Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HYANG KA (HƯƠNG CA) TRONG “TAM QUỐC DI SỰ” (Phần 1)

Đăng ngày:

HYANG KA (HƯƠNG CA) TRONG “TAM QUỐC DI SỰ”

(Phần 1)

Hyang ka (Hương ca) là những bài hát dân gian thời Shilla (Hàn Quốc). Hương ca được ghi chép bằng chữ hương trát (찰), tức hệ thống văn tự mượn chữ Hán ghi lại âm thanh và theo thứ tự ngôn ngữ của tiếng Hàn. Từ điểm này cho thấy, Hương ca là một hình thức thơ ca độc đáo so với thơ chữ Hán Trung Quốc và Hương ca được coi như tên gọi chung của thơ ca Hàn Quốc, bao gồm cả nội dung và hình thức đa dạng. Chính vì vậy, vào thời kỳ Ba vương quốc (Tam quốc), từ “hyang ka” được hiểu là bài hát của Hàn Quốc (trong đối sánh với thơ ca Trung Quốc).

Nội dung của những bài Hương ca rất phong phú, mang đậm tính trữ tình, dân gian và Phật giáo. Tác giả thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, bao gồm cả tầng lớp bình dân, quý tộc và sư sãi.

Về mặt hình thức, Hương ca được chia thành 3 thể: thể 4 câu, 8 câu và 10 câu, trong đó, thể 4 câu và 8 câu là theo hình thức thơ ca đơn thuần, còn thể 10 câu là theo hình thức phức hợp. Ở thể 10 câu, có thêm hai câu cuối cùng để kết thúc bài một cách độc đáo, đặc biệt, ở đầu câu thứ 9 luôn luôn phải có từ cảm thán “A...” đưa cảm xúc thơ ca lên đỉnh cao và sau đó, đến câu thứ 10 hạ dần cung bậc kết thúc toàn bộ bài ca. Các bài có tính nghệ thuật cao nhất trong Hương ca đều theo hình thức thể 10 câu vì có liên quan chặt chẽ với vẻ đẹp hình thức của 2 câu cuối.

Người ta cho rằng, Hương ca rất thịnh hành vào thời Tam Quốc, tuy nhiên, Hàn Quốc chỉ còn lưu giữ được 25 bài cho tới ngày nay. Trong đó, 14 bài được nhà sư Il Yeon (Nhất Nhiên) ghi lại trong tác phẩm Samguk Yusa (Tam quốc di sự).[1]

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu lần lượt từng bài Hương ca được nhắc đến trong tác phẩm nổi tiếng Tam quốc di sự.

 

Bài Hương ca thứ nhất trong câu chuyện “Juk Ji Rang (Trúc Chỉ lang) còn gọi là Juk Man (Trúc Mạn) dưới thời Hiếu Chiêu Vương”.

Mộ Trúc Chỉ lang ca

Mùa xuân đã qua đi,

Nhường chỗ cho phiền muộn.

Trên dung mạo đẹp đẽ, đã xuất hiện nếp nhăn,

Được gặp nhau chỉ trong chớp mắt.

Trên con đường nhớ thương,Người hỡi!

Giữa ngôi làng đông đúc, có thể ngủ ngon?

Truyện kể rằng, vào thời Hiếu Chiêu Vương, đời thứ 32, khi Sóc châu Đô đốc sứ Sul Jong Kong (Thuật Tông công) đến Juk Ji Ryeong (Trúc Chỉ Lĩnh) thì nhìn thấy một cư sĩ đang làm đường leo lên dốc, liền khen ngợi. Cư sĩ thì thấy Thuật Tông công là người có uy thế lớn nên cũng thấy cảm động.

Thuật Tông công được bổ nhiệm làm việc ở Sak Ju. Sau đó một tháng, ông nằm mộng thấy vị cư sĩ kia đi vào trong phòng. Vợ ông cũng mơ y hệt. Hai người lấy làm lạ nên ngày hôm sau, sai người đi hỏi thăm về vị cư sĩ thì được trả lời:

- Cư sĩ chết đã được mấy ngày.

Người này trở về báo cáo, hóa ra ngày cư sĩ chết cũng chính là ngày vợ chồng Thuật Tông công mơ giấc mơ kia. Thuật Tông công liền nói:

- Có lẽ vị cư sĩ nọ sẽ đầu thai và sinh ra trong nhà chúng ta.

Sau đó, Thuật Tông công sai binh lính mai táng cư sĩ trên đỉnh núi phía Bắc của con dốc rồi cho làm một bức tượng Phật Di Lặc bằng đá, đặt ở trước mộ.

Từ hôm mơ giấc mơ đó, vợ Thuật Tông công mang thai rồi sinh ra một đứa bé, đặt tên là Juk Ji (Trúc Chỉ). Đứa bé trưởng thành, ra làm quan, trở thành Phó soái, cùng Kim Dũ Tín thống nhất Tam Hàn, sau trở thành Tế tướng trải 4 triều vua: Chân Đức, Thái Tông, Văn Vũ và Thần Văn. Đất nước được ổn định.

Đắc Ô Cốc[2] vì ngưỡng mộ Trúc Mạn lang mà viết bài hát Mộ Trúc Chỉ lang ca.

Lương Hồng Hạnh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Theo:

Tam Quốc di sự (Bản tiếng Hàn), Kim Won-jung, 2007, Nxb Mineum.

Hyang–ca (hương ca), sự lãng mạn và bi ai của người Shilla, “Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX”, Komisook – Jungmin – Jung Byung Sul, biên dịch và chú giải: Jeon Hye Kyung, Lý Xuân Chung; 2006, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

http://ko.wikipedia.org/wiki/%ED%96%A5%EA%B0%80

NAVER 사전. http://krdic.naver.com/detail.nhn?docid=42069700

 



[1] 11 bài Hương ca còn lại được ghi chép trong Quân Như truyện (균여전) vào đầu thời Koryo.

[2] Deuk O (Đắc Ô) còn gọi là Deuk Kok (Đắc Cốc), Cấp Can thuộc danh sách Hwa Rang (Hoa Lang), là đồ đệ của Juk Man Rang (Trúc Mạn Lang).


Scroll To Top