Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


VÀI NÉT VỀ KHOA CỬ VÀ VĂN HỌC CHỮ HÁN THỜI KORYEO

Đăng ngày:

1. Chế độ khoa cử mang tới sự thay đổi và chấn hưng học tập chữ Hán

Chế độ khoa cử của Koryeo được bắt đầu vào năm thứ 9 đời vua Gwangjong (năm 958) nhằm đào tạo nhân tài mới làm việc cho chính quyền trung ương, hơn nữa, nhà vua muốn xây dựng vương quyền vững mạnh hơn hẳn các thế lực hào trưởng địa phương[1]. Chế độ khoa cử bình đẳng, không phân biệt đẳng cấp, thân phận sang hèn, địa phương là nhân tố mang tính quyết định thúc đẩy việc học tập chữ Hán, thúc đẩy nền văn học chữ Hán Koryeo phát triển. Ở thời kỳ đầu, hình thức thi cử là thi chế thuật (thi khả năng viết thơ văn) và thi minh kinh (thi sự hiểu biết về các sách kinh điển Nho gia), tiếp theo còn thi kiểm tra một số kỹ năng khác nhằm tuyển chọn quan lại theo các công việc. Thi chế thuật được coi trọng nhất, thi thơ, phú và văn sách, chia thành 3 cấp giáp, ất, bính khoa. Người đỗ đầu giáp khoa gọi là Trạng nguyên. Hình thức thi cử này đã tích cực thúc đẩy và nâng cao năng lực sáng tác thơ văn của nho sĩ.

Chế độ khoa cử được thực hiện rộng rãi nên tầng lớp hào trưởng địa phương cũng muốn cho con em họ tham dự và sự quan tâm của họ đối với việc học hành thi cử dẫn đến việc nhà vua cho phép đưa con em của họ về kinh đô học tập. Năm thứ 11 đời vua Seongjong (năm 992), Quốc tử giám, tức trường Quốc học được thành lập ở kinh đô Geseong. Hơn nữa, nhà nước còn cử các Tiến sĩ thi đỗ xuống địa phương giảng dạy cho học sinh không đủ điều kiện vào trường Quốc học.

Phong trào học tập chữ Hán thời kỳ này phát triển rất nhanh. Trường Quốc học và các trường công không đủ khả năng đảm đương nên các trường tư mọc lên như nấm. Tiêu biểu nhất là trường tư do Choesong (Thôi Xung) lập ra, gọi là Trường Văn hiến Công Đồ. Văn Hiến Công chính là tên hiệu của Thôi Xung. Sĩ tử trường này nổi tiếng học giỏi, đỗ cao nên số học trò muốn xin học luôn đứng chật cửa. Các học trò xuất sắc của Thôi Xung sau khi đỗ đạt giúp thày mở thêm 10 trường tư nữa ở kinh đô, rập khuôn theo phương pháp giảng dạy của thày. Học trò của Thôi Xung rất đông và người Koryeo tôn xưng Thôi Xung là Hải Đông Khổng Tử (Khổng Tử của Koryeo).

Ở các địa phương, phong trào mở trường tư thục cũng phát triển rất mạnh. Có ý kiến cho rằng, trường tư át cả trường công. Đặc biệt, đất học Lĩnh Nam (Shilla cũ) sản sinh ra nhiều bậc túc Nho và dần hình thành một phái học mới.

Để chấn hưng việc học ở trường công, nhà vua đã cho lập Dưỡng hiền khố, ban thưởng chi phí ăn học cho nho sinh học giỏi; lập ra các Học viện như Thanh Yên Các, Bảo Văn Các, thúc đẩy Nho học phát triển.

2. Văn học chữ Hán

Việc thực hiện chế độ khoa cử và phát triển trường tư đã mang lại sự phát triển sáng tác văn học có tính đột phá, mở ra thời kỳ mới sôi động và đa dạng trong phát triển văn học chữ Hán. Số nho sĩ thi đỗ qua các kỳ thi ngày một đông và chiếm các chức vị chủ yếu trong chính quyền trung ương đến địa phương. Trên cơ sở ổn định về danh phận, lại được hưởng cuộc sống sung sướng nên đã sáng tác nhiều tác phẩm văn học, trong đó, tác phẩm mang tính giải trí hưởng lạc cũng xuất hiện nhiều.

Hai đại quan đồng thời là tác gia nổi tiếng giai đoạn này là Kim Bu-sik (Kim Phú Thức) [2] và JeongJi-sang (Trịnh Tri Thường)[3]. Kim Phú Thức là tác giả của bộ Tam quốc sử ký. Bộ sách gồm các phần: Bản kỷ 28 quyển, Niên biểu 3 quyển, chí 9 quyển, Liệt truyện 10 quyển. Trong đó, phần Liệt truyện mang tính văn học cao, có giá trị, cách hành văn sinh động và phong phú, đa dạng.

Một bộ sử nữa mang đậm tính văn học là Tam quốc di sự. Bộ sử này do nhà sư Il Yeon (Nhất Nhiên) biên soạn năm 1281. Tam quốc sử ký là bộ chính sử, còn  Tam quốc di sự là bộ dã sử. Tam quốc sử ký mang tư tưởng Nho giáo, còn Tam quốc di sự mang tư tưởng Phật giáo. Đặc điểm nổi bật của Tam quốc di sự là có nhiều truyện kỳ quái và sự tích chùa chiền. Giá trị văn học của nó được đánh giá cao hơn Tam quốc sử ký vào thời Koryeo. Sang thời Choseon thì bị hạ thấp giá trị.(Ngày nay, hai bộ sử này được đánh giá ngang bằng nhau).

Xã hội Koryeo bước sang thế kỷ XII với những mâu thuẫn gay gắt trong giai cấp thống trị, dẫn đến loạn Yi Cha - geom (Lý Tư Khiêm) và Myo Cheong (Diệu Thanh). Sau loạn lạc, một hiện tượng cực đoan trong cách đối xử giữa quan văn và quan võ xuất hiện. Quan văn được trọng đãi bao nhiêu thì võ quan bị khinh rẻ bấy nhiêu. Số quan võ chống lại cách đối xử cực đoan đó và đã nổi dậy tàn sát văn quan. Sự kiện này xảy ra năm 1170, tức năm thứ 24 đời vua Ưijong. Trong chuyến nhà vua đi săn ở ngoại ô thì đám võ quan tuỳ tùng đã nổi dậy tàn sát tất cả đám quan văn đi theo, phế bỏ vua cũ, lập vua mới là người em sinh đôi với vua cũ. Người cầm đầu cuộc chính biến này là JeongJong-bu (Trịnh Trọng Phu). Ông cùng một số võ quan nắm thực quyền vài năm rồi quyền lực trong triều rơi vào tay dòng họ Choe (Thôi). Chính quyền võ quan nắm quyền lực trong khoảng 100 năm. Đây là một trong những thời kỳ đen tối nhất của Nho học, Nho giáo Hàn Quốc. Các văn nhân không thể chống lại đám võ quan nên tìm con đường ở ẩn để bảo toàn tính mạng. Trúc lâm cao hội [4] ra đời trong hoàn cảnh đó. Đây là Hội của các văn nhân vốn là hậu duệ dòng dõi quý tộc đã suy tàn, chấp nhận cuộc sống với thiên nhiên núi rừng và sáng tác thơ văn bày tỏ nỗi niềm ưu thời mẫn thế, than phiền thời thế không giúp cho họ, tài năng của mình không được phát huy. Hội trưởng là YiIn-no (Lý Nhân Lão). Ông là nhà phê bình văn học đầu tiên, là tác giả Phá nhàn tập, một tác phẩm được đánh giá rất cao, được coi như chất xúc tác thúc đẩy sự phát triển phê bình văn học của Koryeo.

Những tác phẩm thơ văn, đặc biệt là truyện ngụ ngôn của Trúc lâm cao hội đã lấp khoảng trống trong sáng tác văn học của đám võ quan cầm quyền và giới quý tộc suy tàn để lại, đồng thời, cũng đã có vai trò gây dựng nền tảng cho tầng lớp nho sĩ mới vào thời kỳ sau.

Một nhân vật rất nổi tiếng trong giai đoạn này là YiGue-bo (Lý Khuê Báo)[5]. So với những nho sỹ trong Trúc lâm cao hội thì ông chỉ là hậu bối, nhưng ông lại gần gũi với họ. Ông từ chối lời chào mời tham gia Hội này và sau loạn võ quan, trở thành nhân vật hàng đầu trong đám nho sĩ mới. Hai tác phẩm nổi tiếng của ông là Đông quốc Lý tướng quốc tập, số lượng tới 2500 bài đều đạt tới trình độ rất cao và Đông Minh Vương thiên, tác phẩm thơ chữ Hán trường thiên viết về Chu Mông, thuỷ tổ dựng nước Koguryo. Đây là tác phẩm viết về lịch sử được thể hiện bằng thơ dài 1390 chữ với ý đồ "mong sao mọi người biết được đất nước ta vốn là đất nước của thánh nhân" [6]

Ngoài Đông Minh Vương thiên của Lý Khuê Báo ra, còn có tác phẩm thơ chữ Hán trường thiên nữa là Đế vương vận ký của YiSeo-hyu (Lý Thừa Hưu) viết vào năm 1287. Sách được chia làm hai quyển, quyển thượng thuật lại lịch sử Trung Quốc, quyển hạ viết về lịch sử Hàn Quốc. Ông viết tác phẩm này khi Koryeo bước vào thời kỳ bị nhà Nguyên xâm chiếm. Ông phê phán thế lực thân Nguyên và những sai lầm của vua Koryeo, đề cao tinh thần tự tôn dân tộc.

Tác phẩm phê bình văn học viết bằng chữ Hán bắt đầu xuất hiện ở Koryeo và đã khiến cho các hoạt động văn học cuối thời Koryeo sôi nổi và phát triển. Tiêu biểu trong số đó là:

  1. Phá nhàn tập của Lý Nhân Lão.
  2. Bạch vân tiểu thuyết của Lý Khuê Báo.
  3. Bổ nhàn tập của Thôi Tư.
  4. Lịch ông bái thuyết của Lý Tế Hiền.

Tóm lại, (1) chế độ khoa cử mới mang đến một sự thay đổi mang tính toàn diện cả về mặt nhà nước và xã hội, đã đào tạo nên một loạt nhân tài góp phần không nhỏ trong việc xây dựng vương quyền, phát triển văn hóa, văn học thời bấy giờ. (2) Sự phát triển nhanh chóng về học tập chữ Hán và khoa cử đào tạo văn quan cũng đã tạo ra một tầng lớp quan liêu mới, cộng thêm sự ưu đãi quá mức của triều đình nên dẫn tới sự cực đoan, mầm mống cho loạn võ thần kéo dài tới một thế kỷ. (3) Khoa cử trong suốt một thế kỷ võ quan nắm quyền, lại thêm các cuộc chiến tranh với quân Mông Cổ nên đã bị ngưng trệ, Nhưng, sáng tác văn học giai đoạn này lại phát triển nhờ có chất liệu thực tế sinh động đó. (4) Nhiều tác phẩm văn học có giá trị cũng có nhiều tên tuổi lớn trong các sáng tác văn học, phê bình văn học thời kỳ này đã được tôn vinh trong lịch sử cũng như văn học Hàn Quốc (như đã đề cập).

TS. Lý Xuân Chung

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc – Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kim Seong Beom, Kim Sang Ho, Đào Vũ Vũ; Dẫn nhập lịch sử tư tưởng Hàn Quốc; NXB KHXH 2011.

2. Komisook – Jungmin – Jungbyungsul; Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX; Jeon Hye Kyung – Lý Xuân Chung dịch; Nxb ĐH Quốc gia Hà nội 2006.

3. Jo Yun je, Văn học sử Hàn Quốc; bản dịch Trung văn của Trương Liên Khôi; Nxb Văn hiến KHXH, Trung Quốc 1992.

4. Vi Húc Thăng; Triều Tiên văn học sử; Nxb Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc 1986.

5. Kim Dong Ook; Quốc văn học sử; Nxb Nhật tân, Seoul Hàn Quốc 1997.

 

 



[1] Vào đầu thời Koryeo, các thế lực hào trưởng địa phương rất lớn mạnh. Vua Koryeo tìm mọi cách kết giao với các thế lực này, thậm chí, nhà vua còn cưới 20 cô gái là con hào trưởng làm vợ để kết tình giao hảo với họ.

[2] Kim Phú Thức (1075 - 1151): xuất thân trong gia đình quý tộc ở Ke - Sơng, từ nhỏ đã nổi tiếng văn hay thơ giỏi, thi đỗ lúc còn trẻ, cha con anh em đều nổi tiếng. Ông viết cuốn Tam quốc sử ký, một bộ chính sử ghi chép về thời Ba vương quốc.

[3] Trịnh Tri Thường (? - 1135): sinh ra ở Tây đô (Bình Nhưỡng), thi đỗ từ lúc còn trẻ, làm quan tới chức Hàn Lâm học sĩ tri chế cáo, nhà thơ nổi bật nhất trong số các nhà thơ nổi tiếng đương thời.

[4] Trúc lâm cao hội còn có tên là Trúc lâm thất hiền, Hải tả thất hiền gồm 7 người: Lý Nhân Lão, Lâm Xuân, Ngô Thế Tài, Hoàng Phủ Kháng, Hàm Thuần, Lý Kham Chi, Triệu Thông.

[5] Lý Khuê Báo (1169 - 1241), từ nhỏ nổi tiếng thần đồng, 22 tuổi đỗ đầu đại khoa, làm quan bộ lễ đến năm 24 tuổi, nhân chuyện cha mất, ông lui về ở ẩn viết sách.

[6] KoMiSook, jungMin, jungByungSul; Văn học sử Hàn Quốc, Nxb DHQG Hà Nội, tr.107; Jeon Hye Kyung và Lý Xuân Chung dịch.


Scroll To Top