PHONG TỤC TẬP QUÁN XƯA NAY Ở HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Có nhiều phong tục không giống trước đây. Theo tích xưa, sau khi khai tiệc, âm nhạc được tấu lên, trước tiên, người ta trao Jeon Du[1] (triền đầu) rồi gọi kỹ nữ. Cũng có quy định về các loại đồ ăn, thức uống. Về âm nhạc, khi các khúc ca như Jin Jak (Chân Thược), Man Ki (Mạn Cơ), Ja Ha Dong (Tử Hà Động), Huing Sal Mun (Hoành Sát Môn) được tấu lên, rượu sẽ được rót từng chút một, trao cho nhau, uống theo vòng tròn, vừa uống rượu vừa ngâm nga ca hát. Bữa tiệc sẽ không dừng lại cho đến khi không khí trở nên sôi nổi, ồn ào và mọi người đều được say sưa. Gần đây, các yến phẩm đều xa xỉ. Mil Kwa (Mật quả) được làm toàn bằng động vật. Trước đây, các bàn tiệc và mâm cỗ đều không thể thiếu đồ ăn ngon, đồ nhắm tốt. Các món canh và thịt nướng không chỉ có một, hai món mà nhiều không kể hết. Trước khi hết rượu, tiếng nhạc ầm ĩ hơn, mọi người nhảy múa không biết mệt. Thỉnh thoảng lấy cớ xạ hội[2], thỉnh thoảng lấy cớ tiếp đón hoặc chia tay ai đó, người ta lại dựng lều ở ngoài cổng thành. Họ bỏ công việc sang một bên, vui chơi cả ngày. Lại nữa, ở tửu điếm, dù chỉ có 3 người cũng nhất định phải có kỹ nhạc[3]. Người hầu ở nhiều dinh thự phải vay tiền của người khác để chuẩn bị thức ăn. Dù chỉ làm phật lòng chủ một chút thôi, họ cũng bị đòn roi. Vì vậy, người hầu, kẻ hạ ngày càng thêm đói nghèo, khốn khổ. Ngay cả các kỹ nữ cũng không được nhận tiền yến tệ[4]. Họ phải đi hết chỗ này đến chỗ khác từ sáng đến chiều, trang phục sờn rách nhưng khi nhận được lời yêu cầu, họ không thể chối từ. Yeong Kwan[5] (linh quan) tập hợp các nhạc công giỏi nhưng không được tấu các điệu nhạc cung đình. Ngày xưa, việc xử phạt các Sin Ip Ja[6] (tân nhập giả) được tiến hành theo quy tắc để khiến họ mất tinh thần của hào sĩ và nhận định rõ sự phân biệt trên dưới. Những vật phẩm được đưa ra nếu là thịt thì được gọi là yong (long), nếu là gà thì gọi là bong (phượng); về phần rượu, nếu là rượu cheong ju thì gọi là seong (thánh), nếu là rượu t’ak ju thì gọi là hyeon (hiền), số lượng những vật phẩm này cũng có giới hạn. Khi ra làm quan, đầu tiên phải tổ chức Heo Cham[7] (hứa tham), cả chục người còn lại giữ cùng một chức vụ như nhau thì gọi là Myeon Sin (Miễn Tân); các mức độ được phân biệt rõ ràng. Tuy nhiên, không chỉ Sa Kwan[8] (tứ quán) mà cả quân cấm vệ của nhiều Vệ, như Chung Ui Wi (Trung Nghĩa Vệ), Nae Keum Wi (Nội Cấm Vệ) và đày tớ, nô lệ của các quan cũng phải dâng những món ăn quý cho dù họ còn chút buồn phiền khi bị phân công về chỗ mới. Nếu làm phật lòng ai đó, họ sẽ bị bãi nhiệm chỉ sau một tháng. Cứ khi nào có người mở yến tiệc, nếu không có kỹ nhạc thì người ta sẽ truy cứu đến cùng trách nhiệm của những người có liên quan. Ngày xưa, trong lễ Nap Chae[9] (Nạp thái), người ta chỉ dùng mấy loại quần áo, vào buổi chiều ngày tổ chức hôn lễ, khi những vị hoàng thân đến thăm gia chủ, chủ nhà phải dâng lên một bàn ăn và đôi ba chén rượu. Hồi đó, lễ nạp thái đều dùng Chae Dan[10] (thái đoạn), nếu nhiều thì hàng chục cuộn, nếu ít thì cũng khoảng chục cuộn. Vào buổi chiều ngày tổ chức hôn lễ, gia chủ cũng mở tiệc tiếp khách. Lễ vật nhà trai mang theo được đóng vào hòm và có người khênh ở phía trước. Ngay cả yên ngựa chú rể cưỡi cũng được trang trí một cách xa xỉ. Trước đó, việc buôn bán không linh hoạt nên cũng không có chuyện tăng giá. Bấy giờ, sự gian xảo ngày càng tăng, hàng hóa một nửa là bị trà trộn, người ta đổi một con cá lấy một một bao ngũ cốc nguyên vỏ. Ngay cả một lần kéo xe cũng có nhiều giá khác nhau, cứ đến được nơi thì trả một bó Su Po[11] (vận bố). Việc lọc lừa ở các xưởng nhuộm là nghiêm trọng nhất. Giá ở đây đắt đến mức khó chấp nhận, chỉ có người giàu là chịu được sự xa xỉ, không tranh cãi về giá. Những người sống ở trong thành ngày càng nhiều, gấp 10 lần so với ngày trước, nhà cửa san sát nhau đến tận ngoài thành. Cả nhà công và nhà tư đều được dựng lên rất cao và to, toàn bằng gỗ quý được lấy về từ những nơi thâm sơn, cùng cốc. Sự thống khổ của những con người sống trên những chiếc bè gỗ trôi nổi trên sông ngày càng rõ nét. Dù cho thế gian ngày càng biến đổi, vào buổi thái bình, ta vẫn phải gắng sức duy trì phong tục và lễ nghi. Người dịch: Lương Hồng Hạnh – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc Tài liệu tham khảo: Seong Hyen, Dung Trai tùng thoại (용재총화); Hong Sun–sik chuyển ngữ sang tiếng Hàn hiện đại; Nxb Tri thức tạo nên tri thức, Seoul, Hàn Quốc, 2009. [1] Đồ vật trao tặng như một phần thưởng để khen ngợi tài nghệ hoặc động viên tinh thần người khác. [2] Xạ hội: họp hội săn bắn – ND. [3] Kỹ nữ và âm nhạc – ND. [4] Yến tệ: là tiền hoặc vật phẩm trả cho kỹ nữ hoặc người hầu khi họ tham gia vào một bữa tiệc ở các cơ quan nhà nước hoặc trong cung đình; còn được gọi là No Reum Cha. [5] Một chức quan phụ trách về âm nhạc – ND. [6] Những người vừa thi đỗ trong khoa thi mới. [7] Khi một viên chức nhà nước mới đi làm, họ phải chuẩn bị thức ăn chiêu đãi những viên chức cũ. Việc đó gọi là “hứa tham”. Điều này có nghĩa là họ muốn được sự đồng ý của người đi trước trong việc tham gia vào chốn quan trường. [8] Tứ quán: Hong Mun Kwan (Hoằng Văn Quán), Ye Mun Kwan (Nghệ Văn Quán), Seung Mun Kwan (Thừa Văn Quán), Kyo Seo Kwan (Hiệu Thư Quán). [9] Nạp thái: lễ ăn hỏi – ND. Nhà trai trao lễ vật cho nhà gái khi hai nhà có hôn ước, thường là vải lụa màu xanh hoặc đỏ. [10] Vải lụa, là sính lễ nhà trai gửi cho nhà gái trước hôn lễ - ND. [11] Vận bố: vào thế kỷ 15, người ta sử dụng vải thô hay vải bông như tiền tệ.