Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ ĐIỆN ẢNH HÀN QUỐC PHẦN I: THỜI KỲ SƠ KHAI ĐẾN CHIẾN TRANH NAM - BẮC HÀN (~1953)

Đăng ngày:

1. Giai đoạn trước giải phóng 1945

Qua Du hành ký của một du khách người Mỹ tên là Elias Burton Holmes công bố khoảng giữa năm 1901-1902, năm 1899, những thước phim đầu tiên đã được công chiếu tại Hàn Quốc. Trong thời gian ở lại Seoul, ông đã đi khắp thành Seoul, ghi lại phong cảnh, con người nơi đây bằng camera rồi đem chiếu trước Hoàng gia Chosun (Triều Tiên). Như vậy, sự manh nha của điện ảnh Hàn Quốc có thể coi là bắt đầu từ năm 1899, tức là chỉ ít năm sau buổi trình chiếu cuốn phim đầu tiên của anh em nhà Luymie tại nhà hàng “Grand Café de Paris”.

Tuy nhiên, căn cứ vào mẩu quảng cáo trên báo Hwang Seong thì buổi chiếu phim chính thức trước công chúng Hàn Quốc đầu tiên là ngày 23 tháng 6 năm 1903 tại xưởng máy của công ty điện lực Han Seong ở thủ đô Seoul.

Trước khi bị Nhật Bản chính thức đô hộ, tại thủ đô Seoul và các thành phố lớn của Hàn Quốc, các nhà hát được xây dựng hàng loạt, nhưng phần lớn do người Nhật làm chủ, chỉ một số ít là của người Hàn Quốc. Các bộ phim trình chiếu vào thời kỳ này đều được nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ.

Ngày 27 tháng 10 năm 1919 là dấu mốc vô cùng quan trọng của ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc, đó là sự ra đời của bộ phim đầu tiên do người Hàn Quốc sản xuất với tựa đề Uirijeok Gutu (Sự trả thù chính đáng). Bộ phim được sản xuất theo thể loại Kino drama (Kịch No là sự kết hợp giữa biểu diễn kịch trên sân khấu với việc chèn thêm hình ảnh chuyển động), rất thịnh hành tại Nhật Bản từ năm 1897 đến năm 1915. Bộ phim này gắn liền với tên tuổi của ông chủ nhà hát Dan Seong Sa người Hàn Quốc Park Seung Pil (1875-1932) và Kim Do San (1891-1921). Mặc dù đây không phải là bộ phim hoàn chỉnh nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn vì nó là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của Hàn Quốc, là tác phẩm thể hiện sự tự hào dân tộc ở việc nó được sản xuất bằng vốn của người Hàn Quốc, ngoài công việc quay phim phải nhờ đến người Nhật ra, tất cả các công việc còn lại đều do người Hàn Quốc tự làm. Và, điều quan trọng hơn là sự ra đời của bộ phim mở đường cho sự ra đời của hàng loạt tác phẩm khác được làm theo lối kịch No như Shiwoojeong (1919), Jigi (1920), Janghanmong (1920)… Năm 1966, chính phủ Hàn Quốc đã lấy ngày 27 tháng 10 là “Ngày điện ảnh” của Hàn Quốc[1].

Ngày 9 tháng 4 năm 1923, bộ phim câm Wonlha ui maengseo (Lời thề dưới ánh trăng) của đạo diễn Yun Baek Nam công chiếu, mở đầu cho thời đại phim câm tại Hàn Quốc và chỉ trong khoảng 10 năm, từ năm 1926 đến năm 1935 đã có tới 7[2] công ty phim được thành lập và gần 80 tác phẩm ra đời với chất lượng ngày một nâng cao, trong đó phải kể đến bộ phim Arirang của đạo diễn Na Un Kyu công chiếu vào tháng 9 năm 1926. Bộ phim được đánh giá cao về mặt nghệ thuật cũng như thông điệp mà nó muốn truyền tải là thay đổi nhận thức của người dân Hàn Quốc, đấu tranh giành độc lập, thoát khỏi ách thống trị của thực dân Nhật và nó trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà sản xuất phim Hàn Quốc muốn sản xuất phim dựa trên nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực dân tộc. Kỷ nguyên vàng của phim câm Hàn Quốc chỉ kéo dài đến giữa những năm 30 do sự đàn áp dã man và chính sách kiểm duyệt nghiêm ngặt của thực dân Nhật.

Những năm cuối thập niên 30, ngành công nghiệp điện ảnh của Hàn Quốc chứng kiến sự xuất hiện của thể loại phim có tiếng. Năm 1935, bộ phim có tiếng đầu tiên của Hàn Quốc với tựa đề Chun Hyang Jeon (Xuân Hương truyện- chuyển thể từ câu chuyện cổ của Hàn Quốc) do hai anh em Lee Pil Woo phụ trách ghi âm, hiện trường và Lee Myeong Woo làm đạo diễn và quay phim, công chiếu tại rạp Dan Seong Sa ngày 4 tháng 10. Mặc dù đây là tác phẩm được coi là thành công cho thể loại phim có tiếng lúc bấy giờ nhưng lời thoại không nhiều, phần âm nhạc lại sử dụng âm nhạc phương Tây, không phù hợp với nội dung cổ của câu chuyện…

Năm 1937, sau khi xâm lược Trung Quốc, đế quốc Nhật ban hành Luật phim Mãn Châu nhằm thống nhất việc sản xuất, xuất nhập khẩu, cung cấp, công chiếu phim tại Mãn Châu quốc[3]. Năm 1939, Nhật ban hành Luật phim Nhật Bản, năm 1940, áp dụng Pháp lệnh phim Triều Tiên tại Hàn Quốc.

Năm 1942, có thể nói là khoảng thời gian đen tối của điện ảnh Hàn Quốc khi Nhật Bản buộc đóng cửa các công ty điện ảnh của Hàn Quốc và thành lập công ty TNHH phim Chosun với mục tiêu sản xuất ra những bộ phim không dùng tiếng Hàn Quốc nhằm tạo ảo giác người Hàn Quốc không còn tồn tại, họ là người Nhật Bản.

 

2. Giai đoạn 1945-1953

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng quân đồng minh, bán đảo Hàn được giải phóng nhưng đặt dưới sự kiểm soát của quân đội Mỹ ở phía Nam, quân đội Liên Xô ở phía Bắc vĩ tuyến 38. Trước sự chi phối của xu hướng chính trị, xã hội, giới điện ảnh Hàn Quốc bắt đầu hình thành một trật tự mới. Năm 1945, thành lập Hội kiến thiết điện ảnh Chosun, đạo diễn Yun Baek Nam được bầu làm Chủ tịch. Năm 1946, hội sinh viên thành lập Hội đồng minh điện ảnh Chosun và Câu lạc bộ đạo diễn điện ảnh Chosun. Cũng trong năm 1946, quân đội Mỹ thực thi pháp lệnh điện ảnh mới tại Hàn Quốc, Hội kiến thiết điện ảnh Chosun được giao sản xuất phim tài liệu cho quân đội Mỹ. Trong thời gian này, một số đạo diễn vẫn tự sản xuất phim theo thể loại kịch No, phim câm 16mm. Bộ phim Jayu Manse (Tự do muôn năm, 1946) của đạo diễn Choi In Gyu là bộ phim khởi đầu cho thể loại phim giải phóng thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Nhật. Bộ phim ca ngợi tinh thần yêu nước, chống Nhật mạnh mẽ và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả.

Sau giải phóng 1945, môi trường sản xuất phim ổn định, số lượng phim sản xuất ở Hàn Quốc tăng lên theo từng năm, cụ thể, 4 bộ (năm 1946), 13 bộ (năm 1947), 22 bộ (năm 1948), 20 bộ (năm 1949)[4].

Trong những năm chiến tranh 50-53, ngành điện ảnh Hàn Quốc gặp vô vàn khó khăn, những thành tựu đạt được từ trước bị chiến tranh phá hủy hoàn toàn, việc sản xuất phim gặp nhiều trở ngại do thiếu nhân lực, tài chính, trang thiết bị kỹ thuật. Mỗi năm ngành điện ảnh Hàn Quốc chỉ sản xuất được khoảng 5-6 bộ phim, tiêu biểu như Heungbu wa Nolbu (1950) của Lee Kyeong Soon, Samcheonmanui Kottalbal (1951) của Shin Gyeong Gyun, Nakdonggang (1952) của Jeon Chang Geun, Taeyangui Gori (1952) của Min Gyeong Sik, Choihooui Yoohok (1953) của Lee Man Hong.

Sau thỏa thuận ngừng bắn năm 1953, tổng thống Hàn Quốc Rhee Syngman (Lý Thừa Vãn) tuyên bố miễn thuế cho các rạp chiếu phim với hy vọng vực dậy ngành công nghiệp điện ảnh của Hàn Quốc. Đặc biệt, Chính phủ còn thành lập Trường nghệ thuật Seo Ra Byeol với mục đích đào tạo ra những nhà làm phim lỗi lạc cho Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các chương trình viện trợ của nước ngoài cho Hàn Quốc về công nghệ và thiết bị sản xuất phim cũng tạo đà cho sự hồi sinh của điện ảnh Hàn Quốc những năm sau này.

Phan Thị Oanh

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Tài liệu tham khảo chính:

Darcy Paquet, A Short history of Korean film, http://koreanfilm.org/history.html

정종화(Jeong Jong Hwa), 한국영화사(Lịch sử điện ảnh Hàn Quốc) (2008), pg99.

 



[1] )정종화 (Jeong Jong Hwa), 한국영화사 (Lịch sử điện ảnh Hàn Quốc)(2008), pg 24

[2] ) Darcy Paquet, A Short history of Korean film, http://koreanfilm.org/history.html

[3] ) Do đế quốc Nhật lập ra và điều hành, hoàng đế Phổ Nghi nhiếp chính. Tuy có tên như vậy, nhưng người Mãn chỉ là một phần thiểu số ở Mãn Châu quốc, còn nhóm dân tộc đa số là người Hán. Ngoài ra còn có người Triều Tiên, Nhật, Mông Cổ và những nhóm thiểu số khác.

4) 정종화(Jeong Jong Hwa), 한국영화사(Lịch sử điện ảnh Hàn Quốc) (2008), pg99.


Scroll To Top