Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HYANGKA ( HƯƠNG CA ) TRONG TAM QUỐC DI SỰ ( PHẦN 7 )

Đăng ngày:

Bài Hương ca thứ chín xuất hiện trong câu chuyện về Kwang Deok ( Quảng Đức) và Yeom Jang ( Nghiêm Trang ).

Truyện kể rằng:

Vào thời Văn Vũ Vương, có hai tăng lữ Quảng Đức và Nghiêm Trang là bạn thân thiết với nhau, họ ngày đêm ước hẹn với nhau rằng: “Ai về Tây phương trước thì phải cho nhau biết”. Sau đó, Quảng Đức ẩn cư ở phía Tây làng Phấn Hoàng, (có người cho rằng là chùa Hoàng Long, Tây Khứ phòng, chưa biết sai đúng thế nào), làm nghề khâu giày dép và mang theo vợ con đến cùng sinh sống. Nghiêm Trang dựng một cái am ở Nam Nhạc để sinh sống, đốt rẫy cày ruộng. Một hôm, bóng chiều tà đã tỏa ráng đỏ, bóng cây thông đã râm mát chiều hôm, ngoài song cửa nhà Nghiêm Trang có tiếng nói:

- Tôi về Tây phương đây. Anh ở lại mạnh giỏi và mau chóng theo tôi.

Nghiêm Trang đẩy cửa bước ra nhìn theo, thì thấy trên mây có tiếng nhạc trời vọng tới và ánh sáng chói lòa mặt đất. Hôm sau, Nghiêm Trang tìm đến nơi Quảng Đức ở thì thấy quả nhiên Quảng Đức đã mất. Ông bèn cùng với vợ Quảng Đức khâm liệm thi thể và làm lễ an táng cho bạn. Công việc xong xuôi, Nghiêm Trang nói với vợ Quảng Đức rằng:

- Chồng đã mất rồi thì sống cùng với tôi liệu có được không?

Vợ Quảng Đức nhận lời và chung sống một nhà với Nghiêm Trang. Đêm xuống, Nghiêm Trang muốn giao hoan thì vợ Quảng Đức từ chối và nói rằng:

- Bậc đại sư cầu cực lạc tịnh độ có thể nói là khó như bắt cá trên cây.

Nghiêm Trang cảm thấy kỳ lạ bèn hỏi:

- Quảng Đức đã làm được rồi, sao lại bảo ta không được?

Người vợ nói:

- Chồng tôi và tôi chung sống với nhau hơn 10 năm nhưng chưa từng một đêm chăn gối trên giường thì thân này có thể bảo là dơ bẩn được sao? Chồng tôi ngược lại hàng đêm ngồi ngay ngắn, luôn miệng tụng niệm A Di Đà Phật, hoặc tụng niệm thập lục quan[1]; khi niệm quan được coi là thành thục thì tỉnh mê đạt quan và ánh trăng sáng chiếu vào cửa, rồi cứ thế thăng lên theo ánh sáng ngồi thiền. Nếu thực sự thành tâm như vậy thì cho dù không muốn tới nơi cực lạc đi chăng nữa thì sẽ đi đâu? Xem người có đi được nghìn dặm hay không thì từ bước đi đầu tiên cũng có thể biết được. Nay, xem việc Đại sư làm là đi về hướng Đông thì không thể đi về Tây phương cực lạc.

Nghiêm Trang nghe nói vậy thấy hổ thẹn, đỏ mặt lui ra. Ngay sau đó, đến chỗ Pháp sư Nguyên Hiểu khẩn cầu theo học diệu pháp. Nguyên Hiểu soạn Tịnh quan pháp[2] và truyền dạy cho. Nghiêm Trang thế là giữ thân thanh khiết, hối hận trách mình, dốc lòng tu hành và cuối cùng cũng được đi tới Tây phương cực lạc.

Tịnh quan pháp có ở Nguyên Hiểu pháp sư bản truyệnHải Đông tăng truyện. Người phụ nữ đó chính là nô tỳ của chùa Phấn Hoàng, có lẽ là một trong những 19 Ứng thân của đức Phật[3].

Quảng Đức từng làm bài ca rằng:

Hỡi mặt trăng!

Giờ đây,hãy đi về Tây phương,

Tới trước đức Phật vô lượng, niệm cầu.

Ngẩng đầu lên nhìn đức Phật từ bi sáng suốt,

Hai tay chắp tụng niệm:Nguyện vãng sinh, nguyện vãng sinh[4].

Xin thưa với đức Phật rằng,

Có người đang mong ước,

A Di Đà Phật, xin cho bỏ thân xác này.

Ôi! Bốn mươi tám đại nguyện[5],

Liệu có tu hết được chăng?

Qua câu chuyện và bài Hương ca ở trên, ta có thể nhận rõ một số điều:

Trước hết là ca ngợi đức Phật vô lượng từ bi, sáng suốt, luôn luôn thấu hiểu nguyện cầu của các Phật tử và chúng sinh, đồng thời cũng phản ánh sự thịnh hành của Phật giáo trong xã hội thời Tam Quốc.

Hai là, triết lý “sống gửi thác về” của Phật giáo được thể hiện đậm nét và xuyên suốt cả câu chuyện cũng như trong nội dung bài Hương ca. Phật tử và chúng sinh luôn niệm cầu, tu thân, tỉnh mê, giác ngộ để mong tới Tây phương cực lạc.

Ba là thức tỉnh mọi người một điều rằng, để tới được cõi cực lạc thì cái tâm luôn luôn phải hướng tới điều thiện, biến nó thành việc làm cụ thể, ngày đêm tụng niệm, dốc lòng tu đạo thì mới giác ngộ, đạt đạo.

Lý Xuân Chung

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Theo:Tam Quốc di sự (Bản tiếng Hàn), Kim Won-jung, 2007, Nxb Mineum.

 



[1] Quan: có nghĩa là nhìn, quan sát; cũng có nghĩa là niệm quan và là phép tu hành của Thích ca mâu ni niệm nguyện tới cõi cực lạc tịnh độ.

[2] Những điều nói về chay tịnh, sạch sẽ và tránh bị mê hoặc.

[3] Để tế độ và giáo hóa chúng sinh, Quán Âm Bồ Tát đã biến được 19 hình dạng và truyền dạy Pháp Hoa kinh. Ứng thân là một trong “tam thân” gồm Pháp thân, Báo thân, Ứng thân.

[4] Tức câu nói tắt của “Nguyện vãng sinh cực lạc”, nghĩa là mong muốn được tới sinh sống ở cõi cực lạc.

[5] Chỉ 48 đại nguyện khi Phật A Di Đà soạn Pháp tạng tỳ khâu.


Scroll To Top