Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


THỐNG NHẤT BÁN ĐẢO HÀN - Con đường còn dài

Đăng ngày:

Việc chia cắt đất nước và việc thành lập các chính phủ độc lập ở miền Bắc và miền Nam cuối cùng dẫn đến một cuộc nội chiến. Đó là cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Chiến tranh Triều Tiên là một phụ phẩm của xung đột lý tưởng nội tại và nhiều người coi đây là một cuộc chiến tranh tiêu biểu giữa phương Tây và khối Cộng sản.

Chiến tranh Triều Tiên phát triển thành một cuộc chiến tranh quốc tế quy mộ lớn lôi kéo theo 16 nước trong LHQ cũng như Trung Quốc và Liên Xô tham gia. Chiến tranh kết thúc bằng việc đình chiến, tạo ra một vành đai ngừng bắn 155 dặm chia cắt bán đảo Hàn.

Sau khi ngừng bắn, sự đối đầu Chiến tranh lạnh trên bán đảo Hàn càng tăng. Nhìn chung trong suốt mấy thập kỷ qua, Chính phủ Hàn Quốc theo đuổi một chính sách hòa bình đối với Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (CHDCNDTT) nhằm hướng tới thống nhất bán đảo Hàn. Tuy nhiên việc thực hiện chính sách này gặp rất nhiều khó khăn; những khó khăn đến cả từ bên trong và bên ngoài bán đảo Hàn.

Như chúng ta biết, từ đầu những năm 1970, sự căng thẳng của Chiến tranh lạnh bắt đầu giảm dần. Theo xu hướng này Seoul và Bình Nhưỡng cùng lúc công bố đồng đối thoại Nam Bắc ngày 4-7-1972 và bắt đầu đối thoại và trao đổi ở mức độ giới hạn bao gồm các cuộc Đối thoại giữa hai tổ chức Chữ thập đỏ Nam - Bắc. Tuy nhiên, điều này này vẫn không thể làm giảm sự thù hận và không tin tưởng giữa Nam và Bắc hoặc xây dựng sự tin tưởng song phương trên vũ đài chính trị.

Năm 1979, Liên Xô đưa quân vào Afghanistan dẫn tới thế giới trở lại một sự đối đầu Chiến tranh lạnh mới và làm cho quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên thêm căng thẳng. Tới giữa những năm 1980 sự cải cách và mở cửa ở Liên bang Xô viết khởi đầu cho việc gia tăng cải cách và mở cửa trong các nước Cộng sản Đông Âu. Khi chiến tranh lạnh bắt đầu kết thúc, quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên đã có một bước ngoặt quan trọng.

Ngày 7-7-1988, nhận thấy Chiến tranh lạnh trên thế giới giảm đi, chính phủ Hàn Quốc ra Tuyên bố Đặc biệt bày tỏ mong muốn về Tự do Dân tộc, Thống nhất và Thịnh vượng. Tới năm 1990, quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên tăng cường mạnh mẽ bằng việc bắt đầu đối thoại cấp cao giữa Thủ tướng hai miền Nam - Bắc.

Tại vòng đàm phán cấp cao thứ năm vào năm 1991, hai Thủ tướng đã ký Hiệp ước về Hoà giải, không khiêu khích, trao đổi và Hợp tác giữa Nam và Bắc mà người ta coi là Hiệp ước Cơ bản. Hiệp ước đánh dấu một bước tiến tới hoà bình và thống nhất bán đảo Hàn.

Tuy nhiên, do khó khăn nghiêm trọng về kinh tế ở CHDCND Triều Tiên, những người ngoài cuộc cho rằng chế độ này sẽ sụp đổ. Hơn thế nữa, sự nghi ngờ gia tăng về việc liệu CHDCND TT có phát triển vũ khí hạt nhân khi rút ra khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân vào tháng 3-1993. Do những tiến triển như vậy, căng thẳng trên bán đảo Hàn lại gia tăng vào giữc những năm 1990.

Vấn đề về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã khiến cho quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên rất tồi tệ và quan hệ này chỉ bắt đầu được cải thiện dần khi chính phủ Kim Dae Jung (1998-2003) thực thi một chính sách hoà giải và hợp tác với tên gọi "Chính sách Ánh dương". Những nỗ lực này đã tạo điều kiện cho Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên được tổ chức tại Bình Nhưỡng tháng 6-2000 và đưa ra tuyên bố chung Nam - Bắc ngày 15-6.

Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc – Triều Tiên là một bước ngoặt trong mối quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên, thay đổi năm thập kỷ đối đầu và thù địch sang mối quan hệ hoà giải và hợp tác.

Từ tháng 6-2000 quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên đã có nhiều tiến triển tốt đẹp. Đối thoại đã được mở ra và những người thân bị ly tán đã bắt đầu liên lạc với nhau. Thêm vào đó, trao đổi Hàn Quốc – Triều Tiên về con người và hàng hoá cũng gia tăng.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân CHDCND Triều Tiên lần thứ hai nổ ra vào tháng 10-2002 đã làm gián đoạn tinh thần hoà giải này và lại gây nên căng thẳng trên bán đảo Hàn. Sau đó, với sự nỗ lực của các bên đàm phán, quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên lại được cải thiện tuy nhiên sự cải thiện này không bền vững. Cho đến nay, quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên đã tiến một bước rất xa so với trước, đặc biệt là quan hệ kinh tế và đoàn tụ gia đình.

Người ta hy vọng rằng, với những nỗ lực và thiện chí của hai miền và các bên đàm phán vấn đề hạt nhân của CHDCNDTT sẽ từng bước được khai thông và cùng với nó quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, từ thực tế của mối quan hệ này ít ai nghĩ rằng bán đảo Hàn sẽ thống nhất trong một ngày gần đây.



Thực hiện: Hồng Vân và nhóm Web

Nguồn: Các tài liệu lưu tại TVTTNCHQ


Scroll To Top