QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN HẠT NHÂN CỦA TRIỀU TIÊN
Đăng ngày:
Quá trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên được chuẩn bị từ những năm thập niên 1950 cho đến nay với nhiều giai đoạn thăng trầm, được đánh dấu bởi những sự kiện nổi bật. Đầu tiên, trong giai đoạn nền tảng 1953-2004, để tạo tiền đề cho việc phát triển hạt nhân, Triều Tiên và Liên Xô đã kí kết Hiệp định sử dụng hòa bình năng lượng nguyên tử vào tháng 3 năm 1953, trong thời điểm cuộc chiến tranh Nam Bắc Triều Tiên vẫn đang diễn ra. Bước sang thập niên 1960, sau khi đình chiến, Triều Tiên đã gửi các nhà vật lý hạt nhân của mình sang Viện Nghiên cứu hạt nhân Dubna – Viện nghiên cứu hạt nhân hàng đầu của Nga- để nghiên cứu, học tập. Các chuyên gia hạt nhân của Triều Tiên thời điểm này có khoảng 3 ngàn người, bao gồm khoảng 200 chuyên gia cao cấp về hạt nhân[1]. Năm 1962, Triều Tiên xây dựng Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử Yongbyon, tạo nền tảng cơ sở vật chất và con người ban đầu để phát triển hạt nhân. Trong thập niên 1970, Triều Tiên đã có thể làm chủ kỹ thuật vận hành lò luyện làm giàu hạt nhân. Bước sang năm 1980, việc phát triển hạt nhân càng được đẩy mạnh với các bước tiến về kỹ thuật tạo ra các thanh nhiên liệu hạt nhân. Năm 1985, Triều Tiên tham gia kí kết Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân (NPT). Triều Tiên và Hàn Quốc cũng thống nhất ra Tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên vào năm 1991. Tuy nhiên, bước sang năm 1993, sau khoảng hơn 8 năm kí kết tham gia, Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Kỹ thuật hạt nhân của Triều Tiên trong thập niên 1990 cũng có những bước tiến đáng kể. Trong bối cảnh các nước Đông Âu sụp đổ, cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, tình hình quốc tế có nhiều biến đổi, Triều Tiên chấp nhận đàm phán dừng phát triển hạt nhân và chịu sự thanh sát của Mỹ và quốc tế, tuyên bố dừng các hoạt động phát triển hạt nhân vào năm 1994. Năm 2002, Triều Tiên tuyên bố xóa bỏ cam kết dừng các hoạt động liên quan hạt nhân đi kèm các hoạt động như phá bỏ niêm phong lò hạt nhân Yongbyon, dừng các máy camera giám sát, yêu cầu các thanh sát viên IAEA về nước. Năm 2003, Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân. Để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, năm 2003, Hội đàm 6 bên về hạt nhân Triều Tiên lần đầu tiên được tổ chức nhưng không đem lại kết quả cao như mong đợi. Năm 2005, đánh dấu một bước ngoặt đầu tiên trong quá trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên khi nước này công bố với thế giới đã sở hữu vũ khí hạt nhân. Triều Tiên cũng cho biết đã hoàn thành việc chiết xuất hàng ngàn thanh hạt nhân tại lò hạt nhân 5MW Yongbyon. Nhưng cũng ngay trong năm 2005, Hội đàm 6 bên lần thứ 4 được tổ chức yêu cầu Triều Tiên chấp nhận từ bỏ kế hoạch hạt nhân hiện tại và các vũ khí hạt nhân đang sở hữu. Năm 2006, Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ nhất với phương thức plutonium. Dưới sức ép quốc tế, tháng 6 năm 2008, Triều Tiên phá dỡ tháp làm lạnh tại lò hạt nhân Yongbyon. Nhưng cũng chỉ gần 3 tháng sau đó, Triều Tiên tuyên bố đang phục hồi lại các trang thiết bị của lò Yongbyon như cũ. Triều Tiên cũng không tham gia Hội đàm 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, công bố đã hoàn thiện phục hồi cơ sở hạt nhân Yongbyon vào đầu năm 2009 và tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ 2 vào tháng 5 năm 2009 cũng dưới dạng thức plutonium. Đồng thời, Triều Tiên cũng tuyên bố đang vũ khí hóa các plutonium đã chiết xuất được và bắt đầu làm giàu uranium. Tháng 2 năm 2013, sau các tuyên bố tiến hành thử hạt nhân và tên lửa tầm xa vươn tới Mỹ, tuyên bố “hành động trọng đại của quốc gia”, Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ 3. Và liên tiếp trong năm 2016, vào tháng 1 và tháng 9, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần 4 và lần 5. Sau đó 1 năm, tháng 9 năm 2017, Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6. Như vậy, trong vòng khoảng 11 năm kể từ năm 2006-2017, Triều Tiên đã tiến hành 6 cuộc thử nghiệm hạt nhân và càng ngày, khoảng cách thời gian giữa các cuộc thử nghiệm càng ngắn lại. Trải qua các cuộc thử nghiệm, quy mô và trình độ hạt nhân của Triều Tiên cũng được nâng cao. Các địa chấn sinh ra từ các vụ thử hạt nhân lần thử nghiệm thứ nhất là 3,9 độ, lần 2 là 4,5 độ, lần 3 là 4,9 độ, lần 4 là 4,8 độ, lần 5 là 5,0 độ và lần 6 là 5,7 độ richter. Sức công phá của các vụ nổ hạt nhân của lần thử nghiệm thứ nhất tương đương 800 tấn, lần thứ hai tương đương 2.200 tấn, lần thứ 3 tương đương 4.000 tấn, lần thứ 4 tương đương 8.000 tấn, lần thứ 5 tương đương 10.000 tấn và lần thứ 6 ước tính trên 10.000 tấn TNT. Kỹ thuật thu gọn đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên được cho cũng đã đạt ở mức có khả năng thu gọn chỉ còn khoảng 500-600kg[2]. Đặc biệt là, với cuộc thử nghiệm lần thứ 6, Triều Tiên công bố đã thành công với bom nhiệt hạch với sức công phá gấp nhiều lần so với bom hạt nhân thông thường từ 2-5 lần. Dư luận thế giới cho rằng sức công phá của vụ thử bom nhiệt hạch ở lần thử thứ 6 này được dự tính khoảng100 kiloton và cường độ cơn địa chấn do vụ thử này gây ra cao gấp 9,8 lần so với vụ thử lần thứ 5 và gấp khoảng 5 lần sức công phá của quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Nagasaki, Nhật Bản năm 1945. Tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân năm 2005, làm giàu uranium năm 2009, thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch vào năm 2017 có thể nói là những thời điểm quan trọng đánh dấu những bước tiến trong phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong giai đoạn 2005-2017. Trong giai đoạn 2005-2017 này, đồng thời với các vụ thử nghiệm hạt nhân được tiến hành liên tiếp, nhằm phát triển sức công phá, thu gọn trọng lượng và đưa đầu đạn hạt nhân đi xa, nhằm tới đích mà chủ yếu là Mỹ, Triều Tiên tiến hành song song các vụ thử tên lửa tầm xa với tần suất dày đặc. Đã có tới 104 vụ thử tên lửa trong khoảng 11 năm từ năm 2006-2017, gấp nhiều lần so với giai đoạn trước đó. Đặc biệt, trong hai năm 2016 và 2017, số lần thử tên lửa của Triều Tiên chiếm gần một nửa với 47 lần. Và nếu như năm 2016 trở về trước, Triều Tiên chủ yếu thử kỹ thuật dưới dạng bắn vệ tinh nhân tạo vào quỹ đạo[3] thì năm 2017, tên lửa đạn đạo, tên lửa xuyên lục địa được tập trung thử nghiệm thường xuyên hơn và vị trí thử bắn tên lửa cũng trở nên đa dạng hơn. Triều Tiên bắn thử tên lửa đối hạm mặt đất tầm thấp vào ngày 08/06/2017, từ Wonsan, bay được hơn 450km với độ cao 120km. Ngày 4/07/2018, từ một địa điểm khác là Goosung, Triều Tiên thử tên lửa xuyên lục địa ICBM Hwasong -14 bay được hơn 930km trong 39 phút với độ cao 2.802km. Cũng trong tháng 7 này, ngày 28, Triều Tiên tiếp tục bắn thử tên lửa xuyên lục địa ICBM cùng loại là Hwasong -14 bay được 1.000km trong 45 phút với độ cao 3.700km tại một địa điểm mới là Jinchon. Trong ngày 26/08/2017, Triều Tiên bắn thử 3 tên lửa đạn đạo góc thấp từ Gattaeryong, trong đó có 2 quả bay được 250km. Và chỉ 3 ngày sau đó, Triều Tiên thử tên lửa tầm trung IRBM Hwasong-12 từ Sunan, bay được 550km với độ cao 2.500km, bay qua vùng trời Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương. Tiếp đó, ngày 15/09/2017, từ Sunan, Triều Tiên bắn thử tên lửa chưa xác định, bay xa tới 770km với độ cao 3.700km, bay qua vùng trời Nhật Bản và rơi xuống Bắc Thái Bình Dương[4]. Đặc biệt, ngày 29/11/2017, sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và hai lần thử tên lửa xuyên lục địa trong năm đó, cũng từ Sunan, Triều Tiên phóng tên lửa xuyên lục địa ICBM Hwasong-15 bay được khoảng 1.000km với độ cao 4.000km. Tên lửa này bay cao nhất từ trước đến nay và gấp 11 lần độ cao của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), các chuyên gia quân sự quốc tế ước tính, nếu phóng ở quỹ đạo tiêu chuẩn, tên lửa có thể đạt tầm bắn tới 13.000 km, đủ khả năng tấn công toàn bộ nước Mỹ[5]. Có thể thấy rằng, việc phát triển hạt nhân được Triều Tiên quan tâm từ khá sớm ở thập niên 1950 và được thúc đẩy tiến hành chuẩn bị về nhân sự và cơ sở vật chất từ thập niên 1960. Triều Tiên đã chuẩn bị được nền tảng nhân lực, vật chất và kỹ thuật để tự chủ việc phát triển vũ khí hạt nhân khi bước sang thập niên 2000. Qua các lần thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp trong những năm gần đây, Triều Tiên đã thể hiện sự tiến bộ trong phát triển về năng lực hạt nhân và tuyên bố đã hoàn thiện lực lượng hạt nhân quốc gia vào cuối năm 2017. Từ năm 2018, Triều Tiên cũng tuyên bố sẽ dừng các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa để tập trung phát triển kinh tế. Theo William C. Potter, quá trình phát triển vũ khí hạt nhân gồm có 8 giai đoạn là 1) Sở hữu kỹ thuật chế tạo vũ khí hạt nhân, 2) Sở hữu lò hạt nhân dùng để nghiên cứu hoặc phát triển hạt nhân, 3) Sở hữu nguyên liệu chế tạo bom hạt nhân không nằm trong đối tượng giám sát hạt nhân, 4) Chế tạo bom hạt nhân bí mật, 5) Thử nghiệm bom hạt nhân công khai, 6) Sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân, 7) Thử nghiệm một số bom hạt nhân thành công, 8) Xây dựng cơ chế an toàn và năng lực đáp trả lần hai[6]. Theo như tuyên bố của Triều Tiên, đặc biệt là trong cuộc khẩu chiến với Mỹ cuối năm 2017 thì Triều Tiên đã hoàn thành các giai đoạn của quá trình phát triển vũ khí hạt nhân và sẵn sàng đáp trả tấn công của Mỹ bất cứ lúc nào. Nhìn vào thực tế của quá trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên, có thể thấy Tiều Tiên đã bắt đầu thử nghiệm hạt nhân công khai từ năm 2006, 2009 và đã bước vào giai đoạn thứ 5. Triều Tiên cũng được các chuyên gia hạt nhân đánh giá có khả năng sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân và thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch có sức công phá lớn vào năm 2017. Điều này cho thấy Triều Tiên có khả năng đang ở giai đoạn thứ 7 của quá trình phát triển hạt nhân. Giai đoạn cuối cùng của quá trình phát triển hạt nhân là xây dựng và đảm bảo một cơ chế an toàn cho vũ khí hạt nhân, đồng thời sở hữu năng lực đáp trả hạt nhân lần hai chính xác. Triều Tiên tuyên bố đã có được năng lực này. Tuy nhiên, trên thực tế, liệu Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân hoàn thiện có thể tấn công đúng mục tiêu với các kỹ thuật gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa và nắm được kỹ thuật tái xâm nhập trái đất và tìm đúng mục tiêu tấn công hay không thì vẫn là một dấu hỏi đối với các chuyên gia hạt nhân quốc tế. Việc dừng các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là do đã hoàn thành mục tiêu chương trình hạt nhân hay là do sức ép của các lệnh cấm vận hoặc là nhu cầu hòa bình, phát triển kinh tế cấp bách của Triều Tiên thì vẫn còn phải chờ đợi câu trả lời ở tương lai. [1]Viện giáo dục thống nhất – Bộ Thống nhất Hàn Quốc, 2014, Tìm hiểu Bắc Hàn 2013 (2013 북한이해), trang 114. [2]Park Sung Jin, 2017, Miền Bắc thử hạt nhân: Sự khác biệt và thay đổi từ lần 1 đến lần 6, Kyunghyangsinmun, ngày 03/09/2017 [3]MBN, 2016, Ghi chép về việc Bắc Hàn thử tên lửa…Nhìn lại từ năm 1998 (북한 미사일 발사 일지..98년부터 살펴보니), MBN 02.2016. [4]Cheon Jin-woo, 2017, Ghi chép về việc Bắc Hàn thử tên lửa trong năm nay(올해 북한 미사일 발사 일지), Newsis, 15/09/2017. [5]Hwang In-sol, 2017, Bắc Hàn bắn tên lửa Hwasong-15…có khả năng tấn công Mỹ (북한, 미사일 화성-15호 발사...미국 타격 가능), Greenpost Korea, 29/11/2017. [6]Kim Kang-nyung, 2009, Bắc Hàn thử hạt nhân và đối ứng của chúng ta, (북한의 핵실험과 우리의 대응) 조선대 동북아연구, 24권 1호, p.26 Nguyễn Thị Thắm