Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


NHỮNG NGƯỜI HÀNH NGHỀ TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Khi nói đến tín ngưỡng dân gian ở Hàn Quốc, ngưởi ta thường nghĩ đến một loại tín ngưỡng rất độc đáo của người dân xứ sở này là Shaman giáo. Shaman giáo ở Hàn Quốc là một loại tín ngưỡng bản địa được coi là hiện diện trong đời sống văn hóa tâm linh của người Hàn từ thời tiền sử. Thế nhưng trên thực tế, trong tín ngưỡng dân gian của Hàn Quốc ngày nay không chỉ có shaman giáo cho dù nó có vai trò chủ đạo. Trải quan hàng nghìn năm giao lưu và phát triển, nền văn hóa Hàn Quốc ngày nay là kết quả của sự tiếp biến, hỗn dung đầy sáng tạo các giá trị văn hóa bản địa vốn có của người Hàn và các giá trị văn hóa của nhiều dân tộc khác. Chúng ta có thể nhận biết nét đặc trưng này trong sự đa dạng của những người hành nghề tín ngưỡng dân gian trong đời sống xã hội Hàn Quốc hiện đại.

Theo tín ngưỡng dân gian của người Hàn, ngoài cuộc sống hiện hữu mà con người có thể cảm nhận được bằng giác quan còn có một thế giới siêu nhiên huyền bí - thế giới của những linh hồn, thần thánh, ma quỷ đang chi phối cuộc sống của họ. Do vậy, cần phải đoán biết được ý nguyện của những thế lực siêu nhiên này để tỏ lòng tôn kính, an ủi chúng để được nhiều tài lộc hay xua đuổi chúng để được bình an. Để giao tiếp được với những linh hồn, thần thánh, ma quỷ đó cần có những người  đặc biệt - những ông đồng, bà cốt chuyên làm nghề giao tiếp, thông linh với thế giới siêu nhiên. Có thể tạm gọi họ là những người hành nghề tín ngưỡng dân gian. Những người hành nghề tín ngưỡng dân gian ở Hàn Quốc, về cơ bản, có thể  được chia làm ba loại khác nhau là pháp sư, thầy tếthầy bói.

Pháp sư là những người có khả năng đặc biệt, có thể giao tiếp được với thế giới thần linh, ma quỷ; có thể mời gọi những lực lượng này đến hoặc xua đuổi họ đi. Hành nghề của những người này thể hiện điển hình trong tín ngưỡng shaman giáo. Ở Hàn Quốc, có hai loại pháp sư, phần lớn là pháp sư nữ, được gọi là Mu Dang (무당) và pháp sư nam được gọi là Pak Su (박수). Những nhà nghiên cứu ngôn ngữ cho rằng tên gọi này hoàn toàn là ngôn ngữ Hàn chứ không phải những thuật ngữ du nhập từ bên ngoài. Điều này chứng tỏ tín ngưỡng Shaman mang tính bản địa rất sâu sắc. Mu Dang cũng có hai loại: Kang Sin Mu (강신무), tức là những người có khả năng nói được tiếng nói của linh hồn tổ tiên và Se Seum Mu (세습무) - những mudang được mẹ truyền nghề và được thừa kế vị trí của người mẹ.

Thầy tế, hay Je Gwan (제관) là những người được chọn để đảm nhiệm chức năng tế lễ trong một dịp lễ của một làng nào đó. Thông thường mỗi lần tế, người trưởng làng chọn ra ba người để tiến hành nghi lễ. Những người được chọn phải  tuân thủ nghiêm ngặt những kiêng kỵ nhất định để có được sự thanh tịnh cho đến hết kỳ lễ. Những nghi lễ của thầy tế mang nhiều yếu tố có liên hệ chặt chẽ với nghi lễ của các thị tộc ở Siberia, hơn thế nữa, do kết quả của quá trình hỗn dung văn hoá mà nó cũng mang nhiều yếu tố Khổng giáo, Phật giáo bắt nguồn từ Trung Quốc.

Trong tín ngưỡng dân gian Hàn Quốc còn có các thầy bói, thầy địa lí, thầy tướng số. Đặc điểm hành nghề của những người này có khá nhiều nét giống với công việc của những người hành nghề tương tự ở Việt Nam.

Ji Gwan (지관) là thầy xem đất cát hay còn gọi là thầy địa lý. Jeom Jaeng Y (점쟁이) là một loại thày bói chuyên phán vận rủi, may. Il Gwan (일관) là thầy xem và chọn ngày tốt xấu.  Kwan Sang (관상) là người chuyên xem tướng mặt, Su Sang (수상) lại là người chuyên xem về tiền vận hậu vận của một người bằng cách dựa trên đường nét vân tay.

Thày địa lí ở Hàn Quốc cũng bói để tìm chỗ tốt cho việc xây cất nhà cửa và an táng người chết. Trong tín ngưỡng dân gian, người Hàn tin rằng địa thế nhà cửa, nơi chôn cất mồ mả cha ông rất có ảnh hưởng đến cuộc sống của chủ nhà cũng như của các thành viên trong gia tộc. Môn phong thủy địa lí là một nghệ thuật tìm ra những nơi đắc địa. Thầy Il Gwan thường sử dụng sách bói hoặc tung đồng xu để tìm ra ngày thích hợp thực hiện một công việc gì đó, ví dụ ngày tổ chức đám cưới hỏi, ngày dựng nhà, ngày xuất hành…Thầy bói xem may rủi phải có thể đoán định tiền vận và hậu vận của một người thông qua những thông số như ngày giờ sinh theo lịch âm. Trong cách thức hành nghề của những người này, bên cạnh những sắc thái tín ngưỡng shaman đặc trưng của người Hàn còn thể hiện rất rõ những yếu tố Đạo giáo và Phật giáo.

Thông qua tìm hiểu giới hành nghề trong tín ngưỡng dân gian ở Hàn Quốc hiện nay, ta nhận thấy rất nhiều nét tương đồng trong tín ngưỡng của người Hàn và người Việt. Những nét giống nhau này là những yếu tố góp phần tạo nên cơ sở thuận lợi cho quá trình giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Phạm Hồng Thái

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Howard, Keith, ed., Korean Shamanism: Revivals, Survivals, and Change. Soul, Royal asiatic Society, Korea Branch,1998.
  2. Lancaster, Lewis R., and  Richard K. Payne, eds., Religion and Society in Contemporary Korea, Institute for east asian Studies Korea Research Monograph 24( Berkeley, Univ. of Califolia, institute of east asian Studies, 1997.)
  3. James Huntley Grason, Korea – A Religious History, Routledge Curzon, 2002.

Scroll To Top