KIM SI - SEUP (KIM THỜI TẬP: 1435 – 1493) VÀ TÁC PHẨM TRUYỀN KỲ NỔI TIẾNG KIM NGAO TÂN THOẠI (Phần 1)
Đăng ngày:
Kim Si – seup (Kim Thời Tập) sinh ra trong một gia đình võ quan nghèo ở Hán Thành (Seoul ngày nay) tự là Duyệt Khanh, hiệu Mai Nguyệt Đường, còn có các tên hiệu khác là Đông Phong, Thanh Hàn Tử, Bích Sơn Thanh Ẩn… Ông sinh năm 1435, tức năm thứ 17 đời vua Sejong (Thế Tông) triều đại Choseon (1392- 1910), quê hương ông ở Kang Neung (Giang Lăng), tỉnh Kang Won (Giang Nguyên). Tục truyền ông sinh ra mới được 8 tháng tuổi đã biết chữ, 3 tuổi biết làm thơ chữ Hán. Các tư liệu chép rằng khi ông thấy cảnh xay bột đậu nành bèn xuất khẩu thành thơ: Vô vũ lôi thanh hà xứ động Hoàng vân phiến phiến tứ phương phân Nghĩa là: Trời không mưa mà nghe có tiếng sấm ì ầm ở nơi nào đó, Từng đám từng đám mây vàng bay tỏa ra bốn phương trời. Câu thơ trên được truyền tụng trong dân gian, được người đời ngợi ca là “kỳ diệu”. Lên 5 tuổi, ông đã được học Trung Dung, Đại học trong trường của Lee Kye - jeon (Lý Quý Tuần), ông học đâu thuộc đó, giảng nghĩa rạch ròi, được mọi người mến mộ, gọi là “thần đồng”. Vua Sejong (Thế Tông) nghe tin mừng lắm, cho vời tới và sai một quan đại thần là Park Y - chang (Phác Dĩ Xương) thử tài năng của ông. Viên đại thần ra vế đối: Đồng tử chi học bạch hạc vũ thanh không chi mạt Nghĩa là: Chuyện học của trẻ thơ tựa như chim hạc trắng múa vui ở phía chân trời xanh. Ông đối lại: Thánh chúa chi đức hoàng long phiên bích hải chi trung Nghĩa là: Đức của quân vương tựa như rồng vàng vùng vẫy giữa biển xanh. Vua Sejong nghe vế đối vừa hay vừa chỉnh liền hết lời khen ngợi và thưởng cho 50 tấm lụa, cho đi thăm cung điện đền đài ở kinh đô. Từ đó trở đi, tên gọi “thần đồng 5 tuổi” lan rộng khắp cả nước. Từ 5 đến 13 tuổi, ông theo học quan Đại tư thành Kim Ban, ông được học Luận ngữ, Mạnh tử, Kinh thi, Kinh thư, Kinh Xuân Thu. Sau đó, ông lại được Quan Tư thành Yun Sang (Doãn Tường) dạy cho Kinh dịch, Lễ Ký, Bách gia chư tử, hầu như các sách kinh điển nho gia ông đều được các thày giỏi kèm cặp, dạy dỗ. Năm 15 tuổi, mẹ mất, ông về quê cư tang và những nỗi bất hạnh bắt đầu ập đến, cha lấy vợ kế, ông ở quê sống với cậu mợ bên ngoại, chẳng bao lâu, bà mợ yêu thương ông như con ruột cũng qua đời. Ông lại lên Hán Thành ở với cha, 3 năm sau thì cha cũng qua đời.Năm 20 tuổi, ông được Quan Đô chính Nam Hyo – Ye (Nam Hiếu Lễ) gả con gái cho nhưng cuộc sống lứa đôi cũng chẳng kéo dài được lâu. Năm 21 tuổi, vốn là người chịu ơn tri ngộ của vua Sejong và sau đó là Tanjong (Đoan Tông) nên khi hay tin đại quân Thú Dương gây chính biến ở chùa Trùng Hưng, giết vua Tanjong, lập vua mới, ông đã khóc rống lên, đốt hết sách chứa trong nhà rồi cắt tóc đi tu, tự đặt pháp hiệu là Tuyết Sầm. Từ đó, ông nay đây mai đó, nương nhờ cửa Phật và chuyên tâm viết sách. Năm 24 tuổi, ông viết xong cuốn Hoằng du Quan tây lục hậu chí, năm 26 tuổi viết xong cuốn Hoằng du Quan Đông lục hậu chí, năm 28 tuổi, viết xong cuốn Hoằng du Hồ Nam lục hậu chí. Đó là những cuốn sách ông viết về những vùng đất mà ông đã đi qua và trải nghiệm. Từ năm 31 đến năm 36 tuổi, ông trở về Kyung Ju, sống ở núi Keum O (Kim Ngao) và để tâm vào viết cuốn tiểu thuyết truyền kỳ, đặt tên là Kim Ngao tân thoại (Câu chuyện mới ở núi Kim Ngao). Trong thời gian này, ông còn viết xong tập thơ “Sơn cư bách vịnh”. Năm 37 tuổi, vua Seong Jong (Thành Tông) lên ngôi, ông quyết định trở về kinh thành thi thố tài năng nhưng không toại nguyện, đành ở lại gần Hán Thành khoảng 10 năm. Năm 42 tuổi, ông hoàn thành tập Sơn cư bách vịnh hậu chí.Năm 47 tuổi, ông hoàn tục và lấy vợ.Lấy vợ được hơn 1 năm thì vợ lại qua đời, ông buồn chán và tiếp tục cuộc đời phiêu lãng hơn 10 năm trời ở vùng Quan Đông. Vào một ngày tháng 3 năm 1493, tức năm thứ 24 đời sau vua Seong Jong (Thành Tông), ông mất ở chùa Vô Lượng huyện Hồng Sơn, thọ 59 tuổi. Qua vài nét về Kim Thời Tập, chúng ta đều có chung nhận xét rằng, cuộc đời ông là bất hạnh. Nếu nói tới hai chữ Vẻ Vang hoặc Đắc Ý chắc có lẽ chỉ khi ông còn nhỏ tuổi và sau khi ông mất mà thôi. Như trên vừa nêu, mới 5 tuổi, ông đã được vua Sejong, một vị vua được ca ngợi là anh minh, xuất chúng, tài hoa cho gọi vào cung và thử tài làm thơ. Câu vế đối của ông được vua khen, thưởng cho rất hậu và ông được dân chúng tôn xưng là thần đồng. Sau khi ông mất, trong tác phẩm của ông, thấy ông nói rằng sau khi chết sẽ được làm Diêm vương để quản chế, trừng phạt những kẻ đại nghịch vô đạo ở kiếp trước (Chuyện ở châu Viêm Phù phương Nam). Dẫu rằng ông là người bất đắc chí, “là viên ngọc quý bị vứt bỏ vào chỗ hoang tàn bụi bặm, là vầng trăng sáng bị chìm xuống hố sâu”, nhưng sau khi ông mất, các triều vua đều rất trân trọng tác phẩm của ông, đều ra sắc lệnh thu thập tác phẩm, lưu giữ cho đời sau. Tư liệu cho biết rõ, khi viết xong Kim Ngao tân thoại, Kim Thời Tập đã cho cất giữ trong một ngôi nhà nhỏ dựng bằng đá. Sau khi ông mất, tác phẩm mới được lưu truyền. Tới loạn Nhật Bản năm Nhân Thìn, người Nhật mang về nước, mãi tới đầu thế kỷ XX, Choe Nam – seon (Thôi Nam Thiện) mới thu thập ở Nhật Bản mang về và giới thiệu trên tạp chí Khải Minh số 19. Tác phẩm có 5 truyện là: Lý Xuân Chung – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc Tài liệu tham khảo