Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ ĐIỆN ẢNH HÀN QUỐC PHẦN II: THỜI KỲ SAU CHIẾN TRANH NAM BẮC HÀN ĐẾN NAY

Đăng ngày:

1. Giai đoạn 1954-1969

 

Có thể nói, những năm cuối thập niên năm 50 là giai đoạn hoàng kim của ngành điện ảnh Hàn Quốc. Ngành điện ảnh Hàn Quốc phát triển không chỉ bởi số lượng phim sản xuất tăng vọt từ 8 phim năm 1954 lên tới 108 phim vào năm 1959[1] mà còn được đánh dấu bởi sự xuất hiện của các nhà sản xuất phim mới, các trang thiết bị, trường quay phục vụ sản xuất phim hiện đại. Trong thời gian này, khán giả cũng trở lại với các rạp chiếu phim, điển hình là bộ phim Xuân Hương truyện (phiên bản 1955) đã thu hút tới 200 nghìn lượt khán giả, chiếm 10% dân số Seoul lúc bấy giờ. Năm 1956, bộ phim Sijipganeunnal (Ngày em đi lấy chồng) của đạo diễn Lee Byeong Il đã đoạt giải thưởng phim hài kịch hay nhất tại Liên hoan phim châu Á lần thứ 4. Đây là lần đầu tiên điện ảnh Hàn Quốc được thế giới biết đến.Năm 1962, chính quyền của tướng Park Chung Hee lên nắm quyền, năm 1963 đã ban hành luật điện ảnh rất khắt khe gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp này như hạn chế số lượng các công ty điện ảnh, kiểm soát mọi mặt về số lượng phim phát hành, đề tài phim, vấn đề công chiếu, …Bên cạnh đó, điện ảnh Hàn Quốc cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của một loại hình giải trí mới, đó là truyền hình. Mặc dù vậy, rất nhiều bộ phim có tính nghệ thuật cao vẫn được sản xuất cho đến cuối thập kỷ này.

 

2. Giai đoạn những năm 70


Chính sách kiểm duyệt phim ngặt nghèo của Chính phủ khiến ngành điện ảnh Hàn Quốc gặp nhiều trở ngại. Năm 1973, thành lập Hội khuyến khích điện ảnh Hàn Quốc (tiền thân của Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc ngày nay), tiếp đến là Viện lưu trữ phim Hàn Quốc cũng được thành lập với nỗ lực khôi phục ngành công nghiệp điện ảnh đã “chết”, nhưng những nỗ lực đó phải đến những năm 90 mới thành hiện thực. Trong khi đó, nền điện ảnh của Nhật Bản và các vùng lãnh thổ như Đài Loan, Hồng Kông, ... lại phát triển vượt bậc.
Mặc dù vậy, thời kỳ này cũng chứng kiến sự xuất hiện của các đạo diễn tài ba như Lee Jang Ho, Ha Gil Jong, Kim Ho Seon với các tác phẩm điện ảnh The Hometown of Stars (Quê hương của các ngôi sao), Road to Sampo (Đường tới Sampo)

 

3. Giai đoạn những năm 80


Sau những biến cố lịch sử, Hàn Quốc bắt đầu thực hiện quá trình dân chủ hóa đời sống chính trị, xã hội, trong đó có ngành công nghiệp điện ảnh khi Chính phủ nới lỏng sự kiểm soát bằng việc năm 1985 sửa đổi Luật điện ảnh lần thứ 5. Trước đây, việc sản xuất phim độc lập bị coi là bất hợp pháp, nhưng giờ đây được phép trong những trường hợp nhất định, cho phép liên kết các công ty điện ảnh nhỏ thành một tập đoàn lớn. Kết quả là vào cuối những năm 1980, một thế hệ mới các nhà sản xuất trẻ đã bước vào ngành công nghiệp điện ảnh và cách làm phim mới có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền điện ảnh Hàn Quốc sau này. Chính nhờ sự nới lỏng của luật pháp, ngành điện ảnh Hàn Quốc đã thu được những thành công nhất định và thập niên 80 cũng chứng kiến sự trở lại rạp chiếu phim của khán giả và sự thừa nhận của quốc tế đối với điện ảnh Hàn Quốc sau khi bộ phim Mandala (1981) của đạo diễn Im Kwon Teak tham gia liên hoan phim Hawai, giải thưởng nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất dành cho Kang Su Yeon tại Liên hoan phim Venice 1987.
Tuy nhiên, trước áp lực đòi mở cửa thị trường đối với phim Mỹ, năm 1986, Chính phủ Hàn Quốc lại một lần nữa thay đổi Luật điện ảnh. Năm 1988, thực thi chính sách bãi bỏ hạn chế nhập khẩu đối với phim nước ngoài, các công ty Hollywood bắt đầu thiết lập văn phòng chi nhánh tại Hàn Quốc, trực tiếp nhập khẩu, phân phối phim Mỹ tại Hàn Quốc. Kể từ đây, phim Hàn Quốc vấp phải sự cạnh tranh với phim đến từ Mỹ và kết quả là phim nội địa mất dần thị trường trong nước, thậm chí năm 1993, điện ảnh Hàn Quốc chỉ chiếm 16% thị phần[2].


4. Giai đoạn những năm 90

 

Năm 1992, Bộ phim Story of marriage (Câu chuyện hôn nhân), bộ phim sản xuất theo thể loại hài chiến tranh của đạo diễn Kim Ui Seok đã thu hút sự chú ý của khán giả, mở ra một kỷ nguyên mới cho điện ảnh Hàn Quốc. Sự ra đời của bộ phim này gắn với việc tham gia sản xuất, phát hành, phân phối phim của tập đoàn kinh tế Samsung. Cũng từ đây, các tập đoàn kinh tế như CJ, Orion, Lotte tích cực tham gia vào ngành công nghiệp điện ảnh, góp phần không nhỏ vào sự phát triển lớn mạnh của ngành điện ảnh Hàn Quốc.Năm 1999, bộ phim bom tấn sản xuất theo “kiểu Hàn Quốc” Shiri (Gián điệp nhị trùng) của đạo diễn Kang Je Gyu ra đời được coi là bước đột phá của nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc. Shiri là bộ phim có kinh phí đầu tư lên đến 8,5 triệu USD, thu hút 6,5 triệu người xem, tổng doanh thu chỉ tính riêng ở Hàn Quốc là 60 triệu USD tại thời điểm đó[3] và trở thành bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc, vượt qua cả siêu phẩm Titanic (1997) của Hollywood (với 4,3 triệu người xem).Sự thành công của bộ phim Shiri là sự khởi đầu cho cuộc cách mạng về thương mại hóa điện ảnh của Hàn Quốc, tiếp bước cho các “siêu phẩm” điện ảnh của Hàn Quốc ra đời ở những năm sau đó như JSA (Khu vực an ninh chung, 2000), Taegukgi (Cờ thái cực giương cao, 2004) và góp phần đưa nền điện ảnh Hàn Quốc trở thành một trong những “gã khổng lồ” của điện ảnh thế giới.


5. Giai đoạn những năm 2000 đến nay

 

Cuộc cách mạng của điện ảnh Hàn Quốc thực sự bắt đầu vào thiên niên kỷ mới. Năm 2001, bộ phim Friends (Bạn bè) tạo nên cơn sốt khắp Hàn Quốc và thu hút 8,1 triệu lượt người xem, bỏ xa bộ phim Harry Portter do Mỹ sản xuất đứng ở vị trí thứ 5 với doanh thu 4,4 triệu lượt người xem[4]. Cũng trong năm đó, có tới 6 bộ phim của Hàn Quốc lọt vào top 10 phim ăn khách nhất My Sassy Girl (Cô nàng ngổ ngáo), My wife is Gangster (Vợ tôi là găng tơ)…Năm 2001 cũng là năm kỷ lục khi có tới 65 bộ phim nhựa được sản xuất và công chiếu.
Phim Hàn Quốc bắt đầu cuộc chinh phục các nước láng giềng và gần như “đạp đổ” vị trí độc tôn của điện ảnh Hồng Kông tại Châu Á. Không những thế, cuộc chinh phục Hollywood cũng đã khởi động khi Hollywood mua bản quyền bộ phim Vợ tôi là găng tơ để làm lại.Trải qua biết bao thăng trầm, giờ đây có thể nói, điện ảnh Hàn Quốc đang ngày một lớn mạnh, trở thành một trong những đất nước có nền điện ảnh lớn trong khu vực Châu Á và điều đó được cụ thể hóa trong Làn sóng văn hóa Hàn Quốc đang lan tỏa khắp thế giới, đặc biệt là “làn sóng” điện ảnh Hàn Quốc được hâm nóng từ những năm đầu thế kỷ XXI.


Phan Thị Oanh – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc
Tài liệu tham khảo:

Kinh Vũ, Điện ảnh Việt Nam: Theo Hàn Quốc khó hay dễ?, http://www.baovanhoa.vn/vanhoavannghe/1660.vho, 23/5/2007

Darcy Paquet, A Short history of Korean film, http://koreanfilm.org/history.html

Jon Marshall, A Brief History of Korean Film, http://www.pusanweb.com/Exit/Oct97/briefhist.htm

http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90i%E1%BB%87n_%E1%BA%A3nh_Tri%E1%BB%81u_Ti%C3%AAn

정종화(Jeong Jong Hwa), 한국영화사(Lịch sử điện ảnh Hàn Quốc) (2008

http://www.kmdb.or.kr/film/kfilm_history.asp



[1] ) Darcy Paquet, A Short history of Korean film, http://koreanfilm.org/history.html
[2] ) Darcy Paquet, A Short history of Korean film, http://koreanfilm.org/history.html
[3] ) Kinh Vũ, Điện ảnh Việt Nam: Theo Hàn Quốc khó hay dễ?, http://www.baovanhoa.vn/vanhoavannghe/1660.vho, 23/5/2007.
[4] ) Dẫn theo http://daotao.vtv.vn/lan-song-dien-anh-han-quoc/


Scroll To Top