MỘT VÀI CẢM NGHĨ VỀ TẬP THƠ “EM ĐÃ SỐNG VÌ AI”
Đăng ngày:
Kim Kwang-kyu sinh vào năm 1941, tại Seoul. Ông được nhà xuất bản Mire (Hàn Quốc) lựa chọn là một trong một trăm nhà thơ tiêu biểu trong nền thơ hiện đại của Hàn Quốc. Ông tốt nghiệp đại học tại khoa Văn học Đức, trường đại học Seoul và nghiên cứu sinh, nhận bằng Tiến sĩ cũng tại trường đại học Seoul. Hiện nay ông là giáo sư tại trường đại học Hanyang tại Seoul. Nhà thơ Kim Kwang-kyu bắt đầu đăng đàn văn học Hàn Quốc với tác phẩm “Văn học và trí tuệ”(1975); và tập thơ đầu tiên của ông là ‘Giấc mơ cuối cùng làm ướt át chúng ta”(1978). Sau đó ông liên tiếp xuất bản các tập thơ như “Không phải thế”(1983); “Như con người bé bỏng”(1988); tuyển tập thơ “Bóng dáng tình yêu xưa mờ nhạt” (1988); tập thơ “không phải” và nhiều tập thơ khác. Tập thơ “Em đã sống vì ai” được nhà xuất bản Mun-hak- kwa- ji-seong ( NXB Văn học và Tri thành) xuất bản năm 1991, bao gồm những bài thơ đặc sắc Kim Kwang-kyu viết trong 1986-1998, được chia làm 4 giai đoạn : 1986-1988, 1988-1990, 1990-1994 và 1994-1998. Ông đã được nhận nhiều giải thưởng văn học ở Hàn Quốc như Giải thưởng văn học Nok-won, Giải thưởng tác giả ngày nay, Giải thưởng văn học Kim Su-yeong. Thơ Kim Kwang-kyu đã được dịch ra tiếng Đức và rất được người đọc hâm mộ…. Ở Việt Nam trong tập thơ dịch “Năm nhà thơ hiện đại Hàn Quốc” do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dịch cũng đã có một số bài thơ trong tập “Sự cám dỗ của xưởng rèn” của nhà thơ Kim Kwang-kyu. Tập thơ “Em đã sống vì ai” là tập thơ bao gồm những bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Kim Kwang Kyu viết trong thời gian có nhiều biến động ở Hàn Quốc, thời kỳ đất nước Hàn Quốc đã và đang xây dựng để trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thơ ông mang tính xã hội sâu sắc. Các yếu tố xã hội ở đây có nhiều hình thái mâu thuẫn, và thể hiện quan điểm phê phán của tác giả. Ngoài ý nghĩa xã hội, thơ Kim Kwang-kyu còn mang tính hiện thực, phản ánh cuộc sống đa dạng để đưa ra những lý giải, quan điểm cá nhân trong từng hoàn cảnh cụ thể. Người ta nói rằng thơ ông thuộc loại thơ dễ hiểu, nhưng trong cái dễ hiểu đó chứa đựng tính phức tạp của tư duy và sự sâu sắc của âm thanh. Tập thơ “Em đã sống vì ai” thể hiện quan điểm của tác giả đối với con người, con người đối với xã hội, đối với thiên nhiên. Với con người, tác giả trân trọng tính cần cù lao động, chịu thương chịu khó, vượt qua mọi gian khổ của người Hàn, mà nhờ đó đất nước ông mới phát triển hiện đại như ngày nay, cho nên ông khuyên mọi người rằng: “Gian khó chính là lương tâm, là tài sản của tất cả chúng ta. Hỡi những người con trai con gái, đang bán tất cả những tài sản cuối cùng này, để mua trữ những video, điều hòa, xe đua. Không thể có danh giá gì đâu”. ..”.Điều mà các con phải tìm trở lại, hỡi chàng rể, con dâu, không phải là tài sản mẹ cha để lại đâu, mà gian khó bị rơi vào quên lãng. » (Aniri 8) Ông cảm thông với những người dân bình thường bị cuộc sống hiện đại làm đảo lộn như Seok Kun-y, phải rời nhà ra thành phố làm lao công, như anh Park đào xới cả ruộng nhà để biến nó thành bãi đậu xe, để rồi phải nhận kết quả đáng thương : « Máu của người nông dân thuần phác, cuối cùng rồi cũng sẽ phải trở về với đất, trộn lẫn với dầu xe ô tô vấy bẩn. Điều đó đâu chỉ là nỗi buồn của một riêng ai! » (P) Tác giả ca ngợi những người dân bình thường họ có thể làm nên tất cả chỉ với hai bàn tay trắng: “Dù không có gì mang theo, chỉ là người tầm thường, vô danh. Ngoài chiếc váy đen bên trong áo khoác, chân trần mang đôi giày cao su. Anh tá điền và cô gái, Họ ngồi sát bên nhau, Không hạnh phúc lắm sao! Chỉ tấm lòng nhân hậu và thân thể trẻ trung, Không mang theo một cái gì hết thảy. Nhưng ở mọi nơi, họ làm ăn chăm chỉ, thì tất cả hoa thơm sẽ nở trên đất họ làm”.. … “tuy sinh ra không có gì mang theo, nhưng đã có khối óc thông minh và đôi tay vạm vỡ. Họ đưa hết sức mình và gặt hái nhiều thành quả.” (Dù không có gì mang theo) Đối với một con người bình thường nhưng khi họ rời thế gian này, ra đi vĩnh viễn, họ đã để lại những chỗ trống không thể nào bù đắp nổi : « Để lấp chỗ trống này, nhiều người về sau, còn mất ăn, mất ngủ với thời gian, khóc thầm trong nước mắt, trằn trọc lo âu bằng cả tấm lòng.” (Chỗ trống) Nhiều bài thơ như « Người ấy », « Em đã sống vì ai » là những bài thơ đặc trưng về quan điểm của tác giả về con người. Đó là quan điểm trên đời này vẫn còn rất nhiều người tốt, sẵn lòng vì người khác : “Tôi vẫn tin rằng trên thế gian này, còn rất nhiều người như con người ấy.” ( Người ấy), Tác giả Kim Kwang-kyu có rất nhiều suy tư trăn trở, dằn vặt trong xã hội hiện đại hóa. Ông không phản đối hiện đại hóa, công nghiệp hóa, nhưng ông băn khoăn vì những hệ lụy mà nó đưa đến trong lối sống, thay đổi văn hóa sống, môi trường sống và nhất là cái xã hội vì đồng tiền… Ông cảm thấy xã hội càng hiện đại, con người càng xa dần những giá trị tinh thần từ xưa để lại. Khi mà ruộng vườn, khu đất đã thấm mồ hôi của cha ông bao nhiêu đời phải nhường chỗ cho những khu công nghiệp, khu cao tầng. Những nơi đáng ra dành cho trẻ thơ vui chơi lại trở thành những nơi cho bọn bán buôn bất động sản tung hoành; những mảnh vườn ngày xưa thơm mùi rượu, mùi kiều mạch thì bây giờ thành nơi đổ rác thải.. Những bài như “Như một kẻ nhỏ mọn”, “Mảnh đất No-ru-mok”, “Thời đại không có người anh”, “Nếu hỏi đường”, “Chỉ mặc quần”, “Thành phố lo âu”... và nhiều bài trong tập thơ nói lên điều đó. « Một mẩu đất Seoul, mười triệu người sống từng đàn chen chúc. Một mảnh đất không để lọt vào két sắt, mảnh đất mà bọn con buôn bất động sản, chúng sở hữu, rồi tự do mua bán. chuyển nhượng, thế chấp, mặc sức tung hoành. Cũng trên mảnh đất này, tôi suốt ngày đêm, làm ăn cực nhọc, kiếm từng xu, như một kẻ nhỏ mọn thấp hèn, tiết kiệm từng hào để sống, đua chen”.. ( Như một kẻ nhỏ mọn) .. « Ngày xưa cũng từng đã có, nụ cười trong ánh mắt, ngụm nước ấm tình đời… Đến bây giờ, tất cả,.. tiền đâu! Không bán chịu, cũng không ai mua chịu. Tính tiền xong, lủi thủi một mình, biến dần vào bóng tối… “Thời đại không có người anh” Hay cái xã hội mà một ngày không có gì đặc biệt là một ngày may mắn: “ Hôm nay không có việc gì đặc biệt, tai nạn giao thông không xẩy ra đáng tiếc, không bị trộm ví, móc tiền,” … “Nếu đêm nay nhà không bị cháy, không kẻ trộm nào rình rập lẻn vào. Thì hôm nay đúng là ngày may mắn nhường bao”. “ Ngày may mắn” Xã hội đang thay đổi, đang đi lên, nhưng trong đó còn chứa bao nhiêu điều trăn trở cho những người bình thường. Trong cái xã hội đó, người ta bon chen, làm giàu, và chỉ làm lợi cho một số người, nhiều khi muốn một ngày bình yên cũng thật khó. Điều có thể nói thêm về thơ của Kim Kwang-kyu trong tập “Em đã sống vì ai” là triết lý cuộc đời, là sự gắn bó giữa thiên nhiên và con người. Triết lý cuộc đời cũng được ông thể hiện trong các bài như “Cây đang lớn”, “Điệu múa của thiên nga”. “Con đường của nước” v.v “Nhìn lên cây hồng”, “Tình yêu của ốc sên”.. Khi nhìn một cành cây, một cảnh vật ông thường liên hệ vời cuốc sống của bản thân để muốn mình là một thành viên trong đó. Nhìn cảnh cây hồng đẹp vào mùa thu ông cũng muốn: “Thoáng chốc ta bỗng thành , một khoảng trời thu đẹp”. ( Nhìn lên cây hồng) “Để dựng được mái nhà chỉ một gian thôi, mà trong đó chứa tình yêu ngắn ngủi, tôi đã trằn mình vất vả suốt mười năm. Đối với tôi, tình yêu của loài sên bé nhỏ, chúng có nhà từ lúc mới sinh ra, tình yêu ấy thật rộng lớn bao la !” (Tình yêu của ốc sên) Hay khi nhìn cây lá rụng đầy trên nền xi măng, đường nhựa (chỉ sự hiện đại) ông cũng muốn mình được rụng xuống như những lá cây kia, nhưng muốn rụng xuống nơi “bằng phẳng cánh đồng” , hay “thung lũng” là những chỗ thân quen ngày xưa của ông, mà xin đừng rụng xuống “nhựa đường”, “bê tông” : “Như cây muốn thoát cuộc đời Nhưng tôi chẳng muốn rơi nơi nhựa đường Đừng rơi xuống mái bê tông Chỉ mong khe núi, cánh đồng gần xa... “Cây lá rụng” Kim Kwang- kyu là nhà thơ thuộc thế hệ sau của thời kỳ thơ mới ở Hàn Quốc. Tập thơ “ Em đã sống vì ai” được làm theo thể thơ mới, hiện đại, trong đó có nhiều bài thơ bằng văn xuôi. Quan điểm về thơ của Kim Kwang Kyu cũng rất đáng được quan tâm. Theo ông, một số thể loại văn hóa có thể tiến hành với tốc độ nhanh, áp dụng máy móc hiện đại như máy tính, nhưng thơ thì không. Tốc độ làm thơ và đọc thơ không thể áp dụng vào máy móc hiện đại, không thể theo tốc độ máy tính, mà phải theo tốc độ của cảm xúc, tư duy, sáng tạo… Trên đây chỉ là những cảm nhận ban đầu về tập thơ “Em đã sống vì ai”. Mong rằng tập thơ này sẽ giới thiệu cho bạn đọc Việt Nam một góc nhìn của Kim Kwang-kyu để có thể hiểu biết thêm, nghiên cứu thêm về nội dung, xu thế thơ hiện đại Hàn Quốc. Dịch giả: Lê Đăng Hoan