ÂM NHẠC ĐẠI CHÚNG HÀN QUỐC VỚI NỀN ÂM NHẠC VÀ GIỚI TRẺ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI (Phân 1)
Đăng ngày:
Trước những năm 90, thanh niên chỉ có thể nghe những bài hát cách mạng, những bài ca ngợi Đảng, đất nước do các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác hoặc các bài hát nhạc vàng do các nhạc sĩ và ca sĩ Việt Nam sống tại hải ngoại sáng tác và trình bày. Đôi khi người ta bắt gặp một vài bài hát của Boney M. hoặc Modern Talking. Giới trẻ Việt Nam khi đó hoàn toàn xa lạ với các nền âm nhạc thế giới. Sau những năm 90, giới trẻ Việt Nam biết đến âm nhạc thế giới thông qua những bản nhạc nổi tiếng của những năm 70 và 80 của thế kỷ trước hoặc một số các ban nhạc rất nổi tiếng của thế giới mà thôi. Họ hoàn toàn xa lạ với âm nhạc của các nước trong khu vực, hiếm hoi, có một giai đoạn rất ngắn, một đĩa đơn nổi tiếng của Indonesia được các ca sĩ Việt Nam ở hải ngoại chuyển lời Việt và hát, đưa về Việt Nam. Tiếp sau đó là những bài hát Việt Nam và được các ca sĩ trong nước biểu diễn mang nặng phong cách các bài hát tiếng Trung Quốc của Hồng Kông. Từ năm 2005, K – Pop, âm nhạc đại chúng của Hàn Quốc bắt đầu tràn vào Việt Nam và được giới trẻ đón nhận hết sức nồng nhiệt. Mức độ cuồng nhiệt và hâm mộ K-Pop trong giới trẻ Việt Nam hiện nay đã vượt lên hơn hẳn các dòng nhạc khác. Thậm chí khi bị “phản đối”, họ sẵn sàng dùng facebook, một mạng xã hội nổi tiếng nhất thế giới hiện nay để bảo vệ ý thích của mình, gu thích nghe nhạc K –Pop của mình. Con số các fan hâm mộ K – Pop ở giới trẻ Việt Nam luôn đứng đầu so với các dòng nhạc khác. Ngay một người đam mê âm nhạc cũng có một chút hiểu biết và dễ dàng tìm kiếm một bài hát K –pop của các ca sĩ, nhóm nhạc Hàn như Wonder Girls, Super Junior, 2AM, CN Blue, BigBang, Girl Generation (SNSD), T-ARA, SISTAR, IU, Lee Hyori… trên mạng xã hội video phổ biến nhất hiện nay là youtube. Chỉ cần một bài hát mới ra của một ban nhạc nổi tiếng nào đó ở Hàn Quốc xuất hiện trên mạng, sự lan truyền của nó trên facebook giới trẻ Việt với tốc độ nhanh chóng. Nếu ai đó bước chân ra các hàng bán băng đĩa hiện nay ở Hà Nội, người bán luôn nhìn xem khách hàng là giới trẻ hay không rồi mới đưa và giới thiệu các loại nhạc cho khách. Nếu là thanh niên hoặc các cô cậu bé đang ở trung học cơ sở, trung học phổ thông, người bán hàng sẽ đưa ra một danh sách các đĩa hoặc một xấp các loại đĩa nhạc K - Pop. Và trên thực tế, dường như những cô cậu thanh niên mới lớn hoặc những thanh niên, được gọi chung là giới trẻ, sẽ phần lớn chỉ mua các đĩa nhạc K – pop. Có thể nói, báo giới tốn khá nhiều giấy mực về chủ đề K – Pop với giới trẻ Việt Nam. Chỉ với một dòng lệnh trên Google, kết quả tìm kiếm cho thấy con số hàng nghìn bài viết. Đó là những bài viết lý giải vì sao thanh niên Việt hiện nay đam mê nhạc Hàn, hiện tượng đam mê nhạc Hàn, vì sao giới trẻ Việt lựa chọn sử dụng nhạc Hàn. Điều này cho thấy sự đam mê nhạc K – Pop không còn hiện tượng phổ biến trong giới trẻ, nó đã trở thành một trào lưu kéo dài trong mấy năm qua và cho tới hiện nay trào lưu này vẫn tiếp tục, chưa hề có dấu hiệu thoái trào. Biểu tỷ lệ nghe âm nhạc Hàn Quốc của giới trẻ Việt Nam Thích (%) Không thích (%) Không ý kiến (%) 63 30 7 Theo kết quả khảo sát, có tới 63% các bạn trẻ thích K- pop, không thích K-pop chiếm chỉ có 30% và những bạn trẻ không có quan điểm hay ý kiến phản bác cũng như ủng hộ là 7%. Một tỉ lệ áp đảo trong việc thưởng thức âm nhạc của giới trẻ Việt Nam hiện nay [1]. Trước khi say mê nhạc K- Pop, đông đảo giới trẻ Việt đã thích phim truyền hình, phim điện ảnh, những bản nhạc trong phim Hàn Quốc với giai điệu nhẹ nhàng du dương cùng ca từ đầy quyến rũ, dễ đi vào lòng người nghe đã được giới trẻ Việt thích thú. Những bản nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại lấy từ những bài nhạc phim Hàn được tải xuống lên tới con số hàng nghìn lượt. Các “Nhà sản xuất” đĩa lậu Việt Nam cũng nhanh nhạy không kém khi cho ra những album nhạc phim Hàn đang được yêu thích. Những bản nhạc phim được hâm mộ lúc ấy như Autum in my heart hay Romance trong bộ phim Trái tim mùa thu hoặc My memory trong phim Bản tình ca mùa đông đã làm lay động không biết bao trái tim tuổi trẻ. Tuy nhiên, sự yêu thích ấy chưa thực sự bùng nổ do những năm trước 2005, nhạc Hàn chưa thực sự tràn vào Việt Nam một cách mạnh mẽ như hiện nay. Lúc đó, từ K – Pop còn là một từ khá lạ lẫm đối với giới trẻ và những người yêu nhạc. Cho đến nay, những bản nhạc phim nổi tiếng nói trên vẫn được tải về liên tục và vẫn được nhiều người đón nghe cùng với những dòng bình luận tích cực về bài hát. Phan Thị Oanh Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc Tài liệu tham khảo: 1.Đỗ Nam Liên (2005), Văn hóa nghe – nhìn và giới trẻ, NXB Khoa học xã hội 2.Nguyễn Ngọc Thơ, Giá trị Hàn lưu trong nền văn hóa đương đại Việt Nam trên trang web của Trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh 3.Nguyễn Tiến Mạnh, Ảnh hưởng văn hóa âm nhạc Hàn Quốc đến Showbiz Việt 4.Phan Thị Thu Hiền, Sự tiếp nhận và ảnh hưởng của Làn sóng văn hóa trong giới trẻ Việt Nam hiện nay (Qua khảo sát ý kiến học sinh, sinh viên), Tạp chí Hàn Quốc số 1 tháng 9 năm 2012. 5.Hà Thanh Vân, Sự tiếp nhận văn hóa Hàn Quốc của các bạn trẻ Việt Nam hiện nay, Chuyên san Khoa học Xã hội & Nhân văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh,12/2012 6.이한우, Lê Thị Hoài Phương(2013), 베트남 한류 를 보는 한국 과 베트남 의 시각, 이매진 출판사 7.김상배 (2007), 한류의 매력과 동아시아 문화네트워크, 세계정치 7 제28집 1호, 2007 년 봄.여름 8.서동훈, 양근경 (2006), 한류가 베트남 청소년의 문화의식에 미치는 영향, 한국청소년정책연구원 [1] ) Điều tra của Phan Thị Oanh trong Luận văn Thạc sỹ “Ảnh hưởng của Làn sóng văn hóa Hàn Quốc tới văn hóa tiêu dùng của giới trẻ Việt Nam”, năm 2013.