HÀN LƯU - SỨC MẠNH CỦA VĂN HÓA HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Năm 2002, bộ phim truyền hình Bản tình ca mùa đông được xuất khẩu sang Đài Loan, tiếp đến là Hồng Kông, Singapore rồi Nhật Bản, tạo nên một "cơn sốt" phim truyền hình Hàn Quốc trên toàn châu Á. Đặc biệt, tháng 4 năm 2004 tại Nhật Bản, bộ phim đã lên sóng vào giờ vàng và luôn đạt tỷ lệ người xem bình quân lên tới 14%, riêng tỷ lệ người xem tập cuối của bộ phim đã đạt kỷ lục khi vượt quá 20% . Theo kết quả phân tích của Viện Nghiên cứu kinh tế Dainichi Life Nhật Bản, hiệu ứng kinh tế mà diễn viên Bae Young Joon mang lại cho Hàn Quốc tại Nhật Bản là 230 tỷ Yên. Phan Thị Oanh – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc
Năm 2012-2013 là năm thành công của Gangnam Style, một album đơn đầu tiên do nghệ sĩ Hàn Quốc thu âm đã bán được 1 triệu bản tại Vương quốc Anh và hàng loạt chuyến lưu diễn của nghệ sĩ này trên khắp lục địa Nam Mỹ. Nhờ trang mạng Youtube, Gangnam Style đã trở thành một điệu nhảy thu hút hơn 1,5 tỷ lượt xem. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế hiện đại, lợi nhuận thu được riêng từ việc bán băng đĩa ca khúc này ước tính lên tới hơn 10 tỷ won và tổng các phụ thu khác là hơn 17.2 tỷ won.
Hàn lưu (Hallyu) là thuật ngữ dùng để chỉ trào lưu yêu thích sản phẩm văn hóa Hàn Quốc ở nước ngoài, xuất hiện từ những năm cuối thập niên 1990. Các sản phẩm văn hóa thuộc Hàn lưu bao gồm điện ảnh, K-pop, ẩm thực, thời trang, mỹ phẩm, các sản phẩm điện tử... Các sản phẩm văn hóa này không chỉ được yêu thích ở các khu vực có sự tương đồng về văn hóa như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, một số nước Đông Nam Á mà còn ở cả các khu vực khác biệt về văn hóa như châu Âu, châu Phi, Trung Đông. Cùng với việc xuất khẩu các sản phẩm văn hóa ra nước ngoài, hàng năm, Hàn Quốc còn thu hút hàng triệu khách du lịch đến nước này tham quan thắng cảnh, mua sắm, trải nghiệm văn hóa, làm đẹp...
Điện ảnh Hàn Quốc, đặc biệt là phim truyền hình phổ biến khắp các nước châu Á, mang về cho Hàn Quốc nguồn lợi nhuận khổng lồ. Theo Viện phát triển công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, xuất khẩu phim truyền hình Hàn Quốc tăng đều trong từng năm từ 105 triệu USD trong năm 2008 lên 133 triệu USD năm 2010, 167 triệu USD năm 2011. Năm 2014, ngành điện ảnh Hàn Quốc thu gần 2.028 tỷ Won, tăng 7.6% so với năm 2013 và lần đầu vượt mốc 2.000 tỷ Won (tương đương 1,84 tỷ USD). Năm 2016, bộ phim truyền hình Hậu duệ mặt trời đã xuất khẩu tới 32 quốc gia trên thế giới, chiếm vị trí thứ nhất về số lượt xem trong số 50 bộ phim mới công chiếu trên trang Video trực tuyến Viki ở Mỹ, mang lại nguồn lợi nhuận kinh tế trực tiếp và gián tiếp ước tính là hơn 1.000 tỷ Won (khoảng 880 triệu USD), góp phần thu hút khoảng 100 nghìn khách du lịch tới Hàn Quốc . Trước đó, năm 2004, bộ phim Nàng Dae Jang Geum đã lập kỷ lục xuất khẩu sang 87 quốc gia, thu về 13 tỷ Won.
Cùng với việc các ngôi sao K-pop được lựa chọn làm đại sứ văn hóa Hàn Quốc, xuất khẩu âm nhạc của Hàn Quốc cũng cho thấy sự tăng trưởng theo từng năm, đặc biệt phát triển mạnh ở thị trường châu Âu và Nam Mỹ. Cụ thể năm 2010, doanh thu xuất khẩu âm nhạc đạt khỏang 83 triệu USD, năm 2011 là 177 triệu USD, năm 2012 là 235 triệu USD, năm 2014 là 335 triệu USD. Xét trên phương diện kinh tế, sự tăng trưởng và lan tỏa mạnh mẽ của K-pop ra bên ngoài biên giới Hàn Quốc một mặt củng cố thêm uy tín cho Hàn Quốc trong vai trò là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, mặt khác gây hiệu ứng tốt giúp tăng xuất khẩu hàng tiêu dùng của nước này. Ông Lee Choon Keun, Giám đốc bộ phận Phát triển sản xuất sáng tạo thuộc Viện phát triển công nghiệp văn hóa Hàn Quốc cho biết: "Nghiên cứu đã cho thấy rằng cứ 100 USD sản phẩm âm nhạc Hàn Quốc được xuất khẩu sẽ có khoảng 395 USD sản phẩm công nghệ thông tin như điện thoại di động hay hàng điện tử được xuất theo. K-Pop đang trở thành biểu tượng cho Hàn Quốc." . Buổi biểu diễn K-pop của SM Entertainment tại Paris năm 2011, đã có 14.000 vé được bán ra chỉ trong 2 ngày là một minh chứng rõ ràng cho sự lan tỏa mạnh mẽ của âm nhạc đại chúng Hàn Quốc, người hâm mộ K-pop không chỉ là người châu Á, thậm chí, tại Lễ hội âm nhạc KCON năm 2015 tổ chức Mỹ đã có tới hơn 20.000 người hâm mộ tại Mỹ tham gia . Qua Hàn lưu mà người Mỹ cũng dành sự yêu thích đối với ẩm thực, sản phẩm nông nghiệp, makgeolli , kim chi, tương ớt của Hàn Quốc tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KF), tính đến tháng 12 năm 2015, bên cạnh điện ảnh, âm nhạc, ẩm thực thì nhạc hip hop mang phong cách Hàn Quốc (K-hip hop) được biểu diễn cùng với K-pop như thổi làn gió mới, tạo nên một cơn sốt, một làn sóng Hàn lưu mới, thu hút số lượng người hâm mộ Hàn lưu lên tới hơn 35 triệu người, thuộc 86 quốc gia trên toàn thế giới, với 1.493 câu lạc bộ người hâm mộ Hàn lưu, tăng 21% so với năm 2014.
Sự phổ biến của Hàn lưu trên toàn thế giới tạo hiệu ứng mạnh đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Qua phân tích các dữ liệu xuất khẩu của Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc từ năm 2001 đến năm 2011 cho thấy tỷ lệ thuận giữa sự gia tăng 100 USD doanh thu xuất khẩu các sản phẩm văn hóa Hàn lưu kéo theo sự gia tăng 412 USD doanh thu xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng. Trong một cuộc điều tra về Thực tế sử dụng các sản phẩm của doanh nghiệp Hàn Quốc và hiệu quả kinh tế của Hallyu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (Korcham) năm 2012 với đối tượng điều tra là 300 công ty thuộc các lĩnh vực chủ yếu về dịch vụ, chế tạo thì có tới 82,8% trả lời rằng: "Hình ảnh thân thiện đối với Hàn Quốc và các sản phẩm của Hàn Quốc được đề cao nhờ sự lan tỏa của Hallyu" . Nhờ Hàn lưu - sức mạnh của văn hóa Hàn Quốc - mà hiệu quả kinh doanh của ngành công nghiệp dịch vụ gia tăng, bao gồm văn hóa (86,7%), du lịch (85,7%), bán lẻ (75%) và điều này còn thể hiện cả trong ngành công nghiệp sản xuất, bao gồm: thực phẩm (45,2%), điện tử (43,3%), mỹ phẩm (35,5%), ô tô (28,1%) . Và, năm 2016, xuất khẩu hàng dân dụng như mỹ phẩm, quần áo, y dược của Hàn Quốc vẫn tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp tình hình khủng hoảng xuất khẩu toàn diện .
Theo báo cáo nghiên cứu về hiệu quả kinh tế từ Làn sóng văn hóa Hàn Quốc trong năm 2015 của Quỹ giao lưu văn hóa quốc tế Hàn Quốc (KOFICE) và Cơ quan xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA), hiệu quả kích thích sản xuất nhờ Hàn lưu đã tăng đều đặn qua từng năm, đạt 13.060,2 tỷ won (11,3 tỷ USD) vào năm 2012, 13.831,5 tỷ won (11,9 tỷ USD) vào năm 2013, 14.291,5 tỷ won (12,3 tỷ USD) năm 2014 .
Hàn lưu ra đời, lan tỏa mạnh mẽ, được nhiều người trên khắp các châu lục, đặc biệt là giới trẻ hồ hởi đón nhận không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước con người, nâng cao vị thế quốc gia Hàn Quốc trên trường quốc tế mà còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, là động lực thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa phát triển, ngoài ra, nó còn tạo thêm nhiều việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân Hàn Quốc.
Sự lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ của Hàn lưu trên toàn thế giới cũng gây ra nhiều phản ứng của các quốc gia, đặc biệt là tại những quốc gia xuất hiện Hàn lưu trong thời kỳ đầu, phong trào phản Hàn lưu, tăng cường rào cản đối với sản phẩm văn hóa Hàn Quốc, tẩy chay văn hóa Hàn Quốc nổ ra mạnh mẽ, thậm chí trong một cuộc điều tra gần đây của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc có đến 59,2% số người được hỏi cho rằng Hàn lưu sẽ chấm dứt trong 4 năm tới, tăng 2% so với năm 2014. Đặc biệt, 83,3% số người Nhật Bản tham gia cuộc thăm dò đã chọn câu trả lời này . Trước thực tế này, Hàn Quốc cũng đã xây dựng kế hoạch nâng tầm ảnh hưởng của Hàn lưu trên toàn thế giới phù hợp với đặc thù từng quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại lễ khởi công khu thung lũng văn hóa Hàn Quốc K -Culture Valley tại thành phố Gongyang, tỉnh Gyeonggi tháng 5 năm 2016 vừa qua, tổng thống Park Geun Hye một lần nữa nhấn mạnh: "Những sản phẩm văn hóa nổi trội và làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu đang rất được lòng người dân thế giới, đóng góp chung vào hạnh phúc nhân loại và nâng tầm vị thế đất nước trên trường quốc tế".
Tổng hợp từ các nguồn:
1. Làn sóng Hàn Quốc vượt ra khỏi phạm vi châu Á, http://world.kbs.co.kr/vietnamese/archive/program/program_kpanorama.htm?no=10046042¤t_page=2
2. Gangnam style gallops to over a million sales in the UK!, http://www.officialcharts.com/hart-news/gangnam-style-gallops-to-over-a-million-sales-in-the-uk-__2773/
3. 태양의 후예' 경제효과1조원넘지 말입니다", http://www.yonhapnews.co.kr/bulletin/2016/04/28/0200000000AKR20160428187200002.HTML
4. Câu chuyện xuất khẩu âm nhạc ra toàn thế giới của Hàn Quốc, http://cafef.vn/cau-chuyen-kinh-doanh/cau-chuyen-xuat-khau-san-pham-am-nhac-ra-toan-the-gioi-cua-han-quoc-2012081010401691.chn
5. Nghệ sĩ Kpop sang Mỹ biểu diễn: Nổi tiếng trên mạng là chưa đủ, http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nghe-si-kpop-sang-my-bieu-dien-noi-tieng-tren-mang-la-chua-du-n20140810040036897.htm
6. http://korea.kr/policy/economyView.do?newsId=148733509&pageIndex=1
7. Power of culture – Hallyu, the Korean wave, http://globe-one.com/power-of-culture-hallyu-the-korean-wave-4636/
8. 대한민국을 일끄는 힘, http://www.korea.kr/policy/societyView.do?newsId=148822129
9. Hiệu quả kích thích sản xuất nhờ Làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu đạt 13,5 tỷ USD trong năm 2015, http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Cu_detail.htm?lang=v&id=Cu&No=31058¤t_page=