HÀN LƯU VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM (Phần 1)
Đăng ngày:
Xã hội Việt Nam từ sau năm 1986 đã có sự biến đổi mạnh mẽ. Người dân đã chuyển từ nhu cầu ăn no mặc ấm sang nhu cầu ăn ngon mặc đẹp. Thị trường Việt Nam xuất hiện nhiều loại hàng hóa và rất đa dạng về chủng loại, từ hàng hóa của các nước Châu Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản cho đến hàng hóa của các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp. Tuy nhiên, nhìn từ văn hóa tiêu dùng của giới trẻ, sau khi Hàn lưu tràn vào Việt Nam, hàng hóa Made in Korea có phần chiếm ưu thế. Một phần là do sự ảnh hưởng của văn hóa Hàn lưu, một phần là do hàng hóa của Hàn Quốc rẻ hơn đôi chút so với các nước trên mà chất lượng cũng ngang bằng. Trước tiên là lĩnh vực làm đẹp. Thời trang phong cách Hàn tạo nên một phong cách mới trong thị trường thời trang Việt Nam, đưa ra nhiều lựa chọn cho thanh niên trong vấn đề ăn mặc. Mỹ phẩm chiếm phần lớn thị phần Việt Nam. Tuy nhiên, điều này đã tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các hãng mỹ phẩm nước ngoài tại thị trường này. Thẩm mỹ viện theo kiểu Hàn giúp cho các bạn trẻ ưa thích vẻ đẹp Hàn được thỏa ước mơ, đồng thời, giúp người Việt Nam tiếp cận được với kỹ thuật thẩm mỹ của một trong những nước có kỹ thuật thẩm mỹ cao nhất trên thế giới hiện nay. Tiếp theo là lĩnh vực văn hóa giáo dục. Hàn lưu cũng đã mở thêm một khả năng lựa chọn trong việc lựa chọn nơi du học cho các bạn trẻ. Họ đã nhìn thấy, đã nghe thấy phong cách sống, phong cách làm việc và việc học tập của các bạn trẻ Hàn Quốc qua những thước phim được trình chiếu trên truyền hình. Hơn nữa, những bạn trẻ du học từ Hàn Quốc trở về đem về cho xã hội Việt Nam hơi thở mới của “Kỳ tích sông Hàn”. Ngay tại Việt Nam, ngành Hàn Quốc học cũng được mở ra. Số lượng người học tiếng Hàn tăng nhanh theo từng năm. Bên cạnh việc du học, giao lưu văn hóa giữa hai nước đã được thực hiện liên tục. Những buổi giao lưu văn hóa truyền thống Hàn – Việt, những buổi đại nhạc hội Hàn – Việt được tổ chức thường xuyên vừa mang tính quảng bá văn hóa Hàn vừa mang tính kinh tế. Điều đó đã tạo ra sự sôi động cho thị trường âm nhạc Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có các trò chơi game online của Hàn Quốc, hàng điện tử made in Korea hoặc made in Korea nhưng lắp ráp tại Việt Nam giúp cho các game thủ và người tiêu dùng Việt Nam, trong đó có giới trẻ có nhiều sự lựa chọn. Có thể nói, Hàn lưu đã tạo ra sự đa dạng đầy màu sắc cho các lĩnh vực hàng tiêu dùng ở Việt Nam. Chưa bao giờ mà người Việt Nam lại có nhiều sự lựa chọn và so sánh về hàng hóa đến như thế, tạo nên sự đa dạng trong thị trường hàng hóa Việt Nam. Điều ấy cũng góp phần kích thích nhu cầu tiêu dùng của người Việt. Người Việt Nam đã có những hành vi thể hiện sự cuồng nhiệt với văn hóa Hàn Quốc, mà mạnh mẽ nhất là các bạn trẻ. Sự cuồng nhiệt ấy đã được đẩy tới mức tối đa thông qua các hành vi ứng xử bên ngoài mà tiêu biểu là sự đổi thay văn hóa tiêu dùng của giới trẻ Việt Nam. Nếu văn hóa tiêu dùng của giới trẻ chỉ là tiểu văn hóa trong nền văn hóa Việt Nam thì sự thay đổi văn hóa tiêu dùng không ảnh hưởng nhiều đến văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, sự hiện diện của văn hóa Hàn Quốc trong văn hóa tiêu dùng của giới trẻ đã tạo nên sự thách thức đối với các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt Nam được xem là văn hóa hỗn dung. Tuy nhiên, việc dung chấp các giá trị mới vào nền văn hóa truyền thống cần có thời gian. Đó là thời gian nhằm kiểm nghiệm, chắt lọc tinh hoa, nhận diện để tạo ra sự hòa hợp giữa những giá trị mới và giá trị cũ. Không giống như văn hóa Pháp, văn hóa Trung Hoa được tiếp biến từ suốt hàng chục năm, hàng trăm năm trong nền văn hóa truyền thống Việt Nam, văn hóa Hàn Quốc tràn vào một cách ồ ạt và mạnh mẽ chỉ trong gần hai chục năm qua đã tạo ra sự xung đột giữa giá trị mới và giá trị truyền thống. Điều đó thể hiện qua rất nhiều bài viết của các nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà quản lý xã hội. Chúng cho thấy họ lo ngại trước những ảnh hưởng của làn sóng văn Hàn Quốc tới giới trẻ. Tuy nhiên, chưa có một bài viết nào nói một cách rõ ràng làm thế nào để văn hóa truyền thống Việt Nam thấm vào các “cô bé, cậu bé” để khi lớn lên với bản ngã văn hóa của riêng mình, thanh niên Việt biết chọn lọc những tinh hoa của các nền văn hóa khác. Việt Nam mở cửa ra thế giới cũng vào lúc toàn cầu hóa bắt đầu bước vào giai đoạn đỉnh cao. Văn hóa Việt Nam vốn mang nặng tính truyền thống bước ra hội nhập với thế giới mà chưa qua một sự tập dượt nào. Văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam biến đổi theo. Trong nhiều gia đình, bữa cơm sum họp đã không còn vì các thành viên mải mê công việc kinh doanh, kiếm tiền. Không khí gia đình đầm ấm đã không còn tồn tại trong nhiều gia đình Việt. Gia đình truyền thống nhiều đời, “tứ đại đồng đường”, cũng không được thấy nhiều ở khu vực thành thị, có chăng thì còn được thấy không nhiều ở nông thôn. Sự kế thừa và giáo dục truyền thống từ người đi trước với người đi sau đã không còn. Những nghi thức, những nếp nghĩ, ứng xử khuôn thước, phong cách sống giản dị mà thanh lịch đã mất dần theo năm tháng, ra đi theo sự ra đi của người già. Trong nhiều gia đình thành thị, người trẻ sống “cô đơn” ngay trong chính ngôi nhà của mình. Họ hấp thụ mọi thứ qua câu chuyện công việc làm ăn của cha mẹ, qua vô tuyến, internet mà cha mẹ cung cấp. Tốt xấu lẫn lộn, thông tin không có sự kiểm duyệt và chắt lọc trên internet bủa vây người trẻ. Nhiều bạn trẻ tự lần mò trong mớ “văn hóa” tạp nham ấy, không thể biết đâu là giá trị truyền thống, đâu là tinh hoa cần dung nạp, đâu là thứ “văn hóa” rẻ tiền. Họ không có văn hóa gia đình làm chiếc khiên để chống đỡ sự tấn công đầy êm ái nhưng để lại hậu quả rất lâu dài của các nền văn hóa ngoại lai. Giới trẻ chỉ có tư duy về bản ngã văn hóa của riêng mình khi họ đã trải nghiệm cuộc sống theo thời gian. Đó là lý do vì sao trong kết quả khảo sát, mức độ ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc tới văn hóa tiêu dùng của giới trẻ giảm dần khi độ tuổi của giới trẻ tăng lên trên 26 tuổi.[1] Lồng ghép trong sự khếch tán văn hóa là kinh doanh văn hóa. Giới đầu tư Hàn Quốc đã theo ngay sau sự trình chiếu các phim truyền hình. Hàng loạt các nhà hàng phong cách Hàn, hàng loạt các công ty thời trang, mỹ phẩm và các thẩm mỹ viện theo phong cách Hàn Quốc xuất hiện, các công ty tư vấn du học Hàn Quốc mở ra khuyến khích các bạn trẻ sang du học. Tình yêu với nền văn hóa Hàn đã có chỗ để thể hiện. Chưa dừng lại ở đó, chính phủ Hàn Quốc còn đẩy cao mức độ cuồng nhiệt tới tột cùng của giới trẻ khi đưa K –pop tràn vào Việt Nam thông qua con đường giao lưu văn hóa. Văn hóa nghe nhìn của giới trẻ đã thực sự mãn nhãn. Họ yêu mến và say mê những gì đến từ Hàn Quốc và điều ấy được thể hiện ra một cách tối đa bằng cách tiêu dùng hàng hóa Hàn. Kết quả của câu 16 được thể hiện trong bảng dưới đây cho thấy mức độ yêu mến văn hóa Hàn lưu thông qua hành vi tiêu dùng của giới trẻ như sau: Giới tính Tốn kém và sẽ giảm bớt Tốn kém nhưng vẫn mua Không quan tâm đến tốn kém Sẽ không mua nữa Nam 32% 30% 25% 13% Nữ 25% 32% 22% 21% Nguồn: Luận văn thạc sĩ Văn hóa học “Ảnh hưởng của Làn sóng văn hóa Hàn Quốc tới văn hóa tiêu dùng của giới trẻ Việt Nam” Số liệu bảng cho thấy mức độ yêu thích văn hóa Hàn thông qua việc tiêu dùng của giới trẻ. Số lượng bạn trẻ không mua hàng đến từ Hàn Quốc chỉ chiếm tỉ lệ không lớn trong cả hai giới tính (nam 13%, nữ 21%). Có một số bạn trẻ cũng đôi chút ngại ngần khi thấy khá tốn kém khi thể hiện tình yêu ấy. Số còn lại, với họ, để thể hiện sự say mê thì không ngại tốn kém. Tất thảy những điều trên cho thấy rằng các nhà quản lý, các nhà đầu tư, các nhà chính sách Hàn Quốc đã nghiên cứu rất kỹ càng đối tượng mà họ muốn hướng tới. Họ đã có chiến lược du nhập văn hóa Hàn một cách chính xác và từng bước vào Việt Nam, một chiến lược đầu tư văn hóa khôn ngoan. Oanh Phan – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á Tài liệu tham khảo: [1] Kết quả điều tra của Phan Thị Oanh cho luận văn thạc sĩ Văn hóa học “Ảnh hưởng của Làn sóng văn hóa Hàn Quốc tới văn hóa tiêu dùng của giới trẻ Việt Nam”, năm 2013.