THỂ THAO TRUYỀN THỐNG Ở HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Trò chơi kéo co của người Hàn Quốc thường thu hút được các nhóm đông những người dân trong làng cùng chơi, họ chia thành hai đội. Các thành viên của hai đội cùng nắm vào sợi dây thừng dài được bện từ các sợi rơm, họ cố gắng kéo thật mạnh sợi thừng, vì họ tin rằng bên thắng cuộc trong trò chơi sẽ có được một vụ mùa bội thu.
Geune cũng là một trò chơi phổ biến dành cho phụ nữ và thường được chơi vào ngày Dano, Tết Đoan Ngọ vào tháng Năm hoặc tháng Sáu trong năm. Có rất nhiều kiểu chơi, người chơi có thể nhún nhảy trên chiếc đu đơn hoặc đu đôi trên hai sợi dây thừng treo từ trên cao.
Jegichagi, là trò chơi dành cho bé trai, thường được chơi vào mùa đông. Quả cầu được làm từ những đồng xu cũ có một lỗ ở giữa, sau đó được bọc giấy hoặc vải, lông được cắm xuyên qua đó và vòng quanh đồng xu theo hình tròn. Quả cầu được đá bằng một chân hoặc cả hai chân, và người đá cầu được lâu nhất mà không để quả cầu rời xuống đất sẽ giành chiến thắng.
Neolttwigi gần giống với trò chơi bập bênh ở Châu Âu. Trò chơi này sử dụng một ván dài gọi là neol, một túi đầy thóc hoặc là trộn lẫn cả thóc và rơm được đặt ở giữa miếng ván. Hai bé gái mặc trang phục truyền thống màu sắc rực rỡ ngồi ở hai đầu của tấm ván và lần lượt làm cho nhau được nâng lên không trung.
Trong tất cả các trò chơi truyền thống còn tồn tại tới bây giờ, môn võ thuật Taekwondo được biết đến nhiều nhất trên thế giới và là môn thể thao quốc tế duy nhất được chính thức công nhận là có nguồn gốc từ Hàn Quốc và được nhiều người trên thế giới luyện tập.
Taekwondo sử dụng sức mạnh toàn bộ cơ thể, đặc biệt là hai tay và chân, nhưng đồng thời cùng rèn luyện tính cách qua những bài tập thể lực, cùng với những kỹ thuật đảm bảo tính kỷ luật. Môn võ thuật tự vệ này đã trở thành môn thể thao quốc tế từ bốn thế kỷ nay với khoảng 3.000 huấn luyện viên người Hàn Quốc hiện đang dạy Taekwondo tại hơn 150 quốc gia.
Bằng chứng cho sự tồn tại của Taekwondo vùng phương pháp phòng thủ có hệ thống sử dụng phản xạ bản năng của cơ thể bắt nguồn từ một số nghi lễ được thực hiện trong các sự kiện có tính chất tôn giáo trong kỷ nguyên của các quốc gia cổ đại.
Trong các nghi lễ tôn giáo như Yeonggo, Dongmaeng (một kiểu lễ tạ ơn trời) hay Mucheon (Thiên vũ), người Hàn Quốc cổ thường thực hiện những động tác đặc trưng cho sự rèn luyện thể chất và những động tác này đã dẫn đến sự phát triển trường phái Taekwondo.
Ở Hàn Quốc, Liên đoàn Taekwondo có 3,8 triệu hội viên và là tổ chức thể thao đông đảo nhất trong Uỷ ban thể thao Hàn Quốc. Liên đoàn Taekwondo thế giới (WTF) có trụ sở đặt tại Seoul, đã chính thức được Uỷ ban Olympic quốc tế công nhận là cơ quan quản lý của môn thể thao này từ năm 1980. Taekwondo là môn thể thao tiêu biểu trong đại hội thể thao Olympic Seoul 1988, điều này cho thấy Taekwondo đã được phổ biến trên toàn thế giới. Nó chính thức trở thành môn thể thao thi đấu giành huy chương từ Olympic 2000 tổ chức tại Sydney.
Ssireum, môn vật truyền thống của Hàn Quốc, cũng là một môn thể thao thi đấu dân gian, trong đó hai đấu thủ nắm vào satba (dây vải thắt quanh lưng và bắp đùi), sử dụng toàn bộ sức mạnh và các kỹ thuật của mình để vật đối thủ xuống sàn đấu. Lịch sử môn vật truyền thống ssireum bắt đầu cùng thời với sự hình thành sinh hoạt cộng đồng. Trong xã hội cổ, con người phải chiến đấu để chống lại những loài thú hoang, không phải chỉ để tự vệ, mà còn để tìm thức ăn. Bên cạnh đó, các cộng đồng này không thể tránh khỏi việc xung đột với những bộ tộc khác. Vì vậy, con người phải luyện tập những hình thức võ thuật khác nhau để bảo vệ chính mình.
Người thắng cuộc trong mỗi giải đấu ssireum theo tập tục sẽ được tặng thưởng một con bò, không chỉ là biểu tượng của sức mạnh mà còn là một vật có giá trị trong xã hội nông nghiệp.
Trong xã hội Hàn Quốc hiện đại, ssireum vẫn nổi bật như một môn thể thao thu hút nhiều người, chứ không chỉ đơn thuần là một trò thi đấu dân gian được tổ chức vào các ngày lễ hội. Hiệp hội ssireum Hàn Quốc cũng đã rất thành công trong việc quảng bá cho thế giới biết đến môn vật này thông qua việc tổ chức những trận thi đấu có chất lượng cao. Ssireum giờ đây đã nổi tiếng như là một trong những môn thể thảo quốc gia được nhiều người yêu thích đến nỗi các trận đấu vật đều được tường thuật trên truyền hình để mọi khán giả đều có thể theo dõi tại nhà. Các luật đấu và nguyên tắc được điều chính phủ hợp hơn, ssireum không ngừng phát triển từ một môn vật truyền thống kết hợp với các phương pháp tự vệ đã trở thành một môn thi đấu dân gian được nhiều người yêu thích và đã trở thành một phần trong cuộc sống của người Hàn Quốc ngày nay.
Vui chơi giải trí
Công nghiệp vui chơi giải trí là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Hàn Quốc vì ngày càng có nhiều người tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí phong phú và vì mức sống của người dân trên cả nước được nâng cao. Người Hàn Quốc, vốn là những người thích hoạt động ngoài trời và họ tham gia các hoạt động giải trí cũng tích cực như là lúc họ làm việc. Ở Hàn Quốc có rất nhiều bảo tàng, cung điện, chùa chiền, lăng tẩm, công viên, các khu bảo tồn lịch sử và danh lam thắng cảnh trải dọc đất nước, đó là những điểm để gia đình đi nghỉ và đi picnic rất lý tưởng. Trong những năm gần đây, nhiều người dường như đã nhận thấy tập thể dục là cách sử dụng thời gian rỗi rãi rất hữu ích đồng thời lại tăng cường được sức khoẻ.
Quần vượt và chạy bộ là hai môn thể dục buổi sáng phổ biến nhất. Những ai có khiếu thể thao hơn thường lập thành các đội và chơi đá bóng vào buổi sáng. Các môn thể thao khác được nhiều người lựa chọn là bơi, đi bộ đường dài, gôn, trượt tuyết, lướt ván nước, câu cá nước mặn và nước ngọt, lướt ván buồm và bóng ném. Ngoài ra còn có các môn thể thao thu hút được nhiều khán giả theo dõi như bóng đá, bóng chày, bóng chuyền, quyền Anh và ssireum.
Gần đây, ngày càng có nhiều người thành thị muốn được nghỉ ngơi ở những vùng xa nhà. Ngày càng có nhiều gia đình có xe ôtô riêng, nên nhiều gia đình có thể đi du lịch ra ngoài thành phố, đến các vùng núi, hay các bãi biển vào ngày nghỉ cuối tuần hay dịp lễ Tết. Đồng thời, việc theo dõi truyền hình, chơi baduk (cờ Hàn Quốc) hay janggi (cờ vây) cũng vẫn là những cách sử dụng thời gian cuối tuần phổ biến.
Đặc biệt, hầu hết cuối tuần, các vùng đồi núi ở ngoại ô các thành phố thường thu hút rất đông những người muốn đi bộ đường dài leo núi. Kể từ khi vận động viên leo núi Hàn Quốc Ko Sang- don leo lên được đỉnh Everest vào tháng 9/1997, số người tham gia leo núi và đi bộ đường dài tăng lên đáng kể. Trên thực tế, 70% lãnh thổ Hàn Quốc là đồi núi, và người Hàn Quốc về bản chất lại rất yêu thiên nhiên, nên rất nhiều người Hàn Quốc ưa thích môn thể thao này.
Chuẩn bị và biên tập: Nhóm website
Nguồn: Korean Today (book)