BẢO TÀNG QUỐC GIA HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Hiện nay, hệ thống bảo tàng quốc gia Hàn Quốc bao gồm 12 bảo tàng nằm rải rác ở khắp các vùng trên cả nước, trong đó Bảo tàng quốc gia Seoul là trung tâm. Tên của mỗi bảo tàng là tên của địa phương gắn với thuật ngữ “bảo tàng quốc gia”, ví dụ Bảo tàng quốc gia Gongju (Gongju National Museum), Bảo tàng quốc gia Buyeo (Buyeo National Museum), Bảo tàng quốc gia Gwangju (Gwangju National Museum), Bảo tàng quốc gia Jeju (Jeju National Museum)... Nhiệm vụ của mỗi bảo tàng này là bảo tồn và triển lãm các chế tác văn hóa khai quật được ở địa phương, nơi bảo tàng được xây dựng.
Về kiến trúc, tất cả các tòa nhà của cả hệ thống bảo tàng đều được xây dựng hoàn toàn mới với các kỹ thuật hiện đại nhất và theo đặc trưng văn hóa của khu vực đặt bảo tàng. Do vậy có thể nói hệ thống bảo tàng quốc gia Hàn Quốc cho ta một cái nhìn tổng quát về lịch sử kiến trúc của đất nước này.
Về nội dung, mặc dù thuộc một hệ thống bảo tàng quốc gia nhưng mỗi bảo tàng địa phương là một nơi bảo tồn và trưng bày các di tích lịch sử và văn hóa riêng biệt về đất nước Hàn Quốc.
Tất cả 11 bảo tàng địa phương đều chịu sự quản lý của Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc. Việc quản lý tập trung này giúp cho hoạt động trao đổi và triển lãm tích cực hơn cũng như giúp truyền bá thông tin kịp thời. Ví dụ như thông qua các chương trình trao đổi nhân sự luân phiên giữa các bảo tàng, các chuyên gia về khảo cổ có điều kiện để chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn liên quan đến lĩnh vực khoa học bảo tồn. Ngoài ra, về mặt ngân sách hoạt động, sự quản lý tập trung cho phép mỗi bảo tàng ngoài phần ngân sách được phân bổ phục vụ cho hoạt động tổng thể còn được cấp thêm kinh phí bổ sung để hỗ trợ khi có một hoạt động đặc biệt nào đó.
Bảo tàng quốc gia Seoul - một trung tâm văn hoá mới
Bảo tàng quốc gia Seoul hay còn gọi là Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc, là bảo tàng trung tâm trong hệ thống 12 bảo tàng quốc gia của Hàn Quốc. Vào ngày 28/10/2005 bảo tàng này chính thức mở cửa và phục vụ với tư cách là một trung tâm văn hóa, nơi lưu giữ hàng nghìn năm lịch sử và nguồn gốc của dân tộc Triều Tiên.
Được xếp hạng là bảo tàng lớn thứ 6 trên thế giới, Bảo tàng quốc gia Seoul có diện tích xây dựng tổng thể là 137.089 m2 và khu triển lãm rộng 27.091 m2. So với bảo tàng cũ được xây dựng dưới thời thuộc địa của Nhật Bản, bảo tàng mới này do chính người Hàn Quốc thiết kế và xây dựng với những công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất.
Nét nổi bật trong thiết kế của Bảo tàng trước hết phải kể đến là hệ thống ánh sáng hết sức tối tân. Suốt dọc hành lang dẫn từ sảnh lớn có mái vòm đến khu trưng bày, được gọi là Đường mòn lịch sử, ánh sáng được sử dụng là ánh sáng tự nhiên do một hệ thống điều khiển công nghệ cao tự động xác định hướng mặt trời theo thời gian trong ngày và theo mùa để lấy được lượng ánh sáng tự nhiên nhiều nhất chiếu sáng bên trong. Bên cạnh hệ thống ánh sáng tối tân, Bảo tàng còn được trang bị một hệ thống lưu thông không khí không kém phần hiện đại bao gồm nhiều máy lọc không khí lớn và các thiết bị giám sát chất lượng không khí tạo cho môi trường bên trong Bảo tàng luôn thoáng mát và dễ chịu. Không chỉ có vậy, sự thoải mái và thuận tiện của Bảo tàng mới còn ở những thiết kế riêng dành cho người tàn tật. Ví dụ như một loạt các dấu hiệu và chữ nổi dành cho người khiếm thị, còn đối với khiếm thính thì hệ thống đèn chớp được thay cho chuông báo cháy. Mọi nơi trong Bảo tàng đều có thể sử dụng xe lăn và có những chỗ chăm sóc đặc biệt để giúp cho người già và người tàn tật di chuyển dễ dàng.
Điểm đáng chú ý nữa trong thiết kế của Bảo tàng mới là cấu trúc chịu được động đất cao của các tòa nhà. Với hệ thống móng được thiết kế đặc biệt để chịu được sự rung chuyển của những cơn động đất và thích ứng với bất cứ thay đổi nào trên mặt đất, Bảo tàng Seoul được coi là khu nhà có khả năng chịu được động đất cao nhất ở Hàn Quốc hiện nay với mức 6.0 độ ricte.
Việc đặt vị trí của các kho lưu trữ cũng là một điểm thiết kế khác biệt của Bảo tàng mới. Trước đây, người ta nghĩ rằng lưu trữ dưới mặt đất an toàn hơn và càng sâu thì càng tốt. Tuy nhiên, việc đặt các kho dưới mặt đất luôn gặp phải vấn đề về lưu thông không khí và khả năng bị lụt lội. Rút kinh nghiệm từ điều này, các kho lưu trữ của Bảo tàng mới đều được đặt trên mặt đất, không những vậy còn được đặt ở vị trí cao hơn 4 m so với Bảo tàng để đề phòng lụt lội khi sông Hangang tràn khỏi đê.
Về chức năng, có thể nói Bảo tàng quốc gia Seoul không chỉ là một nơi lưu giữ và triển lãm các chế tác văn hóa cổ đơn thuần mà đây còn là nơi giúp cho những người đến tham quan có thêm hiểu biết thông qua kinh nghiệm thực hành. Ở đây bên cạnh các cơ sở dành cho triển lãm còn có phòng hội thảo, nhà hát, thư viện sẵn sàng phục vụ cho các chương trình giáo dục cũng như các hoạt động học tập. Tiêu biểu phải thể kể đến là Nhà hát Yong (Rồng) của Bảo tàng có sức chứa 870 chỗ dành cho việc trình diễn các hoạt động nghệ thuật trong và ngoài nước như ba lê, nhạc cổ điển, múa đương đại, nhạc Hàn Quốc truyền thống, nhạc jazz và pop. Ngoài ra còn có những cơ sở tiện nghi khác bao gồm một hội trường với 400 chỗ được trang bị thiết bị dịch đồng thời 4 thứ tiếng phục vụ cho các cuộc hội thảo quốc tế, một hội trường dưới 200 chỗ, 3 phòng giảng, xưởng làm gốm với bàn xoay máy, phòng nhuộm và phòng thư họa với trần cao để treo các tác phẩm.
Không chỉ cung cấp thông tin và các tư liệu khoa học về các di vật trưng bày thông qua địa chỉ internet, Bảo tàng còn tạo cho người xem sự thuận tiện và thích thú với các cơ sở trưng bày tối tân và đặc biệt là hệ thống hướng dẫn triển lãm không dây. Chỉ cần một máy PDA hoặc MP3 mượn của Bảo tàng, khách tham quan có thể biết được nội dung chi tiết dưới dạng hình ảnh hoặc âm thanh về triển lãm mà họ quan tâm bằng việc đứng trước khu triển lãm đó để lấy thông tin truyền qua cổng hồng ngoại từ thiết bị đặt trên đỉnh của cơ sở trưng bày. Đây có thể nói là một trong những hệ thống hướng dẫn triển lãm công nghệ cao đầu tiên trên thế giới.
Một điểm đặc biệt nữa của Bảo tàng mới đó là việc thiết kế một không gian triển lãm riêng dành cho trẻ em. Bảo tàng trẻ em bao gồm diện tích triển lãm rộng 1.123m2 và 3 cơ sở liên quan. Tại đây trẻ em có thể chạm vào và cầm nắm các đồ vật được nói đến trong sách giáo khoa như đồ gốm được trang trí hoa văn răng lược và những con dao đá hình nửa vầng trăng, từ đó giúp cho các em hiểu biết nhiều hơn về những đồ tạo tác này.
Những triển lãm thường xuyên ở Bảo tàng chủ yếu được chia thành 6 hạng mục bao gồm các di vật khảo cổ, tư liệu lịch sử, đồ tạo tác được hiến tặng, các tác phẩm nghệ thuật I và II, và các di vật ở Châu Á. Hiện có khoảng 11.000 món kể cả các tác phẩm lần đầu tiên đưa ra triển lãm công khai, đang được trưng bày tại Bảo tàng.
Phòng triển lãm đặc biệt của bảo tàng sẽ giới thiệu những triển lãm và sự kiện đặc biệt. Trong năm 2005, sự kiện đầu tiên là triển lãm “Bảo tàng quốc gia 60 tuổi”. Năm 2006 này, sự kiện tiếp theo sẽ là giao lưu triển lãm với bảo tàng Louvre và Guimet của Pháp nhân dịp kỷ niệm 120 năm quan hệ ngoại giao Hàn Quốc-Pháp. Bằng cách này, Bảo tàng quốc gia mới sẽ tiếp tục cố gắng để giới thiệu các nền văn hóa khác nhau trên thế giới cho nhân dân Hàn Quốc và đồng thời thúc đẩy việc giới thiệu văn hóa Hàn Quốc ở nước ngoài thông qua triển lãm ở nước ngoài.
Thực hiện: Minh Hằng
Nguồn: Koreana Vol. 19, No. 4 Winter 2005
Biên tập: nhóm website