MỘT CÔNG TRÌNH KHOA HỌC NGHIÊN CỨU SO SÁNH TÁC PHẨM TRUYỀN KỲ HÀN – TRUNG - VIỆT
Đăng ngày:
Luận án Tiến sĩ của tác giả Hàn Quốc Jeon Hye Kyung (Toàn Huệ Khanh) với nhan đề: Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết truyền kỳ Hàn Quốc - Trung Quốc - Việt Nam thông qua Kim Ngao tân thoại, Tiễn đăng tân thoại, Truyền kỳ mạn lục được bảo vệ năm 1994 [1]. Trong bối cảnh giao lưu văn hóa Việt - Hàn và giao lưu văn hóa khu vực hiện nay, Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết truyền kỳ là một đóng góp đáng trân trọng trong việc nghiên cứu tác phẩm văn học truyền kỳ Đông Á cũng như văn học Đông Á nói chung. Dưới đây tôi xin nêu những điểm chính của công trình nghiên cứu. Luận án ngoài phần mở đầu và kết luận gồm 5 chương. Phần mở đầu, nêu mục đích nghiên cứu, lịch sử vấn đề nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu - phần này đề cập đến quan niệm nghiên cứu của tác giả luận án. Các chương II và III tiếp theo khảo sát sự tiếp xúc giao lưu văn hóa giữa ba nước Hàn - Trung - Việt; sự du nhập và ảnh hưởng của Tiễn đăng tân thoại Trung Quốc vào Hàn Quốc và Việt Nam. Chương IV xây dựng tiêu chuẩn so sánh toàn bộ các tác phẩm. Chương V so sánh thực tế các truyện của tác phẩm ba nước. Chương VI nêu ý nghĩa văn học sử Đông Á của tác phẩm ba nước. Phần kết luận tóm tắt các kết quả nghiên cứu. Trước hết về quan niệm nghiên cứu của tác giả luận án: Mục đích nghiên cứu của đề tài được xác định ở ngay tiêu đề của luận án: Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết truyền kỳ Hàn Quốc - Trung Quốc - Việt Nam thông qua Kim Ngao tân thoại, Tiễn đăng tân thoại, Truyền kỳ mạn lục. Như tác giả định nghĩa về thể loại tác phẩm: "Tiểu thuyết truyền kỳ ở đây là tiểu thuyết cổ bằng chữ Hán mang nội dung truyền kỳ". Nguồn gốc của "Tiểu thuyết" (hay "Tiểu thuyết cổ") đã từng là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận. Trong bài viết này, tôi muốn tìm hiểu quan niệm của tác giả luận án qua việc xem xét vị trí của tác phẩm truyền kỳ Kim Ngao tân thoại trong lịch sử văn học Hàn Quốc. Giới nghiên cứu văn học Hàn Quốc nói chung coi Kim Ngao tân thoại là tác phẩm chiếm vị trí quan trọng nhất trong lịch sử tiểu thuyết Hàn Quốc. Trong lịch sử văn học Hàn Quốc, văn học tự sự khởi nguồn từ thần thoại, truyền thuyết cổ đại, trải qua thời kỳ phát triển văn học truyền kỳ mạt kỳ Silla (Tân La), sơ kỳ Koryo (Cao Ly) thế kỷ IX - X và thời kỳ phát triển của truyện ký và tỳ thuyết tạp lục hậu kỳ Koryo (thế kỷ XIV), cho đến sơ kỳ Choson (Triều Tiên) thế kỷ XV, sự xuất hiện của tập truyện truyền kỳ Kim Ngao tân thoại của tác giả Kim Xi Xưp (Kim Thời Tập) mới coi là đã hoàn toàn xác lập văn học tiểu thuyết. Tiểu thuyết đoản thiên Hán văn Hàn Quốc phát triển qua các thế kỷ XV, XVI và nửa đầu thế kỷ XVII. Bắt đầu từ trung kỳ thế kỷ XVII văn học Hàn Quốc bước vào thời kỳ phát triển tiểu thuyết Hàn văn nhưng cho đến tận cuối thế kỷ XIX, tiểu thuyết đoản thiên và trường thiên Hán văn vẫn liên tục xuất hiện [2]. Như vậy, trước khi tập tiểu thuyết truyền kỳ Kim Ngao tân thoại ra đời ở cuối thế kỷ XV, văn học truyền kỳ Hàn Quốc là tiền thân của tiểu thuyết đã phát triển ở thế kỷ IX - X. Sách Tam Quốc di sự do tác giả Nhất Nhiên (1206-1289) biên soạn, ghi chép những truyền thuyết dân gian thời kỳ Tam Quốc (thế kỷ I -nửa đầu thế kỷ VII), trong đó truyện Điều Tín và Kim Hiện cảm hổ có thuyết cho là tác phẩm truyền kỳ thời mạt kỳ Silla thế kỷ IX. Và đặc biệt, Tân La thù dị truyện là tác phẩm thu thập những kỳ văn dị đàm thời Silla (nửa sau thế kỷ VII - thế kỷ IX), trong số các thiên truyện còn lại, Thôi Chí Viễn có thể xem là sáng tác cá nhân, mà các thiên khác đều do văn nhân gia công viết lại trên cơ sở những truyền thuyết dân gian địa phương [3]. Qua xem xét vị trí của Kim Ngao tân thoại trong lịch sử văn học Hàn Quốc có thể nhận ra bước chuyển quan trọng của văn học Hàn Quốc ở thế kỷ XV: từ văn học cổ (truyện cổ, thần thoại, truyền thuyết) là sáng tác dân gian đến tiểu thuyết truyền kỳ là sáng tác cá nhân. Tác giả luận án khi xem xét vị trí của Truyền kỳ mạn lục trong lịch sử văn học Việt Nam đã chỉ ra bước chuyển ấy là chung cho cả văn học Đông Á mà tiểu thuyết truyền kỳ đời Đường Trung Quốc; Kim Ngao tân thoại của Hàn Quốc, Truyền kỳ mạn lục của Việt Nam và văn học vật ngữ của Nhật Bản "là những bằng chứng rõ rệt về tiểu thuyết truyền kỳ là tiểu thuyết đầu tiên trong lịch sử tiểu thuyết Đông Á". Như vậy, tiêu chí để phân biệt tác phẩm tiểu thuyết truyền kỳ với tác phẩm văn học cổ chính là ở yếu tố sáng tác cá nhân. Tác giả luận án coi yếu tố cá nhân tác giả là quan trọng nhất của tiểu thuyết: "Vấn đề tên tác phẩm và tên tác giả dần có sự chuyển hướng từ tập thể tác giả sang cá nhân và khuynh hướng cá nhân hóa đó là yếu tố quan trọng nhất phát triển tiểu thuyết văn học". Hơn nữa, giới nghiên cứu văn học Hàn Quốc nói chung cho rằng lịch sử hình thành tiểu thuyết truyền kỳ Đông Á bắt nguồn từ Tiễn đăng tân thoại của Trung Quốc, không chỉ nghiên cứu về tiểu thuyết truyền kỳ Kim Ngao tân thoại của Hàn Quốc mà còn nghiên cứu so sánh tiểu thuyết truyền kỳ Hàn - Trung - Nhật hay Hàn - Trung - Việt. Xuất phát từ quan niệm: Kim Ngao tân thoại của Hàn Quốc (cuối thế kỷ XV) và Truyền kỳ mạn lục của Việt Nam (đầu thế kỷ XVI) trên cơ sở kế thừa truyền thống văn học tự sự nước mình, nhưng đều chịu ảnh hưởng ở một trình độ nào đó của Tiễn đăng tân thoại Trung Quốc; hơn nữa, hai tác phẩm đều thuộc loại tiểu thuyết truyền kỳ và có điểm chung, được coi như những tiểu thuyết đầu tiên trong lịch sử tiểu thuyết của mỗi nước; nhưng hai tác phẩm không trực tiếp ảnh hưởng đến nhau. Do vậy phương hướng nghiên cứu của tác giả luận án được xác định là, trên cơ sở lấy Tiễn đăng tân thoại làm tiêu chuẩn so sánh sự khác nhau hay giống nhau giữa Kim Ngao tân thoại và Truyền kỳ mạn lục, để có thể tìm hiểu điểm chung của tiểu thuyết truyền kỳ Đông Á cũng như nét riêng của tiểu thuyết truyền kỳ mỗi nước. Quan niệm nghiên cứu như vậy, không giống với quan niệm nghiên cứu so sánh nhằm làm sáng tỏ tính sáng tạo của tác phẩm chịu ảnh hưởng mà phương pháp nghiên cứu thường là, so sánh những truyện có nhiều điểm giống nhau của các tác phẩm để rút ra kết luận tác phẩm sáng tạo hay mô phỏng. Như tác giả luận án quan niệm Kim Ngao tân thoại và Truyền kỳ mạn lục đều chịu ảnh hưởng của Tiễn đăng tân thoại, nhưng đó không hề là sự mô phỏng vay mượn một cách cụ thể mà chịu ảnh hưởng một cách toàn thể từ phương diện thể loại tiểu thuyết truyền kỳ để sáng tạo nên tác phẩm truyền kỳ của riêng mỗi nước - vừa mang những đặc điểm thể loại tác phẩm chung, vừa mang những nét riêng về tác giả cũng như văn hóa, địa lý mỗi nước. Phương pháp nghiên cứu của luận án phù hợp với mục đích nghiên cứu: So sánh một cách toàn diện tác phẩm (tức là so sánh từ phương diện thể loại tiểu thuyết truyền kỳ của tác phẩm) để làm sáng tỏ đặc trưng của tác phẩm, trong đó lấy Tiễn đăng tân thoại làm thước đo để xem xét diện mạo biến đổi của Kim Ngao tân thoại và Truyền kỳ mạn lục về tác giả, tác phẩm và văn hóa, từ đó nêu ý nghĩa văn học sử của tiểu thuyết truyền kỳ ba nước. Các chương tiếp theo từ chương II đến chương VI là sự cụ thể hóa quan niệm nghiên cứu của tác giả luận án: Chương II về giao lưu văn hóa giữa ba nước Hàn - Trung - Việt. Đặc trưng nổi bật được nêu lên, xem Trung Quốc như cầu nối của giao lưu tiếp xúc văn hóa Việt - Hàn thời Trung đại. Những cuộc tao ngộ giữa sứ thần hai nước gặp gỡ nhau ở Trung Quốc; sự tích dòng họ Lý Hoa Sơn ở Hàn Quốc; người Triều Tiên phiêu dạt đến Việt Nam hay người Việt Nam phiêu dạt đến Hàn Quốc... là những bằng chứng về sự tiếp xúc trực tiếp giữa nhân dân hai nước. Qua đó ta có thể hiểu biết một cách cụ thể về tình hình chính trị, chế độ, phong tục, tập quán, sản vật, khí hậu, văn chương, thơ phú... của mỗi nước. Chương III về sự du nhập và ảnh hưởng của Tiễn đăng tân thoại tới Hàn Quốc và Việt Nam. Tiễn đăng tân thoại của tác giả Cù Hựu đời Minh không chỉ được tầng lớp văn nhân trí thức Trung Quốc đón nhận mà còn truyền đến các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Để từ đó, ở những nước này xuất hiện những tác phẩm truyền kỳ mô phỏng nối dòng theo thể loại tiểu thuyết truyền kỳ - Tiễn đăng tân thoại Trung Quốc, Kim Ngao tân thoại Hàn Quốc, Truyền kỳ mạn lục Việt Nam, Gia Tỳ Tử Nhật Bản là những tác phẩm đầu tiên. Tác giả luận án nhận định vai trò bà đỡ của Tiễn đăng tân thoại cho sự xuất hiện của tiểu thuyết truyền kỳ Đông Á. Riêng Kim Ngao tân thoại Hàn Quốc có điểm khác biệt, nó truyền đến Nhật Bản, cùng với Tiễn đăng tân thoại Trung Quốc ảnh hưởng đến sự hình thành tác phẩm Gia Tỳ Tử của tác giả Tiễn Tỉnh Liễu Ý. Nhưng ở Hàn Quốc không có tác phẩm mô phỏng, kế thừa theo thể loại truyền kỳ của Kim Ngao tân thoại một cách rõ rệt, phải chăng là loại hình tác giả Kim Thời Tập và tác phẩm Kim Ngao tân thoại bị phủ nhận một cách tuyệt đối trong xã hội Triều Tiên cứng nhắc về trật tự Nho giáo và đầy mâu thuẫn. Chương IV, trước khi xây dựng tiêu chuẩn so sánh toàn bộ tác phẩm, tác giả luận án xác định diện mạo các tác phẩm theo góc độ so sánh, xem như đặc điểm ngoại hình của thể loại tiểu thuyết truyền kỳ. Thứ nhất, cơ sở nội sinh xuất hiện tiểu thuyết truyền kỳ của Hàn Quốc và Việt Nam. Về phương diện chính trị xã hội là thời kỳ trật tự xã hội bị rối loạn, quyền thần chiếm đoạt ngôi vua. Về tác giả là sự xung đột bi kịch giữa tư tưởng văn nhân với hiện thực xã hội. Về văn học là thời kỳ văn học phát triển với sự ra đời của các tuyển tập truyện cổ và các tác phẩm văn học mang tính nhân cách hóa. Thứ hai, kết cấu của tác phẩm. Kim Ngao tân thoại và Truyền kỳ mạn lục đều chịu ảnh hưởng của Tiễn đăng tân thoại về tên tác phẩm, đầu đề các thiên truyện cũng như về quy mô cấu trúc tác phẩm. Tên của ba tác phẩm đều mang khái niệm tiểu thuyết truyền kỳ "tân thoại" hay "mạn lục". Đầu đề các truyện trong tác phẩm đều viết thể văn ký, truyện, chí, lục là các thể loại văn học Trung Quốc tuy có những biến đổi. Và quy mô cấu trúc tác phẩm đều chia thành quyển, mỗi quyển 5 truyện. Riêng con số 5 truyện trong Giáp tập (tập A) của Kim Ngao tân thoại cũng là một đặc trưng được tác giả luận án quan tâm làm sáng tỏ khi so sánh theo loại hình các truyện của tác phẩm cũng như so sánh thực tế các thiên truyện trong ba tác phẩm. Chương IV, xây dựng tiêu chuẩn so sánh toàn bộ tác phẩm cũng có nghĩa là so sánh theo loại hình các truyện của ba tác phẩm. Tác giả luận án theo phương pháp phân loại truyền kỳ đời Đường chia các thiên truyện làm hai loại: diễm tình và kỳ quái. Về loại truyện diễm tình miêu tả sự li hợp trong tình yêu nam nữ, luận án căn cứ theo tình huống cuộc gặp gỡ nam nữ, nhân vật chính chia ra 3 trường hợp: truyện viết về sự li hợp của nam nữ ở thế giới hiện thực; truyện viết về sự li hợp của nam nữ ở thế giới hiện thực rồi chuyển sang thế giới phi hiện thực; truyện viết về sự li hợp của nam với nữ hồn ma ở cả thế giới hiện thực và phi hiện thực (dưới đây viết tắt các loại hình truyện là LH1, LH2, LH3). Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục có cả ba loại truyện, riêng Kim Ngao tân thoại không có LH1 - vì sao vậy ? Đây cũng là một đặc trưng của Kim Ngao tân thoại sẽ được luận án làm sáng tỏ khi so sánh LH2 và LH3 có ở cả ba tác phẩm là loại hình kết hợp giữa yếu tố truyền kỳ với yếu tố diễm tình. Thông qua so sánh yếu tố truyền kỳ, để xem xét điểm khác nhau của loại diễm tình trong ba tác phẩm, điều đó cũng có nghĩa là, thông qua so sánh loại hình truyện diễm tình của ba tác phẩm để xem xét sự tiếp nhận và biến đổi của Kim Ngao tân thoại và Truyền kỳ mạn lục từ Tiễn đăng tân thoại. Kết quả so sánh cho thấy truyện diễm tình của Kim Ngao tân thoại đậm sắc thái truyền kỳ nhất, thể hiện rõ nhất động cơ sáng tác của tác giả - chủ đề diễm tình có mục đích để giải mối hận ở thế giới hiện thực: lòng trung thủy và tình yêu dang dở. Đến đây đặc điểm truyện diễm tình không có LH1 của Kim Ngao tân thoại được làm sáng tỏ. Tác giả Kim Ngao tân thoại đã chủ ý không xây dựng cốt truyện tình yêu nam nữ ở thế giới hiện thực mà mượn mô típ truyền kỳ cấu tạo cốt truyện ở thế giới hiện thực để ngụ ý động cơ sáng tác. Truyền kỳ mạn lục có cả 3 loại hình truyện như Tiễn đăng tân thoại, nhưng kết quả so sánh cho thấy sự biến đổi của tác phẩm nhằm thể hiện ý đồ sáng tác mang tính giáo huấn của tác giả. Ngoài chủ đề diễm tình nêu cao trinh tiết phụ nữ, còn là lời cảnh báo người chồng ghen tuông mù quáng trong Nam Xương nữ tử lục, người chồng ham mê cờ bạc trong Khoái Châu nghĩa phụ truyện, phê phán kẻ cậy quyền ỷ thế trong Thúy Tiêu truyện, nêu cao trinh tiết phụ nữ gắn với ca ngợi tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm trong Lệ Nương truyện hay chủ đề diễm tình hòa quyện với chủ đề bài trừ yêu quái trong Tây viên kỳ ngộ ký. Về loại truyện kỳ quái miêu tả nhân vật của thế giới hiện thực và thế giới phi hiện thực, luận án căn cứ theo nội dung loại truyện kỳ quái chia ra: truyện xây dựng các bối cảnh không gian thế giới phi hiện thực khác nhau và truyện viết về sự giao du hay diệt trừ giữa các nhân vật của thế giới hiện thực với nhân vật của thế giới phi hiện thực. Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục đều xây dựng các bối cảnh không gian như thế giới long cung, thế giới địa phủ, thế giới thần tiên, thế giới thiên đình và bao gồm truyện viết về sự giao du hay diệt trừ giữa nhân vật thế giới hiện thực với nhân vật thế giới phi hiện thực. Kim Ngao tân thoại có 3 truyện bao gồm cả 4 loại thế giới phi hiện thực trên, nhưng chỉ viết về sự giao du giữa văn nhân với nhân vật các thế giới phi hiện thực; trong đó 2 truyện với chủ đề xác nhận tài năng văn chương của nhân vật chính rồi được nhận chức quan ở thế giới phi hiện thực (Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục không có loại hình này), 1 truyện với chủ đề xác nhận tài năng văn chương của nhân vật chính rồi được nhận quà tặng (Tiễn đăng tân thoại có loại này,Truyền kỳ mạn lục không có loại này). Nghiên cứu cho thấy, Kim Ngao tân thoại đề cao việc xác nhận tài năng văn chương của nhân vật chính rồi được nhận chức quan (ở địa giới, ở thiên giới) hay được nhận quà tặng (ở long cung) - đến đây con số 5 truyện của Kim Ngao tân thoại được tác giả luận án làm sáng tỏ. Tác giả Kim Thời Tập đã không xây dựng những cốt truyện thường thấy ở truyện cổ Hàn Quốc, như sự linh nghiệm về thế giới kỳ lạ hay con người diệt trừ yêu quái, mà chỉ xây dựng truyện văn nhân giao du trong những thế giới lý tưởng rồi nhận được chức quan hay quà tặng. Và như vậy, 2 truyện loại diễm tình 3 truyện loại kỳ quái - 5 truyện của Kim Ngao tân thoại phù hợp nhất với động cơ sáng tác của tác giả. Kết quả so sánh cho thấy, nếu như ở loại truyện diễm tình, tác giả Kim Thời Tập đã hiện thực hóa những hy vọng của bản thân bằng cách đưa những yếu tố phi hiện thực vào trong thế giới hiện thực; thì ở truyện kỳ quái lại là sự huyễn tưởng hóa những hy vọng ấy, bằng cách kết cấu mộng du lấy thế giới phi hiện thực làm trung tâm. Xem xét sự biến đổi của Kim Ngao tân thoại và Truyền kỳ mạn lục, tác giả luận án nhận định rằng Truyền kỳ mạn lục biến đổi nhiều hơn về chủ đề sáng tác, như tỷ lệ các truyện theo mô típ diệt trừ yêu quái hoặc châm biếm chính trị cao hơn Tiễn đăng tân thoại: sự kết hợp yếu tố truyền kỳ với yếu tố truyện cổ dân gian; kết hợp mô típ kỳ quái với diễm tình và với các sự kiện lịch sử, cũng như nhân vật lịch sử; hay về phương thức sáng tác, kết hợp lời bình của tác giả ở cuối truyện... Ngược lại, Kim Ngao tân thoại không theo hướng biến đổi phong phú về chủ đề mà khắc họa sâu sắc chủ đề, ngụ ý động cơ sáng tác, là "tiểu thuyết hình tượng hóa ý đồ sáng tác của tác giả". Chương V so sánh thực tế các truyện của ba tác phẩm. Dựa vào loại hình các truyện kỳ quái và diễm tình để khảo sát về nhân vật, bối cảnh, kết cấu, phương thức sáng tác, chủ đề tư tưởng. Và thông qua so sánh để tìm hiểu sự biến đổi về tác phẩm, tác giả, văn hóa cũng như quan hệ ảnh hưởng giữa Tiễn đăng tân thoại với Kim Ngao tân thoạivà Truyền kỳ mạn lục. Về loại truyện diễm tình, ba thiên truyện tiêu biểu của ba tác phẩm được lựa chọn là Thúy Thúy truyện của Trung Quốc (sau đây gọi tắt là Thúy Thúy ), Lý Sinh khuy tường truyện của Hàn Quốc (sau đây gọi tắt là Lý Sinh ) và Lệ Nương truyện của Việt Nam (sau đây gọi tắt là Lệ Nương ). Sự khác nhau về tác giả, về địa lý là tiêu điểm để tác giả luận án xem xét diện mạo biến đổi của tác phẩm mỗi nước. Kết quả so sánh cho thấy rõ, Thúy Thúy đậm sắc thái truyền kỳ diễm tình miêu tả tình yêu nam nữ; Lý Sinh và Lệ Nương trên cơ sở kế thừa những tác phẩm văn học cổ của nước mình và tiếp nhận ảnh hưởng của thể loại tiểu thuyết truyền kỳ diễm tình Trung Quốc nói chung, của Thúy Thúy nói riêng để thể hiện rõ động cơ sáng tác, phương pháp sáng tác của tác giả mang đặc điểm văn hóa riêng của mỗi nước. Ở Lý Sinh, chủ đề diễm tình ngụ ý giải hận, phương thức sáng tác xen lẫn thơ ca giữ vai trò đối thoại gián tiếp giữa nam nữ nhân vật chính được chú trọng, tư tưởng hiện thực nổi bật trên nền tư tưởng Nho giáo Phương Đông. Ở Lệ Nương, chủ đề diễm tình hòa quyện với chủ đề yêu nước đánh giặc ngoại xâm, tri thức uyên bác của tác giả về lịch sử và về văn học bộc lộ rõ nét, tư tưởng Nho giáo, tư tưởng Phật giáo kết hợp với tình cảm yêu nước, ý chí chống giặc ngoại xâm. Về loại truyện kỳ quái, luận án chọn ba thiên truyện tiêu biểu của ba tác phẩm: Thủy cung khánh hội lục trong Tiễn đăng tân thoại (sau đây gọi tắt Thủy cung), Long cung phó yến lục của Kim Ngao tân thoại (sau đây gọi tắt là Long cung), Long đình đối tụng lục của Truyền kỳ mạn lục (sau đây gọi tắt là Long đình). Kết quả so sánh cho thấy, Thủy cung là điển hình của truyền kỳ loại kỳ quái miêu tả sự giao du của văn nhân ở thế giới long cung kỳ lạ; Long cung dựa đúng theo cốt truyện của Thủy cung nhưng nhấn mạnh tài năng văn chương của nhân vật chính ở thế giới long cung, phương thức sáng tác vay mượn cốt truyện Thủy cung nhưng cấu trúc kiểu mộng du để khắc hoạ thế giới long cung văn chương hoa lệ hơn, thế giới long cung của Thủy cung thật kỳ lạ nhưng thế giới long cung của Long cung đầy chất lý tưởng và lãng mạn. Khác hẳn với Thủy cung và Long cung, Long đình khắc họa ý đồ giáo huấn của tác giả, diệt trừ yêu quái làm hại dân lành, cốt truyện Long đình cấu tạo lại theo kiểu truyện cổ tích Việt Nam và thế giới long cung không phải là thế giới lí tưởng, kỳ lạ mà gần gũi với thế giới trần gian. Qua việc so sánh các tác phẩm truyền kỳ của ba nước, luận án rút ra ý nghĩa văn học sử của tiểu thuyết truyền kỳ ba nước: Tác phẩm Tiễn đăng tân thoại của tác giả Cù Hựu đời Minh Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành tiểu thuyết truyền kỳ Đông Á. Kim Ngao tân thoại của tác giả Kim Thời Tập Hàn Quốc và Truyền kỳ mạn lục của tác giả Nguyễn Dữ Việt Nam chịu ảnh hưởng một cách toàn diện từ phương diện thể loại của Tiễn đăng tân thoạ i, mở ra thời đại tiểu thuyết truyền kỳ ở nước mình. Hơn thế nữa, Kim Ngao tân thoại còn ảnh hưởng tới sự xuất hiện Gia Tỳ Tử của tác giả Tiễn Tỉnh Liễu Ý Nhật Bản là tác phẩm mở đầu tiểu thuyết truyền kỳ Nhật Bản. Và như vậy, Kim Ngao tân thoại và Truyền kỳ mạn lục chính là cầu nối cho quá trình tiếp nhận, biến đổi thể loại truyền kỳ và giao lưu văn hóa trong khu vực Đông Á. So sánh về sự biến đổi của Kim Ngao tân thoại và Truyền kỳ mạn lục, tác giả luận án rút ra nhận xét: "Truyền kỳ mạn lục được coi là hình thái tiểu thuyết truyền kỳ phát sinh một cách tự nhiên; còn Kim Ngao tân thoại được coi là tiểu thuyết mượn mô típ truyền kỳ một cách có ý đồ". Bởi thế nên giới nghiên cứu văn học Hàn Quốc nói chung coi Kim Ngao tân thoại là tiểu thuyết đầu tiên của Hàn Quốc. Đọc luận án của tác giả Toàn Huệ Khanh, tôi cảm nhận hiệu quả của một phương pháp nghiên cứu so sánh mang tính toàn diện về loại hình tác phẩm tiểu thuyết truyền kỳ Đông Á, trong đó bao gồm cả sự hình thành và quá trình cách tân thể loại, từ đó mở ra những khả năng mới trong nghiên cứu văn học, văn hóa khu vực Đông Á. Cứ hình dung tiểu thuyết truyền kỳ Đông Á như một toà lâu đài cổ kính, các nhà khoa học đã và đang từng bước khám phá những bí ẩn. Tuy nhiên, nhiều vấn đề của thực tiễn sáng tác mỗi dân tộc cần được tiếp tục bàn bạc và trao đổi. Nguyễn Thị Ngân Viện Nghiên cứu Hán Nôm [1] Tác giả Toàn Huệ Khanh hiện là Giáo sư giảng dạy tại khoa tiếng Việt trường Đại học ngoại ngữ Hàn Quốc. Mới đây hai trong số các công trình nghiên cứu văn học so sánh của bà đã được dịch từ tiếng Hàn sang tiếng Việt: (1) Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết truyền kỳ Hàn Quốc - Trung Quốc - Việt Nam (thông qua Kim Ngao tân thoại, Tiễn đăng tân thoại, Truyền kỳ mạn lục), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004. (2) Nghiên cứu so sánh truyện cổ Hàn Quốc và Việt Nam (thông qua tìm hiểu sự tích động vật). Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội 2005. Ngoài ra, sách Kim Ngao tân thoại của tác giả Kim Thời Tập (1435-1493) cũng được dịch từ tiếng Hàn sang tiếng Việt (Nxb. Đại học Quốc gia, 2004). Cả ba sách đều do Giáo sư Toàn Huệ Khanh và nhà nghiên cứu Hàn Quốc Lý Xuân Chung dịch. Nhân đây tôi xin trân trọng cảm ơn các dịch giả đã gửi tặng sách. [2] Theo Hàn Quốc Hán văn tiểu thuyết giản sử của Giáo sư Trương Hiếu Huyền, khoa Quốc văn Đại học Koryo Hàn Quốc và theo Triều Tiên văn học sử, Vi Húc Thăng biên soạn, Nxb. Đại học Bắc Kinh, 1986. Nhân đây tôi xin trân trọng cảm ơn Giáo sư Choe Yong Chu (Thôi Dung Triệt) và Giáo sư Chang Hyo Hyen (Trương Hiếu Huyền) ở trường Đại học Koryo Hàn Quốc đã tặng tôi những tài liệu quý giá. [3] Xem thêm Nguyễn Thị Ngân: Vân Anh truyện trong dòng mạch tiểu thuyết Hán văn Hàn Quốc với đề tài tình yêu lãng mạn, Thông báo Hán Nôm học năm 1998; Tân La thù dị truyện và văn nhân truyền kỳ Thôi Chí Viễn, Thông báo Hán Nôm học năm 2000. Viện nghiên cứu Hán Nôm./.