.co.kr/view/AEN20231123003151315 9. Sangmi Cha (2020), North Korea warns South Korea to stop defectors from scattering anti-North leaflets: KCNA, https://www.reuters.com/article/northkorea-southkorea-idINKBN23B0HI 10. Euronews (2021), Kim Jong-un's sister warns US against drills with South Korea if it wants 'good night’s sleep', https://www.euronews.com/2021/03/16/kim-jong-un-s-sister-warns-us-against-drills-with-south-korea-if-it-wants-good-night-s-sle 11. Soo-Hyang Choi (2023), North Korea scraps military deal with South, vows to deploy new weapons at border, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/north-korea-vows-deploy-new-weapons-border-after-south-suspends-military-deal-2023-11-22/ 12. Brad Lendon and Gawon Bae (2023),North Korea to deploy ‘new’ weapons on border with South Korea, https://edition.cnn.com/2023/11/23/asia/north-korea-weapons-south-korea-border-intl-hnk-ml/index.html 13. KBS (2023), N. Korea Accuses S. Korea of Breach of 2018 Military Accord, Other Deals, https://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=e&Seq_Code=182036 14. Kim Eun-jung (2023), (2nd LD) N. Korea restoring guard posts, bringing heavy firearms along inter-Korean border, https://en.yna.co.kr/view/AEN20231127003952315?section=nk/nk 15. Vietnam Posts English (2023), Worried that the war of words is about to become a real war on the Korean peninsula, https://vietnam.postsen.com/world/596485/Worried-that-the-war-of-words-is-about-to-become-a-real-war-on-the-Korean-peninsula.html 16. Soo-Hyang Choi (2023), North Korea scraps military deal with South, vows to deploy new weapons at border, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/north-korea-vows-deploy-new-weapons-border-after-south-suspends-military-deal-2023-11-22/#:~:text=SEOUL%2C%20Nov%2023%20(Reuters),launch%20of%20a%20spy%20satellite.