THỰC HỌC TRỖI DẬY VÀ TÂY HỌC DẦN TIẾN SANG PHƯƠNG ĐÔNG (Phần 1)
Đăng ngày:
Lời người dịch (Lý Xuân Chung): Bước vào thời kỳ trung hậu kỳ, xã hội Chosun đã có nhiều biến chuyển. Dẫu Loạn Nhật Bản năm Nhâm Thìn và Loạn giặc Hồ năm Bính Tý đã chấm dứt nhưng cuộc sống của đông đảo nhân dân vẫn không bớt khó khăn. Đây là điều kiện và thời cơ để Thực học phát triển. Thời kỳ này cũng là thời kỳ Tây học bắt đầu du nhập vào bán đảo Hàn. Bài dịch dưới đây đã khái quát bối cảnh xã hội Chosun, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của Văn học Hàn Quốc. Bài này có nhiều thông tin thú vị, hữu ích và những lý luận sâu sắc của tác giả. Xin giới thiệu cùng bạn đọc để tham khảo. Vào cuối thời Koryeo, Phật giáo dần đánh mất sứ mệnh vốn có của nó. Tăng lữ tham dự chính trị nhà nước, có địa vị cao trong xã hội chỉ thích ăn ngon mặc đẹp, thích hưởng lạc theo thói thường. Bấy giờ, chính trị nhà nước hủ bại, nhân dân khốn khổ lầm than, xã tắc như trứng treo đầu đẳng, mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, khó có thể nói tới ổn định. Đúng vào thời điểm đó, nhà Lý đã mở ra một con đường mới, dựng lên triều đại mới, thay thế triều đại Koryeo. Triều đại ChoSun mới được dựng nên, làm thế nào để có thể thay đổi hiện thực xã hội cũ đã thối nát? Họ đã đưa đạo học mới nổi lên thời bấy giờ là Chu tử học vào xã hội, coi là quốc học, dùng Chu tử học thống nhất tư tưởng trong nước, giải quyết các vấn đề dân sinh. Nói một cách đơn giản, đây là một sự hoán đổi vị trí của Nho giáo đối với Phật giáo. Có lẽ người cầm quyền đưa ra chính sách này đơn thuần chỉ là thu phục nhân tâm, là một cuộc thay đổi về tư tưởng, nhưng kết quả của nó lại không đơn giản như vậy. Đặc biệt là, Nho giáo thời bấy giờ đã không còn là Nho giáo nguyên bản, nó không còn là thuyết giáo đạo đức trong cuộc sống thường nhật mà là Tính lý học đi sâu vào tìm tòi chân lý triết học sâu sắc, đã mang ý nghĩa sâu sắc hơn. Phật giáo vốn là một loại triết học, đồng thời, cũng là tôn giáo vĩ đại phổ độ chúng sinh. Nhưng, vào cuối thời Koryeo, nó đã sa sút và trở thành tập tục tín ngưỡng dân gian nguyên thủy, tức là, nó đã biến thành một loại hành vi trục lợi đi tìm sự linh nghiệm, lòng tin của mọi người đã ngày càng mất đi và nó đã không còn cách nào để thực hiện sứ mệnh khiến cho phong tục dân gian được thuần hậu. Điều này, Phật giáo trước đó đã làm được, đã đảm nhiệm trọng trách giữ cho xã hội ổn định, tư tưởng dân chúng lành mạnh; Còn giờ đây, người ta cần một thứ thay đổi hiện thực, trực tiếp giải quyết những vấn đề trong cuộc sống thường nhật. Bấy giờ, Nho giáo đáp ứng được hiện thực, khác xa với Phật giáo xa rời hiện thực, đã được dân chúng đón nhận. Cái gọi là Nho giáo đáp ứng được hiện thực không phải là chỉ việc thuyết giáo đạo đức tam cương ngũ thường như trước đây mà là một thứ có phân lượng, sâu sắc hơn nhiều, tức là thứ có sự tìm tòi đối với nguyên lý triết học, ngoài thứ đó ra, khó có thể thỏa mãn nhu cầu của xã hội. Thế là, đạo học thời sơ kỳ ChoSun phát triển mạnh. Đạo học này là sự kế thừa tư tưởng của Phố Ẩn thời cuối Koryeo, là sự phát triển trên cơ sở đạo học của Dã Ẩn, Chiêm Tất Trai, Hàn Huyên Đường, đến Tĩnh Am thì thành hệ thống, sau cùng do Thoái Khuê nâng lên thành tập đại thành. Cái gọi là đạo học, còn gọi là tính lý học, cho rằng nguyên lý vũ trụ đều xuất phát từ Lý và Khí. Hai yếu tố này hợp nhất tức là Thái cực nhất nguyên. Họ sử dụng nguyên lý này giải thích tất cả hiện tượng, từ Tâm, Tính, Tình đến đạo đức. Nó đào sâu vào vấn đề cách vật trí tri, cư kính cùng lý và sử dụng làm qui phạm của đời sống thường nhật, khiến đời sống của con người có thêm ý nghĩa sâu sắc. Trong đời sống chính trị xã hội thối nát thời Koryeo, lòng người tê dại, họ không biết sống vì cái gì, không biết sống như thế nào. Đạo học đã thay đổi trạng thái xã hội đó, đem lại ánh sáng mới cho đời sống con người. Cuộc sống ảm đạm, trống rỗng đã trở nên sáng sủa, đó là do lý luận triết học vựng dậy. Thế là, đạo học rốt cuộc đã trở thành sự lựa chọn duy nhất nhằm giải quyết vấn đề nhân sinh, cứu vãn thời cuộc. Đạo học đã có sự phát triển mạnh mẽ dưới triều ChoSun. Ở thư đường, các học giả mỗi khi mở miệng là bàn đến Tính lý học, Lý khí luận, mọi nhà đều có một gian lập bàn thờ, Văn Công gia lễ thịnh hành trong cả nước. Bấy giờ, học giả tài năng xuất hiện liên tiếp, khắp thôn xóm, ngõ hẻm đều có bia Hiếu tử và Gác Liệt nữ, ChoSun quả thực trở thành một quốc gia Nho giáo, là vùng đất có lễ nghĩa và đạo đức. Qua đó có thể thấy, đạo học không những đã giải quyết được vấn đề hiện thực mà triều đại ChoSun phải đối diện khi mới thành lập mà còn có công lớn phát triển văn hóa ChoSun. Dẫu rằng chúng ta thừa nhận công lao lịch sử đó của đạo học, nhưng sau khi thỏa mãn được yêu cầu giải quyết các vấn đề xã hội thì lý luận đạo học rốt cuộc đem lại cho chúng ta cái gì? Đặc biệt là nhân khẩu tăng vọt một cách tự nhiên, đời sống vật chất con người đã cảm thấy khó khăn, trong tình hình đó, cách thuyết giáo rạch ròi mấy yếu tố kia có tác dụng thực tế gì không? Trong khi những nhà nho ngồi yên trong sảnh đường cao giọng nói tới Tu thân, trị quốc, bình thiên hạ mà lại tách rời xã hội hiện thực thì những lời lẽ hùng hồn ấy chẳng qua chỉ là lời nói trên đầu môi chót lưỡi mà thôi. Cho dù lý luận về Lý khí có huyền diệu đến đâu, thuyết Tứ đoan thất tình có thấu triệt đến đâu thì chúng cũng không có cách nào giải quyết vấn đề hiện thực, rốt cuộc, chúng cũng chỉ là những lời sáo rỗng. Đạo học là một loại học vấn mới, ban đầu, nó đã làm thay đổi cuộc sống của những con người vô vọng, khiến nó đã có tác dụng điều hòa một số vấn đề. Nhưng, lý luận của nó đã vượt quá lý luận hóa mà trở thành siêu hình. Vì thế, nó rất dễ xa rời thực tế, cuối cùng là sa vào vũng lầy lý thuyết và lý luận. Triều ChoSun xảy ra tranh chấp quyết liệt giữa các đảng phái rốt cuộc là do nguyên nhân nào? Đương nhiên anh có thể vận nhiều loại lý do như tranh giành quyền lực, địa vị, tranh đoạt lợi ích kinh tế v.v… để lý giải, nhưng, một khi xảy ra tranh chấp giữa các đảng phái thì cứ kéo dài không có hạn định, cứ thế lặp đi lặp lại, liên miên không dứt. Trên thực tế, đó chính là những cuộc tranh chấp thắng thua vô vị về mặt lý luận. Tôi cho rằng, đây chính là ảnh hưởng của mặt trái của đạo học. Theo sự phát triển của đạo học, lý luận cũng dần dần đi vào chiều sâu, theo đó, nó càng ngày càng tách ra khỏi cuộc sống của dân chúng. Trước hết, trong khi mọi người đang rất khó suy nghĩ đối với nhiều vấn đề nhân sinh, chẳng hạn như nên như thế nào để theo lời khuyên của Phật giáo rằng đời này chịu khổ tích đức để đời sau hưởng phúc? Nên làm thế nào để tận hiếu với cha mẹ mà tu thân? Thì họ hướng theo đạo học để tìm lời dạy bảo. Nhưng, một khi mọi người đã hiểu rõ rồi, nhân sinh quan đã được xác định rồi thì lý luận đạo học đã không còn mối quan hệ trực tiếp với đời sống hiện thực của họ. Đến thời trung, hậu kỳ ChoSun, cuộc sống của những người dân bình thường đã khác xa với thời sơ kỳ mà đạo học được truyền vào. Đặc biệt là sau khi họ phải trải qua hai cuộc chiến loạn là Nhâm Thìn Oa loạn và Bính Tý Hồ loạn, đời sống của người dân đã có sự thay đổi hoàn toàn so với trước đó. Nếu như nói đời sống trước đó là mù quáng, a dua theo đám đông thì sau chiến loạn, đời sống của người dân đã biến đổi theo hướng tự giác và tự chủ, mọi người chú trọng nhiều hơn đến bản thân mình. Họ nhận thức được rằng, muốn giải quyết mọi vấn đề thì phải dựa vào sức lực của bản thân mình. Chiến loạn đã gây tổn thất to lớn, trong khi đó, số nhân khẩu tăng thêm đã khiến họ cảm thấy sự thiếu thốn về vật chất, cuộc sống nhàn nhã trước đây đã mất đi không trở lại, họ không thể không trải qua những ngày tháng khốn khó. Cuộc sống của người dân đang biến đổi, con người là vật thể sống cũng đang biến đổi và phát triển. Nhưng, đạo học lại như thế nào? Tự thân đạo học cũng có sự phát triển, song, sự phát triển đó không phải ở một lĩnh vực mới mà là ở bên trong sâu thẳm thuộc phạm trù đạo học, hệ thống lý luận của nó cứng nhắc hơn, vụn vặt hơn, tức là đạo học trước sau vẫn là một. Vì thế, cùng với sự chuyển động của thời gian, nó càng ngày cách xa với cuộc sống hiện thực. Lý luận của nó tuy sáng sủa và sâu sắc nhưng lại không liên quan tới việc giải quyết những vấn đề cấp bách mà đời sống thường nhật đang phải đối mặt. Mối nhân duyên giữa nó với dân nghèo trăm họ ngày càng xa rời, nó chỉ có thể dần biến thành một thứ duy tâm. Các nhà đạo học chỉ lưu tâm giữ đức kính, ngồi một chỗ suy xét đến tận cùng của lý, nhưng điều gì không phải Lễ thì không làm, tâm trí đặt ngoài đời thường, họ giảng giải những điều cả đời không tiếp xúc với đồng tiền, không hỏi chuyện giá gạo, đói rét kề bên mà miệng không được nói là nghèo. Họ chỉ theo đạo lý thanh bần lạc đạo, nhà đã hết gạo ăn mà không mưu tính chuyện kiếm lúa gạo. Bài học của họ hàng ngày chỉ xoay quanh thái cực và vô cực, học thuộc bài về Lý và Khí, biện giải cho rõ về tứ đoan thất tình. Cho dù xảy ra những chuyện như lửa cháy đến sát người thì ngày ngày vẫn tu đạo của Nghiêu Thuấn, lý luận cao siêu của Lý Khí không rời cửa miệng. Họ tin tưởng sâu sắc rằng, chỉ có tu niệm đến độ công phu thì tất cả mọi chuyện đều có thể hanh thông đại cát. Đạo học thực sự là một loại học vấn cao thâm, có điều, dù cao thâm đến đâu nhưng liệu có thể giải quyết được những vấn đề cấp bách của cuộc sống cho dân chúng không? Trong tình hình như trên, mọi người nhận thức ra rằng tình hình không thể tiếp diễn như thế mãi được. Thực học ChoSun đã trỗi dậy nhằm phản kháng thuyết duy tâm đó. Thực học ChoSun đương nhiên là chịu ảnh hưởng của học phong thực sự cầu thị của nhà Thanh và phát triển lên. Tôn chỉ chính yếu là giải quyết vấn đề thì không dựa vào lý luận sáo rỗng mà là phải đối diện với thực tế, từ vấn đề hiện thực mà giải quyết. Ví dụ, khi chúng ta đang đói, cần lo có cơm no thì lý luận cho dù thấu triệt đến mức nào thì nó không thể biến thành cơm gạo, vấn đề bụng đói vẫn chưa được giải quyết. Khi đó, vấn đề mà chúng ta cần giải quyết là tìm một phương pháp có thể làm ra cơm gạo. Vào thời kỳ đầu đạo học nổi lên, nó không giống như hiện tại là có thái độ lãnh đạm thờ ơ đối với hiện thực. Như trên đã nêu, không thể không dùng đạo học. Do vậy, có thể nói, đạo học cũng đã trỗi dậy là để giải quyết các vấn đề mà lúc đó đang phải đối mặt. Sau này, vật đổi sao dời, nó dần dần mất đi năng lực giải quyết vấn đề hiện thực, mới dần từng bước sa vào chủ nghĩa duy tâm thuần túy. Lần này, xã hội cần có một loại lý luận mới thay thế cho nó nhằm giải quyết vấn đề hiện thực, thế là Thực học nhân thời vận đó mới nảy sinh. Bàn về cội nguồn của Thực học ChoSun, nên truy ngược lên đến Bàn Khê Liễu Hinh Viễn (1623 – 1672). Bàn Khê là người thuộc thời đại Hiếu Tông, Hiển Tông. Bấy giờ, ông là người cảm thụ sâu sắc việc ra đời Thực học vốn mới nổi lên ở nhà Thanh, thấy nó đã vượt ra ngoài hàng rào của Tính lý học nên ông ra sức đề xướng Thực học. Đương thời, đất nước đang ở vào thời kỳ sau loạn năm Bính Tý, khắp nơi hoang hóa, cuộc sống của người dân vô cùng khốn khổ và việc giải quyết vấn đề dân chúng sinh sống giống như lửa cháy sát người. Ông đề xướng Thực học, ý là muốn thay đổi học phong của đất nước. Ông là người có đầu óc sáng suốt, có giác quan nhạy bén với thời cuộc. Ông cống hiến cả cuộc đời để nghiên cứu vấn đề thực tế, thành quả nghiên cứu của ông được ghi chép trong sách Bàn Khê tùy lục. Đây là một bộ sách đồ sộ gồm 26 quyển, tất cả đều thảo luận vấn đề thực tế, trong đó cũng có nói tới tổ chức hành chính nhà nước và những sự khác biệt với những tác phẩm Tính lý học truyền thống. Nhưng, Bàn Khê chỉ là người khởi xướng Thực học, sau đó Thực học cứ thế phát triển thành phong trào, thời kỳ phong trào nổi lên mạnh là sau thời vua Anh Tổ. Sau đó, một loạt các nhà Thực học xuất hiện như Lý Ích, Đinh Nhược Dung, An Đỉnh Phúc, Lý Đức Dụ, Phác Tề Gia, Liễu Đắc Cung, Hồng Đại Dung, Thân Cảnh Tuấn, Phác Chỉ Nguyên, Từ Hữu Củ, Lý Học Quỳ, Lý Khuê Cảnh v.v… Phái Thực học thực sự đã chiếm được chủ lưu trong học giới. Các nhà Thực học đó đã để lại hàng loạt trước thuật, ví dụ như Tinh Hồ tái thuyết, Lý Ích, Dự Do Đường toàn thư, Đinh Nhược Dung, Thuận Am toàn thư, An Đỉnh Phúc, Thanh Trang quán toàn thư, Lý Đức Dụ, Bắc học nghị, Phác Tề Gia, Lãnh Trai tập, Liễu Đắc Cung, Trạm Hiên thư, Hồng Đại Dung, Ngạn văn chí, Thân Cảnh Tuấn, Yến Nham tập (Phác Chỉ Nguyên), Lâm Viên kinh tế chí, Từ Hữu, Củ Lạc hạ sinh cảo (Lý Học Quỳ), Ngũ châu diễn văn (Lý Khuê Cảnh)… Tất cả những trước thuật đó đều khác xa với lối bàn suông của phái Chu Tử học và đã nắm bắt những vấn đề thực tế và mong muốn giải quyết. Phác Yến Nham trong Bài Tựa có nói: Học hỏi là con đường duy nhất, không có con đường khác. Có điều không biết, thấy ai đó đi đường thì hỏi, điều đó là tốt. Dù là đứa trẻ hay kẻ tôi tớ nếu biết hơn ta một chữ thì ta cũng học họ. Nếu xấu hổ, không bằng người mà không chịu hỏi thì suốt đời chìm trong cõi u mê tăm tối. Thuấn từ khi đi cày cấy, đào ao thả cá đến khi trở thành Hoàng Đế thì không có điều gì là không học hỏi người khác. Khổng Tử nói: “Ta thuở nhỏ cũng nông cạn, học hỏi biết được nhiều chuyện thôn dã, cũng cày cấy, đào ao thả cá nên mới được như vậy”. Dẫu là những bậc thánh và đa nghệ như Đế Thuấn, Khổng Tử thì cũng từ sự vật mà sáng tạo, nắm được sự việc mà tạo ra thứ khác. Mặt trời cũng có lúc không tỏa ánh sáng, vậy mà trí tuệ (của hai Ngài) lại sâu xa đến tận cùng. Bởi thế, người ta xưng Đế Thuấn và Khổng Tử là bậc thánh, chẳng qua cũng chỉ vì ham học hỏi ở người khác và khéo léo vận dụng sở học mà thôi. Họ phản đối lý luận sáo rỗng, chủ trương thâm nhập thực tế nghiên cứu sự vật. Bởi vậy, họ hoàn toàn không cứ trốn ở trong thư phòng tìm tòi chân lý trong đống giấy cũ mà thâm nhập thực tế, khảo sát nông nghiệp, chăn nuôi, thành quách, cung thất, tàu bè xe cộ, thậm chí cả ngói, bút, bàn tính, thước… Nếu như không thể tận mắt quan sát, so sánh thì cũng nhất định phải hỏi tường tận người trực tiếp làm việc, có điều gì chưa thật tường tận hoặc chưa học tới thì phải suy xét đến tận cùng. Ví dụ như người nổi tiếng Cổ Sơn tử Kim Chính Hạo đã bỏ cả cuộc đời mang hết công sức, trí tuệ tự mình đi khảo sát muôn dặm sông núi rồi vẽ nên “Đại Đông dư địa đồ” và còn tự tay mình dùng dao khắc bản in. Điều đó khác xa một trời một vực với các nhà đạo học duy tâm chỉ ngồi trong phòng bàn luận lung tung về Tứ đoan thất tình. Học vấn của nhà Thực học là học vấn sống động, là học vấn khoa học. Sở dĩ chúng ta nói như vậy là bởi học vấn của họ chân thành, không hàm chứa điều giả dối, sáo rỗng. Họ không mô phỏng theo Trung Quốc hình thành nên học phái để chơi chữ, cũng không phải thấy đạo học thất thế mà cố ý phản đối. Họ tin rằng, con đường giải quyết những vấn đề khó trong đời sống hiện thực chính là ở đó. Chính vì vậy, Thực học đã biến thành học vấn của một thời đại, là nền học vấn có sứ mệnh, hàng loạt những học giả có tài, dốc chí giải quyết vấn đề thực tế đều tập trung dưới lá cờ Thực học, hình thành nên một học phái, thế lực của nó nhiều khi đã áp đảo phái Cựu học. Thế là, sự xung đột giữa phái Thực học với Cựu học không thể tránh khỏi. Thực học là một loại học vấn mới trỗi dậy, có tính chân lý, lấy hiện thực làm cơ sở nên rõ ràng nó sẽ mang lại ảnh hưởng đa diện đối với xã hội. Sự trỗi dậy của Thực học là yêu cầu của thời đại, là kết quả của sự ảnh hưởng của văn hóa nhà Thanh. Nhưng, đồng thời, học phong này nổi lên một cách tự nhiên mà thành phong trào, nó cũng không tách rời sự ảnh hưởng của Tây học đang dần dần xâm nhập phương Đông. Người dịch: Lý Xuân Chung Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc. Nguồn: Văn học sử Hàn Quốc, Nxb Văn hiến KHXH Trung Quốc năm 1998 (tr.294-303); Tác giả (Hàn Quốc): Triệu Nhuận Tế; Dịch giả Trung Văn: Trương Liên Khôi (Trung Quốc)