THƠ VÀ CA TRONG TRUYỆN XUÂN HƯƠNG
Đăng ngày:
Truyện Xuân Hương có nguồn gốc ban đầu là Xuân Hương ca, thuộc loại hình tác phẩm hát kể Pansori truyền thống của Hàn Quốc. Theo thời gian, Xuân Hương ca được người Hàn Quốc đón nhận và thêm bớt thì dần phát triển thành tiểu thuyết, gọi là Xuân Hương truyện, thuộc thể loại tiểu thuyết ái tình[1]. Chủ đề của tác phẩm ca ngợi tình yêu cao quý vượt lên mọi thử thách khốc liệt, thể hiện niềm khao khát hạnh phúc, lý tưởng đạo đức của người Hàn Quốc nói riêng và của mọi người dân nói chung. Nội dung của tác phẩm kể về tình yêu giữa Xuân Hương, một cô thôn nữ xinh đẹp là con của kỹ nữ với chàng công tử khôi ngô tuấn tú, có tài, con quan phủ sứ là Lý Mộng Long. Nhưng, giống như Thúy Kiều và Kim Trọng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, bất chấp số mệnh, Xuân Hương và Lý Mộng Long vẫn đi theo tiếng gọi tha thiết, mãnh liệt của tình yêu lứa đôi, vẫn tự do thề non hẹn biển và cuối cùng họ được sống hạnh phúc bên nhau. Tình yêu tha thiết, chân thành của Xuân Hương và Lý Mộng Long là khởi nguồn cho những áng thơ, ca hay xuất hiện trong tác phẩm truyện Xuân Hương. Chúng tôi xin giới thiệu lần lượt từng bài thơ, bài ca trong trong tác phẩm. Bài thơ “Lầu Quảng Hàn[2]” Lee Mong Ryong (Lý Mộng Long) là con trai duy nhất của quan phủ sứ Lee Han Rim (Lý Hàn Lâm) ở huyện Nam Won (Nam Nguyên), tuổi vừa đôi tám. Tướng mạo của chàng Lý tựa nhà thơ Đỗ Mục Chi[3] đời Đường, lòng độ lượng như biển xanh, trí tuệ uyên bác, tài văn chương có thể sánh với Lý Thái Bạch[4], chữ viết chẳng kém Vương Hy Chi[5]. Mùa xuân ở huyện Nam Nguyên tiết trời ấm áp, phong cảnh rất đẹp. Chim én cùng các loài chim khác ríu rít gọi nhau, từng đôi bay lượn khắp bầu trời, khung cảnh thật nên thơ. Hoa nở khắp núi Nam, núi Bắc cũng một màu đỏ rực. Những chú chim vàng anh đậu trên cành liễu xanh rủ muôn vàn sợi tơ cất tiếng gọi bạn. Cây cối xanh tươi, chim quyên, chim cúc cu đều đã bay đi, đây là mùa đẹp nhất trong năm. Một hôm, Lý Mộng Long nổi hứng xuân, bèn gọi người hầu vào hỏi cảnh đẹp ở huyện Nam Nguyên. Người hầu ngạc nhiên, nhưng sau khi bị chàng Lý mắng, bèn kể về cảnh đẹp bốn phương, nào là Quan Đông bát cảnh và Maewoltang (Mai Nguyệt đường) ở Haeju, Chokseongnu (Súc Thạch lâu) ở Jinju, nào là Bubyeoknu (Phù Bích lâu) ở Pyeongyang (Bình Nhưỡng), Gangseonnu (Giáng Tiên lâu) ở Seongcheon, Wolpasangseong ở Hwangju. Tất cả đều rất đẹp, nhưng không có nơi nào sánh được với Kwanghannu (Quảng Hàn lâu) ở Nam Han. Nơi này nổi tiếng khắp tám tỉnh với tên gọi là Sogangnam (tiểu Giang Nam). Nghe xong, chàng Lý sai người hầu chuẩn bị lừa và yên đến lầu Quảng Hàn ngắm cảnh. Phong cảnh lầu Quảng Hàn, cầu Ô Thước còn đẹp hơn cả Akyangnu (Nhạc Dương lâu), Bonghwangdae (Phượng Hoàng đài), Hwanghaknu (Hoàng Hạc lâu), Gosootae (Cổ Thủ đài)[6], đặc biệt vào tiết thanh minh, mây với sương mù hòa quyện vào nhau và các tiên nữ còn xuống nô đùa. Quá xúc cảm với vẻ đẹp của phong cảnh nơi đây, chàng Lý bèn xướng mấy câu thơ: Nguyên tác: 높고밝은 오작의 배에 광한루 옥섬돌 고운 다락이라. 누구냐, 하늘 위의 직녀란 별은 흥나는 오늘의 내가 견우일세. Dịch nghĩa: Cầu Ô Thước tựa con thuyền trên trời cao và sáng Lầu Quảng Hàn có thềm đá ngọc, mái hiên cong. Những ngôi sao trên trời, ai là Chức Nữ? Ngày hôm nay hứng khởi, ta chính là Ngưu Lang. Từ xưa, các bậc văn nhân tài tử coi việc thưởng ngoạn thắng cảnh là để làm thơ, ngâm vịnh và với Lý Mộng Long đến ngắm cảnh lầu Quảng Hàn, cầu Ô Thước còn như là sự sắp đặt của trời đất, bởi, từ đây đã mở ra cuộc gặp như mong ước trong bài thơ. Phan Thị Oanh – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc Theo: Xuân Hương truyện, NXB Cheongmok, năm 2000, Seoul Hàn Quốc, bản tiếng Hàn. [1] Lý Xuân Chung (2013), Truyện nàng Xuân Hương và tiểu thuyết ái tình Hàn Quốc, http://cks.inas.gov.vn/index.php?newsid=334. [2] Tên bài thơ do ngời dịch đặt. [3] Nhà thơ cuối đời Đường Trung Quốc, tên là Đỗ Mục, Mục Chi là tên tự. [4] Nhà Thơ Lý Bạch đời Đường Trung Quốc. [5] Nhà thư pháp nổi tiếng thời Đông Tấn Trung Quốc. [6] Cảnh đẹp trong thơ ca đời Đường Trung Quốc.