Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NHO GIÁO KORYO (918-1392) - TÂN KHỔNG GIÁO XUẤT HIỆN TRONG GIAI ĐOẠN HẬU KỲ

Đăng ngày:

Ông sinh vào năm thứ 30 đời vua Kô-jong (Cao Tông) và mất vào năm thứ 32 đời Chung-niơn (1243-1306). Cuối thời Chung-niơn (Trung liệt vương), An Hướng là một trong những người tham gia rất tích cực vào phong trào phục hưng Nho học. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là người thông minh hiếu học, đỗ khoa thi năm đầu đời vua Uôn-jong (Nguyên Tông), được cử phụ trách Viện Hàn Lâm, học vấn uyên thâm, văn chương thanh nhã, được nhà vua ban cho tên thụy là Văn Thành. Năm thứ 30 đời Chung-niơn (Trung liệt vương), ông dâng bản tấu xin nhà vua cho lập lại "Dưỡng hiền khố", phát triển nhân tài. Trong bản tấu có đoạn viết: "Các quan văn võ trước tiên hãy chú trọng đến giáo dục bồi dưỡng nhân tài, nay Dưỡng hiền khố trống rỗng, không có gì để nuôi dưỡng kẻ sĩ, kính xin nhà vua ra lệnh cho các quan, từ lục phẩm trở lên, mỗi người nộp một cân bạc, các quan từ thất phẩm trở xuống mỗi người nộp một xúc vải vào kho để làm tiền phát triển giáo dục". Các quan đều nghe theo, nhà vua phê chuẩn và ban thêm tiền bạc. Dưỡng hiền khố lại được lập ra đã có tác dụng rất lớn trong việc nuôi dưỡng khích lệ các nho sinh học tập, thi cử. An Hướng cũng là người vẽ Khổng Tử cùng 72 vị đệ tử xuất sắc, mua sắm đồ tế khí, nhạc khí, các loại sách kinh sử, chư tử hiến vào Văn miếu. Ông còn tiến cử hai nhà nho nổi tiếng là Lý Sản, Lý Thận vào làm giáo thụ, đô giám ở Quốc tử giám. Năm thứ 16 đời vua Chung-niơn (Trung liệt vương), ông được triều đình cử sang Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) học tập. Khi đó, nhà Nguyên đã diệt xong nhà Nam Tống, hoàn toàn thống trị Trung Quốc, ra sức khuyến khích Nho học phát triển nhằm phục vụ cho mục đích cai trị tập quyền của chúng. Các nhà tư tưởng Trung Quốc tranh nhau "đua tiếng", nêu ra những chính kiến của mình muốn nâng tư tưởng Nho giáo truyền thống lên một tầm cao mới với những lý luận mới mà trước đó Chu Hy đời Tống là đại diện tiêu biểu nhất. Trong thời gian ở Yên Kinh, An Hướng mới có dịp đọc sách của Chu Hy, ông rất thích thú và nghĩ rằng học thuyết Tân Khổng giáo sẽ phù hợp hơn với triều đại phong kiến Koryo đương thời nên đã tự tay mình sao chép lại những tài liệu cơ bản nhất, quan trọng nhất, hơn nữa ông còn vẽ hình của Chu Hy rồi mang về nước.

Tài liệu, sách vở của học thuyết Tân Khổng giáo mà An Hướng đưa về nước được triều đình Koryo tiếp nhận một cách nhiệt thành đã nhanh chóng lan truyền trong giới quan lại và được đem ra giảng dạy ở trường Quốc học.

Tiếp theo sau An Hướng, ba nhân vật rất nổi tiếng ở Koryo cũng đã đóng góp công lao to lớn trong việc truyền bá Tân Khổng giáo, đó là Hy Chính, Trác Vũ và Quyền Bạc. Sử sách Koryo đều ca ngợi ba người này là những người có tài văn chương, tinh thông Kinh dịch, am hiểu triết học phương Đông. Hy Chính từng phò tá Trung tuyên vương khi còn là Thái tử ở Trung Quốc 10 năm, trong thời gian đó, ông đã dày công nghiên cứu Tân Khổng giáo. Khi về nước, ông là quan đại thần rất thân tín với Hoàng gia, tuy phải gánh trọng trách trong triều nhưng vẫn chăm lo đến phát triển giáo dục, truyền bá Tân Khổng giáo, đào tạo được nhiều học trò nổi tiếng như Lý Tế Hiền, Phác Trung Tá... Trác Vũ, hiệu là Dịch Đông, làu thông kinh sử, đặc biệt là Kinh dịch, là người am hiểu sâu sắc lý luận của thuyết Tân Khổng giáo và viết thành sách giáo khoa, trình bày đơn giản, dễ hiểu để dạy cho sinh đồ. Quyền Bạc hiệu là Cúc Trai, là sinh đồ của An Hướng, 18 tuổi đã đỗ tiến sĩ, văn chương thanh nhã, sâu sắc, được nhà vua ban tên thụy là Văn Chính. Ông là người san định Tứ thư tập chú, biên soạn cuốn Hiếu hạnh lục và 20 quyển Chú ngân đài tập để giảng dạy cho học trò.

Trên đây là vài nét sơ lược về một số nhân vật tiêu biểu có công lao trong việc truyền bá tư tưởng Tân Khổng giáo vào Koryo. Tân Khổng giáo xuất hiện ở Koryo chẳng khác gì một liều thuốc hữu hiệu để chạy chữa, xoa dịu vết thương đạo lý và tinh thần của xã hội Koryo lúc ấy. Chế độ quân sự trước đó đã làm đảo lộn trật tự xã hội, cả nước rối ren, các lễ nghi Nho giáo cũng như quan hệ đẳng cấp Nho giáo bị phá bỏ. Tuy rằng chính phủ của giới quân sự đã tan rã, giai cấp mới của các quan văn đã trở lại giữ các vị trí quan trọng trong triều nhưng tình hình xã hội, đạo lý cương thường vẫn chưa thể một sớm một chiều xác lập trở lại, vì thế Tân Khổng giáo nhanh chóng được tiếp nhận và đã có ảnh hưởng rất sâu sắc tới xã hội Koryo.

Về tư tưởng mà Tân Khổng giáo nêu ra, ta thấy rõ hai tư tưởng lớn là Trung và Hiếu, trung thành với nhà vua, với triều đình, với đất nước và hiếu thảo với cha mẹ, hiếu thuận với huynh trưởng là tư tưởng chính thống xuyên suốt quá trình giảng dạy, học tập cũng như khoa cử giai đoạn cuối thời Koryo. Đây là nền tảng tư tưởng vững chắc tạo dựng ngôi nhà Nho giáo tồn tại mãi tới thời kỳ hiện đại ở bán đảo Hàn mà trước tiên ở giai đoạn hậu kỳ Koryo này, nó đã chiếm vai trò chủ đạo về mặt tư tưởng cai trị, đẩy lùi tư tưởng Phật giáo với thuyết nhân quả thuyết luân hồi trở lại phía sau, tạo đà cho sự phát triển mới của Nho giáo thời Cho Son đứng lên chiếm vị trí độc tôn.

Thực hiện: Lý Xuân Chung -Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Biên tập và chỉnh sửa: Nhóm web; tựa đề do chúng tôi chỉnh sửa

Nguồn: TCNCĐBA

Scroll To Top