Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


ĐÔI NÉT VỀ HỌC TẬP CHỮ HÁN VÀ VĂN HỌC CHỮ HÁN THỜI CHOSEON (1392-1910) (Phần 2)

Đăng ngày:

4. Thơ chữ Hán và phong cách thơ chữ Hán ChoSeon

Thơ chữ Hán thời kỳ đầu ChoSeon lưu hành rộng rãi thể thơ Tống. Nho sĩ đương thời thường học tập theo phong cách Tô Đông Pha (người đời Tống Trung Quốc). Tuy nhiên, phong cách thơ Tống chỉ kéo dài không quá 30 năm rồi mất đi và các nhà thơ lại chỉ nói tới phong cách thơ Đường.

Từ thời trung kỳ trở đi, phong trào học văn Tần Hán, thơ thịnh Đường phát triển mạnh. Phong cách thơ Đường của các thi nhân ChoSeon được đông đảo độc giả hưởng ứng. Nhà thơ cố gắng thể hiện một cách vừa dễ hiểu vừa mang tính hội hoạ, lại có tình cảm chân thật và đi sâu vào tình cảm mang tính phổ biến của con người nên đã được mọi tầng lớp từ quý tộc đến thứ dân tán thưởng, ủng hộ. Về mặt tác gia và chất lượng tác phẩm, đây là thời kỳ đỉnh cao của phong cách thơ Đường ở ChoSeon. Ba tác gia tiêu biểu là Choe Kyeong-chang (Thôi Khánh Xương), Baek Kwang-hun (Bạch Quang Huân) và Yi Dal (Lý Đạt). Họ được mệnh danh là Tam Đường thi nhân.

Nối tiếp ba nhà thơ hàng đầu này, các tác gia khác đua nhau xuất hiện và sáng tạo thêm, mở rộng thêm phạm vi thể hiện trong phong cách thơ Đường bằng cách sáng tác thơ chữ Hán hùng tráng và hào phóng. Theo đó, thơ về tình yêu nam nữ rất thịnh hành và phong cách thơ chữ Hán ChoSeon dần dần hình thành.

Đến cuối thế kỷ XVII, thơ tả thực được xướng lên và nhanh chóng trở thành phong trào. Thơ tả thực thể hiện nguyên bản tự nhiên của ChoSeon, để rồi bước sang thế kỷ XVIII, các thi nhân ChoSeon đã nêu được Tuyên ngôn phong cách ChoSeon. Phong cách thơ ChoSeon là thơ chữ Hán mang tính chất ChoSeon khác biệt với Trung Quốc. Người nêu ra điều đó đầu tiên là ParkJi-won (Phác Chỉ Nguyên). Theo ông, sông núi ông sống khác với Trung Quốc, ngôn ngữ và lời ca không giống Trung Hoa. Nếu cứ mô phỏng bắt chước Trung Quốc thì càng bắt chước, trình độ văn học càng thấp đi và nội dung chỉ toàn những điều giả dối. Thơ có phong cách ChoSeon là thơ miêu tả một cách chân thật đời sống và tình cảm của người ChoSeon.

Để thực hiện điều trên, các thi nhân đã chuyển phương ngôn ChoSeon sang chữ Hán hoặc tên địa danh quen thuộc cũng chuyển sang chữ Hán. Hơn nữa, đối tượng làm thơ cũng mở rộng không hạn chế.

Đánh giá về thơ chữ Hán phong cách ChoSeon, các ý kiến nhất trí rằng, thành quả giá trị nhất của nó là phản ánh chân thực đời sống của nhân dân đương thời.

5. Truyền kỳ và tiểu thuyết chữ Hán Hàn Quốc

Trước đây, các văn nhân Hàn Quốc đều coi trọng thơ phú, xem nhẹ tiểu thuyết nên tiểu thuyết xuất hiện hơi muộn. Khoảng từ cuối thời Shilla, đầu thời Koryeo, một số tác phẩm mang tính chất truyền kỳ như Thôi Trí Viễn truyện đã xuất hiện. Tiếp theo, những tiểu truyện tự sự gần như tiểu thuyết xuất hiện trong Tam quốc sử ký Tam quốc di sự. Nhưng, các nhà nghiên cứu tiểu thuyết Hàn Quốc đều cho rằng, đó chưa thể gọi là tiểu thuyết. Tiểu thuyết chữ Hán đầu tiên của Hàn Quốc là Kim Ngao tân thoại của Kim Thời Tập (1435 - 1493) ra đời vào cuối thế kỷ XV và có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển tiểu thuyết Hàn Quốc giai đoạn sau.

Kim Ngao tân thoại là tiểu thuyết truyền kỳ, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu (1347 - 1433) người đời Minh Trung Quốc. Hiện Kim Ngao tân thoại chỉ còn 5 truyện: Vạn Phúc tự hu bồ ký, Lý sinh khuy tường truyện, Tuý du Phù Bích đình ký, Nam Viêm Phù châu chí, Long cung phó yến lục.

Nhân vật chính trong các câu chuyện này đều là thư sinh có tài năng nhưng không được trọng dụng ở thế giới hiện thực, lại sống trong cảnh nghèo khó, cô đơn nên đã gặp hồn ma để chia sẻ tình cảm hoặc đi sang thế giới khác (như long cung, địa phủ) để giải mối hận trong lòng. Nhân vật chính luôn luôn muốn thoát ra khỏi thế giới hiện thực để rồi biểu lộ tình cảm thật và chính kiến của mình đối với con người và xã hội đương thời. Điều đó cũng phản ánh mối quan hệ giữa tác giả với cuộc sống thực tại. Kim Thời Tập xa lánh cuộc đời, ông là một trong những Phương ngoại nhân tiêu biểu, cho dù ông có ưu thời mẫn thế nhưng không thể tham dự triều chính với nền chính trị trái ngược với lý tưởng của ông.

Thể loại tự sự của tiểu thuyết truyền kỳ mà Kim Thời Tập thể hiện trong Kim Ngao tân thoại đã mở ra một thời kỳ mới cho tiểu thuyết chữ Hán Hàn Quốc. Những tác phẩm sau đó và trong suốt thế kỷ XVI không ít thì nhiều đều mang dấu ấn của tiểu thuyết truyền kỳ. Tiêu biểu nhất là Xí Trai ký dị gồm các truyện An Bằng mộng du lục, Thư trai dạ hội lục, Thôi sinh ngộ chân ký, Hà sinh kỳ ngộ lục, có nhiều tình tiết mô phỏng theo Kim Ngao tân thoại. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu tiểu thuyết Hàn Quốc còn nhận xét rằng Kim Ngao tân thoại đã đóng vai trò làm cầu nối cho tiểu thuyết truyền kỳ ái tình của thế kỷ XVII và tiểu thuyết mộng du thế kỷ XVIII.

Tiểu thuyết truyền kỳ ở thế kỷ XVII đã tăng cả về tác phẩm và dung lượng, được chú ý hơn, không bị xem nhẹ, bị coi là tác phẩm của những kẻ ngoại đạo. Tăng thêm dung lượng, tiểu thuyết truyền kỳ thời kỳ này đã mở rộng câu chuyện, kết cấu phức hợp có lớp lang, tình tiết éo le, miêu tả tỉ mỉ. Điều đó đã tác động mạnh vào hiện thực đang biến đổi với sự xuất hiện của tầng lớp thị dân vào cuối thế kỷ này. Tiêu biểu có Phùng Hư Tử phỏng hoa lục, Bạch Vân Tiên nguyên xuân kết duyên lục...

Ngoài truyền kỳ ra, các loại hình khác cũng xuất hiện và phát triển. Đại thể có tiểu thuyết ngụ ngôn, tiểu thuyết mộng du, tiểu thuyết thể truyện, tiểu thuyết dã đàm, tiểu thuyết ái tình - thế thái, trường thiên tiểu thuyết.

Ở Hội nghị quốc tế tại Hà Nội về tiểu thuyết chữ Hán Hàn Quốc - Việt Nam mùa xuân 2006, giáo sư Yi - Sang - Chu đã trình bày khá rõ về đặc điểm loại hình và những tác phẩm chủ yếu về tiểu thuyết chữ Hán Hàn Quốc thế kỷ XVII - XIX. Trong đó, ta thấy tiểu thuyết mộng du khá phát triển ở Hàn Quốc. Theo ông, tiểu thuyết mộng du về cơ bản có kết cấu mộng du (hiện thực - giấc mơ - hiện thực) với hình thức tự sự. Từ thế kỷ XV, mộng du lục đã xuất hiện trong khuôn khổ của truyền kỳ và ngụ ngôn, nhưng phải đến thế kỷ XVII, tác phẩm loại này mới xuất hiện nhiều. Ví dụ như Đạt xuyên mộng du lục của Doãn Kê Thiện, Mộng Kim tướng quân ký của Trương Kinh Thế, Long môn mộng du lục của Thận Ngôn Trác, Cửu vân mộng của Kim Vạn Trọng...

Theo Giáo sư Yi, từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, tiểu thuyết chữ Hán cùng với tiểu thuyết chữ Hàn rất phát triển ở Hàn Quốc và có thể gọi là thời đại tiểu thuyết. Hai loại tiểu thuyết này vừa có ảnh hưởng tương hỗ vừa có sự chuyển biến mới. Trong đó, tiểu thuyết truyền kỳ và mộng du cùng với ngụ ngôn đều phát triển theo hướng chữ Hán. Nó đã chuyển tải được ý thức tư tưởng của con người đương thời và có được giá trị mới. Hơn nữa, tính đa dạng về nghệ thuật và thẩm mỹ đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Đây là di sản quý báu của tiền nhân, cần được đánh giá đúng đắn về giá trị và tổ chức nghiên cứu sâu hơn.

Theo ông, hiện Hàn Quốc đã làm xong thư mục tiểu thuyết chữ Hán Hàn Quốc, gồm 290 đầu sách đã được liệt kê và nên từng bước phân loại, nghiên cứu đánh giá và khẳng định giá trị của loại tiểu thuyết này.

Như vậy, ta có thể có những nhận xét sơ bộ sau:

  1. Chữ Hán du nhập vào bán đảo Hàn và từng bước phát triển, mở rộng. Từ khi khoa cử được thiết lập (năm 958) thì việc học tập chữ Hán được đề cao, đi vào nề nếp, phát triển ổn định và bền vững.
  2. Năm 1443, theo lệnh của vua Sejong triều đại ChoSeon, một văn tự mới được nghiên cứu để ghi chép một cách dễ dàng, tiện lợi tiếng Hàn Quốc, đến năm 1446, Huấn dân chính âm tức chữ Hàn (Hangưl) được chính thức ra đời. Nhưng, sự xuất hiện của chữ Hàn không phải để thay thế chữ Hán, hạn chế sự phát triển của chữ Hán mà ngược lại, chữ Hàn còn trợ giúp cho sự phát triển của chữ Hán, giải nghĩa các sách kinh điển Nho học cho dễ học, dễ tiếp thu. Chữ Hán vẫn là văn tự chính thức về mặt nhà nước và được coi trọng hơn hẳn chữ Hàn.
  3. Thơ chữ Hán được người Hàn sử dụng thành thạo, chủ yếu là thơ Đường và Tống, thể thơ Đường luật được coi trọng hơn thơ Tống và chiếm vai trò chủ đạo trên thi đàn suốt chiều dài lịch sử văn học Hàn Quốc.
  4. Cuối thời ChoSeon, phong cách thơ chữ Hán ChoSeon đã được nêu lên, được đông đảo nho sĩ ChoSeon hưởng ứng. Tuy về hình thức, niêm luật vẫn theo thơ Đường nhưng nội dung viết về thiên nhiên và cuộc sống ở ChoSeon, hơn nữa, tình yêu nam nữ cũng được thể hiện nhiều trong thơ.
  5. Tiểu thuyết Hàn Quốc được bắt đầu từ truyền kỳ và phát triển mạnh vào thời ChoSeon. Cùng với tiểu thuyết chữ Hàn, tiểu thuyết chữ Hán đã có những đóng góp tích cực cho sự hình thành một thời đại tiểu thuyết vào cuối thời ChoSeon. Tiểu thuyết chữ Hán vẫn được đánh giá cao hơn chữ Hàn, được coi là tiểu thuyết của tầng lớp trên và chính thống. Tiểu thuyết chữ Hàn chủ yếu phục vụ cho phụ nữ và tầng lớp dưới.

TS. Lý Xuân Chung

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc – Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kim Seong Beom, Kim Sang Ho, Đào Vũ Vũ; Dẫn nhập lịch sử tư tưởng Hàn Quốc; NXB KHXH 2011.

2. Komisook – Jungmin – Jungbyungsul; Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX; Jeon Hye Kyung – Lý Xuân Chung dịch; Nxb ĐH Quốc gia Hà nội 2006.

3. Jo Yun je, Văn học sử Hàn Quốc; bản dịch Trung văn của Trương Liên Khôi; Nxb Văn hiến KHXH, Trung Quốc 1992.

4. Vi Húc Thăng; Triều Tiên văn học sử; Nxb Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc 1986.

5. Kim Dong Ook; Quốc văn học sử; Nxb Nhật tân, Seoul Hàn Quốc 1997.

 

 

 

 

 

 

 


Scroll To Top