HYANG KA ( HƯƠNG CA ) TRONG TAM QUỐC DI SỰ ( PHẦN 11 )
Đăng ngày:
Bài Hương ca thứ mười bốn xuất hiện trong câu chuyện về nhà sư Young Je[1] Vĩnh Tài ) gặp đạo tặc. Nội dung câu chuyện như sau: Nhà sư Vĩnh Tài tính tình hài hước, không bị ràng buộc bởi tiền của và giỏi sáng tác hương ca. Lúc tuổi xế chiều, ông có ý định sống ẩn cư ở Nam Nhạc. Khi đi tới Đại Hiện Lĩnh (đỉnh Đại Hiện) thì gặp toán cướp hơn 60 tên. Bọn đạo tặc định sát hại ông, lấy dao kề tận cổ mà ông không hề sợ hãi, khí sắc điềm nhiên như không. Bọn đạo tặc thấy kỳ lạ bèn hỏi họ tên, ông đáp là Vĩnh Tài. Bọn chúng lúc bình thường từng được nghe danh của ông nên bảo ông làm một bài ca. Bài ca đó như sau: Trong lòng ta, tất thảy đều là hư không, những ngày đã qua, Đang đi tìm chốn ẩn cư, nay muốn đi thật xa (…)[2] Ôi! Chỉ là sư phá giới mắc nhiều sai sót, Quay lại nhìn, vẫn còn sợ hãi. Nhát dao kia chém xuống, có lẽ ngày lành tới chăng? A…! Cái thiện có chừng này, nhà mới sao dựng xong! Bọn đạo tặc cảm động bởi bài ca đó, đưa cho hai tấm lụa. Ông vừa cười vừa tiến lên phía trước từ chối mà rằng: - Ta hiểu được của cải là cái căn của địa ngục, nay muốn lánh trong núi sâu để gửi gắm cuộc đời thì đâu dám nhận. Nhà sư Vĩnh Tài liền vứt xuống đất. Bọn đạo tặc lại cảm động vì lời nói đó liền vứt bỏ giáo mác, xuống tóc làm sư, cùng với Vĩnh Tài vào ẩn cư trong núi Trí Dị, không trở lại thế gian nữa. Khi đó, Vĩnh Tài tuổi đã chín mươi, tức vào thời của Nguyên Thánh Đại Vương. Có bài ca rằng: Chống gậy quy sơn, ý nghĩa thật sâu, Lụa là châu báu, đâu phải bận tâm. Đạo tặc rừng xanh, chớ nói chi thêm nữa, Của cải mấy tấc là địa ngục căn. Đây là bài Hương ca cuối cùng xuất hiện trong Tam Quốc di sự. Qua nội dung câu chuyện trên, một lần nữa, chúng ta nhận thấy rõ sự thịnh hành và sức lôi cuốn kỳ diệu của Hương ca thời kỳ Tam quốc. Ở đây, đối tượng được nghe là bọn cướp, tức là những kẻ bất hảo, những người đã bị rơi xuống đáy của xã hội Tân La, nhưng khi nghe danh Vĩnh Tài, một người giỏi sáng tác và hát Hương ca thì cũng muốn được nghe ông hát một bài. Nhà sư Vĩnh Tài xuất khẩu thành chương, làm ngay một bài nói về những tâm sự cũng như sự từng trải đường đời của bản thân mình, những điều đã nhận thức được, tỉnh mê, giác ngộ giáo lý nhà Phật về những điều thiện và ác, những lỗi lầm về tranh giành vật chất, tiền bạc, coi đó là gốc rễ của tội lỗi và theo lẽ tất nhiên, phải chịu hình phạt, phải chịu nhiều sự đày ải dưới địa ngục trước khi về cõi cực lạc. Toán cướp đã xúc động trước những lời ca day dứt tình người, tình đời và ngộ ra những ý nghĩa sâu xa trong bài ca đó. Hơn nữa, trước cách ứng xử của nhà sư Vĩnh Tài đối với cái chết, đối với của cải vật chất đã khiến cho bọn cướp tỏ lòng ngưỡng mộ và theo ông tìm con đường mới cho cuộc đời. Lý Xuân Chung Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc Theo: Tam Quốc di sự (Bản tiếng Hàn), Kim Won-jung, 2007, Nxb Mineum.