Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


BẢO TỒN LÀNG DÂN TỘC TRUYỀN THỐNG Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Làng hình thành và phát triển gắn liền với xã hội nông nghiệp, với đời sống của người nông dân nơi thôn quê và là biểu tượng đặc sắc của nền văn minh nông nghiệp. Ngày nay, làng không chỉ là không gian đặc biệt quan trọng kiến tạo, bảo tồn giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của địa phương, khu vực. Trong quá khứ, Hàn Quốc cũng là một xã hội nông nghiệp với nền văn minh nông nghiệp phát triển rực rỡ qua các triều đại phong kiến. Nền văn hóa truyền thống của nước này mang đậm dấu ấn văn minh nông nghiệp và làng dân tộc truyền thống chính là đặc trưng của nền văn minh này. Sự hình thành và phát triển của hệ thống làng ở quốc gia này chủ yếu theo 2 hình thức là làng được thành lập theo kiểu ấp thành và làng theo họ tộc. Làng theo họ tộc xuất hiện từ đầu triều đại Joseon và đến cuối thời Joseon chiếm 80% mô hình làng quê Hàn Quốc [1] và đây cũng là loại hình làng dân tộc truyền thống được bảo tồn, lưu giữ vẹn nguyên đến nay.

Năm 1962, luật bảo vệ tài sản văn hóa được thực thi tại Hàn Quốc, song do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ khiến cho nền văn hóa truyền thống, trong đó có các làng dân tộc truyền thống bị biến đổi hoặc xóa bỏ nhanh chóng. Các ý kiến phản ánh về việc cần phải bảo vệ các ngôi làng truyền thống từ các chuyên gia, từ chính những người dân sinh sống tại các ngôi làng dân tộc xuất hiện ngày càng nhiều và thu hút được sự quan tâm của toàn xã hôi Hàn Quốc vào thập niên 1970. Trước tình hình đó, năm 1972, Cục quản lý tài sản văn hóa đã xây dựng và triển khai phương án công nhận “Khu vực bảo vệ tư liệu văn hóa dân tộc tập thể”. Tuy nhiên, kế hoạch này chỉ thực hiện được trong một thời gian ngắn do chưa có chế tài pháp lý đối với các vi phạm về quy chế xây dựng khác nhau. Năm 1977, Bộ Văn hóa thông tin xây dựng “Hướng dẫn bảo tồn làng văn hóa dân tộc” và chính thức tiến hành công nhận danh hiệu làng văn hóa dân tộc truyền thống từ cấp địa phương đến cấp quốc gia. Theo đó, các địa phương công nhận làng văn hóa dân tộc trên địa bàn là di sản văn hóa cấp địa phương, còn nhà nước chỉ định những tư liệu dân gian được công nhận là đặc biệt có giá trị trong khu vực làng dân tộc là “Tư liệu dân gian quan trọng quốc gia”. Trên cơ sở đó, một số làng như làng Seongup ở Jeju, làng Yangdong ở Geongju, làng Hahoe ở Andong được công nhận là “Tư liệu dân gian” vào những năm đầu thập niên 1980, tuy nhiên, mãi đến năm 1984, những ngôi làng này mới được nâng cấp lên thành “Tư liệu dân gian trọng yếu cấp quốc gia”. Lý do để nhà nước công nhân các làng này là Tư liệu dân tộc trọng yếu cấp quốc gia trải qua thời gian lâu như vậy là bởi vì các làng này cần đảm bảo đầy đủ điều kiện bảo tồn, tức là đối tượng cần bảo vệ ở đây không phải chỉ là vật thể kiến trúc của từng làng mà bao gồm cả môi trường của làng (môi trường nhân văn và môi trường tự nhiên).

Kể từ sau năm 1984, trước những tác động mạnh mẽ của quá trình phương Tây hóa, phong cách kiến trúc, phương thức cư trú truyền thống của người dân cũng thay đổi nhanh chóng, vì vậy, chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng và triển khai rộng rãi các chính sách bảo tồn làng dân tộc truyền thống. Năm 1985, chính phủ Hàn Quốc ban hành Luật bảo tồn kiến trúc truyền thống nhằm xây dựng các phương án cần thiết cho công tác bảo tồn, trong đó bao gồm cả hoạt động bảo tồn làng dân tộc truyền thống. Trên cơ sở đó, các tổ chức bảo tồn tiến hành các cuộc khảo sát mang tính chất học thuật trên toàn quốc nhằm xác định thực trạng các làng cần được bảo tồn. Bên cạnh đó, nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng làng dân tộc truyền thống cũng được triển khai, thực hiện nghiêm ngặt. Tuy nhiên, Luật bảo tồn các kiến trúc truyền thống đã bị bãi bỏ vào năm 1999 sau thời gian triển khai trong thực tế do luật này tồn tại nhiều bất cập như luật chỉ bảo vệ các kiến trúc truyền thống đã được công nhận, hạn chế về quyền tài sản của người sở hữu, gây ra nhiều bất lợi cho cuộc sống của người dân sinh sống tại đây… Do đó, từ năm 2000, công tác quản lý, bảo tồn làng dân tộc truyền thống lại được tiến hành theo Luật bảo vệ tài sản văn hóa hiện hành.

Năm 2001, Cục Di sản văn hóa Hàn Quốc đã xây dựng kế hoạch trung, dài hạn về bảo tồn, quản lý và phát huy các giá trị di sản văn hóa và kế hoạch 5 năm trùng tu, bảo tồn toàn diện làng dân tộc truyền thống (2002-2006) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của người dân, xây dựng các ngôi làng dân tộc truyền thống thành các điểm du lịch, gia tăng thu nhập của người dân… Năm 2003, Cục Di sản văn hóa Hàn Quốc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý với chủ đề “Bảo tồn làng dân tộc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân” với mục tiêu bảo tồn làng dân tộc bền vững. Dựa vào kết quả cuộc trưng cầu dân ý trên, tháng 5 năm 2004, Cục Di sản xây dựng và thực hiện “Kế hoạch trùng tu toàn diện, bảo tồn và phát huy giá trị làng dân tộc”. Từ năm 2010 đến nay, chính sách bảo tồn và khai thác các giá trị của làng dân tộc truyền thống theo hướng bền vững vẫn được triển khai. Năm 2011, chính phủ Hàn Quốc ban hành quy định chính thức về tiêu chuẩn lắp đặt cơ sở hạ tầng sinh hoạt tại các làng văn hóa dân tộc trọng điểm, năm 2012, xây dựng kế hoạch 5 năm bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa (2012-2016) với một số nội dung như: (1) nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia thông qua hoạt động bảo tồn hợp lý và phát huy tài nguyên du lịch làng dân tộc truyền thống; (2) hỗ trợ phát huy giá trị kiến trúc cổ truyền thống trong các làng dân tộc; (3) Tư liệu hóa nghệ nhân, chủ sở hữu,… [2]

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử cùng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khiến nền văn hóa truyền thống của Hàn Quốc bị mai một, hệ thống làng dân tộc truyền thống bị phá bỏ nhiều. Tuy nhiên, sự nỗ lực của chính phủ, của chính quyền địa phương thông qua các chính sách trùng tu, bảo tồn, phát triển và sự đồng lòng, góp sức của người dân mà số lượng làng dân tộc truyền thống được bảo tồn nguyên vẹn ở Hàn Quốc cho đến nay còn tương đối nhiều như làng Andong Hahoe, Seongup Minsok, Kyeongju Yangdong, Goseong Wanggok, Asan Oeam, Seongju Hangae, Yeongju Museom, Sucheon Nakanupseong,…

Bên cạnh việc củng cố hệ thống văn bản pháp lý về chính sách bảo tồn di sản trung và dài hạn, đưa ra các kế hoạch và dự án trùng tu bảo tồn liên tục, chính phủ Hàn Quốc còn tổ chức định kỳ các sự kiện ở từng địa phương nhằm xúc tiến chương trình nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp xã hội, tạo điều kiện cho toàn dân hiểu về giá trị của nền văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời tôn vinh và nghiêm khắc trong ứng xử với di sản văn hóa của quốc gia. Theo đó, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tác, thi viết phóng sự các hoạt động liên quan đến công tác bảo tồn di sản...

 

Phan Thị Oanh –

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên


Tài liệu tham khảo:

  1. Làng cổ Hahoe và Yangdong, hình ảnh đại diện cho truyền thống sinh hoạt theo họ tộc của thời đại Joseon ở Hàn Quốc, http://world.kbs.co.kr//special/unesco/contents/excellent/e10.htm?lang=v
  2. 김창규 (2016), “우리나라 민속마을제도의 형성과 변천”, 미래문화제도정책연구원, http://faclpi.modoo.at/?link=tw5hy4oz (Kim Chang-gyu, Sự hình thành và thay đổi chính sách làng dân tộc truyền thống Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu chính sách văn hóa tương lai)
  3. 문화재청 (2004), 민속마을 보존. 활용 및 종합정비세부실천계획, https://www.korea.kr/ /archive/expDocView.do?docId=20163 (Cục Di sản văn hóa, Kế hoạch bảo tồn, phát huy và trùng tu toàn diện làng dân tộc truyền thống)
  4. ZHANG SHAOBO (2019), 한국 안동시 하회마을의 문화보존과 중국향촌 문화보존에 주는 시사점, 국 제 지 역 학 석 사 학 위 논 문, 부 경 대 학 교 대 학 원 (Bảo tồn văn hóa Làng Hahoe ở Andong-si, Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm đối với công tác bảo tồn văn hóa làng ở Trung Quốc, Luận văn Thạc sĩ nghiên cứu Khu vực quốc tế, Đại học Quốc gia Pukyong)
  5. 유영민, 장혜진, 박노천, 김용근 (2005), 민속 마을 관리상 발생하는 사회적 갈등의 이해- 하회마을 중심으로, 한국조경학회지 33(5): 31-42, 2005.12 (Yu Young-min và cộng sự, Nghiên cứu mâu thuẫn xã hội phát sinh trong quá trình quản lý làng dân tộc truyền thống: trọng tâm là làng Hahoe, Tạp chí Hiệp hội cảnh quan Hàn Quốc)
  6. 조정현(2015), “세계문화유산 등재 이후 하회마을의 변화와 주민들의 대 응양상”, 민속연구 (Cho Jeong-hyun, Những thay đổi ở làng Hahoe và phản ứng của người dân sau khi được đưa vào danh sách Di sản Thế giới, Nghiên cứu dân tộc học).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Scroll To Top