Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


TRUYỆN NÀNG XUÂN HƯƠNG VÀ TIỂU THUYẾT ÁI TÌNH HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Truyện Nàng Xuân Hương hay gọi tên nguyên văn là Xuân Hương truyện không có tác giả cụ thể, gọi là tác phẩm khuyết danh. Sở dĩ như vậy là bởi thoạt đầu chỉ gọi là Xuân Hương ca, thuộc loại hình tác phẩm Pan-sô-ry. Pan-sô-ry là những câu chuyện được thể hiện bằng lời hát, là một loại nhạc kịch âm nhạc mà người diễn xướng hát những câu chuyện theo nhịp trống, có thể gọi là kịch âm nhạc tự sự.[1] Khi Xuân Hương ca được nhiều người đón nhận và thêm bớt thì dần dần phát triển thành tiểu thuyết, gọi là Xuân Hương truyện, thuộc thể loại tiểu thuyết ái tình.

Đại để câu chuyện là nói về một mối tình ngang trái giữa một cô thôn nữ xinh đẹp là con gái một kỹ nữ vốn bị khinh thị vào triều đại ChoSun với một chàng trai tuấn tú, học giỏi tài cao, con nhà quan phủ danh giá và quyền uy là Lý Mộng Long. Chàng Mộng Long 16 tuổi phải theo cha đến Nam – Uôn nhậm chức Phủ sứ. Một chàng trai mới lớn, đang chăm chỉ học hành, theo đòi khoa cử nối nghiệp nhà thì gặp nàng Xuân Hương chơi đu vào ngày Tết Đoan Ngọ liền say đắm vẻ đẹp của nàng. Hai người yêu nhau, hẹn non thề biển, ước ao ngày ngày được ở bên nhau và sau này sẽ kết duyên vợ chồng. Chẳng bao lâu sau, cha của Mộng Long phải chuyển nhậm quan chức về Hán thành (tức Seoul ngày nay). Hai người từ đó phải ly biệt. Mộng Long trước khi theo cha về kinh thành có hẹn rằng nhất định sẽ quay trở lại tìm nàng. Sau khi cha Mộng Long chuyển đi thì Biện Đạo Học chuyển đến nhậm chức ở Nam – Uôn. Nghe tin đồn có nàng Xuân Hương nhan sắc tuyệt trần, hắn bèn cho gọi tới và định ép hôn. Dẫu Biện phủ sứ có dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, dọa nạt nhưng nàng Xuân Hương vẫn cự tuyệt, bởi nàng đã có chốn đính ước, nguyện sắt son lời thề với người mình yêu. Sau nhiều thủ đoạn mà không ép hôn được nàng, Biện phủ sứ ra lệnh bắt giam Xuân Hương vào ngục. Trong lúc Xuân Hương bị giam vào ngục thì Mộng Long thi đỗ đại khoa, trở thành quan Án sát đến tỉnh Chơn – la thị sát. Trên đường thị sát, Mộng Long được nghe nhân dân nói về sự tàn ác, bạo ngược, bỏ bê việc quan của Biện phủ sứ và chuyện giam Xuân Hương vào ngục. Quan Án sát đóng giả một người ăn xin, đến phủ Nam – Uôn thị sát thì đúng dịp chúc thọ của viên quan này. Chứng kiến những chuyện bê tha, ăn chơi phè phỡn, bỏ bê việc công của Biện phủ sứ, quan Án sát Lý Mộng Long đã nghiêm khắc xử tội bọn quan tham bạo ngược và giải thoát cho Xuân Hương. Chàng mong Xuân Hương tha lỗi cho mình trong thời gian qua đã không quan tâm đến nàng, để nàng chịu nhiều cay đắng, khổ cực.

Câu chuyện trên đến tai nhà vua, nhà vua phong cho Xuân Hương là Liệt nữ, đồng ý cho Xuân Hương, con gái một kỹ nữ được kết duyên với Mộng Long và trở thành phu nhân chính thức của một vị quan trẻ tài cao, chính trực.

Truyện Nàng Xuân Hương là một kiệt tác trong tiểu thuyết Hàn Quốc nói riêng, văn học Hàn Quốc nói chung, bởi vậy, bất kể người Hàn Quốc nào, dù ở trong nước hay hải ngoại đều biết về câu chuyện này.

Qua câu chuyện Nàng Xuân Hương, chúng ta có thể nhận rõ một số vấn đề sau:

Một là, cho dù ở một xã hội mang đậm dấu ấn Nho giáo như ChoSun thì một tình yêu vượt giai cấp vẫn xảy ra. Mối tình chung thủy, sắt son của đôi trai tài gái sắc vượt lên trên mọi ràng buộc khắt khe về thân phận, giai cấp, sang hèn, vượt lên trên sự trói buộc của quan niệm phong kiến “môn đăng hộ đối”.

Hai là, câu chuyện đã vạch trần sự thối nát, tham lam của đám quan lại tham nhũng, đam mê tửu sắc.

Ba là, sự kết thúc có hậu của câu chuyện đã có tác dụng khuyến thiện trừng ác rõ rệt. Sự sắt son và lòng chung thủy của nàng Xuân Hương đã được đền đáp. Một mối tình ngang trái đã được hóa giải bằng tình yêu đích thực của đôi trai gái vượt qua những gian nan thử thách của cuộc đời. Sự tham lam và tàn ác của Biện phủ sứ đã phải trả giá nhãn tiền.

Bốn là, Truyện Nàng Xuân Hương phản ánh cả văn hóa tầng lớp trên lẫn tầng lớp dưới nên có thể coi là tác phẩm văn học nhân dân và nó sống mãi với thời gian. Cho đến tận ngày nay, tác phẩm này vẫn được đông đảo nhân dân Hàn Quốc ưa chuộng.

Bắt đầu từ Truyện Nàng Xuân Hương, các tiểu thuyết ái tình của Hàn Quốc lần lượt xuất hiện, tiêu biểu như Thục Hương truyện, Thục Anh nương tử truyện, Bạch hạc phiến, Ngọc Đan Xuân truyện, Vân Anh truyện,[2] Lý tiến sĩ truyện, Hồng bạch hoa, Du Văn Tinh truyện.

Qua những câu chuyện trên, chúng ta có thể hiểu rõ hơn đời sống tình cảm chân thành mà tha thiết, khát khao và cháy bỏng của người Hàn Quốc. Với ý trên, xin được kết thúc bài viết bằng đoạn đầu của một bài Từ có tên Mãn điện xuân biệt được thể hiện với làn điệu ca dao mang chất thơ lãng mạn của Hàn Quốc:

Dù trải chiếu trúc trên băng

Em cùng chàng chết cóng

Mong sao trời đừng sáng

Đêm tình tự kéo dài.[3]

 

 

Lý Xuân Chung

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

Tài liệu tham khảo:

1. Komisook – Jungmin – Jungbyungsul; Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX; Jeon Hye Kyung – Lý Xuân Chung dịch; Nxb ĐH Quốc gia Hà nội 2006.

2. Jo Yun je, Văn học sử Hàn Quốc; bản dịch Trung văn của Trương Liên Khối; Nxb Văn hiến KHXH, Trung Quốc 1992.

3. Vi Húc Thăng; Triều Tiên văn học sử; Nxb Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc 1986.

4. Kim Dong Ook; Quốc văn học sử; Nxb Nhật tân, Seoul Hàn Quốc 1997.



[1] Komisook – JungMin-JungByungSul; Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX; Jeon Hye Kyung – Lý Xuân Chung dịch; Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội; 2006, tr.264. Phần sơ lược câu chuyện Nàng Xuân Hương cũng theo bản dịch này.

[2] Có thể tham khảo Vân Anh truyện trong bài của Nguyễn Thị Ngân trên trang Web này.

[3] Tài liệu đã dẫn.


Scroll To Top