SỰ THAY ĐỔI TRONG VĂN HÓA VẬT CHẤT CỦA NGƯỜI HÀN QUỐC TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY (PHẦN 3)
Đăng ngày:
Sự thay đổi trong văn hóa mặc: biến đổi chiều dài của chiếc váy Tôi không biết các bạn nhìn gì khi xem nhóm nhạc nữ biểu diễn trên truyền hình nhưng những chiếc váy mà họ mặc quả thực là rất ngắn. Xem biểu diễn nhạc là phải nghe bài hát do ca sĩ đó thể hiện, thế nhưng, khán giả lại thích ngắm những đôi chân của họ hơn. Hơn nữa, sự thay đổi chiều dài của chiếc váy cũng là một câu chuyện kể dài vô tận. Trong những bức tranh phong tục thời Joseon Hàn Quốc hay thời Trung cổ ở phương Tây đã rất thịnh hành kiểu váy xòe có đường kính đáy là 2,3 mét, nếu tính cả gấu thì váy dài che cả giày. Cũng như chiếc xe đạp lúc mới xuất hiện bánh trước to hơn bánh sau rất nhiều và chiếc váy của phụ nữ cũng chịu sự thay đổi nhiều để giống như ngày nay. Căn cứ vào chiều dài mà váy được chia thành nhiều loại: mini zuýp (váy ngắn), váy midi (váy dài quá gối), váy maxi (váy dài tới cổ chân), tùy vào vóc dáng của mỗi người mà còn có các loại váy khác phù hợp. Tuy nhiên, ngày nay các quý bà, quý cô thường diện những chiếc váy ngắn. “Hạ hậu thượng bạc” nghĩa là cho người ít tuổi nhiều hơn người lớn tuổi, đó là cách thể hiện khi điều chỉnh tiền lương hàng năm ở Hàn Quốc ngày nay. Vốn dĩ, hạ hậu thượng bạc thường được dùng khi nói về phong cách thời trang thịnh hành vào thời hậu kỳ Joseon. Chúng ta hãy xem bức họa Mĩ nhân đồ của danh họa Shin Yoon-bok[1] vẽ người phụ nữ mặc chiếc váy may phồng hết cỡ với chŏgori (áo khoác kiểu Hàn Quốc) ôm trọn cơ thể. Chiếc váy phồng to hết cỡ với chiếc áo ngắn ngang ngực là trang phục của phụ nữ Hàn Quốc thịnh hành từ thế kỷ XVIII đến thời kỳ khai sáng. Sau giải phóng, Hanbok cách tân và quần yếm kiểu Nhật[2] là phục trang hàng ngày của phụ nữ Hàn Quốc và đến cuối những năm 50 thế kỷ XX mốt quần lửng dáng ôm (Capri pants)[3] rất thịnh hành tại Hàn Quốc. Năm 1967, chiếc mini zuýp ca sĩ Yoon Bok Hee mặc từ Mỹ về đã gây xôn xao cả nước. Làn sóng mini zuýp lan nhanh khắp cả nước, khiến giới ngôn luận phải mời các nhân vật nổi tiếng để bàn luận, cuối cùng, họ phải nhượng bộ để nó trở thành một mốt mới. Học giả kinh tế người Mỹ Mabry đã trình bày trong Lý thuyết về chiều dài của chiếc váy: “Giá cổ phiếu tăng khi chiều dài của chiếc váy trở nên ngắn” và điều đó đã được chứng minh qua thực tế. Cụ thể, những năm 20 thế kỷ trước là thời kỳ kinh tế thịnh vượng thì chiều dài của chiếc váy chỉ tới đầu gối, những năm 30 là thời kỳ đại khủng hoảng kinh tế thế giới thì chiều dài của chiếc váy lại trở nên dài hơn, chiếc mini zuýp thịnh hành những năm 60 cũng là thời kỳ kinh tế tăng trưởng, giá cổ phiếu tăng cao. Năm 1973, Luật xử phạt phạm tội nhẹ ra đời, quy định chiều dài 15cm trên gối vừa trở thành ranh giới xác định “trang phục phản cảm” vừa kiểm soát ráo riết việc mặc mini zuýp của phụ nữ Hàn Quốc. Vụ bắt giữ đầu tiên liên quan đến chuyện mặc mini zuýp ngay sau khi luật xử phạt trên có hiệu lực xảy ra ngày 26 tháng 4 năm 1973 tại sở cảnh sát Cheonan. Theo Nhật báo Donga, ngày 28 tháng 4 năm 1973, cảnh sát Cheonan đã bắt giam 2 ngày đối với cô Park Mo (22 tuổi) mặc mini zuýp đi ra đường. Lúc bấy giờ, các cảnh sát cầm roi tre đi tuần, trực tiếp đo chiều dài váy của phụ nữ ngay trên đường, cảnh tượng thật kỳ quái! Thời gian trôi đi, chiều dài của chiếc váy càng trở nên ngắn hơn. Năm 1973, ca khúc Đêm thứ bảy do ca sĩ Kim Sea Hwan trình bày trở thành ca khúc được nhiều người yêu thích, mở đầu bằng câu “chiếc váy ngắn trong đêm dài ~~~ trông cô ấy thật yêu kiều”. Những năm cuối thập niên 80, lại là thời kỳ thịnh hành của chiếc váy dài, bởi vậy, không sai chút nào khi nói Mốt là một vòng quay lặp lại. Vào những năm 2000, ngay cả chiếc váy của học sinh trung học cũng đã trở nên rất ngắn. Năm 2009, váy siêu ngắn (micro skirt[4]) là đồng phục của nhân vật nữ chính trong bộ phim truyền hình Vườn sao băng (Boys over flower) của đài KBS được các học sinh hồ hởi đón nhận và kết quả là chiều dài của chiếc váy đồng phục cũng trở nên ngắn hơn, đó là ảnh hưởng của truyền thông thông minh mạnh mẽ. Khi tôi là học sinh phổ thông, tất cả các học sinh đều mặc đồng phục rộng thùng thình vì cùng một số đo, vậy nên tôi không thể hiểu tại sao học sinh ngày nay lại thích mặc đồng phục bó sát vào cơ thể đến như vậy. Chiếc váy càng ngày càng ngắn, thậm chí, người ta còn cho rằng thời đại của chiếc váy micro mini cũng đã qua và bây giờ là thời đại của những chiếc Nano[5] mini. Tại sao phụ nữ lại thích mặc váy ngắn? Nhà tâm lý học thời trang James Laver giải thích về bối cảnh thay đổi của thời trang trong cuốn Lịch sử thời trang phương Tây là do “sự di chuyển của vùng dục cảm”. Cụ thể, thập niên 30 là vùng hông, thập niên 40 là eo và ngực, thập niên 50 là vùng dục cảm, lại lặp lại vùng hông, thập niên 60 vùng nhục cảm tập trung vào phần da thịt, thời trang cũng được “đơn giản hóa” với việc tối giản các trang sức, phụ kiện đi kèm và chiếc mini zuýp có thể để lộ phần da thịt ra nhiều nhất là món đồ thịnh hành trong giai đoạn này. Y phục truyền thống của Hàn Quốc là những thiết kế hướng tới sự dịu dàng, e ấp và kín đáo. Thời trước, các cụ, các bà phải mặc rất nhiều đồ phụ trợ bên trong rồi mới mặc váy, đặc biệt, vào thời Joseon, phụ nữ trong cung còn phải mặc một cái váy phụ, mỏng gọi là daesoom chima bên trong chiếc váy ngoài. Phụ nữ thường rất chỉn chu trong việc ăn mặc, giữ gìn hình ảnh của mình. Mặc dù ngày nay việc ăn mặc như thế nào là tự do của mỗi người nhưng trang phục càng ngày càng ngắn hơn thì rất khó chấp nhận. Thiết nghĩ, giới trẻ cần phải hiểu sâu xa câu nói: “Che đậy chỗ này lại hở chỗ kia”, bởi vì mặc vào sẽ đẹp hơn cởi ra. Người dịch: Phan Thị Oanh – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc Nguồn: http://www.korea.kr/policy/cultureView.do?newsId=148793480 [1] Quan lại kiêm họa sĩ tranh phong cảnh và phong tục nổi tiếng thời hậu Joseon. [2] Quần kiểu Nhật mà phụ nữ mặc khi làm việc. [3] Kiểu quần diễn viên Audrey Hepburn mặc trong phim Sabrina (1954). [4] Còn có tên gọi khác là Super mini, là kiểu váy cực ngắn, chỉ vừa đủ che phần nội y bên trong. [5] 1 nano mét =1 mét/1.000.000.000=10-9 mét.