Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HYANG KA ( HƯƠNG CA ) TRONG TAM QUỐC DI SỰ ( PHẦN 10 )

Đăng ngày:

Bài Hương ca thứ mười ba xuất hiện trong câu chuyện về Sil Chung (Tín Trung ) treo mũ từ quan.[1]

 

Nội dung câu chuyện như sau:

Trước khi Hiếu Thành Vương lên ngôi, ở dưới cây bách trong cung điện, nhà vua cùng với hiền sĩ Tín Trung chơi cờ vây và có nói rằng: “Sau này, nếu như ta quên khanh thì có cây bách này làm chứng”. Tín Trung liền đứng dậy bái tạ.

Mấy tháng sau, Hiếu Thành Vương lên ngôi, ban thưởng chức tước cho các công thần nhưng lại quên mất Tín Trung mà không xếp vào thứ bậc nào. Bởi thế, Tín Trung oán giận, làm một bài ca rồi dán vào cây bách. Cây bách bỗng nhiên bị khô héo. Nhà vua lấy làm lạ bèn sai người đi thẩm tra. Quan thẩm tra tìm được bài ca bèn dâng lên.

Nhà vua quá đỗi kinh ngạc, nói rằng: “Ta quá bận rộn việc chính sự rắc rối mà quên mất người thân cận”.

Nhà vua cho gọi Tín Trung và ban cho tước lộc, cây bách liền xanh tươi trở lại.

Bài ca như sau:

Cây bách xum xuê dù thu về cũng không tàn héo,

Gương mặt ta từng ngưỡng mộ, bảo rằng:

“ Làm sao có thể quên ngươi!”

Vậy mà, thay đổi!

Bóng trăng oán trách cơn sóng tuôn trào trong ao cũ.

Chỉ nhìn khuôn mặt ngươi, thấy chán ghét thế gian rồi,

Câu cuối cùng bị mất.

 

Bởi câu chuyện trên mà Tín Trung được cả hai triều vua sủng ái.

Năm Quý Mão (năm 763), tức năm thứ 22 đời Cảnh Đức Vương, nhà vua là em trai của Hiếu Thành Vương, Tín Trung hẹn ước với hai người bạn rồi treo mũ từ quan, lên núi Nam Nhạc. Nhà vua hai lần vời gọi nhưng không ra mà lại xuống tóc đi tu. Sau đó, ông xin nhà vua cho dựng chùa Đoạn Tục[2] và tu hành ở đó cho đến hết đời, xa rời trần thế, cầu phúc cho nhà vua. Nhà vua chấp thuận. Ảnh chân dung nhà vua được đặt ở chùa, đó chính là bức chân dung trên bức tường phía sau Kim đường. Ở phía Nam chùa, có một làng,  tên gọi Tục Hưu. Đến nay, việc truyền lại có sự nhầm lẫn nên gọi là So Hwa Ri (Tiểu Hoa lý).

 

Bình luận về câu chuyện trên, ở phần cuối trong nguyên tác có bài ca rằng:

Công danh chưa thành, tóc đã điểm sương,

Dù vua nhiều sủng ái, cuộc đời vẫn hoang mang.

Quả núi phía bên kia, thường mơ đi tới,

Thắp hương nguyện cầu, chúc phúc cho vua.

 

Câu chuyện trên được xếp vào Quyển 5; Phần 8: Tỵ Ẩn. Điều đó tức là, tác giả Nhất Nhiên muốn ca ngợi Tín Trung không màng danh lợi, lui về ở ẩn, xuống tóc làm sư cầu phúc cho nhà vua, cho đất nước được mãi hưởng thanh bình. Nếu mục tiêu của câu chuyện đặt trọng tâm vào vấn đề đó thì tại sao lại xuất hiện bài Oán ca dán vào cây bách, oán trách nhà vua không giữ lời khiến trời đất quỷ thần cũng thấu hiểu nỗi oan tình, hiển linh vào cây bách, khiến nó khô héo. Chính những điều trên mới thực sự gây ấn tượng với người đọc. Người xưa từng nói: “ Lời vua nói không phải chuyện chơi.” Một lời nói của nhà vua có sức nặng tựa như cửu đỉnh, tứ mã nan truy. Bởi thế, sự cẩn trọng trong phát ngôn và lới hứa đi đôi với việc làm là bài học quý giá nhất trong câu chuyện này và bài Hương ca trên xứng đáng được đông đảo người dân truyền tụng.

Lý Xuân Chung

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Theo:

Tam Quốc di sự (Bản tiếng Hàn), Kim Won-jung, 2007, Nxb Mineum.

 



[1] Nguyên văn chữ Hán là Quải quan, nghĩa là treo mũ ( từ quan ). ( ND)

[2] Là ngôi chùa ở Quận San Cheong, Kyung Nam; nay chỉ còn hai cái tháp đá 3 tầng trên nền xưa.


Scroll To Top