PARK JI – WON (PHÁC CHỈ NGUYÊN): CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP (Phần 1)
Đăng ngày:
1. Một cuộc đời không bình yên Park ji – won (Phác Chỉ Nguyên) sinh năm 1737, tức năm thứ 13 đời vua Anh Tổ; mất năm 1805, tức năm thứ 5 đời vua Thuần Tổ, tên tự là Trọng Mỹ, hiệu là Yến Nham, là con thứ của một gia đình yang ban (quí tộc) lớn thuộc dòng họ Park danh giá ở Ban Nam (Phan Nam). Các bậc tiên tổ của dòng họ Park này có người là quan văn danh tiếng, có người là công thần do lập nhiều công trạng trong cuộc chiến tranh với Nhật Bản năm Nhâm Thìn. Ông mồ côi cha từ khi còn nhỏ, ở với ông nội là Park pil – Kun (Phác Bật Quân), được ông nội dạy dỗ chu đáo. Vốn là người có tư chất thông minh, chăm chỉ đèn sách lại được học hành trong một gia đình, dòng họ có truyền thống khoa bảng, Phác Chỉ Nguyên học rộng hiểu sâu, từ khi còn trẻ đã làu thông kinh sử tử tập, nhưng với tính cách ngay thẳng bộc trực, đầy cá tính, không thích bon chen cùng đám nho sĩ bình thường trong vòng xoáy thi cử mà cùng với Hong Dae – Yong nghiên cứu học thuyết về trái đất của phương Tây. Bởi thế, đến trung tuổi mà ông vẫn chưa có một chức quan nào. Cuộc sống của bản thân và gia đình dần sa sút. Mãi tới năm 43 tuổi, ông mới nhận chức bảo vệ kinh thành. Năm đó là năm 1780, năm thứ 4 đời vua Chính Tổ. Năm này được coi là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông. Một người anh họ của ông là Park Meong – won được cử làm Chánh sứ dẫn đầu một đoàn sứ giả sang Trung Quốc chúc thọ vua nhà Thanh 70 tuổi, ông được xếp vào đoàn tùy tùng cùng đi sang Bắc Kinh. Chuyến đi này đã đem lại cho ông nhiều điều mới lạ, không chỉ quang cảnh cung đình nhà Thanh, phong tục tập quán Trung Quốc mà ông còn quan sát tìm hiểu nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, thiên văn địa lý, văn chương học thuật của Trung Quốc, đặc biệt, ông còn tiếp xúc với sứ giả đến từ phương Tây, biết được nhiều điều lý thú về khoa học kỹ thuật tiên tiến của phương Tây. Sau khi về nước, trên cơ sở ghi chép được những điều tai nghe mắt thấy, ông viết cuốn Nhiệt Hà nhật ký. Sau mỗi điều ghi chép thực tế trên đường ông đi, những điều đã biết sau khi tiếp xúc trao đổi với học giả Trung Quốc và phương Tây, ông đều có lời bình và nêu ý kiến của riêng mình. Nội dung cuốn sách rất phong phú, đề cập tới nhiều lĩnh vực từ kinh tế, nông nghiệp, văn hóa, văn chương, âm nhạc cung đình, phong tục tập quán đến quân sự, ngoại giao, thiên văn địa lý. Có hai điều gây chấn động dư luận ChoSun đương thời là: (1) Trái đất không đứng im mà luôn luôn chuyển động. Nó xoay một vòng tròn tức là 1 ngày 1 đêm. (2) Thế giới được tạo nên bởi các hạt nhỏ li ti (micron), các hạt nhỏ li ti này tương tác mà sinh ra vạn vật, bao gồm cả con người. Tác phẩm này vừa mới ra đời đã được hoan nghênh và lưu hành rộng rãi. Với nội dung có nhiều điều mới lạ, lại được viết với thể văn khẩu ngữ sinh động, khiến cho độc giả cảm giác như bị lôi cuốn vào một thế giới mới, giới trẻ ChoSun đương thời đã hưởng ứng nhiệt liệt và được xem như một hiện tượng “bùng nổ”. Vua Chính Tổ xem tác phẩm này, cho rằng tác phẩm phủ định tư duy trước đây của nhà nho, phản đối trật tự lễ giáo, tỏ ý bất mãn với triều đình, bèn ra lệnh kiểm duyệt, cấm phát hành. Từ đó trở đi, tác phẩm này không những không được xuất bản mà còn bị tịch thu, tiêu hủy. Mãi cho tới đầu thế kỷ XX, Nhiệt Hà nhật ký mới được lưu hành trở lại. Tuy “tính thời sự” không được học giả cấp tiến và giới trẻ đánh giá cao như những năm cuối thế kỷ XVIII nhưng giá trị nhân bản của nó càng được nêu cao hơn. Trong suốt thời gian tác phẩm trên bị nhà vua và các nho sĩ bảo thủ nắm quyền phê phán, Phác Chỉ Nguyên từng trải qua những năm tháng khó khăn của cuộc đời, nhưng ông vẫn kiên trì chủ trương hướng vào hiện thực, đi sâu vào thực tế của xã hội ChoSun. Bởi vậy, từ những tác phẩm chính luận viết về nông thôn, nông dân, nông nghiệp đến văn chương, học thuật, ông vẫn kiên trì chủ trương phản ánh hiện thực, với mong muốn có một sự biến đổi thực sự trong đời sống xã hội. Ông viết hai cuốn sách rất nổi tiếng liên quan đến nhà nông là Nông chính tân thư và Khóa nông tiểu sao. Năm ông hơn 60 tuổi, ông dâng sách Khóa nông tiểu sao lên vua Chính Tổ, nhà vua xem xong, không chỉ xóa tội cho ông mà còn khen thưởng rất hậu, ban cho chức Phủ Sứ Nang Yang. Thời gian ông làm quan Phủ sứ không dài, nhưng được ca ngợi là thanh liêm, chính trực. Sau đó, ông cáo lão về quê chuyên tâm viết sách cho đến cuối đời với một tâm huyết muốn tạo ra một phong cách mới cho văn đàn trong nước, khác hẳn với phong cách từ chương nệ cổ theo Trung Quốc, đó là phong cách Cho Sun. TS. Lý Xuân Chung Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc - Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Kim Seong Beom, Kim Sang Ho, Đào Vũ Vũ; Dẫn nhập lịch sử tư tưởng Hàn Quốc; NXB KHXH 2011. 2. Komisook – Jungmin – Jungbyungsul; Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX; Jeon Hye Kyung – Lý Xuân Chung dịch; Nxb ĐH Quốc gia Hà nội 2006. 3. Jo Yun je, Văn học sử Hàn Quốc; bản dịch Trung văn của Trương Liên Khôi; Nxb Văn hiến KHXH, Trung Quốc 1992. 4. Vi Húc Thăng; Triều Tiên văn học sử; Nxb Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc 1986. 5. Kim Dong Ook; Quốc văn học sử; Nxb Nhật tân, Seoul Hàn Quốc 1997.