CÁC NHÀ THƯ PHÁP NỔI TIẾNG CÁC THỜI ĐẠI Ở HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Có thể nói rằng, nước ta có rất nhiều người viết chữ đẹp, song không mấy người được coi là mô phạm. Kim Saeng (Kim Sinh)[1] viết đẹp, chữ nhỏ và mảnh, mặc dù vậy, tất cả đều tinh xảo . Haeng Chon (Hạnh Thôn) có bút thế là đối thủ ngang hàng với người cùng thời là Tử Ngang[2], nhưng hành thư và thảo thư tung hoành thực sự còn có nét khiêm nhường so với Tử Ngang. Yoo Hang (Liễu Hạng)[3] cũng nổi danh không kém. Do lĩnh hội được bút pháp của nhà Tấn Trung Quốc[4] nên chữ viết của ông rất rắn rỏi. Bia Huyền Lăng[5] do ông viết đến nay vẫn còn. Chữ viết của Dok Gok (Độc Cốc) Seong Seok Rin (Thành Thạch Lân) chỉ cẩn thận, tỉ mỉ. Ông viết chữ trên bia Kiện Nguyên Lăng [6] ở tuổi 80 mà bút lực vẫn không yếu. Chữ viết của Ahn Pyeong (An Bình)[7] chỉ mô phỏng theo chữ viết của Tử Ngang, song nét hào phóng thì khó phân biệt ai hơn ai kém, nét bút oai nghiêm, bay bổng. Khi ấy, sứ thần Nghê Thị Giảng[8] trên đường đi sứ sang Joseon (Triều Tiên)[9] nhìn thấy hai chữ “Thiên đề”, thốt lên: “Đây không phải là chữ viết của người tầm thường, nếu như thần được gặp mặt thì tốt biết bao”. Nhà vua liền hạ lệnh cho An Bình tới gặp. Thị Giảng thích bút tích của An Bình bèn nói: “Nay, ở Trung Quốc có Trần học sĩ viết chữ rất đẹp, danh tiếng lẫy lừng, nếu như hoàng tử đối bút với ông ấy ắt sẽ khó phân biệt hơn kém” và sẽ được kính nể hơn. Cuối cùng, ông cũng nhận được chữ rồi trở về. Sau đó, người nước ta mua chữ từ Trung Quốc về, chính là chữ sứ thần kia từng xin, An Bình cả mừng và lấy làm tự đắc. Bấy giờ, có văn nhân tên là Choi Heung Hyo (Thôi Hưng Hiếu) tự xưng học theo bút pháp Dũ Dực[10] nên viết chữ rất đẹp. Người này thường mang túi bút tới các quan sảnh hoặc nhà đại gia để cho chữ. An Bình mời vào trong xin chữ, nhưng thể chữ của người này gồ ghề, thô kệch, bèn xé rồi dán lên tường. Baek shi (Bá thị) cùng với In Jae Kang Hee An (Nhân Trai Khương Hy Nhan), Dong Rae Jeong Nan Jong (Đông Lai Trịnh Lan Tông) được coi là những người viết chữ đẹp thời bấy giờ. Nhân Trai ngại viết chữ nên bút tích của ông truyền bá ra nhân gian không nhiều. Bá thị viết nhiều trên các bức bình phong và bức thư pháp. Chữ viết trên bia chùa Viên Giác[11] càng tinh diệu hơn, vua Seongjong (Thành Tông) xem bút tích rồi khen: “Viết đẹp lắm! Danh tiếng chẳng phải thường!”. Đông Lai bỏ nhiều công sức vào việc viết chữ. Nếu có người cần chữ, ông không ngại viết cho, bởi thế mà được truyền bá rộng rãi khắp nhân gian, có điều, không thể không có chỗ khiếm khuyết. Người dịch: Phan Thị Oanh – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc Tài liệu tham khảo: Seong Hyen, Dung Trai tùng thoại (용재총화); Hong Sun–sik chuyển ngữ sang tiếng Hàn hiện đại; Nxb Tri thức tạo nên tri thức, Seoul, Hàn Quốc, 2009. [1] Người viết chữ đẹp nhất thời Shilla (Tân La). [2] Tự của Triệu Mạnh Phủ, danh họa nhà Nguyên Trung Quốc, nổi tiếng với thi, thư, họa. [3] Hiệu của Han Soo (Hàn Tu) (1333-1384). [4] Ý nói bút pháp của Vương Hy Chi, người viết thư pháp nổi tiếng của nhà Tấn Trung Quốc. [5] Là lăng tẩm của Gong Min Wang (Cung Mẫn Vương) thời Cao Ly. [6] Lăng tẩm của Thái tổ Lee Seong Gye (Lý Thành Quế) thời Triều Tiên. [7] Là con trai thứ ba của vua Thế Tông. [8] Năm 1450, Nghê Khiêm đi sứ sang Triều Tiên, Thị Giảng là chức quan của ông ta. [9] Chỉ triều đại Joseon (1932-1910). [10] Thể chữ của Dũ Tín và Dực Phong ở thời Nam Bắc triều Trung Quốc. Hoặc, thể chữ của Dũ Dực đã sử dụng khi làm Thứ sử Kinh Châu thời nhà Tấn. [11] Tên ngôi chùa được xây dựng trong thành vào thời Thế tổ Triều Tiên.