Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


BÀN VỀ TÍNH NÓNG VỘI CỦA NGƯỜI HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Ai đã sống ở Hàn Quốc và tiếp xúc với người Hàn Quốc đều nhận thấy người Hàn Quốc tính nóng nảy, hay vội vàng. Dường như câu nói cửa miệng của người Hàn Quốc là Nhanh lên! Nhanh lên! Những hiện tượng dưới đây ta thường gặp ở trong cuộc sống của người Hàn Quốc: trên đường phố, xe ô tô nối đuôi nhau chạy như thác nước. Chiếc xe nào ở phía trước chạy chậm lại một tý liền bị người đi sau la ó quát đi nhanh lên! Trong thang máy, mỗi khi đi lên (hoặc xuống) thang máy sẽ tự động dừng lại ở các tầng và mở cửa, đóng cửa cho khách ra vào, thế nhưng vẫn thấy có những hành khách sốt ruột cứ ấn nút hoài. Ngày 7/5/1990 một đoàn tàu điện ngầm đi từ Seoul đến Tungdaemun chậm mất 10 phút, khi đoàn tàu đến nơi, bị hành khách đứng chờ ở Tungdaemun tức quá, đập vỡ mất 15 ô cửa kính.

Đúng là tính cách của người Hàn Quốc là hào mại, nhiệt tình nhưng cũng rất hay nôn nóng, rất dễ bị xúc động. Theo thống kê, người Hàn Quốc, khi đi bộ, trong 1 phút, số lần bước của họ thường nhiều hơn người Châu Âu ít nhất là 15 bước. Có học giả cho rằng sở dĩ người Hàn Quốc dễ dàng tiếp nhận lối ăn nhanh (fast food) của người Âu - Mỹ là vì truyền thống của người Hàn Quốc ăn uống hết sức đơn giản, họ tiếp thu cách "ăn nhanh" của người Âu - Mỹ rất nhanh. Vả lại người Hàn Quốc vốn sinh ra đã có tính vội vàng rồi. Trong thời kinh tế phát triển nhanh như hiện nay, nhịp điệu cuộc sống càng gấp gáp thì hình thức ăn nhanh rất thích hợp với họ.

Tính nóng vội của người Hàn Quốc giúp họ có thể kịp thời nắm bắt thời cơ, xử trí nhanh nhạy, rất có lợi cho sự phát triển tăng tốc của kinh tế. Nhiều công trình xây dựng kinh tế của họ được hoàn thành trước thời hạn. Ví dụ, đường cao tốc từ Seoul đến Pusan được hoàn thành trong thời gian có 29 tháng, khiến cho nhiều công ty nước ngoài hết sức ngạc nhiên, không thể tin được. Trong lúc đó đường cao tốc của Nhật Bản từ Kobe đến Nagoya, độ dài tưng đưng với đường cao tốc Seoul - Pusan mà thời gian thi công dài hơn 1 năm so với công trình của Hàn Quốc. Lại ví dụ như đường tàu điện ngầm ở Seoul vốn là không có gì, nếu cứ theo tiến trình xây dựng như của các nước thì không biết đến bao giờ mới hoàn thành. Người Hàn Quốc tính tình nóng vội, vừa hạ lệnh một cái, bốn tuyến đường khởi công cùng một lúc, chỉ vẻn vẹn có mấy năm đã làm xong, thế là Seoul có hệ thống tầu điện ngầm hiện đại vào bậc nhất thế giới. Lại ví dụ như nhà máy đóng tàu Ulsan. Để rút ngắn thời gian xây dựng, người Hàn Quốc đã tiến hành trái với lệ thông thường, nghĩa là chưa có nhà xưởng mà họ đã bắt tay vào đóng tàu ngay. Sau đó vừa đóng tàu vừa xây dựng nhà máy. Với tính nóng vội, ngay cả khi chưa thấy bóng dáng nhà xưởng đâu, trong tay chỉ có bãi biển hoang sơ để xây dựng nhà xưởng mà họ đã tìm cách bán tàu vừa đóng xong cho nước ngoài rồi.

Nhưng tính nóng vội của người Hàn Quốc đôi khi cũng gây ra hậu quả tai hại. Người ta hay dùng câu thành ngữ Trung Quốc dục tốc tắc bất đạt để diễn tả. Trong công trình xây dựng đường tầu điện ngầm, do nóng vội làm gấp nên cũng xảy ra sai sót: Gắn biển báo từng ga không đúng chỗ, khiến cho hành khách đi tầu không nhìn thấy. Làm lễ khánh thành rồi mới phát hiện ra sai sót ấy. Gắn nhầm biển còn có thể sửa chữa được, nhưng có những công trình khác không thể nào sửa chữa được. Trong những cuộc đàm phán kinh tế, buôn bán cần đến sự nhẫn nại, kiên trì thì các thương nhân Hàn Quốc cũng thường bộc lộ những nhược điểm này.

Nhiều thương nhân nước ngoài, khi đàm phán với người Hàn Quốc thường cảm thấy sự nôn nóng của họ: hôm nay đàm phán, mong ngày mai ký kết và muốn ngày kia là khai trương ngay. Tác phong nhanh chóng này có lúc làm cho cả hai bên thấy hỉ hả sung sướng, nhưng cũng có lúc do suy nghĩ chưa chín chắn, chưa có luận chứng cụ thể dẫn đến tình trạng phi làm đi làm lại nhiều lần, thậm chí có khi phi huỷ bỏ hết những điều khoản đã thoả thuận. Các thương nhân Hàn Quốc đến đầu tư ở một số nước Đông Nam Á đều có tình trạng như trên, đàm phán thì nhiều mà hiệu quả thì ít. Xảy ra tình trạng đó, cố nhiên là có điều kiện khách quan chưa chín muồi, nhưng cách làm và thái độ nóng vội của người Hàn Quốc thường là "chất xúc tác" khiến cho đàm phán không thành.

Có nhiều học giả đã thử giải thích tính nóng vội này của người Hàn Quốc. Người thì cho rằng người Hàn Quốc sống ở bán đảo, bốn bề sóng biển, nên họ thường nói to, cử chỉ mạnh bạo, làm việc dứt khoát, tranh thủ thời gian. Người thì cho rằng tâm hồn người Hàn Quốc trong sáng, tính tình ngay thẳng nên gặp những chuyện bất bình họ thường tỏ ra khó chịu, nóng nảy, nhìn không thuận mắt, nghe không thuận tai. Gần đây có người cho rằng, tính nóng vội của người Hàn Quốc có liên quan đến lịch sử không ổn định lâu dài của Hàn Quốc. Chiến tranh liên miên, luôn luôn xảy ra chuyện tranh giành quyền lực. Tình hình đó một mặt tạo nên khả năng giỏi thích ứng cho người Hàn Quốc, mặt khác cũng tạo nên tính nóng vội "làm việc gì cũng muốn cho nhanh" kẻo tình hình thay đổi thì mọi kế hoạch, ước mơ... đều đổ xuống sông xuống biển hết.



Thực hiện: PGS.TS. Lê Huy Tiêu,Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Hà Nội

Biên tập: Nhóm website

Nguồn: TCNCĐBA 0204

Scroll To Top