Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


ẢNH HƯỞNG CỦA NHO GIÁO ĐỐI VỚI VĂN HÓA GIA ĐÌNH HÀN QUỐC HIỆN ĐẠI (Phần 2)

Đăng ngày:

Tết Nguyên đán thực chất mới là ngày lễ lớn nhất trong năm. Vào dịp Tết Nguyên đán, do thời tiết ở Hàn Quốc rất lạnh, thường là dưới 0oC nên quang cảnh xã hội không được nhộn nhịp, sôi động như Tết Trung thu, nhưng về mặt tín ngưỡng, tâm linh, thể hiện lòng hiếu thảo đối với tổ tiên và trực tiếp đối với người còn sống là ông bà, cha mẹ thì sâu sắc hơn cả. Vào dịp Tết Nguyên đán, khác với không khí nhộn nhịp của Tết Trung thu, một không khí trang nghiêm, cung kính bao trùm tới từng gia đình. Họ chuẩn bị một cái bàn lớn với rất nhiều món bánh truyền thống và hoa quả, đặt trước vị trí chỗ ngồi của ông bà cha mẹ và tới sáng mồng một tết, tất cả con cháu theo thứ tự trên dưới đều mặc trang phục truyền thống lần lượt vào lễ với những lời chúc phúc thọ; ông bà cha mẹ cũng chúc mừng con cháu rồi trao tặng cho con cháu một phong bao có tiền, gọi là tiền mừng tuổi.[1] Nghi thức lễ ông bà cha mẹ cũng có những qui định cụ thể, các con cháu đều phải cúi rạp đầu xuống đất để tỏ tấm lòng kính hiếu.

Sự thể hiện đạo Hiếu của con cháu đối với ông bà cha mẹ còn thấy rõ ở các lễ Thất tuần (chúc thọ 70 tuổi), Bát tuần (chúc thọ 80 tuổi). Dưới thời phong kiến, lễ chúc thọ được tổ chức vào dịp ông bà cha mẹ tròn 60 tuổi. Tính theo sự kết hợp can chi đủ một vòng là tròn 60 năm, gọi là lục thập hoa giáp. Do tuổi thọ của người già trước đây còn thấp nên cha mẹ sống trọn một hoa giáp đã là điều mong ước của nhiều gia đình, dòng họ. Bởi thế, lễ mừng thọ này được tổ chức rất linh đình, từ vua quan đến thứ dân. Tùy theo điều kiện kinh tế, các gia đình, dòng họ đều muốn “phô trương” trong điều kiện có thể. Yang ban Chosun còn đặt ra nhiều nghi thức thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với ông bà cha mẹ.

Trong xã hội hiện đại, do tuổi thọ của người Hàn nâng lên,[2] bởi vậy, lễ Hoa giáp chúc thọ 60 tuổi rất ít được tổ chức, thay vào đó là lễ Thất tuần, Bát tuần. Do không gian nhà ở chật chội, lễ chúc thọ thường được tổ chức ở các nhà hàng truyền thống. Người viết đã đôi lần được dự lễ chúc thọ Thất tuần ở Seoul, tận mắt chứng kiến đại lễ diễn ra rất trang nghiêm và vui vẻ. Lễ chúc thọ cũng gần tương tự như lễ chúc ông bà cha mẹ vào ngày mùng 1 Tết âm lịch. Ông bà ngồi trước một cái bàn lớn bày biện rất nhiều bánh trái truyền thống, (nhưng không có các loại hoa quả đã cắt phần đầu khi cúng giỗ), các con cháu lần lượt vào lễ chúc thọ, cũng cúi rạp đầu xuống đất, (nhưng không nhận được phong bao mừng tuổi như ngày Tết). Sau đó, mọi người ngồi vào bàn, ăn uống rượu chè thoải mái, vui vẻ. Vào ngày này, không chỉ riêng con cháu mà bè bạn hoặc người thân cũng được mời đến dự và ăn tiệc mừng, cũng có phong bì mang theo và những lời thăm hỏi, chúc mừng rất lễ phép, lịch sự.

Trong mối quan hệ chồng – vợ, dẫu có nhiều vấn đề mà chúng tôi sẽ nêu ra ở phần ảnh hưởng tiêu cực nhưng một chuẩn mực đạo đức để ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ giữa hai vợ chồng là NGHĨA thì quả thực có giá trị rất lớn. Nghĩa phu thê (nghĩa chồng vợ) là vợ chồng phải yêu thương và có trách nhiệm với nhau trong cuộc sống gia đình, cho dù có gặp phải muôn vàn khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, Nho giáo Chosun khắt khe hơn đối với phụ nữ, đối với người vợ, đòi hỏi người vợ trong gia đình phải phục tùng mệnh lệnh của chồng, của cha mẹ chồng. Có như vậy, người vợ mới được coi là người có phẩm hạnh, đạo đức, dâu hiếu thảo. Ở phía người chồng, Nghĩa lại đặt lên vai họ một trách nhiệm lớn hơn đối với đời sống kinh tế gia đình và làng xã.

Trong xã hội Hàn Quốc hiện đại, giá trị của Nghĩa vợ chồng vẫn phát huy tác dụng. Dẫu trong cách ứng xử giữa hai vợ chồng không còn khắt khe như thời phong kiến nhưng trách nhiệm của người đàn ông đối với kinh tế gia đình vẫn là chính, đa số phụ nữ sau khi lấy chồng, mang thai, sinh con, nuôi dưỡng con cái đều ở nhà chăm lo việc nhà, nuôi dạy con cái cho tới lúc khôn lớn. Họ vẫn nêu cao đức hạnh, dâu thảo, vợ hiền, thực hiện Nghĩa vợ chồng như tuân theo một bộ luật bất thành văn.

Trong mối quan hệ anh – em trong gia đình, Nho giáo nêu cao sự hòa thuận, trên kính dưới nhường, anh ra anh, em ra em. Nho giáo Chosun nhấn mạnh hơn tới trách nhiệm của bậc huynh trưởng và sự tuân theo của người em. Giá trị này vẫn hiện hữu trong xã hội Hàn Quốc ngày nay, thậm chí còn được nêu cao hơn. Trong một xã hội hiện đại cạnh tranh gay gắt và đan xen nhiều mối quan hệ làm ăn phức tạp, tình cảm giữa con người với nhau cũng đậm nhạt theo lợi ích vật chất, thậm chí bất đồng đan xen với đồng thuận, nay là quan hệ làm ăn tốt đẹp thì mai đã là kẻ đối đầu không thương tiếc. Điều đó tức là, các mối quan hệ đó không yên ả như thời xưa và chính từ đó, con người nhận thức ra rằng, quan hệ máu mủ ruột thịt, tình nghĩa anh em một nhà mới thực sự lâu bền. Để đạt được sự gắn kết lâu bền đó, cách ứng xử đúng đắn nhất vẫn là anh ra anh, em ra em. Anh trưởng làm trọn trách nhiệm của bậc huynh trưởng và em thứ cần tôn trọng ý kiến của huynh trưởng. Mối quan hệ anh – em ở Hàn Quốc thể hiện rất tốt nét văn hóa trọng tình trong truyền thống văn hóa Hàn Quốc.

 

TS. Lý Xuân Chung, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc.

 

Tài liệu tham khảo

1. Ngô Xuân Bình – Phạm Quý Long (đồng chủ biên): Hàn Quốc trên đường phát triển; Bài: Tìm hiểu một vài khía cạnh về văn hóa truyền thống Hàn Quốc (Lý Xuân Chung viết); Nxb. Thống kê – Hà nội năm 2000.

2. Trần Thị Thu Lương; Đặc trưng văn hóa Hàn Quốc từ truyền thống đến hiện đại; Nxb Tổng hợp Tp HCM 2011.

3. Ngô Xuân Bình (Chủ biên): Những vấn đề xã hội của Hàn Quốc; Nxb.LĐXH 2007.

4. Đại học Quốc gia Seoul: Xã hội Hàn Quốc hiện đại; Nxb. ĐHQG Hà nội 2008.

5. Chu Hy: Tứ thủ tập chú; Nxb Văn hóa thông tin 1999.

6. Phan Ngọc; Bản sắc văn hoá Việt Nam; Nxb Văn học, 2006.

7. Trần Ngọc Thêm; Cơ sở văn hoá Việt Nam; Nxb Giáo dục, 2000.

8. Lý Xuân Chung; Tìm hiểu vấn đề Nho giáo du nhập vào Hàn Quốc, T/c Nghiên cứu ĐBÁ số 3 (33) tháng 6 – 2001.

9. Lê Thị Thu Giang; Ý thức gia đình Nho giáo trong cách suy nghĩ của người Hàn Quốc; T/c Nghiên cứu ĐBÁ số 6 (48), tháng 12 – 2003.

10. Nguyễn Văn Hồng; Nhận thức về giá trị văn hóa Nho giáo truyền thống Hàn Quốc với xã hội hiện đại; T/c Nghiên cứu ĐBÁ số 3 (45), tháng 6 – 2003.

11. Nguyễn Bá Thành (chủ biên); Tương đồng văn hoá Hàn Quốc-Việt Nam, Nxb Văn hoá, 2002.

12. Choe Je-mok: Đối thoại giữa Nho giáo và hiện đại; Nxb. Hakjin, Hàn Quốc, 2004.

13. Hwang Ui-dong: Đối thoại giữa Nho giáo và hiện đại; Nxb. YeMun, Hàn Quốc, 2002.

14. Keum Jang-tae; Tìm hiểu Nho giáo Hàn Quốc, Nxb Văn hoá dân tộc; Seoul; 1989.

 

 



[1] Hiện nay, tục lệ mừng tuổi cũng có ở Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán nhưng không được tổ chức trang nghiêm theo nghi lễ Nho giáo như ở Hàn Quốc, mà diễn ra đơn giản hơn, tiền mừng tuổi nhiều khi đến từ hai phía, cũng nhiều lúc, con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ.

[2] “Tuổi thọ trung bình của người Hàn Quốc tăng dần, từ 52,4 tuổi trong năm 1960 lên 78,5 trong năm 2005, 80,5 vào năm 2009”. Trần Thị Nhung (chủ biên); Gia đình đa văn hóa Hàn Quốc; Nxb. ĐHQG Hà Nội; 2014; tr.19.


Scroll To Top