HÀN LƯU Ở TRUNG QUỐC
Đăng ngày:
Vào năm 1992, Hàn Quốc và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Kể từ đó trở đi, làn sóng văn hóa Hàn Quốc bắt đầu dấy lên ở Trung Quốc, chủ yếu là lĩnh vực phim truyền hình. .Năm 1997, bộ phim Tình yêu là gì của Hàn Quốc được phát sóng trên Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV với tư cách là phim truyền hình Hàn Quốc. Sau khi được trình chiếu, dư luận Trung Quốc sôi nổi bàn luận về những nét đặc sắc của bộ phim cũng như nghệ thuật làm phim của điện ảnh Hàn Quốc. Bộ phim thu hút được nhiều sự yêu mến của người dân với tỷ lệ người xem cao thứ hai trong lịch sử truyền hình Trung Quốc. Tiếp đến năm 1999, một bộ phim truyền hình khác của Hàn Quốc là Uớc mơ vươn tới một ngôi sao do Ahn Jae Wook thủ vai chính và ca khúc “Forever” trong phim do chính anh trình diễn cùng đều được yêu mến. Anh đã mở ra trào lưu mới, trào lưu diễn viên kiêm ca sỹ tiêu biểu của Hàn Quốc. Kể từ đó, các phim Hàn Quốc nhanh chóng giành được thời lượng chiếu đáng kể trên các đài truyền hình Trung Quốc. Các bộ phim nổi tiếng như Bản tình ca mùa đông, Nấc thang lên thiên đường, Trái tim mùa thu, Ngôi nhà hạnh phúc v.v… đã chinh phục hàng triệu trái tim người Trung Quốc và tạo thành làng sóng lan truyền sang khu vực cộng đồng người Hoa ở Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan, Singapo. Từ đây, thuật ngữ Hàn lưu đã xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc. Thuật ngữ Hàn lưu (hay còn gọi là làn sóng văn hóa Hàn Quốc) là một thuật ngữ được dịch từ tiếng Hàn là Hallyu (한류), có nghĩa là sự thịnh hành những giá trị văn hóa của Hàn Quốc ở nước ngoài. Song, thuật ngữ này không phải do người Hàn Quốc đặt ra mà do người Trung Quốc nêu ra từ năm 1999, bởi sự hâm mộ cuồng nhiệt của đông đảo người dân Trung Quốc đối với phim truyền hình, thời trang, mỹ phẩm Hàn Quốc... Hai chữ Hán 韓流 (Hán líu: Hàn lưu) du nhập sang Hàn Quốc, lại phù hợp với từ gốc Hán mà người Hàn sử dụng nên người Hàn dễ dàng tiếp nhận rồi biến nó thành một khái niệm mới mà ngày nay mọi người thường sử dụng. Điều này phần nào cũng thể hiện việc dân chúng Trung Quốc yêu thích Hàn lưu từ rất sớm ở Trung Quốc. Có thể thấy, lý do mà người Trung Quốc yêu mến văn hóa Hàn Quốc nói chung phim truyền hình Hàn Quốc nói riêng là bởi bối cảnh đẹp và tươi sáng, chất liệu mới mẻ, năng lực diễn xuất của diễn viên nổi bật, âm nhạc mang tính truyền cảm v.v… Đồng thời cùng với việc thu nhập của người dân Trung Quốc gia tăng và sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu đã khiến cho nhu cầu về văn hóa, giải trí cũng gia tăng theo. Hiện nay, văn hóa đại chúng Trung Quốc đã không thể bắt kịp với tốc độ gia tăng về kinh tế xã hội và sự nhảy vọt về vị trí của quốc gia rộng lớn này trên trường quốc tế. Ngoài ra, hoạt động quảng cáo cho Hàn lưu được đánh giá cao một phần là nhờ việc sự ứng dụng nền công nghiệp văn hóa ưu việt của Hàn Quốc. Các ngôi sao tiêu biểu của Hàn Quốc như Kim Hee Seon, Ahn Jae Wook, Jang Nara, Kang ta đã hoạt động khá mạnh ở thị trường Trung Quốc và trở thành biểu tượng cho Hàn lưu ở Trung Quốc, dần dần mở rộng số lượng fan hâm mộ về văn hóa đại chúng Hàn-Trung. Nối tiếp làn sóng phỉm truyền hình, Hàn lưu mới ở Trung Quốc mở rộng sang lĩnh vực âm nhạc, tiêu biểu là K-pop. Thông qua các kênh truyền hình và Internet, các ca khúc mới và những tin tức về các thần tượng âm nhạc Hàn Quốc được lan truyền một cách phổ biến và rộng rãi. Các hoạt động của các ban nhạc như Big Bang, DongBanShinki, các ca sỹ như Tara, Jang Nara đã thu hút được nhiều sự quan tâm của giới trẻ Trung Quốc. Ví dụ như trường hợp của nhóm nhạc Big Bang, gần đây mỗi khi ra một album mới nào thì đều được yêu thích và đạt được vị trí cao trong bảng xếp hạng âm nhạc của Trung Quốc. Ngoài ra, các ngôi sao tiêu biểu của làn sóng văn hóa Hàn Quốc có một sức cuốn hút mạnh mẽ với giới trẻ Trung Quốc. Họ yêu thích thần tượng đến nỗi muốn bắt chước họ cả về thời trang, phong cách trang điểm cũng như kiểu tóc. Người dân Trung Quốc cũng luôn nghĩ rằng các ngôi sao Hàn Quốc thật xinh đẹp, trang nhã và thân thiện. Điều này đã giúp cho Hàn lưu ở Trung Quốc mở rộng tiếp tục sang lĩnh vực tiêu dùng và kinh tế như lưu thông, ẩm thực, thời trang v.v… Có thể nói, làn sóng Hàn lưu đã mang lại ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hình ảnh của đất nước Hàn Quốc trong con mắt của quốc gia láng giềng. Nhiều người dân Trung Quốc ngày nay thích xem phim Hàn Quốc, nghe nhạc Hàn Quốc và thậm chí còn đi du lịch sang Hàn để có thể gặp gỡ thần tượng của mình hay thích giao lưu với người Hàn và sử dụng các sản phẩm có xuất xứ từ Hàn. Số lượng người Trung Quốc sang Hàn Quốc để phẫu thuật thẩm mỹ cũng tăng lên. Gần đây, sự yêu thích với phim truyền hình Hàn Quốc và các ngôi sao Hàn Quốc đã hiến cho người dân Trung Quốc có cái nhìn thiện cảm hơn về Hàn Quốc. Điều này còn giúp cho số lượng tiêu dùng sản phẩm Hàn Quốc cũng gia tăng. Hàn lưu còn có ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp làm đẹp của Hàn Quốc. Những người phụ nữ Trung Quốc rất yêu thích mỹ phẩm của Hàn Quốc, đồng thời, mỹ phẩm cũng đứng ở vị trí thứ nhất trong danh mục mua sắm của những du khách Trung Quốc khi sang thăm Hàn Quốc. Điều này có được là nhờ các doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng phương thức quảng cáo dựa trên các hình ảnh đã được xây dựng thành công của Hàn lưu hay mời các ngôi sao Hàn Quốc làm người mẫu quảng cáo. Hiện nay, bên cạnh sự phát triển của Hàn lưu, trào lưu phản Hàn lưu ở Trung Quốc cũng đang lan tỏa mạnh mẽ. Nguyên nhân thì có nhiều song nguyên nhân mang tính cốt lõi là vào năm 2006, chính phủ Trung Quốc cũng đã triển khai chính sách hạn chế nhập khẩu phim Hàn Quốc để bảo hộ ngành công nghiệp văn hóa của quốc gia mình. Điều này cũng biểu hiện rõ qua số lượng nhập khẩu phim nước ngoài tại Trung Quốc trong đồ thị dưới đây. Nguồn: Theo tài liệu của Yun Chae Shik, Nghiên cứu giải mã văn hóa Trung Hoa để mở rộng việc xâm nhập thị trường của công nghiệp văn hóa Hàn Quốc: Với trọng tâm là phim truyền hình (tr.60-61), Viện phát triển ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, Seoul, 2010. Nhìn vào biểu đồ trên, ta có thể thấy năm 2009, lượng phim của 4 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập vào Trung Quốc giảm nhiều hơn so với năm 2008. Trong số đó, mặc dù các phim Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông chiếm đến 80% nhưng lượng nhập về vẫn gỉảm đi đáng kể (khoảng hơn 10%) như Hồng Kông giảm từ 5.8 xuống còn 4.3, Hàn Quốc từ 4.5 xuống 3.1 do các quy định gây khó khăn này. Do vậy, để ngăn chặn sự lớn mạnh của làn sóng phản Hàn lưu này ở Trung Quốc, Hàn Quốc cần phát huy tốt tính đại chúng, tính nhân văn của Hàn lưu cũng như loại bỏ nội dung mang tính chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa văn hóa cực đoan của Hàn lưu. Bởi vì người ta chắc chắn sẽ quay lưng lại Hàn lưu nếu nó trở thành một loại chủ nghĩa dân tộc như hệ tư tưởng Trung Hoa coi Trung Quốc là trung tâm v.v… Nguyễn Ngọc Mai, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc tổng thuật Theo nguồn: Lý Xuân Chung, “Hàn lưu tại một số nước Châu Á”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 7(149)/ 2013, tr. 44-51. 이희옥.차재복, 1992-2012 한중관계어디까지 왔니 (Quan hệ Hàn- Trung phát triển đến đâu trong giai đoạn từ 1992 đến 2012), 동복아역사재단, 2012. 한충민, “신한류, 중국내 인기 타고 순풍- 한류 효과, 문화콘테즈와 스타에 대한 호감도에 발생” (Tân Hàn lưu, làn gió mới được yêu thích ở Trung Quốc- hiệu quả của Hàn lưu, sự yêu thích đối với nền công nghiệp văn hóa và các ngôi sao Hàn Quốc), China Journal, Tháng 6/2012 , tr 38-40.