Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HEO GYUN (HỨA QUÂN) VÀ TÁC PHẨM NỔI TIẾNG HỒNG CÁT ĐỒNG TRUYỆN (Phần 2)

Đăng ngày:

Qua nội dung câu chuyện, ta nhận rõ mấy điểm nổi bật sau:

Một là, phản ánh mâu thuẫn sâu sắc trong gia đình Tể tướng họ Hồng, sự phân biệt thê và thiếp, đích và thứ, con vợ cả với con vợ thứ. Mâu thuẫn sâu sắc này mang tính đặc trưng và phổ biến trong tầng lớp Yangban Choseon. Dẫu vẫn biết sự phân biệt vợ đích và vợ thứ, con vợ cả với con vợ thứ là “mẫu số chung” của chế độ phong kiến mang đậm tư tưởng Nho giáo ở Đông Á thời kỳ trung đại nhưng sự phân biệt tới mức kỳ thị, vùi dập thì có lẽ chỉ có ở xã hội phong kiến Choseon đương thời. Chính sự phân biệt mang tính cực đoan đó đã dẫn tới những xung đột, thậm chí phản kháng quyết liệt như đã xảy ra đối với nhân vật Cát Đồng.

Hai là, tác phẩm phản ánh sâu sắc mâu thuẫn giữa những nông dân nghèo khổ với đám tham quan ô lại, cương hào ác bá ở nông thôn. Tế bần đảng của Cát Đồng đã tập hợp đông đảo nông dân ở 8 tỉnh của Choseon vùng dậy đấu tranh, giành lại thóc gạo, tài sản mà họ đổ mồ hôi, xương máu mới làm ra. Điều đó phản ánh rằng, sự bóc lột thậm tệ của giai cấp thống trị Choseon chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến các cuộc nổi dậy, khởi nghĩa của nông dân.

Ba là, phản ánh sâu sắc sự cảm ghét, thù hận đám tham quan ô lại của người dân Choseon. Những tình tiết 8 Cát Đồng hóa thân thành Quan ngự sử đi thị sát, tuần tra cả 8 tỉnh và ra tay trừng trị đám tham quan đã giải tỏa được phần nào sự thù hận nung nấu nhiều năm trong lòng người nông dân bị áp bức.

Bốn là, phản ánh mâu thuẫn và tranh đấu giữa các tôn giáo chính thời bấy giờ là Nho, Phật, Đạo.

Nhân vật Cát Đồng về cơ bản là phản đối Nho giáo cực đoan, phản đối quyết liệt Phật giáo, phá bỏ chùa chiền, đoạt lại tài sản trong các Tự viện. Nhân vật này được xây dựng có thể dùng phép thuật đi mây về gió, hóa thân biến ảo, hái thuốc chữa bệnh… nên có thể coi là sự hiện diện rõ nét của Đạo giáo. Tác giả ca ngợi nhân vật này tức là đề cao Đạo giáo và đã trực diện phê phán Nho giáo, Phật giáo, phá vỡ cái gọi là Tam giáo đồng nguyên hay sự hòa hợp tam giáo.

Sau cùng, ý đồ sáng tác của tác giả thể hiện rõ ràng một sự cần thiết phải thay đổi chính sách cai trị của triều đình Choseon, xây dựng một triều đại mới với tôn chỉ vua sáng tôi hiền, xã hội thái bình. Sự thể hiện đó thông qua các tình tiết trừng trị tham quan ô lại, cứu giúp dân nghèo, nói rõ quan điểm hành đạo của Tế bần đảng với nhà vua, thậm chí còn lập ra một vương quốc mới tách khỏi xã hội Choseon, xây dựng một quốc gia “yên bình” thực sự. Tuy nhiên, hạn chế trong tư tưởng của tác giả chính là chưa thể thoát khỏi một xã hội quân chủ phong kiến, coi việc tự xưng vương là thoả mãn được nguyện vọng lớn nhất trong cuộc đời của tác giả, coi việc lập ra một quốc gia ngoài đảo xa là hoàn thành được sự nghiệp lớn lao của Tế bẩn đảng.

 

TS. Lý Xuân Chung, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Heo Gyun, Hồng Cát Đồng truyện, Viện Nghiên cứu văn hoá nghệ thuật, Trường Đại học SoongSil, Hàn Quốc, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Ngọc Quế, năm 2009.

2. Jo Yun je, Văn học sử Hàn Quốc; bản dịch Trung văn của Trương Liên Khôi; Nxb Văn hiến KHXH, Trung Quốc 1992.

3. Vi Húc Thăng; Triều Tiên văn học sử; Nxb Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc 1986.

4. Kim Dong Ook; Quốc văn học sử; Nxb Nhật tân, Seoul Hàn Quốc 1997.


Scroll To Top